Ý chí và khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là mục tiêu chính trị mà còn là động lực lớn lao thúc đẩy Người hoạt động không mệt mỏi vì dân tộc Việt Nam.
Sau khi giành được độc lập, đất nước lại bị chia cắt bởi Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Người luôn khẳng định: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Ý chí, khát vọng này không chỉ là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam mà còn trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân đoàn kết chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng và thống nhất Tổ quốc.
Ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm sâu sắc về tầm quan trọng của việc giành độc lập và thống nhất dân tộc. Khi thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội năm 1925 và sau đó là Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Người đã xác định rõ mục tiêu chiến lược là đánh đổ thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc và tiến tới thống nhất đất nước. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Người tuyên bố trước toàn thể quốc dân: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập." Tuy nhiên, ngay sau đó, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, buộc nhân dân ta phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ nền độc lập non trẻ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 28/2/1969. Ảnh tư liệu
Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh rằng mục tiêu không chỉ là giành độc lập mà còn là thống nhất đất nước. Người đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập, chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, do âm mưu can thiệp của các thế lực bên ngoài, đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, để lại nỗi trăn trở lớn trong lòng Hồ Chí Minh.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn xác định rằng độc lập dân tộc phải gắn liền với thống nhất đất nước. Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được giải phóng và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng Người vẫn nhấn mạnh rằng cuộc đấu tranh chưa kết thúc khi miền Nam còn chịu ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Ngày 6 tháng 7 năm 1956, trong thư gửi đồng bào cả nước, Người viết: “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”. “Nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, vì nước ta là một khối, không ai chia cắt được... đó là nguyện vọng thiết tha của toàn thể nhân dân ta từ Bắc đến Nam”[1].
Hồ Chí Minh đã nhiều lần bày tỏ tình cảm sâu nặng đối với đồng bào miền Nam và khẳng định quyết tâm giành lại độc lập trọn vẹn cho đất nước. Ngày 14/7/1969, khi trả lời phỏng vấn nhà báo Mactarohat của báo Granma (Cuba), Người bày tỏ: “Miền Bắc được giải phóng 25 năm rồi nhưng suốt cả thời gian ấy, miền Nam không được hưởng lấy một ngày hòa bình. Mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”[2]. Trong thư gửi nhân dân Mỹ, Người nhấn mạnh: “Chính phủ Mỹ lầm tưởng rằng với sức mạnh tàn bạo, họ có thể bắt nhân dân Việt Nam chúng tôi phải đầu hàng. Nhưng nhân dân Việt Nam quyết không bao giờ khuất phục. Chúng tôi yêu chuộng hòa bình, nhưng phải là hòa bình chân chính trong độc lập, tự do. Vì độc lập tự do, nhân dân Việt Nam quyết không sợ gian khổ, hy sinh và quyết chiến đấu chống bọn xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn”[3]. Đây là tuyên ngôn mạnh mẽ về ý chí kiên định đấu tranh đến cùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Không chỉ là lý tưởng, khát vọng thống nhất đất nước còn được Hồ Chí Minh thể hiện qua các chiến lược đối nội và đối ngoại sắc bén. Người chủ trương kết hợp sức mạnh của nhân dân trong nước với sự ủng hộ quốc tế để tạo nên mặt trận thống nhất chống kẻ thù chung. Những nỗ lực của Người trong công tác ngoại giao, như việc tận dụng sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Trước âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm chia cắt lâu dài đất nước, Hồ Chí Minh đã xác định rõ nhiệm vụ chiến lược: vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã trở thành hậu phương vững chắc, cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam. Dưới sự chỉ đạo của Người, miền Bắc đã tiến hành cải cách ruộng đất, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục và y tế, tạo nền tảng kinh tế - xã hội vững mạnh để hỗ trợ cuộc kháng chiến. Trong khi đó, tại miền Nam, Người ủng hộ phong trào đấu tranh vũ trang và chính trị, lãnh đạo nhân dân miền Nam kiên cường chiến đấu chống Mỹ và chính quyền tay sai. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước ý đồ đẩy miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá bằng rải bom hủy diệt hàng loạt, Người kêu gọi: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do! Nhân dân Việt Nam nhất định thắng! Giặc Mỹ xâm lược nhất định thua!”[4]. Người luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Không chỉ dừng lại ở những lời hiệu triệu, Hồ Chí Minh còn có những chỉ đạo chiến lược sâu sắc, góp phần tạo nên những chiến thắng vang dội. Người kiên định với phương châm "đánh chắc, thắng chắc", kết hợp đấu tranh chính trị, ngoại giao và quân sự. Tư tưởng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, đã tạo nên những chiến thắng lớn như chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari năm 1973, mở đường cho thắng lợi cuối cùng.
Cho đến cuối đời, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn bày tỏ một niềm tin, khát vọng và lời khẳng định chắc chắn rằng: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà... Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sỹ"[5]. Thực hiện lời Di chúc thiêng liêng ấy Đảng ta đã đưa ra chủ trương, đường lối phù hợp với từng thời điểm lịch sử, để lãnh đạo quân dân cả nước giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, đến chiến dịch Huế - Đà Nẵng, và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Điều này khẳng định rằng khát vọng thống nhất không chỉ là lý tưởng mà còn là kim chỉ nam hành động, dẫn dắt toàn dân tộc đi đến thắng lợi vẻ vang. Chính tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh kiên định và trí tuệ lãnh đạo của Người đã giúp cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách để đạt được mục tiêu cao cả nhất.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là minh chứng hùng hồn cho tư tưởng Hồ Chí Minh về thống nhất non sông. Đó không chỉ là lý tưởng của riêng Người mà còn là khát vọng thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam. Độc lập, tự do và thống nhất là những giá trị cốt lõi, là nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước.
Ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng con đường phát triển của dân tộc. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên trì con đường hòa bình nhưng không khoan nhượng trước bất kỳ thế lực nào xâm phạm chủ quyền quốc gia – đó là những giá trị trường tồn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam. Khát vọng thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam mà còn là nguồn động lực tinh thần mạnh mẽ cho toàn thể dân tộc. Dưới ánh sáng tư tưởng của Người, dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi vẻ vang, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Ngày nay, tư tưởng đó vẫn tiếp tục soi đường, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy sức mạnh nội sinh để đưa Việt Nam phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Kim Lưu, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 102
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2010, t15, tr. 583
[3] Đỗ Hoàng Linh, Hồ Chí Minh nhân cách thời đại, Nxb Thanh niên, HN, 1995, tr.153-154.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12. tr.108, 109.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.15, tr. 623