Hàng ngìn cuốn sách được trang bị từ Đề án sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An với nội dung phong phú, thiết thực, cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đang dần phát huy hiệu quả, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Sau 15 năm triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn của Ban Bí thư Trung ương Đảng (giải đoạn 2009 - 2023), trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận gần 375.000 cuốn sách. Sách có nội dung phong phú về nhiều lĩnh vực, cung cấp những trí thức cơ bản, thiết thực, quan trọng, chính thống về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, công tác quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Các đề tài sách trong Đề án đã bám sát yêu cầu cơ sở, kịp thời cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nội dung sách phong phú, hình thức đẹp, phương pháp biên soạn phổ thông, dễ đọc, dễ nhớ, dễ vận dụng, phù hợp với cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân. Sách được phân loại theo từng lĩnh vực, từng đối tượng, từng nhiệm vụ cụ thể ở cơ sở. Nhiều ấn phẩm được trình bày dưới dạng hỏi – đáp có khoa học, dễ tra cứu.
Các ấn phẩm được độc giả quan tâm, tìm đọc nhiều nhất là các loại sách liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các nội dung liên quan đến đất đai, chính sách thuế, tìm hiểu lịch sử... kịp thời phục vụ cho việc giải quyết những vấn đề dân sinh, vướng mắc thường xảy ra ở cơ sở.
Các đầu sách cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ đã cung cấp kỹ năng tác nghiệp cần xử lý công việc hàng ngày cho cán bộ xã, phường, thị trấn. Đặc biệt là các loại sách phục vụ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hỏi – đáp pháp luật, Bí quyết làm giàu từ chăn nuôi, Hướng dẫn nhà nông làm giàu, những điều cần biết khi chung sống với điện, thuốc thường dùng được nhiều độc giả quan tâm tìm hiểu, mượn đọc.
Việc quản lý và sử dụng sách tuỳ thuộc vào điều kiện của từng địa phương để bố trí đặt tủ sách, phòng đọc, thư viện tại Uỷ ban nhân dân xã hoặc Nhà văn hoá xã cho phù hợp. Hầu hết các đơn vị chủ yếu là bố trí cán bộ văn hoá hoặc Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã quản lý, theo dõi kiêm nhiệm. Nhiều đơn vị sát nhập với tủ sách pháp luật và giao cho cán bộ tư pháp xã quản lý, sử dụng có hiệu quả.
Một số xã, phường, thị trấn tại thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn... sau khi tiếp nhận, đã phân loại các mảng đề tài sách giao cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên tiếp nhận, quản lý để phục vụ cho công tác chuyên môn của cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đọc, nghiên cứu phục vụ các hoạt động của ngành, đơn vị.
Có thể khẳng định rằng, sau 15 năm triển khai Đề án trang bị sách cho cấp xã là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có tác dụng tốt, là công cụ, phương tiện giúp cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tiếp cận, tìm hiểu và vận dụng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi hơn, văn hóa đọc sách, ưu thế của sách truyền thống (sách in) bị mai một đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với hoạt động xuất bản, phát hành và sử dụng sách nói chung, sách của Đề án nói riêng. Vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn có lúc, có nơi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Xác định vai trò, vị trí việc triển khai Đề án trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, đồng thời gắn bó chặt chẽ với những yêu cầu của xã hội, của thực tiễn cuộc sống đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh hướng tới nhằm phát huy tối đa hiệu quả việc triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2015 của Trung ương. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả sách của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã phường, thị trấn. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giới thiệu sách của Đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp cận nghiên cứu.
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở và tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý và sử dụng sách ở xã, phường, thị trấn. Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống phát hành sách từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó tập trung ưu tiên phát triển hệ thống thư viện, tủ sách xã hội; xây dựng một số mô hình điểm trong việc sử dụng sách Đề án tại các địa phương.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, chỉ đạo hệ thống thư viện, phòng đọc từ tỉnh đến cơ sở; củng cố cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nhằm nâng cao chất lượng sử dụng và bảo quản sách các loại, nhất là sách của Đề án đã trang bị; gắn với tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên báo cáo việc triển khai thực hiện Đề án; có các hình thức phù hợp để mọi người dân được tiếp cận sách của Đề án thường xuyên và hiệu quả hơn.
Sỹ Thành, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy