Nghệ An là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.493,7 km2; có đường biên giới trên bộ với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dài 468,281 km; có 21 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 3 thị xã, 17 huyện); 11/21 huyện, thành phố, thị xã là huyện miền núi, chiếm khoảng 83% tổng diện tích; 460 đơn vị hành chính cấp xã; kinh tế - xã hội giữa các vùng còn có sự chênh lệch đáng kể.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp, tỉnh Nghệ An đạt được nhiều thành quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng sản phẩm (GRDP) đạt 7,14% (đứng thứ 26 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ), quy mô nền kinh tế đứng thứ 10/63 tỉnh, thành của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân hàng năm giảm từ 2-3% (đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo là 5,19%, hộ cận nghèo là 5,73%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; tổng vốn đầu tư xã hội tăng nhanh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp được nâng lên; vị trí, vai trò, hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Thành quả trên có sự đóng góp quan trọng từ tín dụng chính sách xã hội, được triển khai thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội các cấp.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, tín dụng chính sách xã hội đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội ở tất cả các cấp, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 17/6/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 463/KH-UBND ngày 30/7/2015 để triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện, thành phố, thị xã ban hành kế hoạch thực hiện. Thực hiện Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành văn bản số 6166/UBND-KT ngày 24/8/2021 về việc thực hiện Kết luận số 06-KL/TW và ban hành Kế hoạch số 802/KH-UBND ngày 23/12/2021 triển khai thực hiện Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hằng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện tại các địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu cho UBND huyện, thành phố, thị xã và đôn đốc thực hiện việc trích chuyển ngân sách hàng năm ủy thác sang ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) các cấp để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Định kỳ hàng quý, UBND tỉnh giao Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo thực hiện. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các huyện, thành, thị ủy và UBND cấp huyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời đối với công tác tín dụng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các huyện ủy, thành ủy, thị ủy và UBND cùng cấp triển khai thực hiện, chỉ đạo các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền cấp xã tổ chức thực hiện tốt các chỉ thị, kết luận của Đảng với trọng tâm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; khẳng định tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hoạt động tín dụng chính sách còn được sự quan tâm, kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cấp, các ngành như: Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, Hội đồng quản trị NHCSXH Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan đầu mối thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện giám sát các hoạt động như: giám sát về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ; giám sát thực hiện Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giám sát tín dụng chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán hàng năm của các cơ quan chức năng đã ghi nhận và đánh giá cao quá trình triển khai và chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy nguồn lực của nhà nước dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách được phát huy tốt hiệu quả; vốn vay được sử dụng đúng mục đích, tạo việc làm và thu nhập tốt hơn, giải quyết kịp thời nhu cầu thiết yếu (nhà ở, học tập, điện, nước, cải thiện môi trường sống,...) cho đối tượng chính sách; góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống, thay đổi ý thức cho đại đa số người nghèo; các chương trình tín dụng chính sách đã đạt được hiệu quả theo mục tiêu chương trình đề ra, đặc biệt là các chương trình tín dụng chính sách thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị được các cấp triển khai nghiêm túc, thường xuyên; chính sách đã thực sự đi vào đời sống nhân dân, vì người dân; các cấp ủy đảng, chính quyền ngày càng quan tâm, coi trọng tín dụng chính sách, coi đây là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công các chương trình, mục tiêu của địa phương; từ đó đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt tín dụng chính sách trên địa bàn, tập trung tăng trưởng tín dụng chính sách; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ tối đa đối tượng chính sách tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi; chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc hạn chế và từng bước đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, sở, ban ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó có các giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là những chính sách mới đến các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện ở địa phương, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến hội viên và người dân để biết, thực hiện; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong triển khai và phát triển phong trào của các cấp hội, thu hút hội viên. Hàng năm, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch và triển khai công tác tuyên truyền, vận động, trong đó tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 40-CT/TW và việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi.
Cấp uỷ, chính quyền các cấp xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm để đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động; các tổ chức chính trị - xã hội ban hành văn bản hướng dẫn, quán triệt và chỉ đạo các cấp hội thực hiện các nội dung của Chỉ thị có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hội; 100% cấp uỷ đảng, chính quyền huyện, thành phố, thị xã ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội phù hợp với tình hình địa phương. UBND các cấp chủ động bố trí ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH, gắn việc huy động và sử dụng nguồn vốn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; quan tâm hỗ trợ trụ sở làm việc, chỉ đạo triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH tổ chức hoạt động giao dịch tại trụ sở UBND cấp xã thuận lợi, an toàn và hiệu quả.
Ban đại diện HĐQT các cấp thường xuyên được kiện toàn, chất lượng hoạt động ngày càng nâng cao, thực hiện tốt chức năng quản trị hoạt động của NHCSXH, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các chủ trương, chính sách mới, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, từ năm 2015, Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện được bổ sung 100% Chủ tịch UBND cấp xã tham gia, qua đó nâng cao sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách ngay từ cơ sở. Việc tham gia vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện của Chủ tịch UBND cấp xã, vai trò của chính quyền cơ sở được phát huy tối đa, thực sự vào cuộc cùng NHCSXH trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi hiệu quả, chỉ đạo củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.
NHCSXH cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền các cấp luôn chú trọng củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt hệ thống các giải pháp như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ Tiết kiệm và vay vốn (viết tắt là Tổ TK&VV) tại cơ sở; chủ động phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng các đơn vị trực thuộc; thành lập tổ thu nợ ở những nơi có nợ quá hạn cao, khó thu; rà soát và đề nghị xử lý các khoản nợ gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và thực hiện nguyên tắc có vay có trả; tích cực rà soát, kiểm tra, đôn đốc, thu hồi các khoản nợ quá hạn, do vậy chất lượng tín dụng chính sách xã hội không ngừng được nâng lên.
Chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, xác định, bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách của NHCSXH theo đúng quy định của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh. Định kỳ tổ chức thực hiện điều tra, rà soát, phê duyệt kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, giai đoạn làm cơ sở NHCSXH thực hiện cho vay; thường xuyên rà soát, bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh, đủ điều kiện và cho ra khỏi danh sách hộ đã thoát nghèo theo quy định. Hằng năm 100% hộ nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn chương trình tín dụng chính sách đều được vay vốn đầu tư sản xuất và phục vụ nhu cầu thiết yếu về đời sống.
Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND huyện, thành phố, thị xã tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các xã, tổ chức hội nghị tổng kết công tác xuất khẩu lao động, mở các cuộc tham vấn hỗ trợ thông tin về chương trình xuất khẩu lao động tại cộng đồng cho hàng chục ngàn lao động; Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương hằng năm tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho nông dân, mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thu hút 17.537 lượt người tham gia, đồng thời giới thiệu việc làm cho các đối tượng sau đào tạo nghề có thu nhập ổn định. Các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức 10.851 buổi tuyên truyền tập huấn cho trên 896 ngàn lượt hội viên và cán bộ hội tham gia học tập kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, bình đẳng giới, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhóm đoàn viên, hội viên là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ đã góp phần quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách biết cách sản xuất kinh doanh, biết sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng định hướng của địa phương, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.
Chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức hội nhận ủy thác và NHCSXH đã tích cực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ trong việc lồng ghép các mô hình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện phát triển của địa phương, nhằm phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên của vùng. UBND cấp huyện, cấp xã đã xây dựng các mô hình kinh tế thu hút hộ nghèo và các đối tượng chính sách tham gia sản xuất, kinh doanh; kết nối tín dụng chính sách để hỗ trợ nguồn vốn cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP);... Nhờ đó, nhiều mô hình được triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra thu nhập ổn định cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thu hút được lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, giúp cho hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát được nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Giai đoạn 2014-2024, các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp cùng NHCSXH trên địa bàn giải ngân nguồn vốn 27.475 tỷ đồng của các chương trình; đôn đốc khách hàng trả nợ đạt 20.347 tỷ đồng. Tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đến ngày 30/6/2024 đạt 13.308 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ toàn chi nhánh NHCSXH; với 233.564 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn thông qua 6.146 Tổ TK&VV tại 3.804 thôn (bản), dư nợ tăng 7.121 tỷ đồng (mức tăng bình quân hàng năm đạt 8%) so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW. Đã thực hiện gần 96 ngàn cuộc kiểm tra, trực tiếp kiểm tra, giám sát 856 lượt hội cấp huyện, 19.978 lượt hội cấp xã, 97.629 lượt Tổ TK&VV, hơn 1,8 triệu lượt hộ vay vốn.
Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh, hằng năm, UBND tỉnh trích ngân sách và ủy thác qua NHCSXH tỉnh để thực hiện cho vay ưu đãi đối với các hợp tác xã (tính đến nay, nguồn vốn ủy thác từ Quỹ sang NHCSXH đạt 10 tỷ đồng). Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn đạt trên 13.374 tỷ đồng, tăng 7.132 tỷ đồng so với năm 2014 (trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 8%/năm.
Như vậy, sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 40-CT/TW đã thật sự đi vào đời sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, sự lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ, người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; lãnh đạo các cấp đã xác định tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình, kế hoạch công việc, hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên.
Một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan liên quan và cần phải nhanh chóng triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW tới cơ sở.
Thứ hai, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ở nơi nào quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt Chỉ thị số 40-CT/TW thì nơi đó tín dụng chính sách xã hội được thực hiện có hiệu quả, đạt được kết quả tích cực về mọi mặt, qua đó, góp phần giúp địa phương thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ ba, NHCSXH cần tiếp tục chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và tăng cường phát huy vai trò của mình trong tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi này.
Thứ tư, công tác thông tin, tuyên truyền phải được quan tâm thực hiện và triển khai tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân kịp thời và đầy đủ. Công tác đánh giá sơ kết, tổng kết phải được quan tâm thực hiện đầy đủ, theo định kỳ, gắn với biểu dương, khen thưởng, nhân điển hình các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát cần tiếp tục được tăng cường nhằm nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát từ cơ sở và để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như đề xuất các cấp có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân./.
Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy