Nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất, Nghệ An – quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vẫn luôn là biểu tượng của tinh thần cách mạng, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nghệ An không chỉ là hậu phương lớn với vai trò chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, mà còn là điểm đầu của các tuyến lửa, trực tiếp hứng chịu bom đạn của kẻ thù. Bằng sự kiên cường và lòng trung dũng, quân và dân Nghệ An đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Hôm nay, với hành trang từ quá khứ hào hùng, Nghệ An đang khẳng định vị thế mới – trở thành một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Biểu tượng hậu phương lớn trong kháng chiến chống Mỹ
Với vị trí chiến lược đặc biệt, là “yết hầu” của miền Trung, điểm khởi đầu của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Nghệ An luôn là mục tiêu đánh phá trọng điểm của không quân và hải quân Mỹ trong các cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tuy nhiên, chính trong gian khổ và khốc liệt, tinh thần cách mạng, lòng yêu nước và ý chí bất khuất của quân và dân Nghệ An lại càng được hun đúc mạnh mẽ. Với khẩu hiệu hành động “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong tỉnh đã đồng lòng, quyết tâm, biến hậu phương thành tiền tuyến, biến mỗi làng quê, mỗi con người thành một pháo đài kiên cường chống giặc ngoại xâm.
Hàng chục vạn người con ưu tú của Nghệ An đã nô nức lên đường nhập ngũ, gia nhập lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1965 đến 1972, toàn tỉnh đã huy động 139.570 người chi viện cho chiến trường, bao gồm 103.505 bộ đội (trong đó có 3.332 nữ), 11.585 thanh niên xung phong (6.005 nữ) và 24.480 dân công hỏa tuyến. Đặc biệt, tại các chiến trường B và C, Nghệ An có tới 16.581 người trực tiếp chiến đấu, trong đó có 13.483 bộ đội và 3.098 cán bộ, công nhân – con số thể hiện rõ nét tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thấm đẫm trong tinh thần người xứ Nghệ.
Không chỉ chi viện về người, Nghệ An còn là một địa bàn chiến lược trọng yếu về giao thông vận tải, là nơi tiếp nhận, trung chuyển vật tư, lương thực, vũ khí cho các chiến trường miền Nam. Những địa danh như phà Bến Thủy, Truông Bồn đã đi vào lịch sử như biểu tượng bất khuất của ý chí và tinh thần quật cường. Phà Bến Thủy – cửa ngõ tuyến giao thông Bắc – Nam – từng ghi dấu hàng trăm trận đánh bom hủy diệt của không quân Mỹ, song cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân Nghệ An vẫn bám trụ kiên cường, giữ vững mạch máu giao thông huyết mạch. Đặc biệt, Truông Bồn – tọa độ lửa trên tuyến đường 15A, nơi hứng chịu hơn 1.200 trận bom chỉ trong một diện tích vài trăm mét vuông – đã trở thành một biểu tượng sống động của lòng quả cảm. Tấm gương hy sinh oanh liệt của 13 thanh niên xung phong Tiểu đội 2, Đại đội 317 ngày 31/10/1968 đã làm nên khúc tráng ca bất tử, sống mãi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam.
Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại, Nghệ An đã huy động tới 38.367.834 ngày công, vận chuyển 7.310.000 tấn hàng hóa vào chiến trường miền Nam – một con số thể hiện sức bền bỉ phi thường và ý chí sắt đá của hậu phương lớn. Toàn tỉnh đã xây dựng 11.622 km hào giao thông, 1.097.008 hầm chữ A, 2.305.555 hố cá nhân, 3.346 hầm cất giấu thuyền, 533 âu dấu xe, 193.335 hầm công sự kho tàng, 106.364 nhà hầm, nhà âm đắp lũy – tạo thành một mạng lưới phòng thủ liên hoàn, sáng tạo và hiệu quả.
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An vẫn được duy trì và phát triển mạnh mẽ. Bằng phong trào thi đua “tay cày tay súng”, “vững tay cuốc, chắc tay súng”, nhân dân không những đảm bảo đời sống mà còn chi viện cho miền Nam hơn 6 triệu tấn lương thực và 300 tấn thực phẩm. Đặc biệt, vào năm 1972 – thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến – Nghệ An vẫn có tới 6 huyện đạt năng suất 5 tấn/ha trên diện tích 2 vụ lúa ổn định, tạo tiếng vang lớn trong cả nước, chứng minh sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng, phát triển trong gian khó.
Không chỉ là hậu phương vững chắc, Nghệ An còn là tiền tuyến kiên cường. Quân và dân tỉnh nhà đã trực tiếp chiến đấu bảo vệ bầu trời, vùng biển quê hương, lập nên những chiến công oanh liệt. Toàn tỉnh đã bắn rơi 553 máy bay Mỹ – xếp thứ hai toàn miền Bắc – và bắn cháy, bắn chìm 36 tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ – ngụy, xếp thứ tư miền Bắc. Những con số đó không chỉ là minh chứng cho năng lực chiến đấu, mà còn là kết tinh của tinh thần yêu nước, trí tuệ, bản lĩnh và lòng quả cảm sắt đá của quân dân Nghệ An trong trận tuyến bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với quân dân cả nước, Nghệ An đã viết nên bản hùng ca bất tử trong thời đại Hồ Chí Minh – bản hùng ca của lòng trung dũng, nghĩa tình, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thấm đẫm trong từng con người, từng mảnh đất. Hàng trăm ngàn người con ưu tú của tỉnh đã lên đường chiến đấu dưới ngọn cờ thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ. Trong đó, hơn 45.000 người đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm lại khắp các chiến trường – từ Trường Sơn đến sông Sài Gòn, từ biên giới Tây Nam đến đất nước bạn Lào, Campuchia.
Vai trò của Nghệ An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một minh chứng hùng hồn cho sự gắn bó máu thịt giữa hậu phương và tiền tuyến. Nghệ An không chỉ là nơi xuất phát của những đoàn quân ra trận, không chỉ là nơi tiếp nhận và trung chuyển khối lượng vật tư khổng lồ, mà còn là pháo đài chiến lược ngăn chặn quân thù, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Chính từ mảnh đất này, tinh thần bất khuất, ý chí cách mạng và truyền thống yêu nước được bồi đắp qua nhiều thế hệ đã hội tụ, góp phần làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975 – một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Kế thừa giá trị truyền thống và khát vọng đổi mới
Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với cả nước, Nghệ An đã nỗ lực vượt khó, huy động mọi nguồn lực để tái thiết và phát triển quê hương. Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, thiếu lương thực, đến nay Nghệ An đã cơ bản bảo đảm an ninh lương thực và có sản phẩm xuất khẩu.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của Nghệ An giai đoạn 2021–2025 ước đạt 8,3–8,5%, cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2016–2020 (6,97%). Quy mô GRDP năm 2025 dự kiến đạt 249,2 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020, đưa Nghệ An vươn lên xếp thứ 10 cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 72 triệu đồng, tăng 1,67 lần so với năm 2020. Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, tỉnh đạt bước tiến vượt bậc, đặc biệt là FDI. Giai đoạn 2022–2024, tổng vốn đăng ký FDI đạt hơn 4,8 tỷ USD, gấp 3,6 lần tổng vốn lũy kế trước năm 2020. Tính đến nay, Nghệ An đã thu hút 150 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 5,86 tỷ USD từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa tỉnh liên tục 3 năm liền nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, với hơn 79% số xã đạt chuẩn, trong đó nhiều xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu. Giáo dục mũi nhọn giữ vững vị thế dẫn đầu khu vực; chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 15/63 tỉnh, thành trong cả nước. Công tác giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến cuối năm 2025 dự kiến giảm còn 3,12%, bình quân mỗi năm giảm 1,07%. Tỉnh đã huy động trên 500 tỷ đồng từ các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người nghèo. Đặc biệt, Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Từ tháng 2/2023 đến nay, toàn tỉnh đã vận động xây dựng và sửa chữa tổng cộng 15.246 căn nhà cho người nghèo (trong đó có 11.157 căn xây mới và 4.089 căn được sửa chữa), góp phần thiết thực cải thiện đời sống dân sinh.
Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua đã khẳng định vị thế ngày càng rõ nét của Nghệ An trong khu vực Bắc Trung Bộ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Sự chuyển mình mạnh mẽ về quy hoạch, đầu tư, hạ tầng, nhân lực và chuyển đổi số đang tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục - khoa học và công nghệ của vùng vào năm 2030. Xa hơn, theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2045, Nghệ An phấn đấu trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện và hiện đại; là một cực tăng trưởng quan trọng ở Bắc Trung Bộ, nơi hội tụ đầy đủ giá trị văn hóa - lịch sử - cách mạng, được bảo tồn và phát huy; đời sống nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững; hệ thống chính trị vững mạnh và khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố.
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển, Nghệ An cần tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, tinh thần trách nhiệm và tính tiên phong của đội ngũ cán bộ. Đồng thời, cần xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Trong đó, con người – với bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dấn thân và lòng yêu nước – vẫn là yếu tố trung tâm của mọi chiến lược phát triển.
Với Nghệ An, truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và nền văn hóa giàu bản sắc, được hình thành từ chiều sâu lịch sử, cách mạng và nhân văn, là nền tảng tinh thần quan trọng để tạo bứt phá trong thời kỳ mới. Đó là giá trị được hun đúc qua các thế hệ, từ những năm tháng kháng chiến gian khổ đến hành trình kiến thiết quê hương hiện nay.
Hành trình phát triển của Nghệ An hôm nay tiếp nối và phát huy truyền thống của quá khứ, khẳng định rằng: truyền thống chính là động lực để phát triển. Trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi, tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt” cần được kế thừa, phát triển thành tinh thần “tất cả vì sự phát triển bền vững, phồn vinh và giàu bản sắc của quê hương, đất nước”. Đây là cách để mỗi người dân xứ Nghệ sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hòa bình và hội nhập sâu rộng./.
Kim Lưu, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy