Với sự thống nhất cao, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc đã thông qua phương án giảm từ 23 xã, thị trấn xuống còn 7 xã.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Chiều 15/4, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và tình hình kinh tế - xã hội của huyện Nghi Lộc trong quý I/2025.
Dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Lê Đình Lý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thơm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Hoàng Thị Thu Trang - Giám đốc Sở Tư pháp và lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, Sở Nội vụ.
Làm việc với đoàn có đồng chí Dương Đình Chỉnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy và các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc.
Hình thành 7 xã mới sau sắp xếp
Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn, đang được Trung ương chỉ đạo quyết liệt. Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương vào cuộc khẩn trương, bám sát tinh thần chỉ đạo, vừa bảo đảm tiến độ, vừa đáp ứng yêu cầu.

Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Nghệ An hiện có 412 đơn vị hành chính cấp xã. Tại phiên làm việc chiều 14/4, Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã chốt tỷ lệ đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giảm gần 68,5%, sau sắp xếp tỉnh còn khoảng 130 xã.
Hiện tại, huyện Nghi Lộc có 22 xã và 1 thị trấn, với dân số gần 209 ngàn người, diện tích tự nhiên hơn 313km². Qua rà soát, cả 23/23 đơn vị hành chính cấp xã đều không đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.

Đồng chí Lê Đình Lý - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng phương án sắp xếp giảm 69,5% số xã, thị trấn; cụ thể, đề xuất hợp nhất để hình thành 7 xã mới dựa trên các tiêu chí như: truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, điều kiện địa lý, kết nối giao thông, đảm bảo thuận tiện cho người dân trong giao dịch hành chính và đời sống sinh hoạt sau sắp xếp. Đặc biệt, huyện cũng tính đến phương án đặt tên xã theo thứ tự số nhằm tạo sự thống nhất và dễ nhận diện.
Tại cuộc làm việc, đoàn công tác đã góp ý trực tiếp, từ đó đa dạng thêm góc nhìn để Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc hoàn thiện phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
.jpg)
Đồng chí Nguyễn Thị Thơm - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Theo đó, các ý kiến đều thống nhất phương án giảm từ 23 xã, thị trấn xuống còn 7 xã. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án cụ thể các xã sáp nhập với nhau để hình thành những xã mới cần bám sát nguyên tắc ưu tiên hàng đầu là đảm bảo chính quyền gần dân, phục vụ tốt nhất cho người dân; tính toán kỹ lưỡng để tạo ra không gian phát triển hợp lý, đồng bộ, thuận lợi cho việc tổ chức đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo khả năng kết nối hạ tầng, phát triển sản xuất, dịch vụ và cải thiện đời sống nhân dân.

Đồng chí Hoàng Thị Thu Trang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, phụ trách Đảng bộ huyện Nghi Lộc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Bên cạnh đó, việc xác định trung tâm hành chính của các xã mới sau sắp xếp cũng là yếu tố hết sức quan trọng, cần dựa trên các tiêu chí như: vị trí địa lý trung tâm, kết nối giao thông thuận tiện, điều kiện cơ sở vật chất hiện có, đồng thời đảm bảo thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ công của người dân, tổ chức.
Với sự thống nhất cao, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc đã thông qua phương án giảm từ 23 xã, thị trấn xuống còn 7 xã.
.jpg)
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc phát biểu tại cuộc làm việc, đề xuất một số nội dung về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Thành Duy
Quý I/2025, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, Nghi Lộc thu ngân sách quý I ước đạt hơn 238 tỷ đồng, đạt gần 50% dự toán; đồng thời huyện đạt được nhiều điểm sáng như có 17 xã đạt nông thôn mới năng cao; tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm; xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, người có công…
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo đúng tiến độ, nguyên tắc
Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Võ Thị Minh Sinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đánh giá cao công tác chuẩn bị của Huyện ủy Nghi Lộc. Về cơ bản, các nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đúng hướng chỉ đạo, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu kết luận. Ảnh: Thành Duy
Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Từ thực tiễn này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Minh Sinh đề nghị huyện Nghi Lộc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; đặc biệt rà soát kỹ lưỡng các nội dung, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, huyện cần hoàn thiện đề án để lấy ý kiến nhân dân, sau đó tổng hợp hoàn thiện lại để trình HĐND cấp xã, huyện xem xét thông qua.
.jpg)
Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh cũng lưu ý huyện quan tâm đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, xử lý tài chính, tài sản công, thống kê đầy đủ hiện trạng để có giải pháp xử lý phù hợp. Công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội cần được đặc biệt chú trọng, nhằm bảo đảm sau sắp xếp, chính quyền cơ sở hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không làm gián đoạn phục vụ người dân.
.jpg)
Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị các đồng chí thuộc các cơ quan cấp tỉnh tiếp tục theo dõi sát sao tình hình địa bàn, đồng hành, hỗ trợ huyện Nghi Lộc trong quá trình hoàn thiện đề án và triển khai thực hiện.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Minh Sinh ghi nhận các kết quả, cũng như những kiến nghị, đề xuất của huyện.
Nguồn: BNA