Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Giáo dục Nghệ An từ truyền thống đến hiện đại

Nghệ An xưa là vùng đất xa kinh kỳ, nhưng là nơi “địa linh nhân kiệt” từng được người xưa nhận xét “Nghệ An núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu.

Người thì thuận hòa mà chăm học… được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền”[1]. Vì thế, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và khoa bảng của người Nghệ An luôn được nuôi dưỡng và phát huy sớm. Trong công cuộc đổi mới ngày nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đạt được nhiều thành quả vượt bậc, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển quê hương, đất nước.

Cùng với lịch sử phát triển của Nho học Việt Nam (1075-1919), lịch sử khoa cử ở nước ta bắt đầu từ thời Lý với khoa thi Minh kinh bác sĩ và Nho học tam trường, tổ chức năm Thái Ninh thứ 4 (1075) dưới triều Lý Nhân Tông. Trong 216 năm tồn tại, vương triều Lý tổ chức được 7 khoa thi, trong đó có 1 khoa thi Tam giáo (Nho, Phật, Lão) vào năm 1195, nhưng không có người nào quê ở Nghệ An đỗ đạt. Bởi vì lúc bấy giờ, Nghệ An là miền biên viễn và nhà Lý chưa thật sự chú trọng đối với vùng đất này trên phương diện giáo dục, khoa cử. Thời Trần, khoa thi đầu tiên là thi Tam giáo được tổ chức vào năm 1277. Từ năm này đến khoa cuối cùng vào năm 1396, nhà Trần tổ chức được 18 khoa thi (hai khoa thi Tam giáo, hai khoa thi chọn học sinh, một khoa thi Hương, một khoa chọn Nho sinh vào hầu Vua học và 12 khoa thi Thái học sinh, thi Đại tỷ). “Đời Trần lấy Hoan, Ái làm các châu ở xa, giáo dục chưa được thấm nhuần, nhân tài không nhiều bằng ở các kinh trấn, nên mỗi khoa thi lấy người giỏi nhất về bên Trại gọi là Nguyên để tỏ ý khuyến khích”[2]. Vì vậy, năm Nguyên Phong thứ 6 (1256), nhà Trần bắt đầu mở khoa thi lấy Kinh, Trại Trạng nguyên, mỗi bên một người, trong đó Thanh Hóa, Nghệ An là Trại. Mười năm sau, năm Bính Dần, niên hiệu Thăng Long thứ 9 (1266), vua Trần Thánh Tông lại tổ chức thi Thái học sinh. Khoa này lấy Bạch Liêu (người làng Nguyễn Xá, sau đổi là Thanh Đà, huyện Đông Thành, nay là xã Mã Thành, Yên Thành) đỗ Trại Trạng nguyên, ông được xem là vị “tổ khai khoa” của đất Nghệ. Sau này, Bạch Liêu đã có công dâng Biến pháp tam chương, tức kế sách có tính chiến lược cho quốc gia và được Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải tích cực thực hiện theo. Dưới thời Trần Nghệ Tông (1370-1372), ở Nghệ An xuất hiện một vị khoa bảng nổi tiếng văn chương và chính sự, đó là Hồ Tông Thốc, nguyên quán ở Kẻ Cuồi, tổng Quỳ Trạch, huyện Thổ Thành (nay là xã Thọ Thành, Yên Thành). Ông từng được giao giữ chức Hàn lâm viện học sĩ (năm 1372) và Hàn lâm phụng chỉ học sĩ (năm 1386). Và theo “Nam ông mộng lục” của Hồ Nguyên Trừng thì Hồ Tông Thốc từng giữ chức An phủ sứ... Như vậy, trong gần 5 thế kỷ, học trò xứ Nghệ đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để giành được những học vị cao nhất trong hệ thống khoa cử Nho học thời quân chủ Việt Nam. Khoa cử nước ta thực sự bắt đầu đi vào nề nếp quy củ từ thời Lê. Trong suốt thời Lê, Mạc và Lê trung hưng sau này, khoa cử là phương thức tuyển dụng quan lại được thực hiện triệt để nhất. Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu đãi hiền tài, coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”[3]. Đặc biệt, thời Lê Thánh Tông (1460-1497) bắt đầu định tư cách cho các tiến sĩ[4]. Trong các thế kỷ XV-XVIII, với chính sách trọng hiền, trọng khoa cử, Nhà nước quân chủ đã tạo điều kiện cho tầng lớp nho sĩ xứ Nghệ học hành, thi cử và tham gia vào bộ máy chính quyền của nhà nước trên hầu hết các lĩnh vực. Chỉ tính riêng thời Lê sơ, từ khoa Bính Tuất (1466) đến khoa Mậu Thìn (1508), Nghệ An có 11 người đỗ Đại khoa. Hầu hết các vị Đại khoa Nghệ An đều tham gia quan trường và đảm nhiệm những cương vị cao ở Triều đình. Dưới thời Mạc (1527-1592), nền giáo dục khoa cử thịnh đạt. Trong 65 năm ở Thăng Long, nhà Mạc tổ chức được 22 kỳ thi Tiến sĩ, lấy đỗ 485 người. Từ 1527 đến 1545, Nghệ An thuộc quyền quản lý của nhà Mạc, nên các sĩ tử xứ Nghệ cũng tham gia ứng thí và có hai người đỗ Đại khoa, đó là Nguyễn Văn Thực (Diễn Châu) và Nguyễn Minh Châu (Nghi Lộc). Từ năm 1546, Nam triều quản lý miền Thanh-Nghệ, nhưng chưa thực sự quan tâm đến khoa cử. Mãi đến năm 1554, Nam triều mới mở khoa thi Chế khoa lần đầu tiên (như khoa Tiến sĩ nhưng không theo định kỳ) tại hành cung Vạn Lại (Thanh Hóa). Khoa này lấy đỗ 13 người. Riêng Nghệ An, có ba người đỗ. Từ thời điểm này trở đi cho đến hết thời Lê trung hưng, giáo dục khoa cử ở Nghệ An nở rộ. Tính từ khoa thi Chế khoa năm 1554 đến khoa thi Kỷ Mùi (1787), Nghệ An có 37 người đỗ Đại khoa, trong đó có khoa đỗ 3 người như khoa Giáp Thìn (1664) là Nguyễn Quang Thiện (Hưng Nguyên), Nguyễn Sĩ Giáo và Nguyễn Tiến Tài (Thanh Chương). Đặc biệt, khoa Nhâm Thìn (1592) lấy đỗ ba người, trong đó có hai cha con là Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa cùng đỗ. Trong giai đoạn này, ở Nghệ An cũng xuất hiện nhiều dòng họ khoa bảng như họ Ngô ở Lý Trai, huyện Đông Thành (nay là xã Diễn Kỷ, Diễn Châu). Đây là một dòng họ nhiều đời nối nhau đỗ đạt, trong đó có hai cha con là Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa đỗ đồng khoa (Dòng họ Ngô này có 5 người đỗ Tiến sĩ). Dòng họ Nguyễn ở Trung Cần (Thanh Chương) cũng là một dòng họ kế thế đăng khoa với các tên tuổi như Nguyễn Trọng Thường, Nguyễn Trọng Đương và Nguyễn Đường. Đến thời Nhà Nguyễn, ngay trong những năm đầu, Triều đình đã rất chăm lo đến giáo dục. Năm 1805, nhà Nguyễn đặt 2 Đốc học cho trấn Nghệ An[5], mỗi phủ lệ đặt một Giáo thụ, mỗi huyện lệ đặt một Huấn đạo để chăm lo đến việc học hành của nhân dân. Phủ huyện ít học sinh và các phủ huyện dọc biên giới không đặt chức riêng. Đốc học đầu tiên của Nghệ An là Bùi Dương Lịch, sau đó là Nguyễn Danh Dương. Thời Nguyễn, khoa cử thật sự đi vào nề nếp kể từ triều Minh Mệnh (1820-1841). Triều Gia Long đã tổ chức được ba kỳ thi Hương (1807, 1813, 1819) nhưng chưa tổ chức thi Hội. Đội ngũ quan lại phụng sự vương triều buổi đầu chủ yếu là các võ tướng, công thần khai quốc và đội ngũ quan văn tuyển lựa trong những người thi đỗ Hương cống, Tiến sĩ triều Lê ra làm quan cho nhà Nguyễn. Từ năm 1822, Minh Mệnh mở khoa thi Hội đầu tiên và bắt đầu quy định quan chức cho những người đỗ Tiến sĩ. Đến thời Thiệu Trị (năm 1844), nhà Nguyễn tiếp tục ban hành quy định bổ nhiệm. Bên cạnh việc tuyển dụng quan lại bằng con đường khoa cử, triều Nguyễn vẫn duy trì hình thức tiến cử người tài “tháng 9 năm 1811, Triều đình hạ lệnh cho các trấn quân, học quan từ Nghệ An trở ra Bắc đề cử người tài”[6]. Chính sách trọng hiền tài của Nhà nước quân chủ đã rộng đường cho kẻ sĩ tấn thân và góp phần bồi đắp thêm truyền thống hiếu học ở nhiều dòng họ, nhiều địa phương, trong đó có các làng xã tỉnh Nghệ An. Dưới triều Nguyễn, trường thi Hương được đặt tại Nghệ An, ở địa phận thôn Hạ, xã Yên Dũng phía Đông tỉnh thành vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843). Ở tỉnh lỵ và các phủ huyện, nhà Nguyễn đều cho dựng trường học như trường phủ Anh Sơn, trường phủ Diễn Châu dựng năm Minh Mệnh thứ 5 (1824), trường huyện Thanh Chương, Quỳnh Lưu dựng năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Sự ra đời của hệ thống trường công đã tạo điều kiện cho các sĩ tử Nghệ An trau dồi kinh sử và đạt được những ngôi vị cao trong các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình. Tính từ khoa thi Hội đầu tiên được tổ chức dưới triều Nguyễn năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng (1919) gồm 39 khoa (cả cát sĩ, nhã sĩ, ân khoa) lấy đỗ 558 người, trong đó tỉnh Nghệ An đỗ 91 người (chiếm hơn 14%). Nghệ An có 3 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ, trong tổng số 11 vị Đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ của cả nước (chiếm gần 27,3%). Ngoài ra, từ khoa thi Hương đầu tiên (năm 1807) đến khoa thi cuối cùng (1918), trong tổng số 5278 Hương cống-Cử nhân của cả nước, 595 sĩ tử Nghệ An đã đỗ Hương cống-Cử nhân (chiếm hơn 11,2%) và hàng ngàn Sinh đồ-Tú Tài, tạo nên một tầng lớp nho sĩ đông đảo, có nhiều đóng góp cho đất nước trên lĩnh vực chính trị, giáo dục, ngoại giao, xây dựng điển chương, chế độ pháp luật, sáng tác văn học, sử học... Đối với địa phương, tầng lớp nho sĩ đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ thuần phong mỹ tục, thúc đẩy phong trào khuyến học, biên soạn hương ước, đứng ra hưng công trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử của quê hương. Nhiều người sau khi thi đỗ không ra làm quan đã mở trường dạy học cho con em trong dòng họ, trong làng xã và nhiều địa phương khác, đào tạo nên nhiều bậc hiền tài cho đất nước, tiêu biểu như trường Nam Sơn của Thám hoa Nguyễn Đức Đạt đã đào tạo hàng nghìn sĩ tử, trong đó có nhiều người đỗ đạt cao, là trọng thần của triều Nguyễn sau này. Với hình thức khoa cử, ở Nghệ An đã hình thành nhiều làng khoa bảng như: Bút Trận, Bút Điền, Văn Vật, Văn Tập, Thư Phủ (ở Diễn Châu); Tam Khôi, Văn Thai, Quỳnh Đôi (ở Quỳnh Lưu); Kim Bảng, Khoa Bảng (ở Thanh Chương); Khoa Trường, Khoa Cử  (thuộc Nam Đàn)... Hương ước của mỗi làng xã đều đặc biệt quan tâm việc học hành, ví như: đối với những người đang đi học đến tuổi phải gánh vác việc nước thì làng xã sẽ miễn mọi thôn dịch, xã dịch, quan dịch (đi tuần, đi phu). Làng còn trích ra một số ruộng công làm “học điền” hay còn gọi là “bút điền” để trợ cấp cho những học trò nghèo khó. “Ở Nam Đàn, học điền của xã Thanh Thủy là 4 mẫu 2 sào, làng Hoành Sơn 2 mẫu 5 sào. Hữu Biệt 2 mẫu 8 sào, Trung Cần 3 mẫu 5 sào”[7]. Từ đó tạo động lực để người con đất Nghệ ra sức thi đua học tập, phụng sự Triều đình...

Sau khi Thực dân Pháp xâm lược nước ta, thời gian đầu, việc học và thi chữ Hán vẫn được duy trì. Khoa thi Hương năm Ất Mão (1915), nhà Nguyễn tổ chức thi tại trường thi Hương Nghệ An và Thanh Hóa. Trường thi Hương ở Nghệ An lấy đỗ 22 Cử nhân. Sau kỳ thi Hương này, Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung Kỳ quyết định đóng cửa Trường thi Hương Thanh Hóa. Riêng trường thi Hương Nghệ An vẫn được tiếp tục thi tuyển. Khoa thi năm Mậu Ngọ (1918), Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ cho phép Triều đình Huế tổ chức kỳ thi Hương ngạch văn cuối cùng ở nước ta. Trường thi Hương Nghệ An được dành cho học trò cả ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cùng dự thi. Quan trường lựa chọn trong số hàng ngàn người dự thi, lấy đỗ 25 Cử nhân. Khoa thi cuối cùng được tổ chức tại Trường thi Hương Nghệ An, chính thức khép lại 42 kỳ thi Hương ngạch văn được tổ chức tại trường thi này dưới thời Nguyễn (cả ân khoa và chính khoa). Năm 1919, Toàn quyền Đông Dương cho phép triều Nguyễn tổ chức kỳ thi Hội cuối cùng tại Huế. Đến đây, nền giáo dục Hán học ở nước ta kết thúc sau hơn 8 thế kỷ tồn tại và phát triển (1075-1919) và cũng kết thúc một chặng đường dài sĩ tử Nghệ An làm rạng danh quê hương bằng bảng vàng khoa cử. Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1918), Toàn quyền Đông Dương Anbe Xarô khởi xướng và ban hành Nghị định Học chính tổng quy, chủ trương nhanh chóng xóa bỏ chế độ thi cử Hán học, xóa bỏ nền giáo dục Nho học, đồng thời mở rộng hệ thống giáo dục Pháp-Việt để tạo sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp và để xóa nhòa vai trò, uy tín của các sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ. Nền giáo dục Pháp Việt thực chất là một nền giáo dục thực dân, trong đó chủ yếu là chính sách “ngu dân” và “Pháp hóa” nhân dân ta. Năm 1923, sau khi lên làm Toàn quyền Đông Dương, Méclanh đã có một số điều chỉnh, thay đổi trong chính sách giáo dục. Chính sách giáo dục của Méclanh đã hạn chế việc học của thanh niên, học sinh Việt Nam. Tại Nghệ An, chính sách giáo dục nói trên được áp dụng một cách triệt để. Thực dân Pháp đã cho mở một số trường học Pháp-Việt với bậc Kiêm bị ở các thị trấn, thị xã và bậc Cao đẳng tiểu học tại Vinh. Về các cấp học, tính trong năm 1918, cả tỉnh Nghệ An có 1 trường Trung học với 60 học sinh; có 8 trường tiểu học với 726 học sinh; 128 trường ấu học với 3.095 học sinh. Hệ thống trường làng với 1.576 học sinh. Trường Pháp-Việt (còn gọi là trường Pháp-bản xứ) ở Nghệ An xuất hiện từ năm 1912 nhưng đến năm 1918, tính chung cả Nghệ Tĩnh chỉ có 4 trường với số lượng 527 học sinh, trong đó có 2 trường nam với 424 học sinh và 2 trường nữ với 103 học sinh. Năm 1920, Trường Quốc học Vinh được thành lập để dùng chung cho cả 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Học sinh trường Quốc học Vinh phần lớn là con em các gia đình khá giả, rất ít học sinh là con nhà nghèo. Bên cạnh trường Quốc học Vinh, thực dân Pháp còn lập Trường Tư thục Nguyễn Trường Tộ dành cho học sinh nữ, trường Tư thục Cao Xuân Dục dành cho học sinh nam, Trường Trung học Lễ Văn, Trường Chính Hóa... Tất cả các trường học trên đều thường xuyên chịu sự thanh tra của Ban Thanh tra giáo dục do Viên thanh tra người Pháp phụ trách, đóng trụ sở tại Vinh. Với chính sách giáo dục trên đã hạn chế tối đa việc mở trường học và số lượng học sinh, dẫn đến nạn thất học. Số người mù chữ lên tới hơn 90% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn này, còn phải kể đến hoạt động giáo dục ở Nghệ An thông qua các phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Có thể kể đến là phong trào Đông Du của Phan Bội Châu: “từ tháng 7/1905 đến tháng 6/1908, hội Duy Tân dưới sự lãnh đạo của Phan Bội Châu đã đưa được hơn 200 thanh niên sang Nhật du học. Họ được gửi vào học ở trường Chấn võ quân sự học hiệu và Đồng văn thư viện Đông Á”[8]. Trong số trên 200 học sinh lưu học tại Nhật thì Nghệ-Tĩnh có 19 người. Ngoài ra, do ảnh hưởng từ Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, các tổng Võ Liệt, Đại Đồng, Cát Ngạn, Nam Kim (Thanh Chương) cũng lần lượt có trường dạy chữ Quốc ngữ. Tại huyện Nam Đàn, các lớp dạy chữ quốc ngữ được thành lập ở tổng Xuân Hồ, tổng Xuân Khoa và tổng Xuân Lâm. Tại Hưng Nguyên, các lớp này được mở ở làng Phú Điền (nay là xã Hưng Phú), gần chợ Phủ (nay thuộc thị trấn Hưng Nguyên). Ở huyện Quỳnh Lưu, trường dạy chữ Quốc ngữ được thành lập tại làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Vinh, Quỳnh Hậu và khu vực gần chợ Giát. Theo đó, có khá nhiều ông đồ ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành... cứ dịp đầu năm lại khăn gói đi dạy học khắp nơi. Chính họ là những người đóng vai trò tích cực vào việc dạy chữ Quốc ngữ trên địa bàn các huyện Bắc Nghệ An, mở đường cho một nền giáo dục mới. Tại Vinh, Bến Thủy, Trường Thi, các lớp dạy chữ Quốc ngữ được mở tại khu vực gần chợ Vinh (nay thuộc phường Hồng Sơn), chợ Quán Lau ở gần xóm thợ Trường Thi. Tại Diễn Châu, các lớp dạy chữ Quốc ngữ cũng được thành lập tại địa bàn thuộc các xã Diễn Thành, Diễn Lộc, Diễn Thịnh ngày nay. Đặc biệt, chính sách giáo dục của thực dân Pháp thời kỳ 1919-1930 cũng đã làm xuất hiện nhiều trí thức “Tây học” có tinh thần yêu nước, nhiệt tình cách mạng. Họ tích cực mở các lớp học chữ Quốc ngữ cho công nhân, dân nghèo thành thị (gọi là các lớp tráng học). Họ đều xuất thân từ những gia đình hiếu học, có truyền thống yêu nước, tiêu biểu như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Sĩ Sách, Hà Huy Tập... Tầng lớp này vừa có tinh thần cách mạng, có học vấn, lại được tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin nên họ rất nhiệt tình, hăng hái hướng dẫn công nhân đi theo con đường đấu tranh mới. Nhiều thế hệ học sinh Pháp-Việt sau này đã trở thành những cán bộ cách mạng chủ chốt trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc thời kỳ 1930-1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sắc lệnh của Chính phủ về bình dân học vụ, tháng 9/1945, Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập Ban Bình dân học vụ (đến tháng 12/1945 được nâng lên thành Ty Bình dân học vụ). Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính, Mặt trận Việt Minh, sự hướng dẫn của Nha Bình dân học vụ và Sở Bình dân học vụ Trung Bộ, các ban Bình dân học vụ từ tỉnh xuống huyện tích cực hoạt động với khí thế tiến công tiêu diệt giặc dốt một cách khá rầm rộ. Khắp các địa phương trong tỉnh, Ban Bình dân học vụ các cấp tích cực giải quyết địa điểm, bàn ghế, sách học, học cụ cho các lớp học. Ngoài những lớp học chung cho mọi người ở các khu phố và xóm làng, Bình dân học vụ còn mở những lớp học riêng cho các đối tượng khác như bộ đội, tự vệ, công an, công nhân, tăng ni, ngư dân... Ban Bình dân học vụ tỉnh thành lập những tiểu ban học cụ phụ trách mua sắm hoặc tự làm những học cụ, học phẩm như bảng đen, phấn viết, mực... Chỉ trong thời gian ngắn, đa số nhân dân Nghệ An biết đọc, biết viết. Đến tháng 3/1946, Nghệ An có 2.200 lớp học bình dân với 7.780 giáo viên và 31.369 học sinh[9]. Nhiều địa phương điển hình trong phong trào xóa nạn mù chữ được biểu dương khen ngợi. Ở Diễn Châu, tính đến cuối năm 1946, có hơn 80% dân số biết đọc, biết viết; trong đó xã Diễn Minh trở thành xã thanh toán nạn mù chữ đầu tiên ở Trung Bộ. Huyện Anh Sơn mở được 43 lớp với 70 giáo viên và hơn 700 học viên; trrong đó có 24 giáo viên bình dân học vụ được tăng Huy hiệu “Chiến sỹ diệt dốt”. Ở vùng Đô Lương (nay là Anh Sơn) chỉ tính riêng ba làng Hội Tâm, Kim Liên, Vạn Phúc đến cuối năm 1946 đã mở được 23 lớp học với 41 giáo viên, thu hút được hàng trăm người theo học. Tại thị xã Vinh, giặc dốt bị đẩy lùi, hàng ngàn người thuộc các tầng lớp khác nhau trên 10 khu phố thoát nạn mù chữ; nhiều học sinh tham gia giảng dạy các lớp bình dân học vụ ở thị xã về sau trở thành giáo viên ở các huyện, thành trong tỉnh. Cùng với phong trào Bình dân học vụ, hệ thống giáo dục mới dần hình thành. Một số trường tiểu học Pháp-Việt bị đóng cửa sau ngày Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945) như Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Trường nữ sinh Nguyễn Trường Tộ, Trường Đặng Thúc Hứa... khai giảng trở lại và dạy học theo chương trình mới. Trường Trung học Nguyễn Công Trứ[10] có 9 lớp từ đệ Nhất đến đệ Tứ với 413 học sinh. Ngoài ra, ở Vinh còn có Trường Trung học chuyên khoa Tân Dân[11], Trường Kỹ nghệ thực nghiệp tại Nhà máy Trường Thi chiêu sinh trở lại, thu hút nhiều học sinh theo học. Dù tồn tại không lâu, nhưng Trường Kỹ nghệ thực nghiệp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nghề lúc bấy giờ.

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hầu hết các lớp Bình dân học vụ ở Nghệ An đều giải thể hoặc đình giảng. Sau 3-4 tháng, khi Trung ương Đảng và Chính phủ tiếp tục chủ trương phát triển bình dân học vụ và coi bình dân học vụ là một công tác kháng chiến quan trọng thì công tác này được đẩy mạnh. Ty và Ban Bình dân học vụ các huyện được tăng cường và sớm nhận thức rõ mối quan hệ giữa học văn hóa với kháng chiến. Khẩu hiệu mới là: “Mỗi giáo viên bình dân là một đội tuyên truyền kháng chiến”, “Tuyên truyền giết giặc xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”. Ty bình dân học vụ của Nghệ An nhanh chóng kiện toàn tổ chức, đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào bình dân học vụ Nghệ An phục hồi và phát triển. Trong năm 1947, ngành giáo dục mở được 2 khóa học. Khóa thứ nhất gồm 4.846 lớp học sơ cấp và dự bị bổ túc, với sự tham gia giảng dạy của 6.256 giáo viên, đào tạo cho 100.437 học viên; khóa thứ hai có 4.938 lớp học, với 6.756 giáo viên, đào tạo cho 94.260 học viên[12]. Bước sang năm 1948, hưởng ứng phong trào Thi đua ái quốc, Ty Bình dân học vụ Nghệ An có nhiều biện pháp để tiếp tục đưa phong trào Bình dân học vụ phát triển một bước cao hơn. Trong năm 1948, Ty Bình dân học vụ tiếp tục mở hai khóa học và đạt được kết quả rất khả quan. Khóa 1 có 4.814 lớp học, với sự tham gia của 5.736 giáo viên, đào tạo cho 103.697 học viên, khóa 2 có 5.068 lớp học, 5.519 giáo viên, đào tạo cho 104.744 học viên[13]. Ngày 19/5/1948, Hội nghị thi đua thanh toán nạn mù chữ tỉnh Nghệ An tổ chức tại Rạng, huyện Thanh Chương. Tại Hội nghị này, 6 huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương được công nhận thanh toán xong nạn mù chữ; huyện Yên Thành, Anh Sơn được đề nghị cấp trên công nhận trong đợt tiếp theo. Bốn huyện miền núi Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương cũng quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh phong trào Bình dân học vụ, giáo dục mầm non, tiểu học, trung học ở Nghệ An cũng có bước phát triển. Đến những năm 1948-1949, Nghệ An bắt đầu mở các Ấu trĩ viên, Dục Anh viện để dạy dỗ các cháu dưới 7 tuổi. Năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, các trường tiểu học được mở ra hầu khắp các làng, xã trong tỉnh. Sang năm 1948, giáo dục tiểu học có sự phát triển nhảy vọt về đội ngũ giáo viên, quy mô trường lớp cũng như số lượng học sinh... Ngày 07/6/1948, kỳ thi tốt nghiệp tiểu học được tổ chức tại 9 địa điểm trong tỉnh. Số học sinh dự thi là 3.884 trai và 149 gái. Số thí sinh trúng tuyển là 2.468 trai và 103 gái. Đặc biệt, trong năm này, huyện Tương Dương lần đầu tiên có 7 học sinh đi thi tiểu học và có 6 em đậu. Vào năm học mới 1948-1949, Ty Tiểu học dự định mở thêm 36 lớp nhất, 40 lớp nhì, 15 lớp ba và 3 lớp tư. Trong hai năm 1948-1949, giáo dục tiểu học ở Nghệ An có bước phát triển mới. Hầu hết các xã trong tỉnh (trừ các huyện miền núi) có 1 trường công lập. Trước năm 1948, Nghệ An mới có 198 trường tiểu học nhưng sang năm học 1948-1949 lên tới 220 trường với 815 giáo viên. Mọi hoạt động của trường được chi trả bằng ngân sách nhà nước, trực tiếp là ngân sách Trung bộ. Số trường bán công do tài chính các xã đài thọ cũng lên tới 25 trường với khoảng 2.000 học sinh. Ngoài ra, giáo dục tiểu học ở Nghệ An còn có trường tư thục và các lớp ở gia đình. Một số trường tư thục hoạt động hiệu quả như Trường Bột Đà (Đô Lương), Trường Phúc Lộc Từ, Trường Trương Vĩnh Ký, Trường Nguyễn Khắc Tư (Nghi Lộc), Trường Phú Xuân, Trường Thanh Tâm, Trường Nghi Lộc (Diễn Châu), Trường Thương Nam, Trường Thanh Tâm (Nam Đàn), Trường Nguyễn Bá Chiêm, Trường Vũ Đăng Khoa (Quỳnh Lưu) với tổng số 40 lớp, 27 giáo viên, 883 học sinh. Ủy ban kháng chiến hành chính và Mặt trận các cấp ở Nghệ An tích cực vận động để xây dựng trường học giáo dục phổ thông. Chính quyền và đoàn thể mời giáo viên giảng dạy, chuẩn bị cơ sở vật chất, xin phép Sở Trung học vụ Trung Bộ, Nha Giáo dục Liên khu 4 mở trường phục vụ nhu cầu học tập của con em trong tỉnh. Trong năm 1946, Nghệ An chỉ có 1 trường công là trường Trung học Nguyễn Công Trứ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, trường phải sơ tán về Nam Đàn và Yên Thành. Năm học 1947-1948, trường chuyển đến đặt cơ sở tại Trường tiểu học Tân Hợp, huyện Nam Đàn. Trong năm 1946-1948, trường đã chiêu sinh được 9 lớp với 148 học sinh trong đó có 16 học sinh nữ. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ngày càng lớn, Ủy ban kháng chiến hành chính các huyện chủ trương mở các trường trung học bán công và tư thục. Huyện Quỳnh Lưu có trường Tân Dân, Văn Thanh, Phú Sơn, Vũ Đăng Khoa với hơn 400 học sinh. Huyện Thanh Chương có trường Đặng Thúc Hứa, Nguyễn Sỹ Sách, trường Đại Đồng với khoảng hơn 200 học sinh. Bên cạnh đó là các trường: Nguyễn Xuân Ôn (Diễn Châu), Nghi Lộc (Nghi Lộc), Lê Doãn Nhã (Yên Thành), Tân Dân, Nguyễn Sinh Sắc (Nam Đàn), Đinh Bạt Tụy (Hưng Nguyên), Anh Sơn (Anh Sơn) với hơn 1.000 học sinh. Trong các trường bán công và tư thục, học sinh không phải đóng học phí, chất lượng dạy học tốt và nền nếp nên quy mô ngày càng mở rộng, uy tín ngày càng cao. Tính đến năm học 1948-1949, toàn tỉnh có gần 6.500 em học sinh được học tới bậc Trung học. Trong những năm 1950-1952, Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành các đề án về việc sắp xếp các trường Đại học, xây dựng ngành bổ túc văn hóa, ngành sư phạm, ngành mẫu giáo... Cấu trúc của hệ thống giáo dục phổ thông gồm: lớp vỡ lòng, cấp 1, cấp 2, cấp 3 và dự bị Đại học. Từ đó, hệ thống trường học ở Thanh-Nghệ Tĩnh được sắp xếp lại gồm 2 trường 9 năm, 1 trường 8 năm, 20 trường 7 năm, 1 trường 6 năm, 11 trường 5 năm. Hệ thống giáo dục phổ thông 11 năm chuyển thành 9 năm với ba cấp: cấp 1: 4 năm (từ lớp 1 đến lớp 4); cấp 2: 3 năm (từ lớp 5 đến lớp 7), Cấp 3: 2 năm (từ lớp 8 đến lớp 9). Đến đầu năm 1953, toàn Liên khu 4 chủ yếu Thanh-Nghệ-Tĩnh có 2.031 trường cấp 1 với 120.011 học sinh, 179 trường cấp 2 với 51.377 học sinh và 11 trường cấp 3 với 2.507 học sinh. Ở Nghệ An, số lượng học sinh tăng khá nhanh. Nếu như năm học 1948-1949, chỉ có 50.000 học sinh cấp 1, thì đến năm học 1950-1951 lên tới 75.000 em. Năm học 1948-1949 chỉ có gần 6.500 học sinh cấp 2, sang năm học 1953-1954 tăng lên 13.000 em. Các huyện miền xuôi đều có 1 trường cấp 2 quốc lập toàn cấp và một vài trường học cấp 1.

            Giai đoạn chống Mỹ, Nghệ An thực hiện phong trào “Quyết thắng đánh địch trên mặt trận giáo dục”, phong trào thi đua “Hai tốt” và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải dạy tốt, học tốt” giành được nhiều kết quả. Trong giai đoạn này, hệ thống giáo dục Nghệ An bao gồm ngành học phổ thông, bổ túc văn hóa, mẫu giáo, vỡ lòng và ngành sư phạm đào tạo bồi dưỡng. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, trường học từ tập trung chuyển sang phân tán, nhiều nơi học sinh phải “đội bom đi học”, nhưng số lượng học sinh phổ thông (cấp 1, 2, 3) vẫn tăng nhanh. Năm học 1964-1965, số học sinh các cấp đến trường là 215.783 em, số học sinh tốt nghiệp tăng 5.000 em so với năm trước, riêng cấp 2, 3 tăng 3.687 em. Toàn tỉnh có 96.412 học viên hệ bổ túc văn hóa. Năm học 1965-1966 có 230.570 em, đến năm học 1968-1969 có 324.310 em. Quy mô giáo dục phổ thông ngày càng phát triển, số lượng trường lớp tăng theo từng năm. Không kể đồng bằng hay miền núi, xã nào cũng duy trì được trường cấp 1, cấp 2. Năm 1965, cả tỉnh mới chỉ có 9 trường cấp 3, nhưng sau đó mỗi huyện ít nhất có 1 trường. Để nâng cao chất lượng văn hóa của các bậc học phổ thông, ngăn chặn đà đi xuống về chất lượng văn hóa đại trà, đưa dần bộ phận học sinh tốt, học sinh giỏi tiến lên, Nghệ An mở cuộc vận động “Dạy giỏi, học giỏi” với nhiều biện pháp cụ thể. Từ năm học 1964-1965, tỉnh bắt đầu mở được 2 lớp năng khiếu Toán cấp 3, bố trí học chung với trường cấp 3 Vinh và trường cấp 3 Đô Lương. Số lượng học sinh Nghệ An luôn đứng vị trí cao so với các tỉnh ở miền Bắc. Ngành bổ túc văn hóa cũng được chú trọng. Những năm 1966-1968, toàn tỉnh có trên 10 vạn học viên. Ngành học mẫu giáo (bao gồm mẫu giáo và vỡ lòng) có nhiều cố gắng trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Năm học 1964-1965, tổng số học sinh vỡ lòng toàn tỉnh là 60.980 cháu, đến năm học 1968-1969 lên tới 86.730 cháu. Trong khói lửa chiến tranh, giáo dục Nghệ An không những được duy trì mà đã phát triển mạnh mẽ với quy mô lớn; đạt yêu cầu của chuyển hướng giáo dục trong thời chiến là an toàn cho thầy trò, hoạt động dạy và học được bảo đảm. Năm học 1968-1969, Nghệ An có 86.730 học sinh vỡ lòng với 2.610 giáo viên; 324.310 học sinh phổ thông (cấp 1: 236.620 em, cấp 2: 76.640 em, cấp 3: 11.050 em). Năm học 1974-1975, quy mô giáo dục phổ thông có 495 trường với 418.390 học sinh (cấp 1: 472 trường với 243.090 em, cấp 2: 397 trường với 147.620 em, cấp 3: 26 trường với 27.680 em); có 5.310 giáo viên dạy cấp 2 và 1.240 giáo viên cấp 3.

            Sau khi thống nhất đất nước (1975), hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được sát nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh trong thời gian 15 năm (1976-1991) mặc dù tác động của chiến tranh biên giới Tây Nam 1978, Tây Bắc 1979 nhưng nhìn chung sự nghiệp giáo dục vẫn phát triển để lại nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Năm học 1979-1980, mẫu giáo có 139.557 cháu, so với năm học 1974-1975 tăng 68.165 cháu. Phổ thông cơ sở có 703.045 học sinh, so với năm học 1974-1975 tăng 116.970 học sinh. Phổ thông trung học có 60.124 học sinh, so với năm học 1974-1975 tăng 18.520 học sinh. Tổng số giáo viên toàn tỉnh có 34.634 người (mẫu giáo có 5.721 người, cấp 1 có 13.651 người, cấp 2 có 10.315 người, cấp 3 có 2.830 người, bổ túc có 1.384, sư phạm có 733 người). Ghi nhận những thành tích đạt được, kết thúc năm học 1979-1980, Chính phủ tặng thưởng ngành giáo dục Nghệ Tĩnh Huân chương Lao động hạng Nhì về bổ túc văn hóa; ngành Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em là lá cờ đầu của cả nước. Giai đoạn 1980-1995, cùng với cả nước giáo dục Nghệ Tĩnh thực hiện cải cách giáo dục lần thứ 3 (từ năm học 1981-1982); tháng 9 năm 1991, tách Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ Tĩnh thành 2 sở Giáo dục và Đào tạo của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hệ thống trường học được sắp xếp lại: nhập trường cấp 1 và cấp 2 thành trường phổ thông cơ sở, trường cấp 3 gọi là trường PTTH. Giáo dục dân tộc, miền núi được quan tâm từ tăng ngân sách đến việc tích cực huy động đội ngũ giáo viên ở miền xuôi lên công tác ở miền núi, giữ vững và mở rộng các trường sư phạm miền núi; chuẩn bị các điều kiện để thành lập Trường Thanh thiếu niên Dân tộc vùng cao Nghệ Tĩnh, nay là Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An. Cùng với các phong trào khác, giai đoạn này đã xuất hiện phong trào "Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo" và cuộc vận động "Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm" do công đoàn giáo dục đề xướng. Trong thời gian này, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Nghệ An có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô tăng nhanh, vượt chỉ tiêu kế hoạch phát triển. Năm học 1992-1993, toàn tỉnh có 684.336 học sinh (nhà trẻ: 36.645 cháu, mẫu giáo: 96.843 cháu, TH: 399.838 em, THCS: 111.290 em, trung học: 20.120 em, chuyên nghiệp-dạy nghề: 19.600 em); đến năm học 1994-1995, có 816.290 học sinh, tăng gần 1,2 lần (nhà trẻ: 28.455 cháu, mẫu giáo: 120.394 cháu, TH: 451.793 em, THCS: 154.404 em, trung học: 36.244 em, chuyên nghiệp-dạy nghề: 25.000 em). Các huyện tiến hành tách trường phổ thông cơ sở thành trường TH và THCS. Giáo dục mầm non và giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề được điều chỉnh phù hợp theo tiến trình phát triển của kinh tế-xã hội. Hệ thống các trường dân tộc nội trú được xây dựng và phát triển gồm 01 trường của tỉnh, 07 trường của huyện và 06 trường liên xã với 1.350 học sinh. Có 03 trường dân lập được hình thành và phát triển (01 trường phổ thông và 02 trường THPT). Cùng với việc mở rộng quy mô số lượng, đẩy mạnh xây dựng và đổi mới cơ cấu trường học, ngành giáo dục và đào tạo đã quan tâm đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng dạy và học. Các trường, lớp mầm non thực hiện tốt hơn việc chăm sóc trẻ; mô hình trường, lớp mẫu giáo bán trú được mở rộng. Giáo dục tiểu học có tiến bộ rõ rệt trong việc thực hiện nội dung giáo dục toàn diện, năm học đầu tiên giảng dạy đủ 9 môn học... Giáo dục trung học đã có những chuyển biến tích cực cả chất lượng đại trà và mũi nhọn; đã có 29.526 học sinh THCS (chiếm 19%) và 14.270 học sinh THPT (chiếm 39%) được học ngoại ngữ, có 40 trường tổ chức dạy tin học. Nội dung đào tạo ở nhiều cơ sở giáo dục chuyên nghiệp được xây dựng theo hướng phù hợp hơn với điều kiện và nhu cầu của người học; loại hình đào tạo ngắn hạn với hình thức tích lũy theo mô đun kiến thức đang đem lại hiệu quả thiết thực; thực hiện tinh giản lý thuyết, tăng rèn luyện thực hành và bổ sung nội dung mới vào chương trình để phục vụ kịp thời nhu cầu của người học. Giai đoạn 1995-2005, toàn ngành giáo dục và đào tạo đã quan tâm đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, giáo dục pháp luật, hàng năm bình quân có khoảng 40 học sinh, sinh viên và 1.800 cán bộ, giáo viên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngành đã sắp xếp lại mạng lưới trường học từ mầm non đến cao đẳng một cách hợp lý, xây dựng và phát triển nhanh các trung tâm học tập cộng đồng. Đến đầu năm học 2003-2004, tất cả các phường, xã, thị trấn đều có trường mầm non, thu hút 21% số cháu trong độ tuổi nhà trẻ, 70% số cháu trong độ tuổi mẫu giáo và 98% số cháu 5 tuổi đến trường; tuyển sinh vào THPT và bổ túc THPT 75% học sinh tốt nghiệp THCS. Ngành triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Quốc hội về đổi mới giáo dục phổ thông; chương trình và sách giáo khoa mới ở bậc tiểu học và cấp trung học cơ sở đúng tiến độ; chất lượng các lớp thay sách đạt kết quả cao hơn hẳn so với trước. Số học sinh Giỏi quốc gia năm sau cao hơn năm trước, mỗi năm có trên 40 em; 6 em đạt danh hiệu học sinh Giỏi quốc tế. Số học sinh đậu vào đại học, cao đẳng tăng nhanh: năm 1996 có 3.673 em, đến năm 2004 có 9.706 em. Năm học 2004-2005, Nghệ An có 506 trường MN, 631 trường TH, 472 trường THCS, 84 trường THPT, 9 trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 20 trung tâm giáo dục thường xuyên, 250 trung tâm học tập cộng đồng với gần 1 triệu học sinh (MN: 172.208 cháu, TH: 312.096 em, THCS: 318.310 em, THPT: 132.742 em) và 52.000 cán bộ, giáo viên. Nghệ An đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và hoàn thành cơ bản phổ cập giáo dục THCS; đã có 38 trường MN, 235 trường TH, 9 trường THCS và 03 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Giai đoạn này, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Giai đoạn 2005-2019, toàn ngành triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; Chương trình hành động số 33-CTr/TU của Tỉnh ủy và thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm học 2018-2019, triển khai thực hiện quyết liệt, tạo được chuyển biến tích cực đối với 3 nhiệm vụ đột phá: Thực hiện nền nếp Ứng dụng công nghệ thông tin như phần mềm VNPT- IOFFICE; phần mềm “Một cửa điện tử dịch vụ công trực tuyến”; tổ chức họp và tập huấn trực tuyến; hoàn thiện Cổng thông tin điện tử của Ngành. Tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chấm dứt các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như tình trạng lạm thu; dạy thêm, học thêm trái quy định; bạo lực học đường. Chú trọng xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp thông qua các hình thức đầu tư cũng như tăng cường chăm sóc, bảo vệ, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất nhà trường. Chăm lo các điều kiện đảm bảo phát triển giáo dục bền vững, thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Thực hiện quy hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2012-2020, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và đảm bảo thực hiện tốt chủ trương sắp xếp tổ chức, bộ máy: hiện nay giáo dục và đào tạo Nghệ An đã có gần 1.700 cơ sở giáo dục - đào tạo, đủ các cấp học, bậc học, ngành học (MN: 554 trường, TH: 537 trường, THCS: 407 trường, THPT: 90 trường) với khoảng 1 triệu học sinh, sinh viên (MN: 214.339 cháu, TH: 274.150 em, THCS: 180.103 em, THPT: 87.640 em) và gần 6 vạn cán bộ, giáo viên, nhân viên. Xây dựng đội ngũ đảm bảo số lượng, chất lượng; từng bước giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên ở THCS, TH và MN, đã cơ bản cân đối đáp ứng yêu cầu của các cơ sở giáo dục. Quan tâm xây dựng đội ngũ cốt cán các cấp học thông qua tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, đúc rút sáng kiến kinh nghiệm; chú trọng công tác triển khai tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ theo định hướng tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới từ cơ sở đến tỉnh. Đảm bảo chế độ chính sách theo quy định, quan tâm các hoạt động hỗ trợ đội ngũ nhà giáo gặp khó khăn, hoạn nạn. Đổi mới công tác quản lý, điều hành và quản trị nhà trường theo hướng phát huy vai trò tự chủ của cơ sở giáo dục; chỉ đạo thực hiện tốt công tác tự kiểm tra nội bộ trường học, tự chịu trách nhiệm gắn với chức năng, nhiệm vụ phân công, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh, không để xẩy ra điểm nóng. Tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng các cấp về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Xây dựng được 1.104 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72,68% (355 trường MN, 468 TH, 235 THCS và 46 trường THPT). Đảm bảo công tác phổ cập giáo dục các cấp học; có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn XMC mức độ 2; đạt chuẩn PCGD MN cho trẻ 5 tuổi; 19/21 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD TH mức độ 3... Phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học, tìm ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo phù hợp với tình hình địa phương... Đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống các biểu hiện tiêu cực; công tác xã hội hóa; truyền thông giáo dục; công tác khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ vùng khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số... Duy trì vị trí tốp đầu về chất lượng giáo dục mũi nhọn, có 90 học sinh Giỏi quốc gia, xếp thứ 2 toàn quốc; 04 học sinh Giỏi quốc tế và khu vực. Quan tâm chăm lo đầu tư giáo dục miền núi, dân tộc, đến hết năm học 2018-2019, hệ thống trường lớp đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; có 8 trường PT Dân tộc nội trú đi vào hoạt động; thành lập và đi vào hoạt động 33 trường PT Dân tộc bán trú với tổng số học sinh bán trú là 6.846 em; hiện nay, 84 trường tiểu học, THCS, PTCS có học sinh dân tộc bán trú với số lượng là 5.170 em. Toàn tỉnh có 43.930/101.253 học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 43,3% tổng số học sinh miền núi. Các trường tiểu học có học sinh dân tộc thiểu số quan tâm xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục, nhằm phát triển vốn từ và năng lực sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp cho học sinh dân tộc thiểu số... Tổ chức thành công, an toàn, đúng quy chế các kỳ thi HSG cấp tỉnh, KHKT cấp tỉnh, tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác chính trị, tư tưởng, phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học được đẩy mạnh. Thực hiện bố trí đủ, đúng, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, môn Chính trị, dạy đủ số tiết theo quy định; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, trong đó quan tâm đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ, từng bước hiện đại. Xã hội hoá giáo dục được quan tâm chỉ đạo, chất lượng và số lượng được nâng cao, quy mô các cấp học tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư nhằm đảm bảo nhu cầu học tập của xã hội. Toàn tỉnh có 590.909 gia đình học tập, 6.241 dòng họ học tập, 4.586 cộng đồng học tập, 5.271 chi hội khuyến học, 6.860 ban khuyến học dòng họ và 480 hội khuyến học cấp xã với 669.272 hội viên. Mạng lưới trường lớp các ngành học, cấp học phủ kín trong toàn tỉnh, kể cả vùng sâu, vùng cao, vùng khó khăn nhất và được sắp xếp một cách hợp lý. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt. Đến nay, hệ thống trường Đại học, Cao đẳng và dạy nghề được nâng cấp, mở rộng..., đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của Nhân dân.

Như vậy, giáo dục xưa của Nghệ An với những bảng vàng khoa cử đã trở thành đòn bẩy thúc đẩy tinh thần học tập, bồi đắp nguyên khí cho quốc gia trong những giai đoạn nhất định, định hình truyền thống hiếu học đặc sắc cho người dân xứ Nghệ. Ngày nay, phát huy truyền thống đó, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thiên tai, địch họa, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An từng bước vươn lên, đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp tích cực vào thành tích chung của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Dòng chảy của truyền thống ấy chính là điểm tựa để Đảng bộ, chính quyền, Ngành và Nhân dân Nghệ An tiếp tục thực hiện mọi nhiệm vụ giáo dục trong thời gian tới./.

Phan Thanh Đoài  

Nguyễn Thị Hồng Giang 

 

 

[1] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí

[2] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí (Khoa mục chis0, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tII, tr.10

[3] Lời văn do Thân Nhân Trung soạn khắc trên tấm bia đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại bảo thứ 3 (1442)

[4] Theo quy chế thời Hồng Đức (1470-1497) chuẩn định thưởng tư cách cho các tân tiến sĩ: Trạng nguyên 8 tư, Bảng nhãn 7 tư, Thám hoa 6 tư, Hoàng giáp 5 tư, đồng Tiến sĩ 4 tư (các tư tương đương với chức vụ và phẩm trật. Ví dụ: 8 tư tương đương hàm chánh lục phẩm, 7 tư tương đương hàm tòng lục phẩm...)

[5] Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tr.477,  thì nhà Nguyễn chỉ đặt ở Nghệ An chỉ một viên Đốc học

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội (2002-2007), tập I, tr.821

[7] Trần Kim Đôn, Ninh Viết Giao, Nguyễn Thanh Tùng: Nghệ An lịch sử và văn hóa, Nxb. Nghệ An, 2005, tr.256

[8] Lâm Hợi: “Lịch trình cách mạng của Phan Bội Châu”, Tạp chí Đông Nam Á, số 7-2006, tr.41

[9] Báo cáo của Ủy ban hành chính Nghệ An, tài liệu lưu ở Tỉnh ủy

[10] tức Trường Quốc học Vinh, nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

[11] tuyển những học viên có bằng thành chung vào học, đến ngày thị xã Vinh tiêu thổ kháng chiến thì giải tán

[12] Báo cáo một năm kháng chiến của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Nghệ An năm 1947 - 1948, tài liệu lưu ở Tỉnh ủy

[13] Báo cáo hai năm 1947 - 1948 toàn quốc kháng chiến của Ủy ban kháng chiến hành chính Nghệ An, tài liệu lưu ở Tỉnh ủy

Tin cùng chuyên mục

Kết quả nổi bật của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An năm 2024

Kết quả nổi bật của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An năm 2024


Kết quả thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Kết quả thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao

Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao


Một số giải pháp phát triển giáo dục miền núi ở Nghệ An

Một số giải pháp phát triển giáo dục miền núi ở Nghệ An


Hiệu quả của chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An

Hiệu quả của chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An


Phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Phong trào khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Tăng cường chỉ đạo đối với hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập

Tăng cường chỉ đạo đối với hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập


Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn


Kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân

Kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân


Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh

Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh


Kết quả thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội



Công ty Điện lực Nghệ An: Chú trọng đầu tư các dự án công trình điện góp phần đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng

Công ty Điện lực Nghệ An: Chú trọng đầu tư các dự án công trình điện góp phần đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng


Nghệ An hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình, kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam năm 2024 chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”

Nghệ An hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình, kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam năm 2024 chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”