Tỉnh Nghệ An nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, diện tích tự nhiên 16.487 km2 (lớn nhất cả nước), dân số hơn 3,4 triệu người. Trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) có diện tích 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Dân số 1.197.628 người, chiếm 36%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 dân tộc thiểu số cùng sinh sống đan xen tập trung chủ yếu ở 12 huyện, thị xã (có 131 xã, trong đó 55 xã KV1, 76 xã KV3, không có xã KV2) với 05 dân tộc thiểu số có lịch sử sinh sông lâu đời trên địa bàn là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu; có 27 xã biên giới tiếp giáp 03 tỉnh (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bô Li Khăm Xay) của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, với 468,281 km đường biên.
Giai đoạn 2019-2024, mặc dù triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rất nhiều khó khăn, vùng DTTS-MN không chỉ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp mà còn chịu ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh ở cây trồng vật nuôi…; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp, kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững; chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều; giáo dục, y tế có mặt còn hạn chế; một số bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp bị mai một. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Nhưng nhờ sự quan tâm sát sao của Ủy ban Dân tộc, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự đồng tình ủng hộ của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và các huyện vùng DTTS-MN; sự đoàn kết, nỗ lực của hệ thống cơ quan làm công tác Dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, do đó tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN tỉnh Nghệ An đã có những bước khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực chăm lo sản xuất kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tích cực.
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các chủ trương, chính sách đối với đồng bào DTTS-MN. Chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền ở địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc và các vấn đề phát sinh ở cơ sở; tổng hợp và trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri thông qua các cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện vùng DTTS-MN tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch cụ thể của địa phương. Ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH vùng DTTS-MN và triển khai thực hiện các chủ trương chính sách dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 01/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2026 và định hướng đến năm 2030.
Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống đồng bào các DTTS luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc. Huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kinh tế vùng DTTS-MN được quan tâm nhiều hơn, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương để giải quyết các nhu cầu bức xúc về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; nguồn thu sử dụng đất phân cấp cho huyện, xã. Ngoài chính sách của Trung ương hỗ trợ, ưu đãi cho vùng dân tộc, miền núi, tỉnh cũng đã có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác. Tổng vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển cho vùng DTTS-MN giai đoạn 2016-2020 hơn 13.400 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với giai đoạn 2011-2015; giai đoạn 2021-2025, là 8.859 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 3.003,337 tỷ đồng). Kết cấu hạ tầng không ngừng được tăng cường và phát huy hiệu quả. Hàng năm tỉnh đã tập trung ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS-MN. Tập trung ưu tiên nguồn lực hoàn thành nhiều công trình giao thông lớn, trọng điểm, có kỹ thuật phức tạp ở khu vực miền núi đã xây dựng hoàn thành đi vào hoạt động có hiệu quả. Phong trào xây dựng giao thông nông thôn được duy trì và phát triển, huy động ngân sách địa phương, lồng ghép các chương trình, dự án làm mới được nhiều công trình, cải thiện một bước giao thông ở các địa phương; giai đoạn 2019-2023 đã xây dựng được trên 1.400 km đường BTXM; đến nay chỉ còn 01 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã cả 4 mùa. Các hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới; quy hoạch lưới điện trên địa bàn miền Tây, nâng công suất các trạm biến thế, phát triển lưới điện 35 KVA, 22 KVA sau trạm 110 KVA đến các xã. Việc cấp điện lưới quốc gia đến các thôn, bản được triển khai tích cực. Từ năm 2018-2020, đã cấp điện cho 38 thôn, bản với tổng mức đầu tư khoảng 101 tỷ đồng; năm 2020-2021, đã cấp điện cho 81 thôn, bản với tổng mức đầu tư 222,106 tỷ đồng. Hạ tầng thông tin và truyền thông tiếp tục được đầu tư ở các khu vực biên giới, nhất là hạ tầng thông tin di động, cơ bản hiện nay các thôn, bản đã có sóng điện thoại di động, internet. Các thôn, bản được phủ sóng internet có thể thu xem truyền hình, phát thanh qua mạng internet. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vùng DTTS-MN phát triển khá toàn diện cả về năng suất, chất lượng, sản lượng. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được quan tâm triển khai thực hiện, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các DTTS; nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả. Đến nay, 11 huyện, thị xã miền núi có 236 sản phẩm, trong đó 226 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Dịch vụ thương mại phát triển khá, nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư, tạo điều kiện để giao thương hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng DTTS-MN. Kinh tế hợp tác xã có bước phát triển khá, góp phần giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân; có 298/708 HTX nông nghiệp vùng DTTS-MN HTX (chiếm 42,1% và tăng 61 HTX so với năm 2019), trong đó có 173 HTX hoạt động có hiệu quả, tăng 84 HTX so với năm 2019. Bước đầu đã xuất hiện một nhiều cách làm mới, hiệu quả từ khâu đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại đến xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm. Phát triển làng nghề vùng DTTS-MN được quan tâm, từ 2019 đến nay đã công nhận 04 làng nghề mới nâng tổng số làng nghề vùng DTTS-MN lên 43 làng nghề/189 làng nghề của cả tỉnh. Các làng nghề đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn gìn giữ không gian, cảnh quan làng nghề, nét đẹp văn hóa truyền thống và có tiềm năng lớn phát triển du lịch, dịch vụ. Hoạt động du lịch trên địa bàn vùng DTTS-MN có sự phục hồi tích cực, bước đầu đã hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được các ngành, các cấp quan tâm. Một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được đồng bào các DTTS gìn giữ và phát huy tốt...; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống, thu hút đông đảo Nhân dân tích cực tham gia, nhất là vào các dịp lễ tết, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam... Từ đó góp phần quan trọng để cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các DTTS; từng bước xóa bỏ hoàn toàn các hủ tục, tệ nạn, tình trạng mê tín dị đoan và hướng tới gìn giữ, phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp như tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân nhạc, dân vũ,... Công tác thông tin, tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS luôn được các địa phương quan tâm thực hiện, nhất là nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử; quản lý, bảo vệ, khai thác có hiệu quả di tích, gắn với việc phát triển du lịch; bảo quản, tu bổ, phục hồi, các giá trị lịch sử văn hóa của đồng bào DTTS; tỷ lệ gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, các thôn, bản vùng DTTS đã được đầu tư hệ thống đài truyền thanh cơ sở, đài truyền thanh ứng dụng công nghệ - viễn thông. Mở rộng phủ sóng truyền hình đến 100% địa bàn thôn, bản trong toàn tỉnh; tỷ lệ người dân được nghe xem phát thanh, truyền hình ngày càng tăng. Hạ tầng cơ sở, công tác thông tin, truyền thông tuyên truyền tiếp tục được tăng cường đến tận thôn bản phục vụ cho người dân. Tăng cường sản xuất các nội dung tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS phát sóng tại các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc...
Công tác giáo dục và đào tạo được thực hiện bài bản, hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học; chất lượng giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng mũi nhọn ngày càng nâng lên; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và số học sinh khá, giỏi tăng qua các năm; các nội dung giáo dục đặc thù về văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và hoạt động ngoài giờ lên lớp được tăng cường, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ có nhiều chuyển biến tích cực. Phát triển hệ thống mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú ở vùng đặc biệt khó khăn; cơ sở vật chất trường lớp học, khu bán trú học sinh, trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho các hoạt động dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng được đầu tư xây dựng, mua sắm. 100% trẻ em người DTTS trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt phù hợp với từng độ tuổi... Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên là người DTTS tại các cơ sở giáo dục ở các huyện miền núi vùng cao có 4.616 người/17.740 người, chiếm 26%.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Triển khai thực hiện hồ sơ sức khỏe cá nhân, thống kê y tế điện tử, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Các chỉ tiêu về y tế đều tăng so với năm 2019; tỷ lệ Trạm Y tế xã có bác sĩ làm việc các huyện khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS có sự gia tăng đáng kể; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 16,9% xuống còn 14,3%. Chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế thôn bản và cán bộ y tế tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, biên giới, khu vực tập trung đồng bào DTTS.
Triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chính sách giảm nghèo, lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân được nâng lên và có chuyển biến rõ rệt; đã tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng miền núi giai đoạn 2019-2020 là 1,65%; giai đoạn 2021-2023 là 4,76% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020). Giai đoạn 2019-2024, tuyển sinh đào tạo cho lao động 11 huyện, thị xã miền núi vùng DTTS-MN là 174.445 lượt người (chiếm 49,96% tổng số tuyển sinh đào tạo), tăng từ 53,2% năm 2019 lên 60,5% năm 2023; giải quyết việc làm cho lao động vùng DTTS-MN là 89.913 người (chiếm 36,29% toàn tỉnh), đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 33.993 người (chiếm 34,96% toàn tỉnh). Từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2024, có 2.845 hộ DTTS được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm thông qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội với tổng nguồn vốn cho vay là 195,031 tỷ đồng.
Thực hiện hỗ trợ đất ở đối với 31 hộ, hỗ trợ nhà ở đối với 580 hộ, hỗ trợ đất sản xuất đối với 725 hộ và đầu tư xây dựng 497 dự án, công trình, gồm 04 dự án định canh định cư, 171 công trình giao thông nông thôn, 96 công trình giáo dục và đào tạo, 57 công trình nước sinh hoạt tập trung, 02 trung tâm y tế huyện và 15 trạm y tế xã, 21 công trình thủy lợi, 03 công trình điện, 116 công trình thiết chế văn hóa, 02 đài phát thanh, 10 chợ nông thôn. Hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với 892 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán đối với 7.661 hộ. Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ là 116.624 ha, bảo vệ rừng quy hoạch, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình là 135.033 ha. Triển khai lập 05 dự án để phê duyệt hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 60 dự án để phê duyệt hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với 4.113 người, tổ chức 175 lớp hỗ trợ đào tạo nghề/5.572 người, hỗ trợ 12 người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS học nghề, học ngoại ngữ để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Phát triển 06 chương trình, tài liệu giảng dạy đối với 02 trường; hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị đào tạo nghề tại 03 cơ sở GDNN với 12 ngành nghề. Triển khai 53 lớp/4.685 người tham gia lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp. Hỗ trợ 16 Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú người DTTS, xây dựng 01 mô hình văn hóa truyền thống các DTTS, hỗ trợ hoạt động cho 06 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn, tổ chức 04 hoạt động thể thao truyền thống, xây dựng 10 tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào DTTS&MN; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng đối với 8.261 bà mẹ, trẻ em. Tổ chức 46 hoạt động tuyên truyền, vận động tới 2.635 người về thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; xây dựng và nhân rộng 03 mô hình/165 người tham gia thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”; tổ chức 05 lớp/325 người tham gia trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới. Tổ chức 96 lớp tập huấn/12.487 người tham gia nhằm hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS có khó khăn đặc thù; tập huấn về pháp luật hôn nhân và gia đình, được tuyên truyền, vận động ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Giai đoạn 2019-2024, đã bình chọn được 6.858 lượt người có uy tín tại các thôn, bản trong toàn tỉnh; hiện có 926 người uy tín; các chế độ chính sách cho người có uy tín được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai đầy đủ; đã tổ chức 47 lớp tập huấn, cung cấp thông tin đến trên 3.000 lượt người có uy tín tham gia; tổ chức 03 hội nghị biểu dương tôn vinh trên 600 người có uy tín tiêu biểu; tổ chức 07 đoàn với hơn 230 người có uy tín đi học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên Đán cho 6.858 lượt người có uy tín; thăm hỏi 829 lượt người có uy tín khi bị ốm đau, hoạn nạn. Bầu chọn và tổ chức cho 15 người có uy tín tiêu biểu xuất sắc tham dự “Chương trình biểu dương điển hình tiên tiến là người có uy tín toàn quốc năm 2023” tại Hà Nội. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã tổ chức 69 lớp tập huấn, cung cấp thông tin; tổ chức được 56 hội nghị gặp mặt, biểu dương tôn vinh người có uy tín tiêu biểu; nhiều huyện tổ chức đưa đoàn người có uy tín của huyện đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. Tổ chức 20 hội nghị/1.700 lượt người tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; triển khai 38 cuộc kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình tại các đơn vị. Từ 2019-2023, đã tổ chức 104 lớp tập huấn tuyên truyền giảm thiểu trình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 13.135 lượt người là cán bộ xã, thôn, bản, phụ huynh, học sinh từ 10 tuổi trở và người dân vùng DTTS tham gia, với tổng kinh phí 7,416 tỷ đồng, góp phân giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giảm dần hàng năm từ 3-5%. Tổ chức được 143 Hội nghị tuyên truyền, tập huấn/14.047 đại biểu là người có uy tín trong đồng bào DTTS, trưởng thôn, bản, đoàn viên, hội viên, học sinh THPT và Nhân dân vùng DTTS, tổng kinh phí thực hiện là 7,476 tỷ đồng.
Phong trào xây dựng Nông thôn mới lan tỏa khắp khu vực miền Tây Nghệ An. Qua đó, đã giúp người dân chủ động quan tâm về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thành lập các tổ nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như ở xã khu vực III và các xã biên giới trên địa bàn các huyện miền núi. Đồng thời, người dân đã chủ động sửa chữa và làm mới được nhiều nhà vệ sinh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, hình thành mới được hơn 120 mô hình phát triển sản xuất, nâng cấp nhà cửa sạch sẽ khang trang, 685 hộ chỉnh trang hàng rào, trồng cây xanh quanh nhà, công tác vệ sinh môi trường được cải thiện, qua tuyên truyền, vận động Nhân dân đã ý thức được tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống nên đã chủ động tham gia vệ sinh nhà cửa, quét dọn đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu dọn rác thải sinh hoạt, đây chính là cách làm để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới đã đạt của các xã. Đến 30/6/2024, vùng DTTS-MN có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Thái Hòa); bình quân tiêu chí của vùng là 14,34 tiêu chí/xã; có 212 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 115 thôn, bản).
Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 10/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở, tính đến ngày 30/6/2024, toàn tỉnh đã kêu gọi, vận động xây dựng, sửa chữa được 8.626 nhà, đạt 55% Kế hoạch giai đoạn 2023-2025, với tổng nguồn lực đã huy động được trên 700 tỷ đồng (trong đó 11 huyện vùng DTTS-MN đã xây mới, sửa chữa được 7.212 nhà) đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống.
Hàng năm ngân sách tỉnh bố trí khoảng 180 triệu đồng để tổ chức gặp mặt, động viên, thăm hỏi và tặng quà cho cán bộ chủ chốt là người DTTS đã nghỉ hưu. Đây là hoạt động mạng ý nghĩa tri ân những đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo chủ chốt đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nói riêng và của tỉnh nói chung. Định kỳ tổ chức gặp mặt, động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên của 02 Trường THPT Dân tộc nội trú của tỉnh; tổ chức các cuộc làm việc nhằm phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy và học tập của các trường; tổ chức trao thưởng cho học sinh THPT người DTTS thi tốt nghiệp đạt điểm cao với mỗi suất quà bình quân trị giá 02 triệu đồng.
Tỉnh Nghệ An giáp biên giới với 03 tỉnh của nước bạn Lào, trong đó cộng đồng các DTTS tỉnh Nghệ An có nhiều nét tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ, nên việc giữ mối quan hệ hữu nghị giữa Ban Dân tộc và các tỉnh giáp biên giới của Nghệ An với Lào được duy trì qua các thời kỳ từ những năm 1990 trở lại đây; hàng năm được ngân sách tỉnh bố trí tổ chức 01 đoàn ra làm việc với các tỉnh Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay và tỉnh Xiêng Khoảng để tăng cường mối quan hệ và trao đổi kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc.
Hệ thống chính trị các cấp vùng đồng bào DTTS-MN thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Thực hiện hiệu quả việc ghép các chức danh tại thôn bản, tổ dân phố, với phương châm tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động tại cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, đa dạng các hình thức tập hợp hội viên và đoàn viên; nắm chắc tình hình tư tưởng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, kịp thời phản ánh, giải quyết một số vấn đề, vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở. Đến nay không còn bản trắng đảng viên, trắng chi bộ.
Công tác xây dựng, củng cố, quốc phòng, an ninh nhất là ở các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và giữ vững trật tự an toàn xã hội ở vùng DTTS được cả hệ thống chính trị và Nhân dân quan tâm. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân các dân tộc thực hiện tốt đường lối, mục tiêu phát triển đất nước và chính sách đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới để người dân vùng đồng bào DTTS-MN nhận diện được âm mưu, phương thức, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch, đối tượng phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc,… duy trì và nhân rộng mô hình phong trào “toàn dân bảo về an ninh Tổ quốc” góp phần nâng cao dân trí, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự ở vùng đồng bào DTTS-MN. Lực lượng vũ trang trên địa bàn đã thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi, nắm tình hình an ninh trên tuyến biên giới và nội địa, đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tội phạm. Chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự, không để các thế lực thù địch và đối tượng phản động chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn lại 05 năm qua, chúng ta có thể khẳng định rằng cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề cấp bách, nâng cao đời sống của người dân. Các chương trình, đề án, dự án, chính sách tại địa bàn DTTS-MN trên tất cả các lĩnh vực được triển khai, thực hiện đúng mục tiêu, địa bàn, đối tượng, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS; quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và phát triển; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc luôn được tăng cường tạo sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng, ý thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh về thực hiện công tác dân tộc; phần lớn đồng bào các DTTS đã có chuyển biến về nhận thức, có ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo./.
Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy