Banner Ban tuyên giáo sub-site-1

Thắm tình hữu nghị anh em Việt Nam- Lào

Hai dân tộc Việt Nam và Lào từ bao đời nay đã sống bên nhau trên một dải đất, cùng có chung dãy Trường Sơn hùng vĩ được ví như cột xương sống của hai nước tạo thế liên hoàn trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào cũng như các dân tộc của 3 nước Đông Dương luôn luôn phải liên minh đoàn kết chiến đấu và hợp tác toàn diện với nhau để chống kẻ thù và xây dựng đất nước. Yếu tố đó càng trở nên cấp bách khi nhân dân hai nước đều bị đặt dưới ách thống trị của thực dân Pháp từ cuối thế kỷ XIX.

Đứng trước hoạ xâm lăng, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã có sự phối hợp với nhau. Ở Việt Nam, phong trào hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi (1885-1895) lan rộng và sôi sục. Nhiều căn cứ và đơn vị nghĩa quân của Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Cao Đạt, Hà Văn Mao, Tống Duy Tân... đã dựa vào các vùng rừng núi giáp biên giới Việt Nam - Lào để hoạt động, được nhân dân Lào và Việt Nam ở đây đùm bọc, nuôi dưỡng.

Cũng như ở Việt Nam, phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm, phong trào chống Pháp ở Áttapư do ông Khi Volảlạt lãnh đạo (1900-1901) hòa chung với phong trào Phùmibun ở Trung Lào của Phò Càđuột (1901- 1902) và cuộc khởi nghĩa Hạ Lào do ông Kẹo và ông Commađăm lãnh đạo (1901- 1937), đã có sự liên kết với các cuộc nổi dậy chống Pháp của bộ tộc Xơđăng ở Kon Tum (Việt Nam). Đặc biệt, năm 1918, phong trào chống Pháp của người Mông ở Tây Bắc Việt Nam do Chậu Phạbắtchây lãnh đạo, lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam, kéo dài đến tận năm 1922, gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại.

Do thấu hiểu tình hình và yêu cầu cách mạng ở mỗi nước Đông Dương, ngay từ khi thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định cần thiết phải xây dựng mối liên minh chiến đấu, đồng thời phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ, giải quyết nhiệm vụ cách mạng trong khuôn khổ mỗi nước. Người đặc biệt coi trọng và luôn luôn chăm lo, vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Việt Nam - Lào - Campuchia, coi đó là một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước.

Thực tiễn lịch sử cách mạng và chiến tranh cách mạng hai nước cho thấy, cơ sở quan hệ liên minh, hợp tác quân đội Lào - Việt Nam đã được hình thành từ những ngày cách mạng còn “trứng nước” trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 với sự ra đời của các đội tự vệ hỗn hợp, các đơn vị liên quân Lào - Việt. Mối quan hệ này được chính thức xác lập về mặt nhà nước khi đại diện hai Chính phủ Lào - Việt Nam ký kết “Hiệp định thành lập Liên quân Lào - Việt” ngày 30-10-1945, nhằm hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ nền độc lập mới giành được của hai dân tộc.

Ngày 12-10-1945, Chính phủ độc lập lâm thời Lào Itxala thành lập. Ngày 14-10-1945, nhân danh Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố công nhận Chính phủ độc lập lâm thời Lào Itxala, đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, đồng thời cử phái viên Chính phủ Việt Nam tại Lào. Trên cơ sở đó, ngày 16-10-1945, tại Viêng Chăn, đại diện Chính phủ độc lập lâm thời Lào Itxala và đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt Nam nhằm hợp tác và giúp đỡ nhau về mọi mặt; trước hết là quân sự để bảo vệ nền độc lập của hai dân tộc, chống thực dân Pháp quay lại xâm lược. Vì vậy, mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc đã được thành lập lên một cách chính thức và đã tạo điều kiện cho việc xây dựng mối quan hệ mới, nhằm xây dựng sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, đoàn kết chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm sâu sắc về vấn đề giúp đỡ xây dựng và phát triển lực lượng, phát huy tinh thần độc lập tự chủ của cách mạng Lào, coi giúp đỡ cách mạng Lào vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ, và coi đây là một nội dung quan trọng nhất của tình đoàn kết và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào. Trong lần gặp và làm việc đầu tiên với Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản ở Hà Nội, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian để bàn về vấn đề “xây dựng cơ sở cách mạng ở Lào” và coi đó như là một bước đi đầu tiên nhưng rất cơ bản của tiến trình đấu tranh giành độc lập tự do của nhân dân Lào”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Người Việt Nam cũng như người Lào có nhu cầu cấp bách là phải đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp để cứu nước. Người Lào cần phải thành lập tổ chức người Lào kháng chiến, phải gây dựng cơ sở cách mạng trong nước, phải xây dựng lực lượng vũ trang là một trong những vấn đề quan trọng nhất.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược lần thứ hai, liên minh đoàn kết chiến đấu Lào - Việt Nam càng thể hiện tính tất yếu khách quan của lịch sử và là điều kiện tồn tại, phát triển của hai dân tộc, do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Thể theo nguyện vọng của lãnh đạo và nhân dân Lào, các đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam đã lần lượt sang Thượng, Trung và Hạ Lào, phối hợp cùng lực lượng vũ trang cách mạng Lào vừa xây dựng, vừa liên tục chiến đấu, lập nên những chiến công oanh liệt ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Bộ đội tình nguyện Việt Nam đã sát cánh, phối hợp, góp phần vào việc xây dựng và phát triển nhanh chóng các lực lượng vũ trang cách mạng của Lào trên toàn quốc. Trên cơ sở phong trào kháng chiến phát triển mạnh mẽ, tháng 8 - 1950, Đại hội toàn quốc các lực lượng kháng chiến Lào được triệu tập đã thông qua “Cương lĩnh chính trị 12 điểm”, thành lập “Mặt trận Neo Lào Itsxala” và “Chính phủ kháng chiến Lào”. Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự lớn mạnh của cách mạng Lào, đồng thời đưa quan hệ đoàn kết chiến đấu của quân đội Lào - Việt Nam phát triển với quy mô và trình độ mới, cao hơn trước. Khi cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn phát triển, theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ Lào và Việt Nam, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh chiến dấu cùng với quân và dân Lào, mở các chiến dịch lớn, giành thắng lợi quan trọng. Đặc biệt là trong Đông - Xuân 1953-1954, liên quân Lào - Việt đã liên tiếp mở các chiến dịch tiến công ở Trung Lào, Hạ Lào và Thượng Lào, phá vỡ tuyến phòng thủ quan trọng của địch dọc sông Nậm U, phối hợp trực tiếp với chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam, giành thắng lợi oanh liệt. Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng và kháng chiến chống Pháp nói chung “là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu toàn diện giữa quân đội và nhân dân ba nước, mà Việt Nam là trụ cột”1.

Ngay sau khi thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ trực tiếp xâm lược Đông Dương, can thiệp vào Lào, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hòng biến Lào, Việt Nam cũng như Campuchia trở thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Quân dân Lào và quân dân Việt Nam lại một lần nữa sát cánh chống kẻ thù chung. Theo yêu cầu của Đảng và nhân dân Lào, các đơn vị chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam, một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam lại có mặt trên chiến trường Lào, cùng phối hợp với các lực lượng vũ trang Pathét Lào chiến đấu. Trong mùa khô 1960 -1961, bộ đội Pathét Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam mở một loạt chiến dịch tiến công địch, giải phóng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Phôngxalỳ và một phần các tỉnh Luông Prabang, Nậm Thà, Khăm Muộn, Xavẳnnakhệt. Từ giữa năm 1964, khi đế quóc Mỹ mở rộng chiến tranh, bộ đội Pathét Lào và các lực lượng vũ trang trung lập Lào đã phối hợp với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bẻ gãy kế hoạch “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, giành và giữ vững các vùng giải phóng. Những chiến công vang dội ở Phu Cút (1966), Cánh đồng Chum (1967), Nam Lào (Mùa khô 1967-1968), đặc biệt là chiến thắng Nậm Bạc, Pa Thí (1968) đã giáng đòn nặng nề vào chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Lào, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ tác chiến của các lực lượng vũ trang yêu nước Lào, khẳng định sức mạnh của tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội hai nước Lào - Việt Nam được nâng lên một bước mới.

Kể từ khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường, “dùng người Lào đánh người Lào”, “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”, một lần nữa quân và dân Việt Nam lại sát cánh với quân dân Lào kiên quyết đánh bại bước leo thang mới của đế quốc Mỹ. Thắng lợi liên tiếp trên chiến trường Lào, nhất là các chiến dịch Mường Sủi (7-1969), Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (10-1969 đến 4-1970) đã đẩy cuộc “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ đến ngõ cụt. Bị thất bại trên chiến trường Lào và Việt Nam, đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra khắp Đông Dương nhằm ngăn chặn thế và lực của tình đoàn kết chiến đấu của quân, dân ba nước Đông Dương. Trước tình hình đó, Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương (4-1970) ra tuyên bố khẳng định lập trường đoàn kết liên minh chiến đấu giữa quân và dân ba nước Đông Dương, quyết tâm chiến đấu đưa cuộc kháng chiến mau tới thắng lợi.

Sức mạnh đoàn kết chiến đấu của quân đội Lào - Việt Nam được phát huy cao độ. Đầu năm 1971, được sự chi viện và phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chủ lực Việt Nam, Liên quân Lào - Việt đã anh dũng chiến đấu, đập tan hoàn toàn cuộc hành quân chiến lược “Lam Sơn 719” của Mỹ ngụy ở đường 9 - Nam Lào. Thắng lợi này đã giáng một đòn mạnh vào “Học thuyết Nichxơn”, tạo bước ngoặt có lợi cho cách mạng Đông Dương, đồng thời là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt Nam. Đường mòn Hồ Chí Minh chạy dọc hai bên sườn Đông và Tây Trường Sơn là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và liên minh đoàn kết chiến đấu Lào - Việt Nam vẫn được giữ vững. Phát huy thắng lợi, Liên quân Lào - Việt Nam mở chiến dịch Cánh đồng Chum - Mường Sủi (tháng 12-1971 đến tháng 4-1972) và tiến công địch trên khắp chiến trường, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế chiến lược ngày càng vững chắc cho cuộc kháng chiến ở Lào.

Bị thất bại trên chiến trường miền Nam và thua đau trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhất là trong cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972 cũng như thất bại ở Lào, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari (27-1-1973) lập lại hòa bình ở Việt Nam, tiếp đó ký Hiệp định Viêng Chăn (21-2-1973) lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào. Trước tình hình mới, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào coi trọng việc củng cố, tăng cường đoàn kết chiến đấu Lào - Việt Nam. Trong lúc phong trào đấu tranh cách mạng Lào có những chuyển biến mới, thắng lợi to lớn của quân dân Việt Nam trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho cách mạng ở mỗi nước trên bán đảo Đông Dương. Nắm vững thời cơ chiến lược, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào phát động đấu tranh với ba đòn chiến lược (nổi dậy của quần chúng nhân dân; tiến công bằng quân sự gây áp lực; nổi dậy, ly khai của binh lính Viêng Chăn), kết hợp với mũi đấu tranh pháp lý, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, kết thúc cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc suốt 30 năm, đưa cách mạng Lào chuyển sang giai đoạn mới.

Như vậy, nắm vững quy luật về mối quan hệ đặc biệt với Lào, Đảng, Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “giúp nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình”. Đảng, Nhà nước và quân đội Việt Nam luôn coi nhiệm vụ đoàn kết, phối hợp chiến đấu, giúp đỡ quân đội và nhân dân Lào anh em là một nhiệm vụ quốc tế quan trọng và đã kiên trì thực hiện, góp phần đưa cuộc cách mạng và kháng chiến của Lào cũng như Việt Nam đến thắng lợi trọn vẹn, triệt để trong năm 1975. Thắng lợi vĩ đại đó bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất vì độc lập dân tộc của nhân dân hai nước Lào - Việt Nam, trong đó nhân tố quyết định là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.

Thắng lợi của cách mạng Lào và cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự liên minh đoàn kết chiến đấu Lào - Việt Nam. Trong cuộc chiến đấu lâu dài chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân đội nhân dân Lào và quân đội nhân dân Việt Nam đã đóng góp rất to lớn vào việc củng cố, phát triển mối quân hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước. Quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu và hợp tác quân đội hai nước Lào - Việt Nam là một tất yếu khách quan, một nội dung cơ bản, chủ yếu trong mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam.

          Hiện nay, cách mạng hai nước đã chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, phát triển và đổi mới của mỗi quốc gia phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Tuy nhiên, cách mạng hai nước đã có sự chuyển biến khác trước, nhưng nhiệm vụ của quân đội hai nước về cơ bản vẫn giống nhau là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc công cuộc xây dựng đất nước. Với sự lãnh đạo của Đảng, có sự nhất trí cao về quan điểm và các vấn đề lớn là yếu tố cơ bản bảo đảm cho mối quan hệ đặc biệt giữa quân đội hai nước không ngừng củng cố và phát triển. Tình hình chính trị hai nước nói chung ổn định, trật tự an ninh được giữ vững. Quan hệ quốc tế hòa dịu và mở rộng, tuy vẫn tồn tại những tranh chấp và mâu thuẫn công khai hoặc ngấm ngầm trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, phá hoại đối với hai nước, thì việc củng cố xây dựng mối quan hệ Lào - Việt Nam càng là một vấn đề sống còn của mỗi nước và cả hai nước trong tình hình hiện nay cũng như mai sau.

                                                                                      Nguyễn Thị Hồng Vui

                                                                                      Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.     

 

1 Điện mừng của đồng chí Khăm tày Xiphănđon, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 8-5-1884.

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội


Chuẩn bị đón Đoàn cấp cao tỉnh U-li-a-nốp đến thăm và làm việc tại Nghệ An và kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I.Lê-nin

Chuẩn bị đón Đoàn cấp cao tỉnh U-li-a-nốp đến thăm và làm việc tại Nghệ An và kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I.Lê-nin


Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về khoa học và công nghệ

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về khoa học và công nghệ


Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới

Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới


Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em


Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)

Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)


Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới

Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới


Trọn niềm tin với Đảng

Trọn niềm tin với Đảng


Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam


Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo tổ chức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo tổ chức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024


Giới thiệu “Tài liệu Hỏi - đáp Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”

Giới thiệu “Tài liệu Hỏi - đáp Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”


Chào năm mới 2024, Nghệ An vững tin vào giai đoạn phát triển mới!

Chào năm mới 2024, Nghệ An vững tin vào giai đoạn phát triển mới!


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng


Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ở Đảng bộ Nghệ An qua gần 40 năm đổi mới đất nước

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ở Đảng bộ Nghệ An qua gần 40 năm đổi mới đất nước