Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu tại buổi lễ. 

Sáng 6/3 tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm "CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy"; 75 năm Ngày truyền thống Xây dựng lực lượng CAND (11/3/1948 - 11/3/2023) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang.

Tham dự Lễ kỷ niệm có: Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Công an, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, đại biểu cán bộ Công an hưu trí và thế hệ trẻ Công an nhân dân, người có công, thân nhân liệt sỹ Công an nhân dân; các điển hình tiên tiến trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy.

Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Công an cho biết, cách đây 75 năm, ngày 11/3/1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII, Bác Hồ đã dạy về Tư cách người công an cách mệnh:

“Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.

Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng dự lễ kỷ niệm. 

Trải qua 75 năm học tập, thực hiện Sáu điều dạy Bác Hồ dạy, lực lượng CAND đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, thực sự là lực lượng chính trị trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước, là con em yêu quý của nhân dân.

Trong các giai đoạn cách mạng, lực lượng CAND đã luôn quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo CAND tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; chủ động nắm bắt, phân tích, dự báo sát, đúng tình hình; thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định các chủ trương, đường lối, hoàn thiện thể chế, huy động các nguồn lực để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an ninh, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại của đất nước.

Lực lượng CAND luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ; tăng cường xây dựng công an xã, phường, thị trấn; tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ, cải cách hành chính, tiên phong triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước công dân và trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng nhất lên lá cờ truyền thống của lực lượng CAND. 

Trong công tác, chiến đấu đã xuất hiện ngày càng nhiều gương cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm chính; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng đội; tận tụy với công việc; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; sẵng sàng chiến đấu, hy sinh vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tô thắm truyền thống anh hùng, vẻ vang của CAND Việt Nam.

Thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND hơn 75 năm qua đã khẳng định: Mỗi chiến công, mỗi thành tích, mỗi bước trưởng thành của lực lượng CAND đều bắt nguồn từ việc thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy và những sai phạm của cán bộ, chiến sĩ CAND cũng đều có nguyên nhân sâu xa do không thực hiện tốt Sáu điều dạy của Người. Ở đâu, khi nào cán bộ, chiến sĩ công an luôn thực hiện tốt Sáu điều Bác Hồ dạy, thì ở đó nội bộ cơ quan, đơn vị luôn đoàn kết thống nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và được nhân dân tin yêu, ủng hộ, giúp đỡ.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng ta và Dân tộc ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người chiến sĩ Cộng sản quốc tế mẫu mực, Danh nhân văn hoá thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời đầy oanh liệt, gian khổ và hy sinh; vô cùng phong phú và cao đẹp. Người đã để lại cho Đảng ta, Nhà nước ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đặc biệt, Người đã để lại nhiều di thư, lời huấn thị vô cùng quý báu, có giá trị to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh (theo thống kê sơ bộ, có tới 125 lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Công an nhân dân), trong đó có Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân về "Tư cách người Công an cách mệnh”.

Tổng Bí thư nêu rõ: Sáu điều Bác Hồ dạy nghe rất giản dị, mộc mạc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng lại hàm chứa những nội dung vô cùng sâu sắc, phong phú, thể hiện đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học; lý luận và thực tiễn; phẩm chất và năng lực của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam. Đây thật sự là một chỉnh thể thống nhất về hình mẫu của người cán bộ, chiến sĩ Công an cách mạng; là đạo lý, tình cảm; là lập trường, quan điểm, tư tưởng của giai cấp công nhân; là nguyên tắc, phương châm hành động, thái độ ứng xử; là chuẩn mực về nhân cách mà theo tôi, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an, dù ở cương vị công tác nào cũng phải luôn luôn ghi nhớ, thấm nhuần và nỗ lực phấn đấu thực hiện cho bằng được.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao bằng khen và Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho lực lượng CAND. 

Nhấn mạnh Sáu điều Bác Hồ dạy thực sự là "kim chỉ nam" cho mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. “Sáu điều dạy đó "quý lắm", "thiêng liêng lắm" và có "ý nghĩa sâu sắc lắm"; từng câu, từng chữ, từng lời dạy của Bác mãi mãi còn nguyên giá trị, thực sự là ánh sáng, là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an chúng ta phải luôn luôn "Dĩ công vi thượng" (tức là phải đặt công việc chung lên trên hết; đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, của Nhân dân lên trên hết) trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó” – Tổng Bí thư nêu rõ và khẳng định, thực tiễn đã chứng minh, đúc kết thành bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: Ở đơn vị nào, tổ chức nào, cá nhân nào mà nắm vững, thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân thì ở nơi đó, đơn vị đó, cá nhân đó sẽ có bản lĩnh hơn, vững vàng hơn, trưởng thành và phát triển hơn, trở thành người cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên"; thực sự là những chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam trong sạch, anh hùng!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nói một cách vắn tắt, có thể hiểu Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đó là: Quan hệ nội tâm, nội tại của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an (đó là đối với tự mình); quan hệ bên ngoài của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an (đó là đối với đồng sự, đối với Nhân dân, đối với Chính phủ, đối với địch); quan hệ của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an với công việc là những việc mình cần làm, được làm, và kiên quyết phải làm bằng được theo bổn phận, trách nhiệm, theo sự phân công. Đây cũng là sự thống nhất, kết hợp nhuần nhuyễn, không tách rời giữa "Đức" và "Tài", những biểu hiện rõ rệt về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức cần phải có của người Công an cách mạng; trong đó "Đức" là gốc, là cơ sở; "Tài" là điều kiện để phát huy các phẩm chất tốt đẹp và cống hiến; có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống dân tộc với yếu tố thời đại; hàm chứa, hình thành, giữ gìn, khẳng định tính Đảng, tính Giai cấp, tính Nhân dân của Công an nhân dân, góp phần quan trọng hình thành nên cốt cách, phong cách, bản lĩnh, văn hoá của người chiến sĩ Công an nhân dân cách mạng: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; gắn bó máu thịt với Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ, vì Nhân dân mà chiến đấu, hy sinh!

Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, lực lượng Công an nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ yêu cầu đối với toàn thể lực lượng CAND trong cả nước cần chú trọng quán triệt, tập trung làm tốt ba vấn đề cốt yếu, đó là: "học tập"; "quyết tâm thực hiện, làm theo"; và "gương mẫu, đi đầu". Thúc đẩy việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy phải trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày; thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Cụ thể hoá Sáu điều Bác Hồ dạy thành những chuẩn mực đạo đức cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá đối với từng cấp uỷ, đơn vị, cá nhân trong Công an nhân dân.

Bộ trưởng Tô Lâm và Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ trao bằng khen cho các cá nhân tập thể gương mẫu trong việc thực hiện 6 điều Bác dạy CAND. 

Tổng Bí thư yêu cầu "Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thường xuyên "tự soi, tự sửa", tự tu dưỡng, rèn luyện; phải luôn luôn tự mình nhận thức sâu sắc và cũng tự mình phải nỗ lực cao nhất để thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, đặc biệt là lời huấn thị "đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính", bởi đây là đạo đức trong hành động, là sự ứng xử trong mọi mối quan hệ mà ai cũng gặp phải hàng ngày.

Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là lời căn dặn đối với một lực lượng đặc thù, một lĩnh vực hoạt động đặc thù mà sức liên tưởng xã hội thật rộng lớn, ai cũng phải tự mình thường xuyên soi vào. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải luôn luôn tâm niệm về trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ; trung thực và khiêm tốn; kính trọng và lễ phép với Nhân dân; biết nhận lỗi và quyết tâm sửa lỗi, dám chịu trách nhiệm và kỷ luật; đề cao lòng tự trọng. Đây là những yêu cầu mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân - những công bộc của dân, phải tự ý thức, tự giác ngộ, trở thành một nhu cầu tự tại trong bản thân mình.

Cụ thể, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải xây dựng cho mình phong cách ứng xử trong các mối quan hệ "với tự mình", "với đồng sự", "với Chính phủ và Nhân dân", "với đối tượng, đối tác và kẻ địch", phải coi đây là việc làm thường xuyên, khắc ghi trong tiềm thức, trong trái tim, khối óc và hành động thực tiễn công tác, chiến đấu hằng ngày của mỗi người; luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng, giữ mình cho thật trong sạch, vững vàng; không sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, "lợi ích nhóm"; không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường; không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Có như thế mới bảo vệ được uy tín, danh dự và phát huy được truyền thống anh hùng, cách mạng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị, cần gắn kết chặt chẽ việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy với việc thực hiện Chỉ thị số 05, Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Dịp này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trân trọng trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho toàn thể Lực lượng Công an Nhân dân vì những chiến công xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh Tổ quốc; Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an đã trao bằng khen tuyên dương 75 cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy./.

 
Nguồn: DCS