Ngày 01/10/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về “Một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo” (Đề án số 04-ĐA/TU), đến nay đã gần 03 năm thực hiện Đề án.
Để triển khai thực hiện Đề án, ngày 09/11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh có Công văn số 7589/UBND-TH về việc thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 01/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó đã giao cho Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU. Ngày 14/10/2021, Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 36-KH/BDVTU quán triệt và triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU. Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 696/KH-UBND ngày 23/11/2021 về thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU. Ngày 30/5/2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 07-HD/BDVTU về tiêu chí xây dựng điểm sáng Quy chế dân chủ cơ sở và Dân vận chính quyền. Có 21/21 huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh xây dựng kế hoạch quán triệt, triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU.
Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Ban chỉ đạo công tác dân vận chính quyền và tổ thư ký giúp việc cho Ban chỉ đạo; chuyên viên phụ trách công tác dân vận của cơ quan, đơn vị; đại diện thường trực và Ban dân vận các huyện, thành, thị ủy; lãnh đạo UBND phụ trách công tác dân vận và trưởng phòng nội vụ các huyện, thành phố, thị xã; cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy. Các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy và cấp xã đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc.
Hàng năm, UBND các cấp đều xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Quan tâm chỉ đạo tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, gia đình người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội; tập trung các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Từ đó đã góp phần quan trọng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; năm 2023, có 25/28 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đạt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,14%, đứng thứ 26 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng đều hàng năm, riêng thu ngân sách năm 2023 thực hiện hơn 20.000 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2024 kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, quốc phòng, an ninh, trật tự ATXH được đảm bảo. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tốt, đến nay toàn tỉnh có 334/411 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 81,2%); có 88/319 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 27,59% số xã đạt chuẩn nông thôn mới); có 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 3,76% số xã đạt chuẩn nông thôn mới).
Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận kết hợp với thực hiện dân chủ ở cơ sở nên một số công trình, dự án lớn đã được đẩy nhanh tiến độ, đạt kết quả tốt và được Nhân dân đồng tình ủng hộ cao như: Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh; nhà máy tôn Hoa Sen; chăn nuôi bò sữa TH tại huyện Nghĩa Đàn; Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP; Khu công nghiệp WHA; đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò; đường cao tốc Bắc Nam; đường ven biển...
Công tác cải cách hành chính được chú trọng, thực hiện kết nối liên thông gửi, nhận văn bản trên phần mềm VNPT-IOffice cho 23/23 đơn vị cấp Sở, 21/21 UBND cấp huyện, 460/460 UBND cấp xã; kết nối liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ. Tổng số tài khoản người dùng đang sử dụng trên hệ thống đến nay là 16.844. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp: 1.768 dịch vụ công, bao gồm: 758 dịch vụ công trực tuyến một phần; 1.010 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong đó: cấp tỉnh là 1.380 TTHC; cấp huyện là 275 TTHC; cấp xã là 113 TTHC. 21 sở, ngành; 21 huyện, thành phố, thị xã và 460 xã đều thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống.
Trong năm 2023, Thường trực Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp kết hợp với trực tuyến với gần 6.000 đồng chí Trưởng, Phó phòng và chuyên viên các cơ quan cấp tỉnh; tổ chức gặp mặt, đối thoại với hơn 1.022 cán bộ là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền 460 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; qua đó lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, trao đổi, thảo luận những cơ hội, nhận diện thách thức, chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham mưu, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị.
Trong gần 03 năm thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, toàn tỉnh đã xây dựng được 330 điểm sáng dân vận chính quyền và 342 điểm sáng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đều có văn bản hướng dẫn việc đăng ký xây dựng điểm sáng về dân vận chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh. Biên tập cuốn sách “Một số mô hình, điểm sáng về công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Nghệ An” để tuyên truyền và nhân rộng trên địa bàn. Phong trào thi đua Dân vận khéo về xây dựng và công nhận mô hình, điển hình "Dân vận khéo" giai đoạn 2022-2025; trong gần 03 năm, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 8.800 mô hình mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó 12 mô hình do Ban Dân vận Tỉnh ủy tập trung hỗ trợ nguồn lực xây dựng. Khối cơ quan tập trung xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” về thực hiện dân chủ ở cơ sở, văn hoá công sở, thực hiện CCHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và thực thi công vụ. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2023, cuộc thi đã nhận được 178 tác phẩm dự thi của 100 tác giả, đến từ hơn 60 cơ quan, đơn vị; đã có 44 tác phẩm đạt giải, trong đó có 4 giải nhất, 8 giải nhì, 12 giải ba và 20 giải khuyến khích. Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh phát động cuộc thi viết “Gương sáng quanh ta” được đông đảo cán bộ, đảng viên tham gia. Hiện nay BCĐ Phong trào Dân vận khéo tỉnh đang phát động cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình Dân vận khéo tiêu biểu lần thứ 2, năm 2024.
Trong gần 03 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức 11.124 cuộc giám sát, trong đó, Ban thanh tra nhân dân tổ chức 1.959 cuộc giám sát, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tổ chức giám sát 2.657 công trình, dự án; tổ chức hội nghị phản biện xã hội 794 cuộc; góp ý 1.449 dự thảo văn bản phản biện. Chương trình “Tết vì người nghèo” đã vận động được 263,5 tỷ đồng; quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” khoảng 35,3 tỷ đồng; “Quỹ vì người nghèo” 252 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới được 6.457 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo; vận động phòng, chống bão lụt được 263,8 tỷ đồng. Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 10/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025, đến nay đã xây dựng, sửa chữa được hơn 9.322/12.300 căn nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở, dự kiến đến phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2024, trước kế hoạch 01 năm.
Ban chỉ đạo công tác Dân vận chính quyền từ huyện đến cơ sở và cán bộ phụ trách công tác dân vận các cơ quan, đơn vị hàng năm đều xây dựng chương trình công tác. Tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát và tiến hành kiểm tra, giám sát tại các cơ sở thuộc đơn vị mình; cơ bản các Ban chỉ đạo duy trì chế độ họp định kỳ của Ban chỉ đạo. Năm 2023 tổ chức 02 đoàn đi học tập kinh nghiệm công tác dân vận chính quyền tại các tỉnh phía Nam.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp theo Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong thời gian tới tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận của chính quyền để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Ban hành hoặc tham mưu các chính sách hợp lòng dân, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước. Tăng cường công tác giáo dục phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đến với Nhân dân.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc quy trình công tác dân vận chính quyền trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn, theo hướng lợi ích hài hòa giữa Nhà nước - người dân- doanh nghiệp.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính; dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp. Nâng cao ý thức phục vụ Nhân dân, tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong, lề lối làm việc, quy tắc ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Thứ năm, tăng cường tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với Nhân dân; thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của Nhân dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thứ sáu, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng và công nhận các điểm sáng về Quy chế dân chủ ở cơ sở, điểm sáng Dân vận chính quyền gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và nhân rộng điểm sáng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, dân vận chính quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước; công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức hội nghị biểu dương các mô hình, điểm sáng công tác dân vận chính quyền, điểm sáng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tổng kết Đề án số 04-ĐA/TU vào năm 2025.
Thứ tám, gắn thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
Nguyễn Mạnh Khôi
Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy