Dịch sốt xuất huyết hiện đang bùng phát tại tỉnh ta với gần 1.300 ca mắc, trong đó có 2 ca đã tử vong do bệnh. Trong thời gian tới, dịch còn có nguy cơ lây lan nhanh với nhiều ca mắc hơn. Do đó, cả hệ thống chính trị và mọi người, mọi nhà cần tập trung phòng chống dịch, góp phần bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Dịch sốt xuất huyết bùng phát
Tính từ đầu năm đến ngày 08/9/2022, cả nước đã ghi nhận 179.011 ca mắc sốt xuất huyết và có 72 bệnh nhân tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 3,9 lần, tử vong tăng 54 trường hợp. Năm 2022 được đánh giá là năm dịch sốt xuất huyết bước vào chu kỳ với nhiều ca mắc. Nghệ An cũng nằm trong xu thế chung này. Năm 2018, tỉnh ghi nhận 61 ca tại huyện Diễn Châu. Năm 2019, tỉnh ghi nhận 700 ca tại huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai. Năm 2020, tỉnh ghi nhận 689 ca tại huyện Diễn Châu, huyện Anh Sơn và huyện Con Cuông. Năm 2021, tỉnh ghi nhận 60 ca… Hiện nay dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại tỉnh ta, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện đang tăng rất nhanh. Từ đầu năm đến 18/9/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.266 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 217 ca ngoại lai và 1.049 ca nội tại. Từ ca mắc nội tại đầu tiên được ghi nhận tại xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc vào ngày 25/5/2022, đến ngày 18/9 dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện ở nhiều địa phương (cả miền biển và khu vực miền núi). Lũy kế bệnh nhân nội tại từ đầu năm đến ngày 18/9 là 1.049 ca ở 15 địa phương (Quỳnh Lưu 416 ca, Diễn Châu 304 ca, Nghi Lộc 156 ca, Hoàng Mai 84 ca, Hưng Nguyên 21 ca, Yên Thành 20 ca, Thanh Chương 18 ca, Anh Sơn 15 ca, Cửa Lò 5 ca, Qùy Hợp 3 ca, Nghĩa Đàn 2 ca, Đô Lương 2 ca, TP.Vinh 1 ca, Qùy Châu 1 ca, Con Cuông 1 ca). Trong đó, số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện là 649 người. Có 02 bệnh nhân tử vong. Số bệnh nhân hiện đang điều trị là 398 người.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) - tuyến cuối của khu vực Bắc Trung bộ, hiện có hàng chục bệnh nhân đang điều trị. Khi nhập viện, hầu hết các bệnh nhân đều trong tình trạng sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tiến sỹ, Bác sỹ Quế Anh Trâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết: Bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nhanh, các biểu hiện nặng dần theo từng giai đoạn. Kể từ thời gian phát bệnh với những cơn sốt cao đầu tiên, bệnh sẽ khỏi dần trong 7-10 ngày sau đó. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là giai đoạn ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, với những biến chứng mạnh, nhanh như tăng tính thấm thành mạch, gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, sốc, suy đa phủ tạng. Khi bệnh nhân mắc sốt xuất huyết biến chứng, cơ chế thoát huyết tương được ví như đường ống nước bị vỡ toàn tuyến. Lúc này y, bác sỹ không thể nào cứu trị nổi, biến chứng nặng sẽ dẫn đến tử vong. Thời gian qua, Trung tâm đã điều trị khỏi cho rất nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên có 2 bệnh nhân khi được tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng rất nặng – suy đa tạng, khi vào Trung tâm, bệnh diễn biến nhanh, biến chứng mạnh. Trung tâm đã chuyển ra tuyến Trung ương song họ không qua khỏi (hai bệnh nhân tử vong này đều đang trong độ tuổi lao động).
Đáng quan tâm là dịch sốt xuất diễn biến tăng rất nhanh. Riêng trong nửa đầu tháng 9, toàn tỉnh trung bình ghi nhận gần 30 mắc nội tại/ngày. Tiến sĩ Chu Trọng Trang - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện ở Nghệ An lưu hành hai type virus D1 và D2 gây sốt xuất huyết. Trong đó, type virus D1 có độc lực mạnh nhất trong 4 type, còn type virus D2 có tốc độ lây lan rất nhanh. Việc cùng lúc lưu hành hai type virus này khiến dịch sốt xuất huyết ở Nghệ An có nguy cơ lan rộng và diễn biến nặng.
Theo đoàn giám sát, điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An tại những ổ dịch và vùng nguy cơ, cho thấy nhận thức của người dân trong việc tuân thủ quy định về phòng chống dịch còn hạn chế. Ở nhiều địa phương, người dân thiếu ý thức phòng chống sốt xuất huyết, kêt cả khu vực mình sinh sống vốn là ổ dịch cũ. Tại ổ dịch xã Đỉnh Sơn (huyện Anh Sơn) vẫn còn rất nhiều những lốp xe đọng nước tạo điều kiện cho lăng quăng, bọ gậy sinh trưởng, muỗi phát triển. Tại khu vực ven biển Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai - nơi dịch hoành hành, trong các hộ gia đình vẫn có nhiều vật dụng chứa nước không sử dụng. Qua giám sát, mật độ véc-tơ ở đây rất cao... Nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về dịch sốt xuất huyết, một số người thờ ơ, ỉ lại, xem chống dịch là việc của chính quyền. Công tác vệ sinh môi trường nhiều nơi chưa đạt yêu cầu.
Tại một số địa phương, sự vào cuộc của chính quyền, các tổ chức xã hội trong phòng chống sốt xuất huyết còn thiếu quyết liệt. Các chiến dịch, hoạt động phòng chống dịch tại địa phương chưa được duy trì lâu dài, thường xuyên - đây chính là sự chủ quan, lỗ hổng nhất định trong công tác phòng chống dịch. Ngân sách địa phương hạn hẹp, việc vận động xã hội hoá chống dịch khó khăn…

Tuyên truyền cho người dân về cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết ở huyện Diễn Châu.
Cần sự vào cuộc tích cực để phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây nên. Bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ người này sang người khác là do muỗi vằn Aedes Aegypti. Mọi người đều có thể mắc bệnh sốt xuất huyết. Bệnh thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa lũ, ở các vùng đông dân cư, vệ sinh môi trường kém. Nghệ An bắt đầu vào mùa mưa - đây điều kiện thích hợp cho véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết du nhập, sinh trưởng và phát triển, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới rất lớn.
Để phòng chống dịch sốt xuất huyết, các cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục triển khai các giải pháp như tổ chức chiến dịch vệ sinh phòng dịch, phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; tuyên truyền về nguy cơ và tác hại của bệnh sốt xuất huyết nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Các huyện, thành, thị cần thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch các cấp; chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; xây dựng và triển khai Kế hoạch “Kiểm soát điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết” tại địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh vào các hoạt động thường quy khác; triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông về phòng chống sốt xuất huyết; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị, tổ chức cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết, làm lây lan dịch bệnh tại địa phương; chủ động bố trí ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch thuộc trách nhiệm đảm bảo từ ngân sách cấp huyện.
Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết trong trường học. Huy động lực lượng học sinh tham gia các hoạt động diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy tại gia đình và cộng đồng.
Bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng ngừa. Mọi người cần biết: không có muỗi thì không có sốt xuất huyết. Diệt muỗi ngoài việc loại bỏ yếu tố trung gian truyền bệnh từ người bệnh sang người lành; loại bỏ mầm bệnh khi muỗi có khả năng di truyền viurs Dengue sang cho đời sau. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là thực hiện không bị muỗi đốt, khi ngủ mọi người nên ngủ trong màn, tẩm màn bằng hóa chất; phun thuốc diệt muỗi và đốt hương muỗi trong nhà. Bên cạnh đó phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm quanh nhà và thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh; diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, đồng thời lật úp những dụng cụ chứa nước không dùng đến; thường xuyên tổng vệ sinh, dọn sạch ao tù, nước đọng... Khi có các dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, dấu hiệu của bệnh, mọi người cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời; không tự ý điều trị tại nhà.
Hiền Lương
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy