Banner Ban tổ chức tỉnh ủy sub-site-1

Thực trạng và những vấn đề đặt ra với công tác tham mưu lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở Nghệ An hiện nay

Văn hóa, văn nghệ là một lĩnh vực đặc thù đòi hỏi Đảng phải định hình phương thức lãnh đạo phù hợp ở từng giai đoạn cách mạng. Trong điều kiện mới, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, văn nghệ có ý nghĩa bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Đảng lãnh đạo văn hóa - văn nghệ là một nguyên tắc. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng dựa trên cơ sở những định hướng lớn qua các văn kiện, Nghị quyết của Đảng về văn hóa - văn nghệ vừa đảm bảo tính định hướng, vừa đảm bảo tôn trọng tự do cá nhân, cá tính sáng tạo của văn hóa - văn nghệ, tạo ra những sản phẩm có giá trị “đi đôi với nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ”. Nhà nước quản lý văn hóa - văn nghệ thông qua sự thế chế hóa các văn kiện, Nghị quyết của Đảng bằng các chính sách về văn hóa - văn nghệ, các pháp lệnh, pháp luật quy định trong quá trình sáng tạo văn hóa - văn nghệ. Nhân dân lao động là lực lượng làm chủ các sản phẩm, giá trị văn hóa - văn nghệ qua khâu tiếp nhận và hưởng thụ; đồng thời cũng là lực lượng tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa - văn nghệ. Các nhà quản lý và hoạt động văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ là một bộ phận quan trọng góp phần trực tiếp vào quá trình sáng tạo các giá trị văn hóa - văn nghệ.

Với quan điểm “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh có bốn vấn đề cần phải được coi trọng ngang nhau, đó là Chính trị, Kinh tế, Xã hội và Văn hoá. Thực tế cho thấy, ngày nay, cùng với kinh tế, văn hóa nói chung, hoạt động văn hóa, nghệ thuật (VH,NT) nói riêng, được coi là thành tố đảm bảo sự phát triển bền vững, khẳng định vị thế, sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc và tổ chức, cá nhân trong quá trình hội nhập. Trên phương diện vĩ mô, công tác tham mưu, quản lý hoạt động VH,NT góp phần định hướng, điều chỉnh sự phát triển của văn hóa, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Đồng thời, tác động đến mục tiêu, bản chất của văn hóa, bảo đảm cho sự phát triển văn hóa bền vững, lành mạnh, hội nhập ngày càng sâu rộng mà không bị hòa tan.

I. Thực trạng và những vấn đề đặt ra trong công tác tham mưu, quản lý lĩnh vực văn hoá, văn nghệ

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, của Đảng và Nhà nước về văn hoá và vai trò của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xác định “văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”(Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khoá XI), trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển lĩnh vực văn hoá, văn nghệ trên địa bàn tỉnh, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang lại những kết quả tích cực, từng bước đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững.

Được sự uỷ quyền của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo là cơ quan tham mưu trực tiếp cho Thường trực công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hoá, văn nghệ trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp xây dựng, tổ chức tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của tỉnh trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ; nghiên cứu xây dựng, thẩm định các đề án văn hoá, văn nghệ phục vụ sự phát triển văn hoá - xã hội của tỉnh; chủ trì, phối hợp theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp, chỉ đạo định hướng chính trị, tư tưởng, nội dung các hoạt động văn hóa, văn nghệ của các cơ quan, đơn vị, địa phương; thẩm định các đề án, văn bản về văn hóa, văn nghệ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể và các huyện, thành, thị; phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ, phương thức lãnh đạo và quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ của các cơ quan, đơn vị; theo dõi, định hướng hoạt động của đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh; phối hợp Ban tổ chức giúp lãnh đạo tỉnh góp ý về tổ chức, bộ máy của các cơ quan văn hóa, văn nghệ, các chế độ, chính sách, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với đội ngũ hoạt động và sáng tác văn hóa, văn nghệ của tỉnh; phối hợp các cơ quan liên quan giúp lãnh đạo triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa, văn nghệ...

Để công tác văn hoá, văn nghệ hoạt động đảm bảo đúng định hướng, hướng vào phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, cơ quan, đơn vị và nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân, ban tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đã tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, hướng dẫn, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, văn nghệ vào đời sống văn hóa - tinh thần; bảo tồn và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, đất nước... để hoạt động văn hoá, văn nghệ trở thành công cụ sắc bén trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng. Phối hợp các cấp, ngành, đơn vị liên quan theo dõi các sự kiện, hoạt động văn hoá, văn nghệ, hoạt động xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch văn hoá với các địa phương trong và ngoài nước; theo dõi, chỉ đạo các sự kiện văn hoá, hoạt động văn hoá, văn nghệ; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng bản, khối, xóm văn hoá và xây dựng thiết chế văn hoá thông tin - thể thao; nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội của đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ thông qua các hoạt động gặp mặt đầu xuân, lễ đón nhận, tôn vinh các danh hiệu... 

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ tiếp tục được tăng cường. Sở Văn hoá, Thể thao tham mưu, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ các nhiệm vụ chính trị; hướng dẫn tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ đảm bảo chất lượng, nội dung, hình thức phong phú, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục của các dân tộc trên địa bàn, tôn vinh, đề cao các giá trị “chân - thiện - mỹ”; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hoạt động văn hóa trái với quy định của pháp luật; ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đồng thời quan tâm phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác văn hóa, văn nghệ... góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

Tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, liên hoan nghệ thuật quần chúng, liên hoan tuyên truyền lưu động... cũng diễn ra sôi nổi, rộng khắp, tạo sự vui tươi, phấn khởi trong cán bộ, các tầng lớp Nhân dân, góp phần tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc và địa phương; giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa văn nghệ, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; quản lý, tổ chức lễ hội tiếp tục được quan tâm, chú trọng thực hiện. Tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư nguồn lực, các giải pháp phù hợp tạo điều kiện cho quản lý, bảo vệ và phát huy các di sản văn hoá phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.602 di tích - danh thắng (tính đến năm 2023), có 480 di tích đã được xếp hạng các cấp, với 6 di tích quốc gia đặc biệt, 144 di tích quốc gia, 330 di tích cấp tỉnh. Gần 50 nghìn hiện vật, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đang được bảo quản, phát huy giá trị tại các bảo tàng, nhà truyền thống phục vụ nghiên cứu, tham quan, giáo dục truyền thống. Hiện có 463 di sản đã được kiểm kê (số liệu năm 2023) khẳng định sự giàu có về di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà, có 7 di sản đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có 90 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, 01 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Đặc biệt, dân ca, ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hát ca trù và nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng có mặt ở Nghệ An. Sự phong phú của hệ thống di sản văn hoá đang giúp Nghệ An thu hút khách du lịch, từng bước khai thác tài nguyên du lịch văn hóa của tỉnh nhà. Nhiều di sản Nghệ An đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách như Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, bãi biển Cửa Lò, vườn quốc gia Pù Mát…

Tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật; động viên, khuyến khích các hội viên, văn nghệ sĩ, các phóng viên thâm nhập thực tế, sáng tác tạo ra các tác phẩm có giá trị cao về văn học, nghệ thuật; một số tác phẩm được vinh danh và đạt giải quốc gia và quốc tế...

Qua đó, cho thấy công tác tham mưu trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được tổ chức triển khai theo đúng định hướng của Đảng, phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương, đơn vị, tạo môi trường văn hoá, xã hội ổn định, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh trong Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác tham mưu, quản lý văn hoá, văn nghệ và những kết quả đạt được về lĩnh vực văn hoá, văn nghệ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, bất cập, đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Về công tác tham mưu: Việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng bằng pháp luật, chính sách, cơ chế, nguồn lực để phát triển lĩnh vực văn hóa, văn nghệ chậm được triển khai, gây khó khăn, hạn chế đối với sự phát triển của văn hóa, văn nghệ. Một số cấp ủy chưa coi trọng và hiểu biết chưa đầy đủ về vai trò, tính đặc thù của văn hóa, văn nghệ, còn coi nặng kinh tế, xem nhẹ văn hóa, văn nghệ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương có lúc chưa quyết liệt. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá, văn nghệ chưa theo kịp với thực tiễn...

Hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa ở một số địa phương còn nhiều bất cập; một số di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp chưa được bảo tồn, trùng tu, sửa chữa và quan tâm đúng mức; việc giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian ở một số đơn vị còn thụ động; các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa truyền thống khôi phục chưa nhiều; chưa khai thác hết các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Một số sự kiện, hoạt động văn hóa diễn ra chưa làm nổi bật được những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của địa phương; các tiềm năng, lợi thế của văn hóa chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ phát triển du lịch; công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chưa thật sự đi vào chiều sâu. Một số phong trào, cuộc vận động về văn hóa, sáng tác văn học, nghệ thuật chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách nhà nước...

II. Một số định hướng phát huy vai trò của văn hoá - văn nghệ và công tác tham mưu trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ thời gian tới

Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định phát huy truyền thống văn hoá đậm bản sắc xứ Nghệ sẽ là yếu tố nền tảng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Nghệ An. Thực hiện quan điểm nêu trên của Nghị quyết 39 - NQ/TW, tỉnh Nghệ An định hướng việc xây dựng và phát triển văn hoá, văn nghệ là một trong những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trước mắt và lâu dài. Trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An xác định tập trung vào một số phương hướng, nhiệm vụ sau:

1. Cần phải tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với hoạt động văn hoá- văn nghệ; tiếp tục cải thiện, đổi mới, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; nâng cao nhận thức vai trò quan trọng của văn hóa trong việc phát triển toàn diện các lĩnh vực ở cơ sở; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình hoạt động văn hóa gắn với đặc điểm của địa phương; chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến về văn hóa ở cơ sở (gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa...).

 Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Ban tuyên giáo các cấp và cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác văn hoá, văn nghệ. Ban Tuyên giáo các cần tiếp tục quan tâm, chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động văn hóa, văn nghệ, kiên quyết xử lý các sai phạm trong hoạt động văn hóa, văn nghệ có quan điểm lệch lạc, sai trái; công tác tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách về văn hóa, văn nghệ cần thực hiện thường xuyên, sâu sát, tạo được sự lan tỏa trong nhân dân; tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, nắm bắt tình tình diễn biến tư tưởng, kịp thời phát hiện những vấn đề nhạy cảm, bức xúc, những tình huống phát sinh trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ để định hướng dư luận xã hội và tham mưu, đề xuất giải pháp.

2. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác văn hóa, văn nghệ phù hợp gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, dành tỷ lệ ngân sách hợp lý cho đầu tư và phát triển văn hóa. Quản lý, chỉ đạo việc xây dựng đồng bộ, hiệu quả các thể chế văn hóa cơ sở (quy ước, hương ước, phong tục tập quán, nguyên tắc xây dựng nếp sống văn hóa mới...), củng cố và hoàn thiện thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, bưu điện văn hóa, phòng thông tin, thư viện, sân vận động, đài truyền thanh, các câu lạc bộ...), khuyến khích, vận động các phong trào văn hóa ở cơ sở (phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, điển hình “làng văn hóa”, “gia đình văn hóa”...) đi vào chiều sâu, phát triển rộng khắp; xây dựng các chuẩn mực đạo đức, lối sống có văn hóa trong các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở; tổ chức và quản lý các hoạt động lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang...Chú trọng công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của nhân dân và toàn xã hội nhằm khuyến khích, vận động nhân dân, các doanh nghiệp thực hiện các hình thức tài trợ văn hóa với tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”.

3. Tiếp tục đầu tư nguồn lực cùng với đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, phát triển Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có chất lượng, chiều sâu, bền vững, phát huy truyền thống văn hóa, xây dựng nhân tố con người, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa xứ Nghệ gắn với thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

4. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, rà soát, sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo số lượng và chất lượng, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý VH,NT; có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, nhằm trọng dụng nhân tài, khuyến khích, động viên những người có trình độ, khả năng tham gia công tác quản lý hoạt động VH,NT;

5. Tiếp tục củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật; cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn học, nghệ thuật thông qua những cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, đơn vị; tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức văn hóa; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, khen thưởng, tôn vinh đóng góp của trí thức, văn nghệ sĩ. Đặc biệt, cần quan tâm, chú trọng nâng cao mức thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo; từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền trong tỉnh.

6. Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa số, ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá góp phần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, gắn với tuyên truyền nâng cao sức đề kháng của người dân khi tham gia mạng xã hội.

Qua đó cho thấy, tham mưu, quản lý VH,VN là một lĩnh vực khó, phức tạp cần phải được nhận thức đầy đủ, phát huy trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành; nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên và toàn dân. Hi vọng và tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá vùng đất xứ Nghệ giàu bản sắc văn hoá Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Nghệ An sẽ phấn đấu hơn nữa cho mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nghệ An đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.                                                                                                                           

  Nguyễn Thị Kim Chi 

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ 

Tin cùng chuyên mục


Công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng bộ Nghệ An góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống pháp (1946-1954)

Công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng bộ Nghệ An góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống pháp (1946-1954)


Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 4/2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 4/2024


Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng


Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 – 2025

Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 – 2025


Hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 4/2024

Hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 4/2024


Khảo sát về ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin tại huyện Thanh Chương và huyện Kỳ Sơn

Khảo sát về ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin tại huyện Thanh Chương và huyện Kỳ Sơn


Thường trực Tỉnh làm việc với lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy

Thường trực Tỉnh làm việc với lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh


Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Công an huyện Hưng Nguyên tận tụy phục vụ Nhân dân

Công an huyện Hưng Nguyên tận tụy phục vụ Nhân dân


Bộ đội Biên phòng Nghệ An thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở

Bộ đội Biên phòng Nghệ An thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở


Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4

Thường trực HĐND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4


UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4

UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 4