Gia đình - hai tiếng thiêng liêng trong trái tim mỗi con người, là chốn bình yên và an toàn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có hòa thuận, bình an, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững. Kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” nhằm tiếp tục tôn vinh các giá trị của gia đình, đồng thời khẳng định ý nghĩa, vai trò của mái ấm gia đình đối với sự phát triển của đất nước, xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, việc quan tâm đến gia đình là đúng vì: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình". Thực hiện tư tưởng của Bác, ngày 04/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 28/6 hằng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Sự kiện này đã đánh dấu ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội hướng về gia đình, các cặp vợ chồng thấu hiểu giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nhiều năm nay, các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành hoạt động thường niên. Nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch số 359/KH-UBND, ngày 14/5/2024 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình”, kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2024 trên địa bàn tỉnh. Qua đó nhằm mục đích gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các chuẩn mực đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, tiến bộ, xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành đoàn thể và toàn xã hội về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững, thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, các gia đình đã nuôi dưỡng, gìn giữ, vun đắp, trao truyền nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách… Kết hợp với các giá trị thời đại như yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo… các gia đình đã góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đúc ý chí tinh thần dân tộc, phát triển đất nước với nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Có thể khẳng định gia đình có ổn định thì cộng đồng và xã hội mới ổn định và phát triển. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại, phát triển đều phải biết chăm sóc, bảo vệ từng mái ấm gia đình. Mục tiêu xuyên suốt và cốt lõi được xác định đó là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh tạo nền tảng, là cơ sở để xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường. Nguồn năng lượng tích cực từ mỗi gia đình hạnh phúc sẽ giúp cho mỗi người cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho đất nước.
Chủ đề truyền thông về “Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình” là “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”. Trong những năm qua, bằng nhiều hình thức truyền thông, nhiều hoạt động thiết thực đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực đối với xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Số vụ bạo lực gia đình đã giảm đáng kể. Năm 2013 xảy ra 973 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2023 giảm xuống còn 202 vụ.
Các thông điệp truyền thông về “Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình” bao gồm: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia thịnh vượng; Hệ giá trị gia đình là hạt nhân của hệ giá trị quốc gia; Gia đình là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp; Xây dựng nhân cách con người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội; Bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật; Đầu tư cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững; Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình; Mọi hành vi bạo lực gia đình cần được phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm...
Hình thức truyền thông về Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình, kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam năm 2024 chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” rất đa dạng, như: mít tinh, hội thi, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên truyền hình, báo chí, mạng xã hội; tuyên truyền cổ động trực quan bằng băng rôn, cờ phướn; lồng ghép nội dung phòng chống bạo lực gia đình trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ... góp phần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về xây dựng gia đình trong tình hình mới, nhất là các giải pháp trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới…
Để tạo chuyển biến quan trọng cho sự nghiệp phát triển gia đình, tiếp tục khẳng định ý nghĩa nhân văn cao cả của Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) là ngày hội lớn của các gia đình, hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cần xác định công tác gia đình là một nhiệm vụ thường xuyên, có vị trí quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó, giúp các gia đình bảo tồn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, nhất là các gia đình chính sách, gia đình người nghèo; xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được những kiến thức về khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, pháp luật và phúc lợi xã hội. Mỗi người dân và các hộ gia đình cùng cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể hãy chung tay giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp trong gia đình, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Mỗi một thành viên trong gia đình bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hãy chung tay xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc, là điểm tựa của mỗi người.
Hiền Lương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy