Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lê Hồng Sơn - tức Lê Văn Phan (1899 - 1933)

Đồng chí Lê Hồng Sơn tên khai sinh là Lê Văn Phơn (thường gọi là Lê Văn Phan) - là nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, là một trong những người sáng lập tổ chức Tâm Tâm xã, thành viên nòng cốt của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Ông sinh ngày 29/6/1899 trong một gia đình nhà Nho yêu nước tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Hoà), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ông sinh ra trong hoàn cảnh đất nước, quê hương có nhiều biến động, các cuộc khởi nghĩa vũ trang dưới khẩu hiệu “Cần Vương” do các sĩ phu, văn thân lãnh đạo đã lần lượt bị thất bại, những luồng tư tưởng mới theo hướng dân chủ tư sản bắt đầu xuất hiện. Thời gian này, các nho sĩ và thanh niên yêu nước khắp nơi nói chung, ở Nam Đàn nói riêng đã tích cực hưởng ứng tiếng gọi cứu nước của cụ Phan Bội Châu. Mùa xuân năm 1920, Lê Văn Phan từ giã gia đình, quê hương cùng với Hồ Tùng Mậu, Đặng Xuân Thanh và một số bạn cùng chí hướng vượt Trường Sơn sang Lào, rồi sang Xiêm (Thái Lan), bắt đầu sự nghiệp cứu nước. Lúc này Lê Văn Phan mới chính thức có tên là Lê Hồng Sơn. Đây là tên gọi chính thức trong suốt quãng đời hoạt động cách mạng của đồng chí cho đến khi qua đời. 

Tháng 4/1920, Lê Hồng Sơn được đưa đến Trại Cây ở Phi chịt (Thái Lan), sau đó đi Hải Nam, Quảng Châu rồi đến Hàng Châu vào cuối năm 1920. Với sự giúp đỡ của Hồ Học Lãm, Phan Bội Châu nên Lê Hồng Sơn được vào học một trường “Hàng Châu Anh văn, chuyên môn học hiệu”. Năm 1922, Lê Hồng Sơn từ Nhật về Hàng Châu để trừ khử Phan Bá Ngọc theo đề nghị của Kỳ ngoại hầu Cường Để. Năm 1923, nhận thấy sự bế tắc trong đường lối cứu nước, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và một số bạn đồng tâm khác lập tổ chức yêu nước của thanh niên Việt Nam ở Quảng Châu có tên là Tâm Tâm xã (tức là Tân Việt Thanh niên Đoàn), để “Liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái, miễn là có quyết tâm hi sinh tất cả tư ý và nguồn lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền lợi làm người của Việt Nam”(1). Mùa hè năm 1923, Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu được Phan Bội Châu giao cho nhiệm vụ chuyển tài liệu, chỉ thị về nước. Lê Hồng Sơn trên danh nghĩa là người của cụ Phan Bội Châu đã vận động nhiều thanh niên xuất dương đến Quảng Châu, kết nạp vào tổ chức Tâm Tâm xã như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lê Thiết Hùng,... Cuối năm 1923, Lê Hồng Sơn quay lại Trung Quốc và tìm được con đường xuất dương mới từ Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Đông Hưng - Quảng Châu. Đây là con đường dễ dàng hơn không phải vượt Trường Sơn, qua Lào, sang Thái Lan như trước. Đầu năm 1924, Lê Hồng Sơn đón tiếp hai người bạn mới cùng quê là Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái vừa mới đến Quảng Châu và tổ chức kết nạp họ vào Tâm Tâm xã. Lê Hồng Sơn cùng Lê Hồng Phong đã hỗ trợ cho Phạm Hồng Thái thực hiện nhiệm vụ mưu sát toàn quyền Đông Dương Méclanh. Tuy chưa giết được tên Méclanh nhưng tiếng bom Phạm Hồng Thái đã báo hiệu bắt đầu thời kỳ cách mạng mới của nước ta. 

Tháng 6/1924, Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn được thành lập theo mẫu hình của Hồng quân Liên Xô. Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và Trương Văn Lĩnh đã trúng tuyển vào học khoá đầu tiên của trường, kéo dài 16 tháng. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu trong vai trò thành viên của đoàn cố vấn Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tôn Dật Tiên, thời gian này Lê Hòng Sơn được Nguyễn Ái Quốc đã giảng giải rõ thêm mục đích, phương pháp làm cách mạng giải phóng dân tộc, sự cần thiết phải học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng Đảng Cộng sản. 

Năm 1925, để chuẩn bị tiến tới thành lập đảng của những người cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc bí mật lựa chọn một số người của Tâm Tâm Xã, huấn luyện thêm. Trên cơ sở tổ chức Tâm Tâm Xã, Người lựa chọn những cán bộ tiên tiến thành lập tổ chức Cộng sản Đoàn (2/1925), đưa 9 thanh niên ưu tú vào tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn (khóa đầu tiên) trong đó có đồng chí Lê Hồng Sơn. Trong số 9 thanh niên ưu tú này, Nguyễn Ái Quốc đã kết nạp 5 đảng viên cộng sản dự bị gồm: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong. Và từ hạt nhân nòng cốt ban đầu ấy, tháng 6/1925, Người Thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hội có nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng trong những người cách mạng Việt Nam những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin; truyền bá học thuyết này vào Việt Nam và làm cầu nối đi tới thành lập Đảng Cộng sản. Lê Hồng Sơn trở thành trợ thủ đắc lực của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc xuất bản tờ Thanh niên, rồi tổ chức mở lớp huấn luyện cán bộ để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin ở Quảng Châu. Khi học ở Trường Hoàng Phố, Lê Hồng Sơn cũng đã nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lê Hồng Sơn chuyển hẳn từ lập trường yêu nước đơn thuần sang kiên định lập trường yêu nước và cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lê nin do Nguyễn Ái Quốc truyền thụ. “Từ đầu 1925 đến tháng 9/1927, Hội đã tổ chức được 10 khóa đào tạo cho các học viên được tuyển mộ. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc cho các học viên sau đó được tập hợp lại thành tập sách Đường cách mệnh”.

Tháng 5/1925, tại trường Đại học Trung Sơn, những người Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Miến Điện, Nhật Bản, Việt Nam và Nam Dương thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông do Lưu Trọng Khải làm Hội trưởng, Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) làm thư ký. Tiếp đó, mỗi nước thành lập chi bộ riêng của mình. Những người Việt Nam thành lập chi bộ Hội An Nam bị áp bức, Ban Chấp hành Hội gồm có: Nguyễn Hải Thần (Hội trưởng), Nguyễn Ái Quốc làm Thư ký, Lê Hồng Sơn là Uỷ viên Chưởng ấn (giữ con dấu). Cuối năm 1925, Lê Hồng Sơn được bổ nhiệm làm sĩ quan, tham gia dẹp loạn ở miền Nam Quảng Đông (sau khi tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố).

Năm 1926, khi Nguyễn Ái Quốc tổ chức cho Việt Kiều sang Quảng Châu dự các lớp chính trị. Đồng Chí Lê Hồng Sơn và một số đồng chí khác đảm nhận vai trò là trợ giảng. “Tháng 8/1926, khi đoàn xuất dương đầu tiên ở trong nước tới Quảng Châu và dự huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyên Ái Quốc phụ trách, đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn tiếp tục tham gia với tư cách phụ giảng” (6). Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch phản bội lại đường lối liên cộng của Tôn Trung Sơn, đã thẳng tay đàn áp Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người cách mạng Việt Nam, Lê Hồng Sơn và một số cán bộ cách mạng Việt Nam bị tay sai của Tưởng bắt giam. Trước áp lực đấu tranh của nhân dân trong nước cũng như nhân dân Trung Quốc, tháng 10/1927, bọn chúng phải trả tự do cho Lê Hồng Sơn. Mùa thu năm 1928, sau khởi nghĩa Quảng Châu thất bại, Hội Thanh niên bị bắt hơn 40 cán bộ, Lê Hồng Sơn cùng một số cán bộ trong Tổng bộ Thanh niên lánh sang Hương Cảng. Tại đây, Lê Hồng Sơn là người quán xuyến phần lớn công việc của Tổng bộ, củng cổ lại cơ quan Tổng bộ và tiếp tục mở các lớp huấn luyện cho số cán bộ từ trong nước mới sang. 

Tháng 1/1929, Lê Hồng Sơn cùng với Tổng bộ chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Thanh niên. Lê Hồng Sơn đã viết dự thảo các văn kiện cho đại hội chính thức và tích cực chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản. Tháng 5/1929, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội diễn ra tại Hồng Kông Đại hội phân hóa thành 3 nhóm quan điểm. Nhóm Bắc Kỳ do Quốc Anh (Trần Văn Cung) chủ trương giải tán Hội Thanh niên, thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, nhưng không được chấp thuận, đành bỏ Đại hội ra về. Nhóm do Lâm Đức Thụ đứng đầu chủ trương duy trì Thanh niên. Nhóm Lê Hồng Sơn đứng đầu chủ trương thành lập các chi bộ bí mật trước khi thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí Lê Hồng Sơn đã phân tích sâu sắc ý kiến đề nghị thành lập Đảng Cộng sản của các đại biểu Bắc Kỳ là đúng nhưng không tán thành phương pháp, thái độ của họ đối với Đại hội. Đại hội bầu ra 6 ủy viên mới vào Tổng bộ là: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thiệu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Sĩ Sách, Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm đã họp bàn việc thành lập Đảng Cộng sản. Ban Chấp hành mới đã lập ra Hội trù bị tổ chức cộng sản, dự thảo điều lệ và kế hoạch tổ chức Đảng. Hội chủ trương lựa chọn người có đủ phẩm chất cộng sản, lập chi bộ cơ sở, họp đại biểu thành lập Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương. 

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng (17/6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (8/1929), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn  (1/1930). Các tổ chức cộng sản đã nhanh chóng xây dựng cơ sở Đảng, lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh, tạo thành một làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ rộng rãi khắp cả nước. Nhưng trong một nước có ba tổ chức cộng sản hoạt động riêng lẻ không tránh khỏi sự tuyên truyền, công kích lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng, gây nên trở ngại chia rẽ lớn cho phong trào. Trước hoàn cảnh đó của lịch sử Lê Hồng Sơn (Lê) và Lê Duy Điếm (Đỗ) đã viết nhiều thư kêu gọi các tổ chức đó hợp nhất. Trong thư gửi các đồng chí Đông Dương Cộng sản Đảng do Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm viết, giải thích vì sao phải cải tổ Thanh niên, không thành lập Đảng ngay và quyết tâm bí mật tổ chức một Đảng Cộng sản theo đúng nguyên tắc Bônsơvích chân chính duy nhất ở Việt Nam. Những nỗ lực của Lê Hồng Sơn và những người cộng sản chân chính trong An Nam Cộng sản Đảng đã góp phần tạo điều kiện đi tới Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng vào ngày 3/2/1930, do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Từ 6/1 đến 7/2/1930, Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam chính thức diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Mặc dù Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu không phải là đại biểu chính thức mà chỉ với tư cách “Cán bộ lãnh đạo hải ngoại” nhưng đã có vai trò gánh vác phần lớn công việc tổ chức như đưa đón đại biểu, chọn địa điểm bí mật cho Hội nghị. Sau khi Đảng được thành lập, Lê Hồng Sơn (với tên gọi mới là Lê Bạt Quần) được phân công ở lại hoạt động trong Chi hội Việt Nam của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông, đã đến các nơi ở Trung Quốc, tìm gặp các nhà cách mạng Việt Nam để thuyết phục họ theo tinh thần Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Tháng 1/1931, Lê Hồng Sơn bị Chính quyền Tưởng Giới Thạch đã bắt giam với tội đang hoạt động cộng sản. Tại nhà giam, đồng chí đã nhịn ăn để phản đối hành động bắt người và đấu tranh chống luận điệu vu khống của chúng. Nhờ ông Hồ Ngọc Lãm (bấy giờ là Tham mưu trong Bộ Chỉ huy Quân đội Quốc Dân Đảng ở Vân Nam) can thiệp nên tướng Long Vân đã đồng ý trả lại tự do cho Lê Hồng Sơn và trục xuất khỏi đất nước Trung Quốc.

Lúc này phong trào cách mạng trong nước (1931 - 1932) đang bị thực dân Pháp khủng bố dữ dội, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở đã bị phá vỡ. Lê Hồng Sơn với một số cán bộ Nghệ Tĩnh vừa ở trong nước qua bàn việc liên lạc với đảng bạn, thành lập một ban viện trợ cách mạng Đông Dương để chuẩn bị cho việc phục hồi phong trào cách mạng trong nước. Thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ, chúng tìm mọi cách vây bắt đồng chí. Sau vụ rải truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1932) ở Thượng Hải, Lê Hồng Sơn bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt. Ngày 25/9/1932, bọn Tưởng giao Lê Hồng Sơn cho thực dân Pháp. Thực dân Pháp vội vàng chuyển đồng chí về Hà Nội (ngày 24/10/1932) và chuyển về Vinh (ngày 9/11/1932). Trong lao tù đế quốc, Lê Hồng Sơn đã dũng cảm nhận việc mình làm: “Việc bắt bớ chúng tôi không phá hoại được tổ chức Việt Nam ở Trung Quốc. Tổ chức này vẫn liên lạc với đồng bào ở Xiêm và Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Tinh thần kiên cường của đồng chí được người Thư ký toà Liêm phóng Hà Nội ghi lại: “Lê Hồng Sơn không hối tiếc chút nào về hoạt động cách mạng đã qua của mình, anh ta không hối hận về các tội đã phạm... và còn nói thêm rằng anh ta sẽ không ngần ngại gì khi lại làm như thế nữa, nếu cần”. Ngày 24/12/1932, Toà án Nam triều tỉnh Nghệ An mở phiên toà đặc biệt kết án tử hình đồng chí Lê Hồng Sơn với bản án số 276. Thực dân Pháp đã thi hành án vào ngày 20/2/1933 (tức ngày 26 tháng Giêng năm Quý Dậu), tại chợ Tro (làng Xuân Hồ), quê hương của đồng chí.

Trong 34 năm cuộc đời, Lê Văn Phan - Lê Hồng Sơn đã dành 13 năm cống hiến, đấu tranh cho sự sống còn của dân tộc, đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, hai lần bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, trục xuất khỏi Trung Quốc nhưng đồng chí luôn thể hiện là người cộng sản kiên cường, anh dũng; một lòng chiến đấu, hi sinh, đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực cống hiến cho cách mạng, cho nhân dân. Cái chết hoá thành bất tử của đồng chí còn lưu mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam, nhất là trong lòng người dân Nam Đàn. Đó là tấm gương sáng của người chiến sĩ cách mạng trung kiên, không chịu khuất phục kẻ thù, kiên cường đến phút chót cuộc đời cách mạng./.

                                                 Kim Lưu 

                                                         Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

------------------------------

(1). Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Nghệ An, Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Nghệ An (1930 – 1954), tập 1, Nxb Nghệ An, tr.38; tr.40.

Tin cùng chuyên mục


Đưa thông tin chính thống về lĩnh vực bảo hiểm xã hội đến với nhân dân

Đưa thông tin chính thống về lĩnh vực bảo hiểm xã hội đến với nhân dân


Phát huy Xô viết Nghệ Tĩnh đưa Hưng Nguyên phát triển nhanh, bền vững

Phát huy Xô viết Nghệ Tĩnh đưa Hưng Nguyên phát triển nhanh, bền vững


Dấu ấn Xô viết Nghệ Tĩnh trên hành trình đấu tranh vì độc lâp, tự do

Dấu ấn Xô viết Nghệ Tĩnh trên hành trình đấu tranh vì độc lâp, tự do


Quan tâm chỉ đạo triển khai chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Quan tâm chỉ đạo triển khai chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế


Một số nội dung cần tập trung chỉ đạo tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Một số nội dung cần tập trung chỉ đạo tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường


Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo


Tầm vóc của Cách mạng tháng 8 năm 1945 và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay

Tầm vóc của Cách mạng tháng 8 năm 1945 và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay


Tỉnh uỷ Nghệ An ban hành Đề án tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Tỉnh uỷ Nghệ An ban hành Đề án tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước


Công tác tuyên giáo linh hoạt phương thức trong từng nhiệm vụ cách mạng và chủ động, đổi mới đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay

Công tác tuyên giáo linh hoạt phương thức trong từng nhiệm vụ cách mạng và chủ động, đổi mới đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay


Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045


Nghệ An - Biên soạn, xuất bản Chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội

Nghệ An - Biên soạn, xuất bản Chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội


Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW về phổ cập giáo dục

Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW về phổ cập giáo dục


Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh