Sau khi Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 55-CTr/TU, ngày 04/01/2018 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020; chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng triển khai học tập, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức (hội nghị, hội thảo, báo đài, truyền thanh cơ sở...).
Chỉ đạo cơ quan truyền thông, báo, đài mở các chuyên trang, chuyên mục về du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW.
Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị triển khai việc học tập quán triệt Nghị quyết 08-NQ/TW và Chương trình 55-CTr/TU cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, đảng viên, công chức, viên chức; đồng thời chỉ đạo công tac tuyên truyền nội dung nghị quyết và các chủ trương, chính sách, pháp luật về du lịch đến tận thôn, bản, khối phố và các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở và các hội nghị, lớp tập huấn; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, có thái độ ứng xử lịch sự, văn minh, thân thiện đối với khách du lịch.
Trong 5 năm qua, hướng tới xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu du lịch Nghệ An dựa trên lợi thế nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa có giá trị nôi bật, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đạt kết quả tích cực. Quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn gắn với phát triển du lịch; từng bước đa dạng hóa dịch vụ du lịch ở thị xã Cửa Lò và các huyện ven biển; tăng cường kết nối các điểm du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh, điểm đến lịch sử cách mạng tại các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu... tạo thành các tour du lịch hấp dẫn; đẩy mạnh phát triển du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo và giải trí tổng hợp ở thành phố Vinh trên cơ sở kêu gọi đầu tư các khu vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp tích cực khai thác tuyến du lịch ven sông Lam, phố đi bộ, chợ đêm Cao Thắng – tập trung xây dựng các điểm đến du lịch sinh thái gắn với văn hoá vùng đồng bào dân tộc tại các huyện miền Tây để thu hút du khách trong và ngoài nước, xây dựng một số điểm trình diễn Dân ca Ví, Giặm ở huyện Nam Đàn để phuc vụ khách du lịch.
Công tác thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch đạt được một số kết quả nhất định, trong 5 năm qua Nghệ An đã kêu gọi đầu tư được các dự án du lịch có quy mô và đẳng cấp, chất lượng cao. Hoạt động liên kết phát triển du lịch ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, gắn Nghệ An vào chuỗi các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng. Phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”; tổ chức diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng tại Nghệ An năm 2022; hợp tác phát triển giữa ba tỉnh Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025; hợp tác phát triển du lịch giữa Sở Du lịch Hải Phòng, Sở Du lịch Bình Định và Sở Du lịch Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025; hợp tác phát triển du lịch với các đơn vị: Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, hợp tác quảng bá xúc tiến du lịch với Hãng hàng không Vietjet Air giai đoạn 2020 - 2025, kết nối với VTV để quảng bá, xúc tiến du lịch...; phối hợp tổ chức các hoạt động giới thiệu du lịch Nghệ An thông qua các sự kiện văn hóa, du lịch tại Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và một số nước Châu Âu nhằm đẩy mạnh việc khai thác, phát triển tour kết nối điểm đến giữa Nghệ An và các nước.
Quan tâm đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các địa phương, đơn vị nhận thức được tầm quan trọng của phát triển du lịch đối với kinh tế, xã hội của địa phương nên đã cụ thể hóa trong quan điểm, mục tiêu của nghị quyết đại hội đảng, xây dựng các đề án phát triển du lịch; quan tâm bố trí nguồn vốn để xây dựng sản phẩm, đầu tư hạ tầng du lịch; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nâng cao kiến thức, văn hoá giao tiếp, ứng xử văn minh trong kinh doanh; tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về bản sắc văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên của địa phương. Vai trò của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương được định hình, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Hoạt động du lịch Nghệ An duy trì được mức tăng trưởng khá ổn định trong giai đoạn 2017 - 2019, lượng khách tăng từ 5.959.330 lượt năm 2017 lên 6.591.000 lượt năm 2019, trong đó: khách lưu trú tăng từ 3.850.210 lượt năm 2017 lên 4.722.000 lượt khách năm 2019, khách quốc tế tăng từ 109.100 lượt năm 2017 lên 146.170 lượt năm 2019; tương ứng với tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch bình quân giai đoạn đạt 9,2%/năm, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế bình quân giai đoạn đạt 26,1%. Tuy nhiên, năm 2020 ngành du lịch gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến lượng khách biến động, giảm sâu dẫn đến không đạt được mục tiêu về lượt khách và tổng thu từ du lịch đã đề ra, cụ thể: Tổng lượng khách du lịch đến Nghệ An giảm còn 3.525.500 lượt, trong đó khách lưu trú: 2.684.000 khách quốc tế là 19.320 lượt; tổng thu từ du lịch giảm mạnh, chỉ đạt 4.720.564 triệu đồng. Các chỉ tiêu tăng trưởng về lượng khách và doanh thu từ du lịch đến năm 2019 cơ bản đạt được theo kế hoạch đề ra (năm 2020, 2021 bị giảm sâu không đạt mục tiêu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19), các mục tiêu về sản phẩm thương hiệu du lịch Nghệ An, thu hút các dự án đầu tư có đẳng cấp, chất lượng và kết nối Nghệ An vào chuỗi các sản phẩm du lịch vùng... về cơ bản đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, chỉ đạt được một phần của mục tiêu đề ra.
Một số mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thời gian tới
Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, trọng tâm là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái cộng đồng. Ưu tiên phát triển các dịch vụ chất lượng cao nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch. Nâng cao hiệu quả kết nối Nghệ An vào chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch trong nước và quốc tế, để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng nhanh lượng khách du lịch quốc tế là cơ bản; ổn định thị trường khách du lịch nội địa là then chốt. Phát triển du lịch kết hợp chặt chẽ với bảo vệ an ninh, chính trị; củng cố quốc phòng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút từ 6,0 - 6,3 triệu lượt khách du lịch có lưu trú, trong đó có 300 ngàn lượt khách quốc tế; doanh thu đạt 11.000 tỷ đồng. Đến năm 2030 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác; Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của cả nước.
Nhiệm vụ và giải pháp
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy về phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương, bảo vệ môi trường; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển du lịch độc đáo, mang lại hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh.
Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng đề án thực hiện chiến lược phát triển du lịch tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Ưu tiên quy hoạch chi tiết các dự án du lịch trọng điểm có tính đột phá.
Từng bước cơ cấu lại các sản phẩm du lịch theo hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao chất lượng trên cơ sở xây dựng sản phẩm đặc thù mang thương hiệu du lịch Nghệ An; xây dựng các tour, tuyến an toàn, hấp dẫn, dịch vụ trọn gói như du lịch cho các đoàn nhỏ, lẻ, các loại hình du lịch xanh, du lịch trải nghiệm. Xây dựng mô hình du lịch “MICE” đối với các khu vực trung tâm và khu vực lân cận như Cửa Lò, Nam Đàn.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch mở rộng thị trường khách du lịch. Tiếp tục tập trung khai thác có hiệu quả thị trường khách nội địa ở các tỉnh phía Bắc, mở rộng về các tỉnh phía Nam và miền Trung - Tây Nguyên theo tuyến đường Hồ Chí Minh và đường hàng không; chuẩn bị các nguồn lực để mở rộng khai thác thị trường khách quốc tế; xây dựng các ấn phẩm giới thiệu, quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Nghệ An trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện du lịch, tăng cường các hoạt động đào tạo, hỗ trợ thông tin trên nền tảng số (website, fanpage, zalo, youtube,...); tổ chức các hoạt động truyền thông quảng bá hoạt động du lịch với thông điệp “Du lịch Nghệ An an toàn, thân thiện, hấp dẫn” trên các phương tiện thông tin trực tuyến trong và ngoài nước.
Xây dựng nguồn nhân lực ngành du lịch đáp ứng các yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp; đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số 4.0 cho người lao động đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ năng nghiệp vụ du lịch quốc gia và thông lệ quốc tế. Có chính sách hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ du lịch tại chỗ cho các địa phương, khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch trong xây dựng và quy hoạch du lịch, quản lý tài nguyên, môi trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng măc nảy sinh trong thực tiễn. Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường và an toàn cho khách du lịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hệ thống tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam; định kỳ tổ chức các hoạt động bình chọn, xếp loại điểm tham quan, du lịch, cơ sở dịch vụ, tôn vinh doanh nghiệp doanh nhân, hội thi nghiệp vụ du lịch; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trên đia bàn.
Đ.A