Ngày 19/4/1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 52/CP, phê chuẩn việc chia lại địa giới 03 huyện của tỉnh Nghệ An là Quỳ Châu, Anh Sơn, Nghĩa Đàn thành 07 huyện là Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn, Nghĩa Đàn. Huyện Quế Phong được ra đời từ đó với sáu xã là Châu Kim, Châu Thôn, Cắm Muộn, Châu Hùng, Châu Long và Thông Thụ. Địa bàn Quế Phong có tiềm năng kinh tế lớn và vị trí quốc phòng hết sức quan trọng.
Kinh tế, Quế Phong là vùng trồng cây lương thực của Quỳ Châu cũ, vừa là vùng có nhiều lâm đặc sản, có đủ khả năng đế giải quyết tốt nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ. Khi mới thành lập huyện, Quế Phong có 2.564 hộ, 16.134 nhân khẩu và 7.564 lao động; có 58 hợp tác xã, 12 tập đoàn sản xuất và 15 tổ đổi công. Trong 58 Hợp tác xã thì có 55 Hợp tác xã có hạt nhân lãnh đạo của Đảng. Toàn huyện có 05 dân tộc, phần đông là dân tộc Thái, còn lại là dân tộc Mông, Khơ Mú, Thổ, Kinh được cư trú trên 04 vùng mang tính chất, đặc điểm sản xuất khác nhau.
Hiện nay, Quế Phong là huyện vùng núi cao, biên giới nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, có đường biên giới Việt - Lào dài 74,793km, huyện cuối cùng nằm trên trục Quốc lộ 48, cách thành phố Vinh 180 km. Vị trí địa lý của huyện nằm trong khoảng 19o26' đến 20o vĩ độ Bắc, 104o30' đến 105o10' kinh độ Đông. Phía Đông Bắc giáp huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá; phía Nam giáp huyện Quỳ Châu; phía Tây Nam giáp huyện Tương Dương; phía Tây Bắc giáp huyện Sầm Tớ và Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Diện tích tự nhiên của huyện là 188.842,91 ha, chiếm 11,3% diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó diện tích lúa nước khoảng 2.500 ha nhưng phân bố không đều, nằm rải rác giữa các vùng và các xã trong huyện. Có 12 xã và 01 thị trấn, với 107 thôn bản, trong đó 11 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III). Tính đến 30/12/2022, trên địa bàn huyện có 16.151 hộ/75.149 khẩu; trong đó dân tộc thiểu số là 14.433 hộ (Thái 13.216 hộ, Khơ Mú 539 hộ, Mông 655 hộ, dân tộc khác 23 hộ); 67.983 khẩu đồng bào DTTS, chiếm 90,46% dân số toàn huyện (Thái 61.306 khẩu, chiếm 81,58%; Khơ Mú 2.657 khẩu, chiếm 3,54%; Mông 3.909 khẩu, chiếm 5,2%; dân tộc khác 111 khẩu, chiếm 0,14%). Đảng bộ huyện có 34 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 19 đảng bộ và 15 chi bộ cơ sở; 288 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở (107 chi bộ khối, xóm, bản và 121 chi bộ khối cơ quan); tính đến ngày 23/3/2023, toàn Đảng bộ có 5.448 đảng viên (trong đó có 1.155 đảng viên nữ, 858 đảng viên là người dân tộc thiểu số).
Ngày 12 tháng 4 năm 1966 (sau 3 năm thành lập huyện), Bác Hồ gửi thư cho đồng bào và cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong. Trong Thư, Người viết: "Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào và cán bộ các dân tộc trong toàn huyện đã cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm bổ túc văn hóa trước thời hạn 1 năm. Bác mong rằng đồng bào và cán bộ huyện nhà ra sức thi đua đạt nhiều thành tích trong tăng gia sản xuất,sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục học tập để tiến bộ hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta. Bác thân ái gửi lời hỏi thăm các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng"1.
Khắc ghi lời Bác dặn, sau 57 năm, qua những bước thăng trầm của lịch sử, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Quế Phong đã chung sống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, cùng chống chọi với thú dữ, thiên tai và giặc giã để xây dựng bản, lập mường. Tuy mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá đặc thù riêng, nhưng do sự giao lưu, tiếp xúc, quan hệ mật thiết với nhau từ lâu đời nên đã có sự đan xen, bổ sung lẫn nhau, tạo nên nền văn hoá rất phong phú, đa dạng như: văn hoá trang phục, văn hoá ẩm thực, kiến trúc nhà cửa, chế tạo công cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm, trồng trọt, chăn nuôi... Sự đan xen văn hoá còn biểu hiện rõ trong văn hoá phi vật thể, như tục thờ cúng tổ tiên hoặc trong các lễ hội, Tết Độc lập, Tết Nguyên đán, đám cưới, lễ mừng nhà mới... với những điệu múa, làn điệu dân ca, những nhạc cụ cồng chiêng, kèn sáo,...
Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong đã tích cực phát triển kinh tế - xã hội tạo nhiều chuyển biến rõ nét, đạt mức tăng trưởng khá trên cả 03 khu vực nông nghiệp, công nghiệp xây dựng và thương mại, dịch vụ; quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, các chỉ tiêu trọng yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; các chính sách người có công, chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 là 42,42 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) 34,03 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ toàn huyện còn 14,4% (tỷ lệ nghèo theo chuẩn cũ); tỷ lệ hộ nghèo DTTS bình quân hàng năm giảm 4-5%, đến cuối năm 2022 là 39,43%; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn năm 2022 đạt 852 tỷ đồng; hiện có 902 lồng nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả cao.
Công tác bảo vệ rừng tự nhiên, khoanh nuôi, chăm sóc và trồng rừng đạt kết quả tích cực (trồng mới được 950ha rừng tập trung); không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn; tăng cường kiểm soát, bảo vệ và phòng chống khai thác, vận chuyển và sử dụng lâm sản trái pháp luật; duy trì độ che phủ rừng ở mức 77,5%. Chương trình MTQGXD nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện; các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng tại các xã; số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt chuẩn là 13,33 tiêu chí/xã; hết năm 2022, toàn huyện có 11 xã đạt từ 11 đến 16 tiêu chí, chiếm 91%; có thêm 06 thôn bản đạt nông thôn mới.
Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư trên địa bàn; chú trọng nghiên cứu phát triển các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có tính cạnh tranh cao, phù hợp với lợi thế, tiềm năng của huyện. Tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư công, thực hiện hiệu quả lồng ghép các nguồn lực đầu tư để đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Tổng nguồn lực đầu tư cho huyện giai đoạn 2019-2022 hơn 304,517 tỷ, thực hiện sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới 223 công trình.
Cấp giấy CNQSDĐ, giao đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư được thực hiện đúng quy định, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người dân. Đã thực hiện giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng với tổng diện tích hơn 27.465 ha. Tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, quản lý đất đai tại các khu vực khoáng sản đã đóng cửa mỏ; tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường như trang bị xe thu gom rác thải, xây dựng lò đốt rác thải mini tại các hộ gia đình; giám sát chặt chẽ để phát hiện, xử lý kịp thời và ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi trên địa bàn huyện.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các hoạt động xúc tiến, phát triển du lịch; công tác quản lý các điểm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng lên, tư duy làm du lịch được thay đổi rõ rệt. Ban hành Đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Ra mắt 02 mô hình câu lạc bộ văn hoá văn nghệ dân gian tại xã Châu Kim và dân ca, nhạc vũ tại thị trấn Kim Sơn; duy trì hoạt động 39 câu lạc bộ văn hóa, thể thao; có 04/13 xã, thị trấn có thiết chế văn hoá thể thao đạt chuẩn, đạt 30,7%; 23 thôn bản có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn, đạt 21,5%; 91,59% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng. Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với xây dựng các mô hình văn hóa, thể thao cơ sở; duy trì và phát huy hiệu quả 27 mô hình “Địa chỉ tin cậy”; 03 CLB “Phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ - trẻ em”; 03 CLB “Gia đình hạnh phúc”; 16 CLB “Phụ nữ với pháp luật”; 14 CLB “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; 02 CLB “Hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người”; 01 câu lạc bộ phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Quan tâm, kịp thời thu hút nhiều chương trình, dự án xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho văn hoá, thông tin - thể thao của các xã, thị trấn góp phần đưa thông tin về cơ sở, tuyên truyền những chủ trương, chính sách, vận dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất; công tác cải tạo tập tục lạc hậu nhất là trong việc cưới, việc tang, ăn ở hợp vệ sinh, nạn tảo hôn... đã có những chuyển biến rõ nét.
Trong năm 2022, đã hoàn thành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ và Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tập trung đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ người nghèo, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo; 100% đồng bào DTTS ở khu vực đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí bảo hiểm y tế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề ở vùng dân tộc và miền núi tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; mở được 35 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với hơn 1.290 học viên, tổng kinh phí 3.463 triệu đồng; tạo việc làm bình quân hàng năm từ 600 đến 800 lao động…; hỗ trợ 444 người đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại nước ngoài. Các chương trình dự án nghe, nhìn từng bước được đầu tư lắp đặt; sóng phát thanh đã phủ kín 100% các vùng trên địa bàn huyện. Cấp phát radio cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín; hỗ trợ lắp đặt bộ đầu chảo thu truyền hình vệ tinh cho các hộ nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ được xem truyền hình toàn huyện đạt 97-98%. Hoạt động khoa học, công nghệ đang từng bước hướng vào mục tiêu đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao hiệu quả công tác trên các lĩnh vực. Đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và cải cách hành chính.
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên (có 13/13 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập GDMN, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 100%, duy trì sỹ số đến cuối năm học đạt trên 98%, số phòng học được kiên cố đạt trên 80%); đã có 29 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 65,9%; tỷ lệ trẻ các lớp mầm non đến lớp đạt 81,45%. Bước đầu hình thành một số mô hình khuyến học hiệu quả trong các cơ quan, dòng họ, thôn bản. Thực hiện kịp thời Chính sách theo Quyết định 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hàng năm các địa phương, đơn vị được tiếp nhận đủ các ấn phẩm báo, tạp chí, chuyên đề theo quy định. Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, 98,5% trẻ dưới 01 tuổi được tiêm phòng đầy đủ; bệnh sốt rét và một số bệnh dịch khác được khống chế. Y tế cơ sở được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị được bổ sung từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân; 12/13 xã, thị trấn có bác sỹ và 100% số thôn bản có cán bộ y tế, có 12 xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Tỷ lệ sinh đến hết năm 2022 còn 16,78%o, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm xuống còn 17%.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác dân tộc cấp huyện và cơ sở; ưu tiên người DTTS trong công tác cán bộ; tăng cường bố trí cán bộ trẻ, năng lực về làm lãnh đạo ở cơ sở; hàng năm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở. Duy trì và phát huy hiệu quả 107 già làng và người uy tín trong cộng đồng DTTS; thực hiện kịp thời các chính sách theo Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ. Công tác phát triển Đảng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; năm 2022, kết nạp được 117 đảng viên, trong đó có 98 đồng chí là người DTTS (95 dân tộc Thái, 05 dân tộc Mông).
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, không để đột xuất, bất ngờ xảy ra; an ninh biên giới được giữ vững; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, công tác quân sự địa phương đạt hiệu quả cao. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập chiến đấu trị an, giáo dục quốc phòng và an ninh, tuyển quân và xây dựng cơ sở ATLC-SSCĐ. Tăng cường đấu tranh triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm, đối tượng phạm tội ma tuý, các ổ nhóm trộm cắp tài sản, hoạt động tệ nạn xã hội. Tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho Nhân dân, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đúng pháp luật. Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được tiến hành kịp thời, không để xảy ra “điểm nóng”, tạo môi trường thuận lợi phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của Nhân dân.
Những thành quả quan trọng nêu trên của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Quế Phong xứng đáng với tâm nguyện và kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời là việc làm có ý nghĩa to lớn để thiết thực kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập huyện Quế Phong (19/4/1963 - 19/4/2023) góp phần“làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”2 như mong muốn của Người cách đây gần 54 năm./.
Phan Thanh Đoài
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy
(1) Những bức thư, bài viết, bài nói chuyện của Bác Hồ với quê hương Nghệ An, Nxb Nghệ An 2007, tr 46.
(2) Những bức thư, bài viết, bài nói chuyện của Bác Hồ với quê hương Nghệ An, Nxb Nghệ An 2007, tr 16.