Banner Ban tuyên giáo sub-site-1

Thơ văn yêu nước Nguyễn Xuân Ôn

Thơ văn Ông vừa mang đậm màu sắc trữ tình vừa mang tính chiến đấu cao, phản ánh chân thực và sinh động cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta chống xâm lược Pháp giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.

1. Nguyễn Xuân Ôn là một đại biểu xuất sắc của tư trào Cần Vương trong văn học nửa sau thế kỷ XIX. Thơ văn Ông vừa mang đậm màu sắc trữ tình vừa mang tính chiến đấu cao, phản ánh chân thực và sinh động cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta chống xâm lược Pháp giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX. Chính nhờ có một sự rung cảm chân thành và sâu sắc, nhà thơ đã thành công trong khá nhiều trường hợp chọn chữ, lựa lời, đối ý để thể hiện tư tưởng tình cảm của mình một cách mặn mà, đằm thắm. Màu sắc, âm thanh, chuyển động dưới ngòi bút của nhà thơ đã được phối hợp nhịp nhàng, tạo nên những hình tượng đẹp về thiên nhiên và con người trong mỗi quan hệ hài hoà gắn bó. Mấy câu thơ làm trong lúc bị giặc Pháp đưa xuống tàu giải đi đày nơi xa đã nói lên sâu sắc và cô đọng tâm trạng bi thiết của người anh hùng thất thế trước cảnh trời mây bát ngát:

                           Phong đào vạn lý ky hoài thảm,

                           Vân nguyệt tam canh lữ mộng sầu

                                                    (Chu trung tác)

                           (Sóng cồn muôn dặm lòng quê thảm,

                           Trăng gió ba canh mộng khách sầu).

                                                    (Làm ở trong thuyền)

Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Xuân Ôn dường như cũng tham gia vào công cuộc cứu nước. Đứng trước cảnh núi Võ Kỳ hùng tráng ngay tại quê nhà, Ông liên tưởng tới cờ xí ngất trời, trống trận đổ hồi:

                           Cẩm phong đặc địa phô la đái,

                           Văn thạch liên thiên thụ phái tinh.

                           Cốc ủng phong hồi minh cổ hưởng,

                           Tuyền phi thuỷ kích tác kim thanh

                                                                           (Võ kỳ sơn)

                           (Đỉnh gấm chênh vênh phơi dải lụa,

                           Đá vằn chót vót dựng cờ mây.

                           Khe vùng ngọn núi hồi chuông giục,

                           Gió xoáy bên hang dịp trống bay)

                                                               (Vịnh núi Võ kỳ)

Nguyễn Xuân Ôn có những giây phút để lòng mình chan hoà với những tình cảm bình dị của người dân như tình cha con, tình anh em, tình quê hương... Những tình cảm bình dị đó tuyệt nhiên không làm yếu lòng người mà ngược lại tăng thêm ý chí chiến đấu đến cùng. Những bài thơ làm vào dịp tang cha (Phụ tang vọng nhật hậu cảm tác) hay nhớ em đi xa (Hoài đệ hữu cảm) thật là lắng đọng và chân tình. Nếu như Nguyễn Xuân Ôn có bị hạn chế một phần nào bởi khuôn khổ gò bó của những bài thơ luật Đường thì ông lại có ưu thế để tung hoành trong những bài sớ, bản điều trần với khuôn khổ rộng rãi hơn, thể tài phóng khoáng hơn. Tiếp nối truyền thống nhân nghĩa rực rỡ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc, Nguyễn Xuân Ôn luôn nhấn mạnh vai trò của nhân dân, yêu cầu những người cầm quyền là phải dựa vào dân, nhất là trong những lúc vận mệnh quốc gia bị đe doạ. Ông khẳng định: Dựng nước do ở nhân nghĩa, không do ở sức mạnh. Nếu sức mạnh có thể được lâu thì nhà Tần có thể bền vững muôn đời, mà nhà Nguyễn không phải chỉ có vận mạng trăm năm mà thôi. Đó đều là những gương sáng đã rõ ràng ở đời trước vậy [5; tr.46]. Những bài văn có tính chất chính luận này, cũng mang đậm đặc điểm trữ tình, nhưng trong một phạm vi rộng hơn, trên một trình độ cao hơn nó cũng cho thấy cách lập luận chặt chẽ, cách đặt và giải quyết vấn đề thiết thực, lối hành văn giản dị, trong sáng và dồi dào cảm xúc.

2. Cũng như phần lớn các sĩ phu yêu nước khác cùng thời, Nguyễn Xuân Ôn không hề có ý định làm thơ văn để lưu lại đời sau. Thế nhưng với một tâm hồn sục sôi nhiệt huyết, luôn luôn gắn bó với thời cuộc, với xã hội, Ông không thể dửng dưng trước những sự việc xảy ra quanh mình. Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn thường chú ý phản ánh bộ mặt thối nát của xã hội đương thời. Ông cũng rất thành công trong vận dụng bút pháp hiện thực. Một đặc điểm trong thơ văn Nguyễn Xuân Ôn là tính chất phác, chân thực. Tác giả thấy ra sao, cảm xúc thế nào thì hạ bút viết ra thế ấy, không có dụng tâm đẽo gọt cầu kỳ, chạm trổ công phu. Ý thơ cũng như chữ dùng đến với tác giả tự nhiên, cụ thể, đôi khi rất bất ngờ và đột ngột. Trong một số bài viết của mình, Ông đã lên án bọn quan lại vô trách nhiệm, bất tài vô dụng, ngày thường chỉ biết tham quyền cố vị, đến lúc có việc thì sẵn sàng bán rẻ giang sơn Tổ quốc, cam tâm làm tay sai cho giặc để vinh thân phì gia. Ngòi bút của Ông sắc sảo, đanh thép lạ thường! Chỉ với vài chữ chọn lựa tinh tế và chính xác, chữ tuy ít mà ý giàu, ông đã lột được cái thần thái hèn hạ, tả đúng cái thái độ xu nịnh của chúng:

                           Ngũ kinh thánh đạo phì nang thác,

                           Tam truyện nho khoa điếm hốt hài

                                                   (Cảm thuật, II)

                           (Năm kinh đạo thánh đầy nang túi,

                           Ba truyện khoa nho nhớp hốt hài)

                                                   (Cảm thuật, II)

Cách so sánh của Ông cụ thể, nhiều khi rất bất ngờ đối với một nhà nho chính thống. Nằm trong nhà lao của kẻ thù, Ông tự ví mình như một người đã vào hàng cá ươn lâu nên không còn biết mùi tanh thối:

                           Thử thân dĩ nhập bào ngư tứ

                                                   (Cảm tác, I)

                           (Chót vào trong đám thối tha).

                                                   (Cảm tác, I)

Trong khi ốm đau Ông làm thơ liên hệ tới việc đời điên nguy như bệnh “thũng lớn”, tới lòng người bị che lấp như người mắc bệnh thương hàn nặng:

               Thế sự điên nguy như đại thũng,

               Nhân tâm chướng tế tự trầm hàn

                                                   (Bệnh trung tác)

               (Sự thế tưởng như thân thũng chướng,

               Lòng người giống tựa chứng hàn suy)

                                                   (Làm trong khi ốm)

Trong thơ văn Nguyễn Xuân Ôn, người đọc còn bắt gặp những chữ, những lời rất nôm na đại chúng thường rất khó thấy trong tác phẩm của các nhà nho, phản ánh cách nhìn rất đặc sắc của tác giả:

               Bình dương khuyển dị năng khi hổ,

               Thiển thuỷ hà lương dục hý long"

                           (Hải Dương cấm trung tác, I)

               (Đồng bằng chó nhãi khinh lờn cọp,

               Nước cạn tôm con chế diễu rồng).

 (Làm trong nhà giam tỉnh Hải Dương, I)

Trong một số bài thơ nôm tuy ít ỏi, người đọc bắt gặp những mẫu người, những dáng hình rất tiêu biểu, không sao trộn lẫn được, nhờ tác giả đã biết rút ra những nét điển hình của nhân vật:

               Những phường trở đậu ngồi trơ mắt

               (Mấy lũ can thành đứng chắp tay)

                                       (Cảm tác, I)

Hay như:

               Thấy ăn cúi mặt biết ai là...

                           (Cảm tác, II)

 Nguyễn Xuân Ôn không chỉ sắc sảo trong sử dụng từ ngữ mà còn rất điêu luyện trong các phép đối. Chỉ cần hai ý, hai hình khéo chọn đủ làm nổi bật lên sự đối lập sâu sắc của cảnh ngộ, qua đó làm nổi bật tâm trạng xót xa của con người:

               Khước đắc cung trung ngôn tiếu hảo,

               Đình tiền bồ bặc thị hà vi?

                                       (Sóc vọng bái)

               (Cười nói trong cung nghe rả rích,

               Lom khom sân trước để làm chi?).

                                       (Lễ sóc vọng bái)

               Viễn tái mã cầu mang bạch phát,

               Cao lâu cân quắc hý thanh nga

                                       (Xuân nhật)

               (Dãi dầu tóc bạc xót người xa

               Hú hí mày ngài buồn đứa nhát).

                                       (Ngày xuân)

Sự tương phản gây ấn tượng không chỉ có trong sự đối lập các ý tứ, hình ảnh, mà có khi còn được vận dụng thành công vào sự cấu trúc một bài thơ với hai phần hoàn toàn khác nhau cả về ý lẫn về cảnh. Bài thơ làm trong đêm theo xe vua đi săn ở Thuận Trực (Hộ giá hạnh Thuận Trực xạ liệp, dạ khởi chu trung tác) tiêu biểu cho phương pháp này. Người đọc đang chìm đắm trong ánh sáng rực rỡ của đèn đuốc và tiếng trống tiếng còi rộn rã của đám đi săn:

               Nhất đai thương mang thu thuỷ bạch,

               Thiên tằng diếu ái mộ vần thâm.

               Ngân hoa ẩn ẩn tình kỳ ánh,

               Ngọc lậu trì trì cổ giác âm.

               (Nước thu một dải mênh mông trắng,

               Mây tối ngàn tầng bao phủ nhoà.

               Cờ xí phất phơ vầng đuốc tỏ,

               Trống còi hoà hộn giọt đồng sa).

Thì đột ngột được kéo về với cái thực tại đau xót của đất nước đang bị xâm lấn, dân tộc đang bị chà đạp:

   Hồi thủ bắc biên trần vị tĩnh,

   Hà đương hành sáo phú thanh khâm.

   (Nhìn về trời Bắc chưa trong bụi,

   Chưa lúc ngâm thơ với múa qua).

Sự tương phản giữa hai đoạn của bài thơ đã tạo ra một hứng thú bất ngờ đối với người đọc, đồng thời cũng có tác dụng làm cho ý thơ thêm sâu sắc, hồn thơ thêm sâu lắng.

3. Nguyễn Xuân Ôn dùng ngòi bút của mình làm vũ khí đánh giặc, bởi bản thân ông là một chiến sỹ. Ông cũng sử dụng bút pháp châm biếm trào phúng vào mục đích nhằm đả kích kẻ thù một cách thành thạo. Có lúc mới đọc qua tưởng chừng như nhẹ nhàng, thoáng qua, nhưng càng ngẫm càng thấy sâu xa lắng đọng. Kẻ thù với bản chất tráo trở, lật lọng, chúng luôn luôn dùng mọi âm mưu xảo quyệt nhất để lấn cướp nước ta, Ông "khen" là "có nhiều ý tốt":

                           Thiên đắc lân bang đa hảo ý,

                           Biệt vô nhĩ trá dữ ngô ngu.

                                       (Trường An hoài cổ, II)

                           (Cũng may xóm bạn nhiều lòng tốt,

                           Chẳng dại chi chi chuyện dối lừa).

                                       (Trường An nhớ thuở xưa, II)

Tổ quốc bị chiếm đóng, gót sắt của quân giặc dày xéo lên khắp các nẻo đường của đất nước, Ông tin rằng hiệp ước thông thương có thể thi hành:

               Phàm tường đáo xứ giai dương chủ,

               Thuỷ tín khai thương ước khả thuyền.

                                             (Chu quá Thuận An cảm tác)

               (Tàu bè đâu đấy Tây làm chủ,

               Mới biết thông thương được giữ lời).

                           (Cảm tác khi thuyền qua bến Thuận An)

Tiếng tiêu, tiếng sáo rộn ràng trong công đường ngày tết Nguyên đán mới nghe qua tưởng đâu như an nhàn vô sự, nhưng bên trong là cả một sự mỉa mai cay đắng đối với bọn tay sai đầu hàng đã trở thành bù nhìn cho giặc:

               Công sanh thiên đắc nhàn vô sự,

               Tiêu quản thanh thanh lạc thái hoà.

               (Mậu tý niên Nguyên đán cảm tác)

               (Công đường riêng được nhàn vô sự,

               Vui vẻ sinh ca tiếng dập dìu).

                           (Ngày Nguyên đán năm Mậu Tý cảm tác)

Có khi sự mỉa mai châm biếm đó lại được trình bày dưới dạng một bài học kinh nghiệm xót xa rút ra từ thực tế cuộc đời xáo động:

               Minh thế văn chương thụ quyến tri,

               Thánh hiền trung giáo tổng thành khi.

                                       (Cảm thuật, III)

               (Nổi tiếng văn chương được chúa vời,

               Lời hiền nghĩa thánh cũng bằng toi).

                                       (Cảm khái mà thuật ra, III)

Một điều đáng nói là thơ châm biếm của Nguyễn Xuân Ôn không bóng gió, cạnh khoé. Trong cái phức tạp của sự việc hay của tâm trạng, Ông đã tóm được cái khía cạnh điển hình nhất để châm biếm và ông đã dùng ngôn ngữ chính xác sinh động để mô tả, cho nên lời thơ càng cụ thể, nhẹ nhàng thì tứ thơ càng chua cay, thấm thía. Lời nói của Nguyễn Xuân Ôn đại biểu cho chính nghĩa, cho công lý, cho nhân phẩm, do đó bao giờ cũng trực diện và chứa chan âm điệu hùng tráng. Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn dùng nhiều điển tích lấy trong sử sách Trung Quốc, câu thơ hay bài văn vì vậy không khỏi đôi khi tối nghĩa. Có điều là Ông không vận dụng điển tích tràn lan, để thoả mãn một thích thú cá nhân của người hay chữ, mà có chọn lọc, có chủ định, cốt để tô đậm thêm tư tưởng và tình cảm lớn chủ đạo toàn bộ thơ văn của ông là lòng yêu nước. Dưới ngòi bút hừng hực chính khí của Ông, các trung thần nghĩa sĩ trong lịch sử lâu đời của Trung Quốc, từ Trương Lương giúp Hán diệt Tần để báo thù cho Hàn đến Tô Định đời Tấn qua sông gõ mái chèo thề đánh tan quân giặc mới về và trong lịch sử dân tộc như Trần Khát Chân mưu giết họ Hồ hay cha con Đặng Tất, Đặng Dung khởi binh đánh quân Minh... đều về họp mặt đông đủ. Điều đáng quan tâm là để phục vụ đắc lực mục đích đả kích bọn quan lại làm tay sai cho giặc, Ông đã lôi từ trong kho tàng sử sách cổ của Trung Quốc hàng loạt gian thần mại quốc, mỗi tên với tội trạng cụ thể, không tên nào lẫn lộn với tên nào, từ Tần Cối đời Tống, Chúc Khâm Minh đời Đường:

               Nhất đức cách thiên Tần Tể các,

               Ngũ kinh tảo địa Chúc công phường.

                                       (Thu nhật cảm tác)

               (Thấu trời một đức Tần chi khác,

               Quét đất năm kinh, Chúc một phường).

                                       (Ngày mùa thu cảm hoài)

            Đến Uông Bá Ngạn và Hoàng Tiềm Thiện đời Nam Tống:

               Khuynh bang khả nại hữu Uông, Hoàng

                           (Văn tứ chấn thất thủ cảm tác)

               (Ngán thay bán nước có Uông, Hoàng)

                           (Làm khi nghe bốn trấn thất thủ)

Tiếp theo đó là An Lộc Sơn, Trương Bang Xương, Lưu Dự, Dương Quốc Trung... lũ lượt một bầy ô nhục đáng khinh. Hình thức nghệ thuật đó đã phục vụ đắc lực cho việc biểu hiện nội dung hiện thực và chiến đấu sâu sắc của Ngọc Đường thi văn tập, mang lại cho tác phẩm một dấu ấn riêng biệt, trên cơ sở đó đã tạo nên giá trị chân chính của tác phẩm cũng như đã xác lập vị trí xứng đáng của tác giả trong văn thơ yêu nước truyền thống của dân tộc. Trần Quang Diệm, một học giả cùng thời Nguyễn Xuân Ôn, nhận xét thơ văn Nguyễn Xuân Ôn: “Càng xem càng thấy ý vị thơ văn rất sâu xa... Bởi vì khí phách cương trực lớn lao, bẩm thụ tự trời sinh. Vì thế thốt ra lời nói, có thể làm khuôn phép cho đời, chẵng những chỉ xưng hùng trong thi đàn mà thôi... Trong khi ngâm đọc, làm cho khích lệ kẻ trọc; tuyên dương người thanh. Kẻ ngu ngoan trở nên liêm chính, người nhu nhược biết đường tự lập, thế thì đối với lòng người và phong tục đều có bổ ích {5; tr. 65}. Đấy là ý kiến rất có cơ sở./.

                  Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

           Nguyễn Thị Thanh, Trung tâm KĐCLGD, Trường ĐH Vinh 

Tin cùng chuyên mục

Chuyển biến trong cải cách hành chính và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT

Chuyển biến trong cải cách hành chính và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT


Công tác tham mưu xây dựng Đảng về chính trị ở Nghệ An – Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp

Công tác tham mưu xây dựng Đảng về chính trị ở Nghệ An – Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp


Phát triển đảng viên trong Đảng bộ khối Doanh nghiệp, một số kinh nghiệm

Phát triển đảng viên trong Đảng bộ khối Doanh nghiệp, một số kinh nghiệm


Vào Đảng chưa bao giờ muộn với người đàn ông dân tộc Thái có khát vọng ở tuổi 59

Vào Đảng chưa bao giờ muộn với người đàn ông dân tộc Thái có khát vọng ở tuổi 59


Ngành Du lịch Nghệ An kỳ vọng và đổi mới trong thu hút du khách năm 2024

Ngành Du lịch Nghệ An kỳ vọng và đổi mới trong thu hút du khách năm 2024


Tiếp tục nâng cao hiệu quả câu lạc bộ thời sự trên địa bàn thị xã Thái Hòa

Tiếp tục nâng cao hiệu quả câu lạc bộ thời sự trên địa bàn thị xã Thái Hòa


Phát huy truyền thống xây dựng Bộ đội Biên phòng ngang tầm nhiệm vụ mới

Phát huy truyền thống xây dựng Bộ đội Biên phòng ngang tầm nhiệm vụ mới


Đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn giá và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc dịp Tết Giáp Thìn năm 2024

Đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn giá và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc dịp Tết Giáp Thìn năm 2024


Thu ngân sách năm 2023 – Tín hiệu chuyển biến tích cực cho kế hoạch thu năm 2024

Thu ngân sách năm 2023 – Tín hiệu chuyển biến tích cực cho kế hoạch thu năm 2024


Hiệu quả từ đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Hiệu quả từ đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn


Đảng bộ thị xã Hoàng Mai: Nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác phát triển đảng viên

Đảng bộ thị xã Hoàng Mai: Nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác phát triển đảng viên


Người được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao trọng trách lớn

Người được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao trọng trách lớn


Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy


Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện để phát triển giáo dục và đào tạo

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện để phát triển giáo dục và đào tạo


Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc

Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc