Kỳ Sơn là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An, có vị trí chiến lược quan trọng về An ninh - Quốc phòng và phát triển kinh tế của tỉnh; địa bàn Kỳ Sơn có đường biên giới dài 203,409 km, tiếp giáp với 4 huyện thuộc 3 tỉnh của nước Cộng hòa DCND Lào. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 05 thành phần dân tộc sinh sống chủ yếu gồm: Kinh, Mông, Thái, Khơ Mú và Hoa, chiếm hơn 95% dân số toàn huyện, đồng bào các dân tộc sống trên địa bàn huyện có tinh thần gắn bó, đoàn kết; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ý thức cao trong thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền các cấp.
Với đặc thù là huyện miền núi rẻo cao, dân cư phân bố không đồng đều, nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán đa dạng; địa hình phức tạp, thiên tai, mưa lũ diễn biến khó lường... Bên cạnh đó, trong những năm qua, âm mưu chống phá của các đối tượng phản động, chức sắc tôn giáo trái pháp luật đã tăng cường các hoạt động, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gây ảnh hưởng đến tình hình An ninh vùng biên giới, miền núi, dân tộc; hoạt động của các loại tội phạm về TTXH vẫn luôn tiềm ẩn phức tạp... Những yếu tố khách quan và chủ quan trên đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn.
Nhận thức được vai trò, vị trí chiến lược, cũng như khó khăn, thách thức trên, trong những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Sơn, đặc biệt là lực lượng Công an, Quân sự huyện, các đồn biên phòng đã không ngừng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trong đó công tác vận động quần chúng, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ luôn được coi là phương án, giải pháp mang tính nền tảng, tiên quyết tạo nên sức mạnh của thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn huyện. Với nhiều cách làm và kết quả cụ thể:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong nhân dân; bằng nhiều cách làm sáng tạo, nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài, hệ thống loa phát thanh tại cơ sở, kết hợp tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật tập trung bằng tiếng đồng bào. Chính vì vậy, trong những năm qua hiệu quả công tác vận động quần chúng, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng phát triển sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Các nội dung tuyên truyền chủ yếu về phương pháp phòng ngừa các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm trộm cắp tài sản; tuyên truyền về tác hại của ma túy, tuyên truyền phòng chống mua bán người, mua bán bào thai, tuyên truyền về luật giao thông đường bộ; phổ biến cách thức tố giác tội phạm;... Trong giai đoạn 2014 - 2024 có 191/191 khối, bản của 21/21 xã, thị trấn với hơn 3.200 buổi; thu hút hàng trăm nghìn lượt quần chúng nhân dân tham gia học tập, hơn 18.000 hộ gia đình ký cam kết với UBND xã, thị trấn không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội đồng thời vận động nhân dân giao nộp hơn 9.800 khẩu súng, nòng súng các loại.
2. Hàng năm Huyện ủy, UBND huyện tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng, thăm quan học tập cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn...Ngoài ra, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà người có uy tín trong các ngày lễ, tết... Bên cạnh đó các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tích cực góp sức vào việc giải quyết các vụ việc mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân; tham gia vận động người thân, quần chúng nhân dân, con cháu trong dòng họ chấp hành tốt các quy định của pháp luật, chính sách, chủ trương của chính quyền địa phương, v.v... qua đó đã từng bước góp phần giải quyết và ổn định tình hình ANTT ngay từ cơ sở.
3. Thông qua công tác vận động đấu tranh, tố giác tội phạm; quần chúng nhân dân đã góp phần tuyên truyền, vận động hơn 20 hộ, 120 nhân khẩu người đồng bào dân tộc Mông từ bỏ việc sinh hoạt đạo trái phép, quay trở lại với phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống lâu đời của người dân trên địa bàn; vận động 18 đối tượng là nạn nhân của tệ nạn mua bán người viết đơn tố giác tội phạm, khám phá thành công 17 chuyện án mua bán, bắt giữ, điều tra, xử lý hơn 20 đối tượng phạm tội; thông qua nguồn tin của quần chúng nhân dân, lực lượng công an đã điều tra, khám phá hơn 168 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 26 chuyên án, khám phá hơn 640 vụ án ma túy với gần 80 chuyên án, thu lượng ma túy đặc biệt lớn, bắt giữ nhiều đối tượng nguy hiểm, manh động cùng nhiều vũ khí nóng; ngoài ra, thông qua tin báo của quần chúng đã vận động đầu thú, bắt thành công 38 đối tượng truy nã, trong đó có nhiều đối tượng đặc biệt nguy hiểm lẩn trốn sang nước bạn Lào.... Ngoài ra đã trấn áp và xử lý nhiều vụ gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình hay các vụ vi phạm trên lĩnh vực kinh tế, môi trường, quản lý cư trú....
4. Phát huy vai trò nòng cốt của Công an huyện trong chủ trì, phối hợp các lực lượng Quân sự, Bộ đội Biên phòng, các ngành chức năng làm tốt công tác giáo dục, cảm hóa các đối tượng lầm lỗi; công tác tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng tù tha về, số đối tượng đã cai nghiện trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi cho số đối tượng trong diện quản lý được tham gia, được hưởng các quyền lợi, nghĩa vụ của công dân, hướng dẫn dạy nghề, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; đảm bảo không tái nghiện, tái phạm tội. Trong giai đoạn 2014 - 2024, Công an huyện đã vận động CBCS quyên góp với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp hàng chục tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho các hộ dân, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, là nạn nhân của thiên tai, dịch bệnh. Đặc biệt, thực hiện chủ trương xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, Công an đã góp hàng nghìn ngày công xây dựng, lắp ghép và bàn giao 1.800 căn nhà cho người dân. Ngoài ra, Công an huyện luôn là lực lượng xung kích, đi đầu trong công tác hỗ trợ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ,...để lại nhiều hình ảnh đẹp và ấn tượng sâu sắc về hình ảnh người cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn “Vì nhân dân phục vụ”.
5. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa bàn huyện Kỳ Sơn được các ban, ngành tích cực, chủ động, nhất là lồng ghép trong công tác dân vận thông qua tham mưu, thực hiện các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, tổ chức các hoạt động hướng về cộng đồng.
Thông qua công tác vận động đồng bào trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tích cực tham gia công tác đảm bảo ANTT và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thời gian qua, nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác đảm bảo ANTT không ngừng được nâng lên, công tác phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm đạt được những kết quả tích cực, nhiều vụ việc đã được phát hiện ngay từ cơ sở và giải quyết dứt điểm, không để phát sinh thành “điểm nóng” và các mâu thuẫn kéo dài; qua đó đã hạn chế tối đa việc phát sinh hành vi phạm tội, bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự khối, bản tạo nền tảng vững chắc cho nhân dân an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đời sống mới bình yên và hạnh phúc.
Thời gian tới, xác định địa bàn huyện Kỳ Sơn luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất an toàn về ANTT trên địa bàn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng tham gia công tác đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất là: Lực lượng Công an luôn đóng vai trò nòng cốt, cùng với lực lượng Quân sự, Biên phòng, các ban, ngành trên địa bàn huyện chủ động tham mưu tích cực cho cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra chủ trương, biện pháp, hình thức và tổ chức có hiệu quả các hoạt động vận động quần chúng tham gia đảm bảo ANTT, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”; thực hiện nghiêm phương châm “3 bám, 4 cùng” gồm: “Bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào”; qua đó huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào nhiệm vụ chung; đi sâu vào đời sống nhân dân, hiểu rõ những khó khăn, nắm bắt những nhu cầu của nhân dân để xây dựng, triển khai hiệu quả.
Thứ hai là: Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng công tác tuyên truyền, vận động cho cán bộ, công chức, viên chức. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác tại cơ sở một cách hợp lý. Xây dựng đội ngũ cán bộ có ý thức “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. Đặc biệt, ở những địa bàn phức tạp, trình độ dân trí hạn chế, điểm nóng về an ninh, trật tự cần tăng cường cán bộ có năng lực, hiểu sâu về công tác vận động quần chúng để đạt hiệu quả công tác cao nhất.
Thứ ba là: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động quần chúng tập trung đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn lành mạnh, “thượng tôn pháp luật” với nhiều hình thức đa dạng như tuyên truyền trực quan, tuyên truyền tập trung, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng tiếng đồng bào dân tộc, tuyên truyền qua các nền tảng mạng xã hội thịnh hành..., phù hợp với từng địa bàn, từng độ tuổi, thành phần dân tộc.
Thứ tư là: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền kết hợp biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến là người đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống và tố giác tội phạm qua đó tạo mũi nhọn, tấm gương có sức lan tỏa sâu rộng; qua đó khơi dậy ý thức, trách nhiệm, lôi cuốn nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Thứ năm là: Tiếp tục thực hiện tốt công tác phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác đảm bảo ANTT. Qua đó các già làng, trưởng bản, người có uy tín thường xuyên gặp gỡ, trao đổi vận động người thân, nhân dân trong bản, trong dòng họ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chính sách của cấp ủy chính quyền địa phương liên quan đến công tác đảm bảo ANTT, không tham gia các tệ nạn xã hội, không làm trái với hương ước, quy ước; xây dựng bản, khối, dòng họ tự quản về ANTT.
Vương Minh Đức, Ban Dân vận Tỉnh ủy