Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Cách mạng Tháng Mười Nga với tiến trình cách mạng Việt Nam

106 năm đã đi qua, biết bao sự kiện đã xảy ra trên thế giới, nhưng trong tất cả các sự kiện ấy, Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) vẫn là một sự kiện có ý nghĩa mang tầm vóc xuyên thế kỷ, để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong trái tim và trí tuệ nhân loạị, mà còn tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến cách mạng Việt Nam.

 

1. Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra thời đại mới

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã làm rung chuyển cả thế giới, phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng. Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chỉ ra sức sáng tạo của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp kiến tạo một xã hội mới chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Khác với các cuộc cách mạng xã hội đã diễn ra trong lịch sử, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội đầu tiên thực hiện được mục tiêu: giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, bất công, nâng họ lên địa vị làm chủ chế độ xã hội mới,thực hiện được khát vọng giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và tiến lên giải phóng nhân loại.

Có thể khẳng định rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là động lực mạnh mẽ cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến, tư sản, tự cứu lấy mình và giải phóng mình, mà còn là xung lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc mạnh mẽ, cũng như phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển; nhờ đó, giai cấp vô sản vững tin bước lên vũ đài chính trị với tư cách là giai cấp trung tâm của thời đại, là “hạt nhân” của phong trào cách mạng thế giới, đưa thời kỳ “bão táp cách mạng” từ châu Âu lan tỏa nhanh và mạnh sang châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La tinh làm cho giai cấp thống trị run sợ buộc phải lùi bước, xuống thang và thay đổi chính sách.

Thực tế Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã chứng minh vai trò to lớn, quyết định của Đảng Cộng sản Nga dưới sự lãnh đạo thiên tài của V.I. Lênin- người đã vận dụng linh hoạt và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể của nước Nga, biến chủ nghĩa xã hội từ lý tưởng, niềm tin, học thuyết lý luận thành hiện thực. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã chứng minh một cách sinh động nhất tính chất triệt để sâu sắc và toàn diện của cách mạng xã hội chủ nghĩa so với bất kỳ cuộc cách mạng xã hội nào trước đó trong lịch sử nhân loại.

Từ Cách mạng Tháng Mười, lịch sử cách mạng Nga đã ghi thêm những trang mới: xóa bỏ hoàn toàn ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản cùng với những tàn tích của chế độ chuyên chế Nga hoàng. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga, chính quyền Xô viết - chính quyền của công nông và những người lao động- ngay từ những ngày đầu thành lập đã tuyên bố những sắc lệnh nổi tiếng: Sắc lệnh về hòa bình Sắc lệnh về ruộng đất; đồng thời đã công bố hàng loạt chính sách ưu việt; ngày làm 8 giờ, giáo dục không mất tiền, bảo hiểm xã hội, tự do tín ngưỡng, nam nữ bình đẳng, tách nhà thờ khỏi nhà trường, xóa bỏ ngay các hiệp ước mà Nga hoàng đã ký kết với các nước...

Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ đánh dấu sự ra đời của nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới mà còn đặt nền móng cho một chế độ phù hợp với lợi ích căn bản của con người. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường dẫn đến khả năng sáng tạo to lớn và triệt để nhằm giải phóng đông đảo quần chúng bị áp bức bóc lột. Cách mạng Tháng Mười Nga chứng minh sức mạnh sáng tạo của con người, của giai cấp vô sản và của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh tự giải phóng và mở đầu sự nghiệp kiến tạo xã hội mới chưa từng có trong lịch sử. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã mở ra những trang mới trong lịch sử thế giới, ghi những thành tựu to lớn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, từ một nước Nga tiểu nông, lạc hậu, chỉ trong thời gian ngắn dã trở thành cường quốc trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng.

2. Cách mạng Tháng Mười Nga - Những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội

Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để nhất trong lịch sử. Sức sáng tạo của Cách mạng Tháng Mười trong công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới là cội nguồn sức sống của chủ nghĩa xã hội hiện thực và những biến đổi căn bản lịch sử phát triển của nhân loại trong thế kỷ XX. Cuộc cách mạng này đã khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin làm xuất hiện khả năng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, mở ra cho các dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, cơ hội quyết định vận mệnh của mình cũng như con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Dưới tác động ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, sau Chiến tranh thế giới II, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống trên thế giới. Phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cho tiến bộ, hòa bình được Cách mạng Tháng Mười Nga thức tỉnh, cổ vũ đã trở thành những làn sóng to lớn trong thế kỷ XX. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển của cách mạng thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Từ thắng lợi ở một nước, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu, châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ La tinh. Với sức mạnh của chế độ mới ưu việt, từ nước Nga, đến Liên Xô và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa đã góp phần to lớn vào sự phát triển mọi lĩnh vực; là lực lượng trụ cột giữ thế cân bằng cho một trật tự thế giới ổn định, hòa bình; là nhân tố quan trọng của nhân loại khỏi thảm họa phát xít. Có thể nói, thế kỷ XXI là thế kỷ thắng lợi của chủ nghĩa Mác- Lênin, của những lý tưởng cách mạng cao cả được hiện thực hóa; giai cấp công nhân và nhân dân lao động đứng lên đấu tranh để tự giải phóng mình và giải phóng xã hội.

Sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sau hơn 70 năm ra đời và phát triển không hề chứng tỏ tính chất lỗi thời của lý tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa, không làm mất đi giá trị, ý nghĩa lịch sử và ảnh hưởng vạch thời đại mà Cách mạng Tháng Mười đã mở ra. Trong sự chống phá ác liệt của các thế lực thù địch, sự sụp đổ ấy chỉ nói lên những khó khăn tất yếu trong sự tìm kiếm mô hình thích hợp để hiện thực hóa những tư tưởng vĩ đại mà Cách mạng Tháng Mười đã dặt nền móng. Điều mà những kẻ mưu toan phủ định tầm vóc giá trị và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười “cố tình” không hiểu đó là: Cuộc cách mạng Tháng Mười nổ ra và thành công ở nước Nga, nhưng ảnh hưởng lại mang tầm nhân loại, được các quốc gia, dân tộc phát triển sáng tạo, khẳng định sức sống trường tồn. Vì vậy, sự sụp đổ mô hình của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã không gây ra hiệu ứng dây chuyền về sự sụp đổ của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, càng không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác- Lênin với bản chất khoa học và cách mạng. Điều này được chứng minh bởi những thành tựu to lớn mà các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba,... đã đạt được. Đó là thành công của quá trình kiên định lập trường, sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, tạo ra những mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực phù hợp; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là tất yếu , phù hợp với quy luật lịch sử và xu thế thời đại. Đúng như Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: “Chủ nghĩa xã hội hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”.

3. Cách mạng Tháng Mười Nga - Những giá trị đích thực với cách mạng Việt Nam

Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng lớn đối với Nguyễn Ái Quốc. Tháng 7/1920, Người đã đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam. Luận cương của Lênin như luồng ánh sáng mới đầy hi vọng và tin tưởng về một tương lai tươi sáng cho các dân tộc bị áp bức. Người viết: “Luận cương của Lênin cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[1]. Qua đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, đi theo con đường cách mạng mà Lênin đã lựa chọn. Người đã có những nhận xét sâu sắc, toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đã đuổi được vua tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”[2].

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã làm tất cả những gì có thể để truyền bá lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác - Lênin về nước chuẩn bị cho sự ra đời một chính đảng ở Việt Nam. Tiếp thu từ Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản mà “không có con đường nào khác”, song phải sáng tạo. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ 1930 đến năm 1975 là một chặng đường cách mạng đầy khó khăn, thử thách nhưng đã liên tiếp giành được nhiều thắng lợi, trong đó có những chiến công mang ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đai như Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cũng giống như tình cảnh nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười, trong khi đất nước rất cần môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển, hàn gắn những vết thương do hai cuộc chiến tranh tàn khốc và kéo dài gây ra thì chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lại ra sức chống phá, hòng thủ tiêu thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã tốn bao công sức và máu xương mới giành được. Bắt đầu từ việc Mỹ và các nước phương Tây thực hiện bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị đối với Việt Nam, đến cuộc chiến tranh biên giới ở Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc bùng nổ... Những khó khăn, thách thức cùng với những sai lầm chủ quan trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đã làm cho tình hình kinh tế - xã hội của nước ta lâm vào khủng hoảng bắt đầu từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX và kéo dài trong nhiều năm sau. Thực tế đặt ra yêu cầu phải đổi mới đất nước, đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng đổi mới thế nào để vừa sửa chữa được những sai lầm, khuyết tật, vừa bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trụ vững và phát triển? Vấn đề càng trở nên phức tạp khi mà công cuộc đổi mới do Đại hội VI của Đảng (12/1986) vừa phát động chưa được bao lâu thì những chấn động dữ dội của thời cuộc lại xảy ra. Bắt đầu là sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội của các nước Đông Âu, rồi Liên Xô, trật tự thế giới bị đảo lộn. Trước thực tế đó, đã nảy sinh và xuất hiện không ít những tư tưởng hoài nghi về tương lai của chủ nghĩa xã hội, con đường phát triển của cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh hết sức phức tạp ấy, ước vọng về một xã hội do nhân dân làm chủ, con người được thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân... được hiện thực hóa trên đất nước Xôviết sau Cách mạng Tháng Mười lại tiếp thêm sức mạnh trở thành nguồn cổ vũ lớn lao để Đảng và Nhân dân ta tiếp tục sự nghiệp đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đổi mới nhưng không thay đổi mục tiêu con đường đã chọn. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa đổi mới ở Việt Nam với nhiều nước xã hội chủ nghĩa cùng thời. Không dừng lại ở đó, để tháo gỡ những khó khăn đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiếp tục phát triển theo mục tiêu con đường đã chọn, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động. Vận dụng đúng đắn và sáng tạo lý luận Mác- Lênin, nhất là chính sách Kinh tế mới (NEP) của Lênin, kế thừa và vận dụng có hiệu quả những bài học thành công của Đảng và nhân dân Liên Xô trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại cũng như trong sự nghiệp dựng xây đất nước vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đó là các bài học về đổi mới, chỉnh đốn Đảng; tăng cường hiệu lực và sức mạnh của hệ thống chính trị; dựa chắc vào nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp chặt chẽ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đồng thời, Đảng đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng luôn quán triệt là: đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đó vừa là tư tưởng, tình cảm, vừa là sự lựa chọn cách thức, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng để từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội VI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII đề ra (6/1991) nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng xác định nội dung cơ bản là: xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân xây dựng là một xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ. Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.

Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VIII (6/1996) khẳng định: Sau những biến cố ở Đông Âu và Liên Xô, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại: “loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hôi”. Và rằng: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn”[3]. Điều này đã một lần nữa cho rằng việc lựa chọn theo con đường chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Đại hội IX của Đảng (4/2001) khi đánh giá về Cách mạng Tháng Mười, về chủ nghĩa xã hội hiện thực, đã nhận định: “Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như sự khát vọng và thức tỉnh của các dân tộc, có khả năng và điều kiện tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội”[4]. Trong đó, Đảng cho rằng chặng đường đầu tiên là chuẩn bị tiền đề cho chặng sau, tạo ra sự ổn định vững chắc của xã hội thông qua đổi mới, tạo thế phát triển mạnh ở chặng sau.

Đại hội X của Đảng đã bổ sung một số điểm mới trong mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”[5]. Đây chính là đặc trưng tổng quát nhất của mô hình xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng.

Đến Đại hội XI của Đảng (2011), Đảng nêu nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội gọn và rõ hơn: xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiển bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân do Đảng lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nâng cao năng lực dự báo, xử lý có hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển. Vì thế, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”[6].

Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận cho phù hợp với bối cảnh mới, tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”[7]. Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là những cơ sở lý luận nền tảng để Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu, con đường đã lựa chọn. Việc kiên định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đặt ra yêu cầu phải quán triệt phương pháp luận biện chứng vì chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống mở, đòi hỏi phải thường xuyên được nghiên cứu tổng kết, bổ sung, phát triển sáng tạo cho phù hợp với bối cảnh lịch sử cụ thể của đất nước và thời đại. Nếu không quán triệt quan điểm này sẽ dẫn đến phủ định sạch trơn hay rập khuôn máy móc mà Việt Nam đã từng mắc phải thời kỳ trước đổi mới. Đây chính là tinh thần biện chứng đã được chủ nghĩa Mác- Lênin khẳng định.

Hơn 100 năm đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi (1917), điểm lại tiến trình lịch sử Việt Nam trước và sau Cách mạng Tháng Mười; nhìn lại những trang sử chói ngời của đất nước Xô viết qua hai phần ba thế kỷ, chứng kiến những đổi thay của thế giới đương đại, trước chủ nghĩa cường quyền và cả sự nghịch lý trong quan hệ quốc tế thời hậu Xôviết, sự hồi sinh và phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa nói chung và Việt Nam nói riêng càng thấm thía những giá trị đích thực mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mang lại cho nhân loại. Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi không chỉ là biểu tượng của khát vọng và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, mà những bài học từ cuộc cách mạng ấy vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay./.

Hồng Vui 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T.12, tr. 562.

[2] Sđd, T2, tr. 304.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tr. 68.

[4] Sđd, tr. 115.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, phần II (Đại hội X, XI, XIII), Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tr. 68.

 

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 17, 18.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 103.

 

Tin cùng chuyên mục

Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 – 2025

Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 – 2025


Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội


Chuẩn bị đón Đoàn cấp cao tỉnh U-li-a-nốp đến thăm và làm việc tại Nghệ An và kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I.Lê-nin

Chuẩn bị đón Đoàn cấp cao tỉnh U-li-a-nốp đến thăm và làm việc tại Nghệ An và kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I.Lê-nin


Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về khoa học và công nghệ

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về khoa học và công nghệ


Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới

Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới


Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em


Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)

Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)


Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới

Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới


Trọn niềm tin với Đảng

Trọn niềm tin với Đảng


Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam


Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo tổ chức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo tổ chức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024


Giới thiệu “Tài liệu Hỏi - đáp Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”

Giới thiệu “Tài liệu Hỏi - đáp Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”


Chào năm mới 2024, Nghệ An vững tin vào giai đoạn phát triển mới!

Chào năm mới 2024, Nghệ An vững tin vào giai đoạn phát triển mới!


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng