Đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người lao động ở khu vực nông thôn có việc làm bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó tạo chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới...
Xác định tầm quan trọng của công tác này, tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thông qua các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án... nhằm đẩy mạnh, phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn và kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực có kỹ năng nghề. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nghiệp được nâng lên; cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đã được bổ sung, điều chỉnh phù hợp hơn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thị trường sử dụng lao động cả nước.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% đầu năm 2012 và dự kiến đạt 71% cuối năm 2024; trong đó tỷ lệ được cấp văn bằng, chứng chỉ tăng từ 18,4% lên 30%; Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp, tăng lao động ngành công nghiệp và dịch vụ. Để giải quyết bài toán “đầu ra” trong công tác đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã đẩy mạnh phối hợp, tạo mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Chỉ riêng năm 2023, Nghệ An đã tạo việc làm mới cho 47.919 người, tăng 6.48% so với năm 2022. Trong đó, 25.157 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 173,50% kế hoạch năm, 14.000 lao động làm việc trong tỉnh, 8.762 lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh. Năm 2024, toàn tỉnh Nghệ An phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 47.000 lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 3% và thất nghiệp khu vực nông thôn dưới 2%.
Công tác dạy nghề được chú trọng; giai đoạn 2011 - 2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 687.477 lao động nông thôn (chiếm 76,18% tổng số người được đào tạo nghề của tỉnh), trong đó, cao đẳng 34.422 người, trung cấp 67.047 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 586.008 người. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An phấn đấu đào tạo 329.400 lượt người, gồm trình độ cao đẳng 26.300 người; trung cấp 48.500 người; sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng 254.600 người.
Đã có một số địa phương tổ chức các mô hình dạy nghề và đạt được kết quả khả quan như: Yên Thành (trồng nấm, may công nghiệp); Quỳnh Lưu (mây tre đan, may công nghiệp); Diễn Châu (may công nghiệp, chế biến nước mắm sạch); Nghĩa Đàn (nuôi ong, nuôi gà, trồng cây ăn quả); Con Cuông (trồng cam, trồng chè, dệt thổ cẩm),... Đặc biệt, nhiều lao động sau đào tạo nghề đã mạnh dạn thành lập trang trại, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm với các mô hình chăn nuôi gà, cá, lợn; trồng dưa lưới, cam, ổi, táo; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống gắn với OCOP; trồng dược liệu... gắn với ứng dụng cơ giới hóa, sinh học hóa, công nghệ thông tin và truyền thông để xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
Thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU, ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh chú trọng đào tạo các nghề mới như: May gia dụng, xây dựng, hướng dẫn viên du lịch và nhiều nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp khác bên cạnh các ngành nghề truyền thống. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu: Tỷ lệ lao động có việc làm sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 80,9%; có 3 - 5 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,5%; phấn đấu khoảng 75% chương trình ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia... Đến năm 2030, Nghệ An phấn đấu đào tạo kỹ năng nghề giai đoạn 2026-2030 dự kiến khoảng 329.700 lượt người. Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp bình quân đạt 83,3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 37,8% vào cuối năm 2030. Phấn đấu có 1 - 2 trường chất lượng cao đạt chuẩn tương đương với chuẩn của các nước ASEAN-4.
Bên cạnh các kết quả đạt được, thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác đào tạo nghề. Một số ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động cả về số lượng, cơ cấu tuyển sinh lẫn chất lượng đào tạo. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo chưa được chú trọng, nhiều nơi còn thiếu và lạc hậu. Số lượng giáo viên còn hạn chế, trình độ tay nghề chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Chương trình, giáo trình đào tạo chưa thực sự đổi mới, sát và phù hợp với thực tế công việc sau đào tạo. Một bộ phận lao động nông thôn sau học nghề chưa áp dụng được kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo vào sản xuất, kinh doanh; chưa tạo được việc làm phù hợp, chưa chuyển đổi việc làm mới, hoặc có việc làm nhưng không ổn định, thu nhập chưa cao. Số lao động nông thôn được hưởng chính sách ưu đãi học nghề, việc làm còn hạn chế, nhất là người có công với cách mạng, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật,... Sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa thực sự đạt hiệu quả cao.
Để khắc phục những hạn chế trên và nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nêu trong Kế hoạch số 270-KH/TU, ngày 20/8/2024 về việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đó là:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, kịp thời giữa các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị; nhu cầu học nghề, việc làm của người dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội, của nhân dân về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tuyên truyền và có định hướng cụ thể để lao động chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với thực tế thị trường.
Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cập nhật nghề, chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn, đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Coi trọng thực hành, nhất là từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Nghiên cứu tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng đơn vị, địa phương, người học… Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình đào tạo.
Tạo sự gắn kết, liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tạo việc làm ổn định cho lao động sau đào tạo; thực hiện nghiêm việc đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chương trình, đề án thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh, tận dụng hiệu quả cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tạo việc làm, thu nhập ổn định, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quang Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy