Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống lãng phí. Mặc dù vậy, "lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển" như gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước....
Để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa phải quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Đây là một thông điệp, một “hiệu lệnh” mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. Từ đó, kêu gọi cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.
Tại Nghệ An, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, những năm qua, tỉnh đã triển khai, thực hiện quyết liệt, quy định của luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội địa phương. Việc phân bổ đầu tư công năm 2024 đã đảm bảo tuân thủ thứ tự ưu tiên đúng quy định. Công tác đấu thầu đã được nâng cao. Các đơn vị tiếp tục thực hiện hiệu quả quyền tự chủ đã được UBND các cấp phê duyệt. Công tác thu ngân sách năm 2024 đạt kết qủa cao. Công tác quản lý, khai thác và kinh doanh khoáng sản có nhiều chuyển biến. Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bước đầu thu gọn đầu mối, giảm biên chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đã được tăng cường, qua đó phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, đồng thời kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP vẫn còn tồn tại, hạn chế. Một số nguồn vốn, chủ đầu tư giải ngân vẫn còn chậm. Việc thực hiện kiểm tra, tự phát hiện việc lãng phí của chủ đầu tư chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Kết quả thực hiện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các công trình, dự án đạt kết tỷ lệ thấp. Vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Ý thức trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa cao.Tình hình tiến độ thu hồi các tài khoản tạm ứng quá hạn, kéo dài nhiều năm còn chậm. Đặc biệt nhiều dự án lớn nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ cho người dân, nhưng không ít dự án lại rơi vào tình trạng 'đắp chiếu', gây lãng phí ngân sách và hệ lụy lớn về môi trường, mất cân đối trong phát triển đô thị và giảm niềm tin của người dân đối với các dự án công. Theo thống kê của UBND tỉnh Nghệ An, đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế trọng điểm, đến nay trên địa bàn có 8 dự án đang thi công theo tiến độ, 2 dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, 2 dự án gặp khó khăn do nguồn vốn, 2 dự án tồn đọng, dừng thi công. Tình trạng một số công trình dự án lớn kéo dài, hoặc bỏ dở đang diễn ra ở nhiều huyện, thành trên cả tỉnh.
Trước những tồn tại nêu trên, tỉnh Nghệ An xác định trong thời gian tới, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan toả mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác đối với mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.
Đối với tình trạng lãng phí các công trình trên địa bàn, tỉnh Nghệ An đã triển khai các biện pháp đồng bộ: như tăng cường giám sát và kiểm tra các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án lớn, các công trình trọng điểm. Tỉnh cũng đã rà soát lại tất cả các dự án đang bị chậm tiến độ hoặc bỏ hoang, quyết tâm xử lý dứt điểm các công trình kém hiệu quả. Năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 672/KH-UBND ngày 28/8/2024 về thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/6/2024 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Công văn số 10907/UBND-KT, ngày 6/12/2024, chỉ đạo triển khai thực hiện công điện số 125/CĐ-TTg, ngày 01/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 51/CT-UBND ngày 31/12/2024 về về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK-CLP) trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó Chỉ thị yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm; các Quyết định, Nghị Quyết của Chính phủ; các kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người lao động, từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm THTK, CLP. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; THTK, CLP” trên địa bàn tỉnh Nghệ An tại Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 03/4/2023 của UBND tỉnh, lấy kết quả triển khai tổ chức thực hiện phong trào thi đua là tiêu chí, nội dung quan trọng khi đánh giá, bình xét thi đua đối với cơ quan, đơn vị, địa phương. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác THTK, CLP; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí. Thường xuyên quán triệt, nghiêm túc THTK, CLP theo đúng quy định. Đề cao trách nhiệm và gương mẫu của người đứng đầu trong THTK, CLP; nghiêm túc trong sử dụng ngân sách và tài sản công. Trong đó Quán triệt việc THTK, CLP ngay từ chủ trương, từ việc xây dựng đề án, cơ chế, chính sách sử dụng ngân sách nhà nước (yêu cầu tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, không dàn trải). Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để dành chi đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của tỉnh Nghệ An và các văn bản hướng dẫn về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP và pháp luật chuyên ngành, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Rà soát, đánh giá đúng thực trạng các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên phạm vi toàn tỉnh, đề xuất các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, đưa đất đai vào sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai. Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.
Để công cuộc phòng, chống lãng phí thành công, cần sự đồng lòng của cả cộng đồng. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần có trách nhiệm trong việc sử dụng tài nguyên công một cách hiệu quả. Sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát các dự án và phản ánh sai phạm là vô cùng quan trọng.
Mặt khác cần tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Đồng thời các cơ quan bảo vệ pháp luật phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và khi phát hiện vụ việc phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy thách thức. Nghệ An quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành ý thức tự nguyện, tự giác trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhằm xây dựng một môi trường phát triển Kinh tế-xã hội minh bạch, hiệu quả./.
Lê Thị Thủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy