Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Hồ Chí Minh - Nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà lý luận sáng tạo của cách mạng Việt Nam

Cống hiến to lớn, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa Người trở thành anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà lý luận sáng tạo của cách mạng Việt Nam, được các dân tộc đang đấu tranh giải phóng và nhân loại tiến bộ hết lòng ca ngợi và khâm phục.

 

1. Sự chuẩn bị về mặt lý luận

Vào những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh xuất hiện trong lịch sử cách mạng hiện đại Việt Nam như một nhà lý luận tiên phong, người đầu tiên đề xuất con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, từ đó chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối, mở ra thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nói khủng hoảng về đường lối tức là nói khủng hoảng về lý luận. Các phong trào Văn thân - Cần Vương phát động đấu tranh chỉ để “phò vua giúp nước” mà không được dẫn dắt bởi một thứ lý luận nào. Các phong trào, các tổ chức yêu nước Đông Du, Duy Tân, Việt Nam Quốc dân Đảng đều ít quan tâm đến lý luận, học thuyết, đều chưa xác định được mục tiêu, chiến lược, sách lược một cách rõ ràng nhất quán.

Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước là đi tìm một học thuyết có khả năng dẫn dắt cuộc đấu tranh của dân tộc tới mục tiêu Tổ quốc độclập, đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Gặp được Luận cương của Lênin, Người bừng sáng về lý luận. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Lênin: Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng, Người vừa hoạt động thực tiễn, vừa từng bước nâng cao trình độ lý luận. Nguyễn Ái Quốc đã từng nghiên cứu lý luận Mác - Lênin ở Trường Đại học Phương Đông (1923-1924). Trường Quốc tế Lênin dành cho cán bộ cao cấp của các Đảng Cộng sản (1934-1935). Sau đó làm nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa của Quốc tế Cộng sản (QTCS, 1936- 1938), Nguyễn Ái Quốc cũng đã từng dịch Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, ABC của chủ nghĩa cộng sản, Lịch sử Đảng Cộng sản (B) Liên Xô và nhiều tác phẩm lý luận khác ra Tiếng Việt để truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam. Qua đó, có thể thấy, vào thời điểm ấy, chưa có lãnh tụ nào ở Việt Nam được chuẩn bị đầy đủ về mặt lý luận như Nguyễn Ái Quốc.

Có kiến thức lý luận nhưng không biết vận dụng vào thực tiễn thì cũng không thể trở thành nhà lý luận. Nhờ nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin và vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã sớm viết nên những tác phẩm lý luận có giá trị như Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh... Đặc biệt Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và các văn kiện do Người khởi thảo tại Hội nghị hợp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 đã đánh dấu sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam- theo con đường cách mạng vô sản, giành độc lập dân tộc để đi tới chủ nghĩa xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam chính là nền tảng lý luận của cách mạng Việt Nam. Nó không ra đời từ bàn giấy hay các bài giảng của trường lý luận chính trị nào mà từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, từ sự tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng ở trong nước và trên thế giới.

Chủ nghĩa Mác- Lênin quan niệm sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn một cách biện chứng. Trong những điều kiện lịch sử mới, hoạt động thực tiễn của con người ngày càng được mở rộng, nên cần phải duyệt lại luận điểm này hay luận điểm khác, bổ sung, chỉnh lý nó dưới ánh sáng của thực tiễn mới, bởi thực tiễn không chỉ là động lực mà còn là tiêu chuẩn duy nhất của chân lý.

Nhờ đứng vững trên quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa Mác- Lênin, luôn luôn xuất phát từ nhu cầu và đặc điểm của các nước thuộc địa phương Đông và Việt Nam để tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin, nên từ rất sớm nhà lý luận Hồ Chí Minh đã tự phân tích sự khác biệt giữa châu Á và châu Âu mà đưa ra kiến nghị với Quốc tế Cộng sản "... xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học Phương Đông... bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được"[1]. Trong bối cảnh sau Lênin, khi xu hướng "xơ cứng hóa" về lý luận đang ngự trị trong Quốc tế Cộng sản, quan điểm của Nguyễn Ái Quốc được xem là cực kỳ mới mẻ và táo bạo.

Chính vì luôn luôn xuất phát từ nhu cầu và thực tiễn của đất nước, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản, con đường đó phải qua hai giai đoạn, hai tiến trình cách mạng: trước làm dân tộc cách mệnh (tức cách mạng XHCN). Trong dân tộc cách mệnh chống đế quốc thì "sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền", do đó "chủ nghĩa dân tộc vẫn là một động lực lớn của đất nước", nên Đảng cần có sách lược đúng đắn, khôn khéo, tập hợp rộng rãi mọi giai cấp, mọi tầng lớp có tinh thần yêu nước, nhằm huy động sức mạnh toàn dân tộc để chiến thắng kẻ thù.

Tuy nhất thời, tư tưởng đó còn bị ngộ nhận, nhưng tính khoa học đúng đắn, tính cách mạng sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn tồn tại như một dòng chảy liên tục trong tư duy lý luận của Đảng ta. Sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (1935), Đảng ta kịp thời đề ra chiến sách m sới về mặt trận nhân dân phản đế và giải thích rõ: "Đảng Cộng sản Đông Dương là chi bộ của Quốc tế Cộng sản, chiến lược cuối cùng của Đảng tức là chiến lược của Quốc tế Cộng sản"..., như nhau nhưng không phải theo chiến lược của Quốc tế Cộng sản thì ở nước nào cũng đồng thời phải làm cách mạng vô sản, lập vô sản chuyên chính. "Theo đúng chiến lược của Quốc tế Cộng sản, Đông Dương là phải làm cách mạng tư sản dân quyền- phản đế và điền địa- lập chính quyền của công nông bằng hình thức xô-viết, để dự bị điều kiện đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa; đó là mục đích cuối cùng của cách mạng trong giai đoạn này, nhưng làm sao đi tới mục đích ấy là vấn đề chiến sách"[2]. Như vậy, Đảng ta đã hết sức lưu ý đảng viên nhận thức cho rõ vấn đề chiến lược và vấn đề sách lược, chiến lược không thay đổi, nhưng sách lược phải tùy tình hình hoặc mỗi lúc mà thay đổi.

Đến Hội nghị Trung ương 6 (11/1939), Đảng ta ra Nghị quyết lịch sử, đánh dấu sự chuyển hướng trong chỉ đạo chiến lược và sách lược của Đảng. Nghị quyết có đoạn viết: "Hiện nay... đế quốc chiến tranh, khủng hoảng cùng với ách thống trị phát xít thuộc địa đã đưa vấn đề dân tộc thành một vấn đề khẩn cấp rất quan trọng. Đám đông trung, tiểu địa chủ và tư sản bổn xứ cũng căm tức đế quốc. Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa, cũng phải nhằm vào các mục đích ấy mà giải quyết"[3]. Đó chính là sự nối tiếp tư tưởng đã được Hồ Chí Minh vạch ra từ Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt năm 1930.

Từ sau khi Hồ Chí Minh về nước (1941), trực tiếp chỉ đạo cách mạng, tư tưởng của Người đã thực sự trở thành tư tưởng chỉ đạo của cách mạng Việt Nam, đưa tới những thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Đó cững là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ về thăm quê

2. Tầm nhìn chiến lược, bao quát thời đại.

Để trở thành nhà lý luận tiên phong, có khả năng đi trước phong trào, giải quyết trước những người khác tất cả những vấn đề về đường lối chiến lược, sách lược,... mà phong trào đang vướng mắc nhằm thúc đẩy phong trào tiến lên, như Lênin nói, đòi hỏi ở nhà lý luận những tố chất đặc biệt, trước hết là tầm nhìn. Những thời kì có tính bước ngoặt, lịch sử đòi hỏi phải có những nhân vật "khổng lồ về năng lục suy nghĩ, về nhiệt tình và tính cách, khổng lồ về mặt có lắm tài, lắm nghề và về mặt học thức sâu rộng,... ít nhiều họ đều có cái tinh thần phiêu lưu của thời đại họ cổ vũ. Trong hời đại ấy, khó tìm ra được nhân vật quan trọng nào mà lại không từng đi chu du xa, không biết nói tới bốn, năm thứ tiếng và không nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực sáng tạo..."[4].

Về trí tuệ, Hồ Chí Minh đã được thừa hưởng của cha ông một trí thông minh xuất chúng, được bộc lộ từ nhỏ trong học tập, ứng xử và đối đáp thơ văn. Trí thông minh đó giúp Nguyễn Tất Thành có đầu óc quan sát, phân tích, phê phán rất tinh tường, tinh thần hoài nghi để khám phá, bản lĩnh độc lập tự chủ trong tư duy... vốn không phải là những sản phẩm sẵn có của nền giáo dục Nho giáo chỉ quen thừa nhận các giáo điều “Tử viết, Thi vân”. Ngay từ khi còn ở trong nước, Người đã sáng suốt nhận ra những hạn chế và bất cập của phong trào đấu tranh do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Người rất khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Người từ chối con đường Đông Du của Phan Bội Châu, một mình đi sang phương Tây, không phải đi trong vai thân sĩ, trí thức mà trong tư cách người lao động sống với giai cấp công nhân và các tầng lớp cùng khổ trong xã hội tư bản để có thể hiểu được thực chất cái gì ẩn sau lá cờ “tự do, bình đẳng, bác ái”, quyết không để những cái bề ngoài hào nhoáng đánh lừa.

Trong những năm hoạt động ở nước ngoài, trí tuệ hơn người của Hồ Chí Minh đã có thêm điều kiện rèn luyện và phát triển. Từ chỗ học chữ Hán, quen tư duy kiểu phương Đông, chuyển sang học chữ Pháp với tư duy kiểu phương Tây, mà chỉ trong 6 năm Người đã viết văn, viết báo, viết kịch, diễn thuyết, tranh luận... bằng tiếng Pháp, thu hút được người đọc, lôi cuốn được người nghe, thuyết phục được cả một bộ phận đảng viên xã hội ngã theo Quốc tế thứ ba. Đến Matxcơva chỉ một thời gian ngắn, thông qua các hoạt động ở hội nghị Quốc tế nông dân và Quốc tế Cộng sản tên tuổi Nguyễn Ái Quốc được biết đến rộng rãi như một chuyên gia hàng đầu, một lãnh tụ xuất sắc của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản.

Sức hấp dẫn của Hồ Chí Minh do nhiều yếu tố, nhưng trước hết là ở sự tỏa sáng của trí tuệ. Tất cả mọi người, khi được tiếp xúc với Người, dù là chánh mật thám như Ácnu hay nhà thơ như Ô xíp Manđen stam... đều nói lên ấn tượng về sức chinh phục mạnh mẽ ấy. Đó chính là dấu hiệu thiên tài của Hồ Chí Minh.

Nhà lý luận tiên phong muốn vươn tầm nhìn chiến lược, đi trước hiện thực đòi hỏi phải trau dồi cho mình một vốn học thức, vốn văn hóa- lịch sử sâu rộng.

Hồ Chí Minh được thừa nhận là nhà lý luận tiên phong của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới bởi Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã tìm ra con đường thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản- đó là con đường kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa còn là người đầu tiên vượt lên trước những nhà lý luận cùng thời đưa ra luận điểm: cách mạng giải phóng dân tộc không những không phụ thuộc vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc, mà với sức mạnh và tính chủ động của mình, cách mạng giải phóng dân tộc có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản và bằng thắng lợi đó giúp cho những người anh em ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn. Một luận điểm mang tính khẳng định như vậy đã đem lại sự cổ vũ, niềm tin và sức mạnh to lớn cho nhân dân các dân tộc thuộc địa vùng lên đấu tranh tự giải phóng.

Tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh là kết quả của sự nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, trên cơ sở vốn văn hóa Đông - Tây sâu sắc, vốn tri thức lịch sử và thực tiễn rộng lớn. Người đã kiên trì học tập, từng bước vươn lên đỉnh cao của trí tuệ thời đại.

Có trí tuệ xuất chúng, vốn kiến thức văn hóa sâu rộng, nhà lý luận Hồ Chí minh còn có mọt vốn thực tiễn cực kỳ phong phú. Ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành chọn nghề bồi tàu, thủy thủ để có điều kiện được đi “xem các nước tổ chức và cai trị như thế nào” để trở về giúp đồng bào. Người đã vượt qua 3 đại dương, 4 châu lục, đặt chân lên khoảng gần 30 nước! Trong các nhà hoạt động chính trị đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh là một trong những người đi nhiều nhất, nên cũng hiểu nhiều, biết rộng về các nước đế quốc và thuộc địa. Người đã từng sống và làm việc ở thủ đô và hải cảng lớn của các đế quốc hùng mạnh nhất lúc bấy giờ: Mỹ, Anh, Pháp, Đức... nên đã hiểu được bản chất chung và màu sắc riêng của từng tên đế quốc. Đến New York, Người không chỉ thấy tượng Thần Tự do mà còn được chứng kiến cuộc sống quằn quại rên siết của người da đen bị người da trắng giết hại tàn bạo theo lối hành hình thời trung cổ. Người đã bước vào những túp lều thấp bé, xiêu vẹo, dột nát của những người dân thuộc địa Á- Phi, chứng kiến cuộc “khai hóa giết người” của bọn thực dân bỉ ổi, đầy thú tính. Từ thực tế đó, Người đã viết lên Bản án chế độ thực dân Pháp, tố cáo chúng đã nhân danh dân chủ, đem “tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa” cùng với “lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa” để thống trị và bóc lột nhân dân các dân tộc thuộc địa. Từ đó, Người kêu gọi “muốn cứu vãn những nòi giống này, ta phải lật đổ chủ nghĩa đế quốc”. Để dành được thắng lợi, Người nêu lên sự cần thiết phải thực hiện sự liên minh chiến đấu giữa chính quốc và thuộc địa, giai cấp vô sản ở phương Tây và nhân dân các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa phải gắn bó với nhau như hai cánh của một con chim để cùng đi tới tương lai đã được hé mở qua tấm gương của cách mạng Nga.

3. Năng lực tổng kết thực tiễn, dự báo tương lai

Một phương diện nữa của thiên tài lý luận Hồ Chí Minh còn ít được nhắc đến đó là năng lực tổng kết lịch sử, tổng kết thực tiễn, dự báo tương lai.

Hồ Chí Minh là một lãnh tụ mácxit. Năng lực tiên tri dự báo của Người được hình thành nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, trên cơ sở vốn văn hóa Đông- Tây sâu sắc, vốn tri thức lịch sử và thực tiễn rộng lớn. Nói cách khác, Người đã sống và hiểu sâu sắc thời đại của mình, đã từng bước học tập vươn lên đỉnh cao của trí tuệ thời đại để mà tiên tri, dự báo.

Thời đại mà Hồ Chí Minh bước vào hoạt động chính trị là thời đại diễn ra những biến đổi cực kỳ to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó nổi bật lên 2 sự kiện quan trọng nhất làm thay đổi nội dung của thời đại. Chủ nghĩa tư bản đã chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn tư bản độc quyền (tức giai đoạn đế quốc chủ nghĩa) và đã hình thành hệ thống thuộc địa của chúng; thắng lợi của Cách mạng XHCN tháng Mười Nga mở ra bước phát triển mới của lịch sử nhân loại.

Với nội dung đó, thời đại mới đã chấm dứt sự tồn tại biệt lập giữa các quốc gia, mở ra mối quan hệ quốc tế ngày càng rộng lớn, làm cho vận mệnh mỗi dân tộc không thể tách rời vận mệnh chung của cả loài người.

Sau gần 10 năm ra nước ngoài khảo sát, Hồ Chí Minh đã nắm bắt được chính xác đặc điểm và xu thế phát triển của thời đại. Người viết: “Thời đại của chủ nghĩa tư bản lũng đoạn cũng là thời đại một nhóm nước lớn do tư bản tài chính cầm đầu thống trị các nước phụ thuộc và nửa phụ thuộc, bởi vậy công cuộc giải phóng các nước và các dân tộc bị áp bức là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản”[5]. Với tầm mắt xa rộng bao quát lịch sử và thời đại, Người đã khai phá ra con đường cách mạng chưa từng có trong cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc- con đường gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ đó khơi dậy được sức mạnh dân tộc và thời đại, đưa tới thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam và mở ra cao trào giải phóng dân tộc trên thế giới trong thế kỷ XX.

Chính vì biết vận dụng lý luận và phương pháp luận Mác- Lênin để tổng kết lịch sử và tổng kết thực tiễn mà Hồ Chí Minh đã thấy được tương lai. Ở mỗi giai đoạn cách mạng cụ thể, Người đã đưa ra những tiên đoán kỳ diệu với độ chính xác gần như là tuyệt đối. Với một thiên tài trí tuệ hiếm có, nắm vững khoa học Mác- Lênin- quy luật vận động và phát triển của lịch sử, lượng thông tin chính xác và khả năng phân tích sắc sảo... Người đã có thể nhìn thấy tương lai từ sự tổng kết lịch sử và tổng kết thực tiễn.

Những nhân tố dân tộc và thời đại kết hợp với những nhân tố thuộc về phẩm chất hiếm có ở Hồ Chí Minh đã tạo nên nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà lý luận tiên phong của cách mạng Việt Nam.

Hồng Vui, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy 

 


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H.2000, T.1, tr.465.

[2],3 Văn kiện Đảng Toàn tập, CTQG, H.2000, T6, tr.138- 139, 538-539.

[4] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, CTQG, H. 1994, H.20, tr.460.

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H.2000, T8, tr.567.

Tin cùng chuyên mục

Khơi dậy khát vọng phát triển từ học Bác: Những điểm sáng tạo, đột phá ở Nghệ An

Khơi dậy khát vọng phát triển từ học Bác: Những điểm sáng tạo, đột phá ở Nghệ An


Hội thảo Khoa học quốc gia 'Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới'

Hội thảo Khoa học quốc gia 'Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong kỷ nguyên phát triển mới'


Lan toả mạnh mẽ giá trị di sản về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh

Lan toả mạnh mẽ giá trị di sản về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh


Lễ hội Làng Sen 2025: Hành trình tri ân và tiếp nối khát vọng Hồ Chí Minh

Lễ hội Làng Sen 2025: Hành trình tri ân và tiếp nối khát vọng Hồ Chí Minh


Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng tác phẩm điêu khắc 'Việt Nam - những trang sử vàng'

Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng tác phẩm điêu khắc 'Việt Nam - những trang sử vàng'


Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Kim Liên

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Kim Liên


Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Nghệ An

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Nghệ An


Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An


Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tỉnh

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tỉnh


Quốc hội thảo luận sửa Hiến pháp, làm rõ quyền hạn chính quyền địa phương

Quốc hội thảo luận sửa Hiến pháp, làm rõ quyền hạn chính quyền địa phương


Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tiếp công dân phiên định kỳ tháng 5/2025

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tiếp công dân phiên định kỳ tháng 5/2025


BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY NGHỆ AN: Chỉ đạo thống nhất một số nội dung tổ chức đại hội đảng bộ các cấp

BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY NGHỆ AN: Chỉ đạo thống nhất một số nội dung tổ chức đại hội đảng bộ các cấp


Nghệ An - Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân

Nghệ An - Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân


Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các cơ quan đảng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2025 - 2028

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các cơ quan đảng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2025 - 2028


Tỉnh Nghệ An và Thủ đô Viêng Chăn (Lào) hội đàm và ký kết thỏa thuận hợp tác

Tỉnh Nghệ An và Thủ đô Viêng Chăn (Lào) hội đàm và ký kết thỏa thuận hợp tác