Quỳnh Lưu là huyện đồng bằng ven biển, diện tích 43.763 ha, dân số trên 281.000 người, được phân bổ ở 32 xã và 1 thị trấn (với 338 khối, xóm, bản). Có 15/33 xã, thị trấn có đồng bào Công giáo (trong đó, có 1 xã và 37 thôn Công giáo toàn tòng) với 9.710 hộ với 48.370 nhân khẩu, chiếm 16,95% dân số; đồng bào dân tộc thiểu số có 532 hộ với 2.067 nhân khẩu, chiếm 0,74% dân số, chủ yếu là dân tộc Thái, sinh sống tập trung ở 5 bản của xã Quỳnh Thắng và Tân Thắng.
Địa bàn huyện Quỳnh Lưu được phân bổ theo 3 vùng gồm: miền núi bán sơn địa; vùng ven biển và vùng đồng bằng; điều kiện kinh tế - xã hội giữa các vùng miền không đồng đều.
Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Với mục tiêu toàn diện: xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố vững chắc hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Để làm được việc đó Quỳnh Lưu đặt công tác dân vận lên hàng đầu.
Có thể nói, Quỳnh Lưu là địa bàn thu nhỏ của Tỉnh Nghệ An với sự đa dạng về địa hình, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; có đồi núi, sông suối, có biển, có đồng bằng, dân số đông và có đông đồng bào tôn giáo, dân tộc. Trong những năm qua, với quyết tâm chính trị cao, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Lưu xác định xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Lưu đã xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên tất cả các mặt. Trong đó, công tác vận động “Nhân dân thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới” được quan tâm đặc biệt.
Với xuất phát điểm, bình quân toàn huyện đạt 7,8 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người 14,82 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao 15,3%; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân như đường giao thống, hệ thống thuy lợi, điện, trường học, trạm y tế, chợ, cơ sở vật chất văn hóa... thiếu và còn nhiều yếu kém, chủ yếu là công trình tạm bợ, xuống cấp không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tổ chức sản xuất lạc hậu, chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa quy mô tập trung và chưa có liên kết bền vững, hiệu quả trong sản xuất. Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, vận động, thuyết phục Nhân dân thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cùng hành động và nỗ lực chính trong xây dựng Nông thôn mới là việc làm thiết thực. Đến cuối năm 2021, có 32/32 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Quỳnh Đôi (là xã đầu tiên của tỉnh) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 09 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả toàn huyện đã huy động, khai thác vận dụng và vận động tổng nguồn lực cho xây dựng NTM là 19.131,724 tỷ đồng, trong đó: vận động huy động đóng góp bằng tiền của, ngày công và tài sản của Nhân dân đạt hơn 853,733 tỷ đồng, chiếm 4,6%; Nhân dân, doanh nghiệp tự xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, đầu tư sản xuất: 9.747,119 tỷ đồng, chiếm 52,7%. Huyện đã đạt chuẩn Huyện nông thôn mới vào cuối tháng 01/2022. Và để làm được điều đó, BTV Huyện ủy Quỳnh Lưu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với một số nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác dân vận, thông tin tuyên truyền về chủ trương, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, coi đây là trách nhiệm không chỉ của hệ thống chính trị mà là của toàn dân, để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu tự giác thực hiện, đó là xây dựng NTM là người nông dân và cộng đồng dân cư dự vai trò chủ thể, nòng cốt trong xây dựng NTM và dân được biết, được bàn, được làm, tự giám sát và thụ hưởng.
Thứ hai, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của Ban Thường vụ Huyện ủy, các đồng chí ủy viên BTV phụ trách vùng, cấp ủy phụ trách điểm. Nêu cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tham gia xây dựng NTM để làm gương cho nhân dân noi theo thực hiện.
Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp làm tốt công tác dân vận, vận động, thuyết phục đoàn viên, hội viên và Nhân dân thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức trách nhiệm, cùng hành động và nỗ lực chính trong xây dựng Nông thôn mới. Nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, từ nhận thức xây dựng nông thôn mới là đầu tư của nhà nước, còn gặp nhiều khó khăn sang nhận thức người dân là chủ thể; từ tư tưởng trông chờ, ỷ lại sang việc tự nhận thức huy động sức dân là chính, theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng... chính vì thế mà phong trào xây dựng nông thôn mới đã được người dân hưởng ứng một cách tích cực, nhiều nơi xây dựng nông thôn mới đã trở thành khát vọng của chính người dân.
Thứ tư, hàng năm, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, cấp ủy đã chỉ đạo MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phát động các phong trào thi đua gắn với phong trào “Dân vận khéo”, đăng ký các phần việc cụ thể với cấp ủy, chính quyền để tích cực vận động các thành viên, hội viên tham gia chương trình xây dựng Nông thôn mới, nổi bật như: Hội Phụ nữ với Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Đường hoa thay cỏ dại”, “Đoạn đường xanh sạch đẹp”; Hội Cựu chiến binh với mô hình “Tổ an ninh tự quản”; Huyện đoàn với chương trình hỗ trợ xây dựng các khu vui chơi góp phần hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở, phong trào thanh niên tình nguyện xây dựng nông thôn mới; Hội Nông dân thực hiện chương trình “Xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới”, phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi". MTTQ huyện tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát động nhiều phong trào như: xây dựng “Khu dân cư văn minh và phát triển”, “Ngày thứ 7 vì Nông thôn mới”, phong trào “Đường thông, hè thoáng, xóm làng, khối phố văn minh”; phong trào "Nhân dân Quỳnh Lưu đoàn kết, tự tin, tự hào chung tay xây dựng huyện Nông thôn mới"; xây dựng mô hình Đường cờ “Đại đoàn kết”, mô hình “Giáo xứ đoàn kết chung tay xây dựng Nông thôn mới”, “Giáo xứ An lành - Văn minh”...
Bằng việc vận động, thuyết phục, khơi dậy được tinh thần tự tôn của Nhân dân Quỳnh Lưu, các phong trào thi đua dân vận khéo, các mô hình đã được đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân, các khu dân cư triển khai hiệu quả với tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh lòng dân tham gia xây dựng NTM và qua kết quả lấy ý kiến hài lòng của Nhân dân về xây dựng Huyện Nông thôn mới thì kết quả đạt rất cao, tỉ lệ 98,63%.
Thứ năm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, công khai, minh bạch chủ trương, quy hoạch nông thôn mới để Nhân dân biết, giám sát. Giao quyền cho Nhân dân trong việc tự bàn bạc, xây dựng kế hoạch, tổ chức họp xóm, bản để Nhân dân chủ động đóng góp vật chất, ngày công, phương án tháo dỡ, giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn... Từ đó có phương án tự nguyện hiến vật chất, công sức, tiền của để xây dựng nông thôn mới với tinh thần tự hào, với niềm tin của những người làm chủ thực sự. Hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được phát huy hiệu quả, chất lượng.
Trong thời gian tới, Quỳnh Lưu tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu./.
Nguyễn Mạnh Khôi
Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy