Yên Thành là huyện thuần nông, là trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh với diện tích, sản lượng lúa chiếm 1/7, tổng đàn chăn nuôi chiếm 1/10 của cả tỉnh Nghệ An; trong thời gian các ngành, các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện; chuyển dần từ sản xuất lấy năng suất sang chất lượng và hiệu quả; trong trồng trọt đã hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi có bước phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác rừng gỗ dăm sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn. Các tiến bộ kỹ thuật mới đã được áp dụng vào sản xuất góp phần giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.
Nhằm cụ thể hóa Nghị Quyết của Đảng bộ huyện Yên Thành khóa 27 nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời để cụ thể Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng đã chỉ rõ về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong thời kỳ mới; thời gian qua, UBND huyện đã tập trung xây dựng và triển khai các Đề án, Kế hoạch như: Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đề án chăn nuôi; Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện Yên Thành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030” gắn với quy hoạch vùng huyện và quy hoạch Nông nghiệp huyện Yên Thành gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững. Đến thời điểm này đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi như vùng sản xuất lúa giống ở các xã Liên Thành (gần 170 ha), ở Hoa Thành (hơn 80 ha), Vĩnh Thành (hơn 20 ha), Công Thành (hơn 50 ha); ... vùng sản xuất lúa hàng hóa ở các xã như Thọ Thành, Văn Thành, Bắc Thành,... với quy mô hơn 40 ha một vùng; vùng sản xuất cam Vinh ở Minh Thành (hơn 70 ha), Đồng Thành (135 ha); vùng sản xuất bưởi da xanh như Thịnh Thành (hơn 20 ha), Tây Thành (hơn 10 ha);... vùng sản xuất rau tập trung tại các xã như Nam Thành (gần 5 ha), Minh Thành (hơn 10 ha); vùng sản xuất hoa cây cảnh như hoa đào ở Minh Thành (hơn 6 ha), Kim Thành (hơn 19 ha); vùng sản xuất cây dược liệu như Tiến Thành (21 ha cây nhân trần), vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao Tân Thành (23,3 ha chăn nuôi lợn), Tiến Thành (4 ha chăn nuôi lợn), Phú Thành (4,3 ha chăn nuôi lợn), Thịnh Thành (4,1 ha chăn nuôi gà),...
Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng cho từng vùng, xã. Trong đó, dựa vào ưu thế của mỗi vùng, sẽ thu hút đầu tư vào từng đối tượng cây trồng cụ thể, từng nhóm ngành nghề để tạo ra những sản phẩm hàng hóa an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, nhiều xã trên địa bàn huyện đã phát triển theo định hướng sản phẩm đặc trưng của xã, Cam Vinh ở xã Minh Thành, Đồng Thành, Mật ong Làng Cầu ở xã Lăng Thành, Mật ong Tréo vòng ở xã Đồng Thành, Mật ong Đồi Dẻ ở xã Bắc Thành, Gà đồi ở các xã Tây Thành, Quang Thành, Kim Thành; Nghề Lươn Phan Thanh xã Long Thành; Nấm ở Sơn Thành và Thị trấn, Lúa gạo Thảo dược Vĩnh Hòa ở Vĩnh Thành; Định hướng phát triển sản xuất lúa giống tại các địa bàn như: Liên Thành, Hoa Thành, Phúc Thành, Vĩnh Thành,… các xã Văn Thành, Tân Thành, Tiến Thành, Khánh Thành, Phú Thành,… định hướng phát triển chăn nuôi lợn hàng hóa.
Việc xây dựng sản phẩm đặc trưng không chỉ tạo ra sự đa dạng mà còn tránh được sự trùng lắp, giúp các địa phương khai thác thế mạnh, giảm áp lực về đầu ra, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Một trong những hướng đi để phát triển các sản phẩm đặc trưng của các địa phương là Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (hay còn gọi tắt là chương trình OCOP) do Bộ NN&PTNT triển khai có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thông qua chương trình này mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế, góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững. Sau 3 năm triển khai chương trình (Từ năm 2019-2021), huyện Yên Thành đã đạt 14 sản phẩm (13 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm đạt hạng 4 sao theo Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia). Năm 2022, Hội đồng đánh giá phân hạng cấp tỉnh đã công nhận 13 sản phẩm đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên cho các sản phẩm tham dự đánh giá của huyện Yên Thành, trong đó có 4 sản phẩm du lịch cộng đồng, có 1 sản phẩm được hội đồng công nhận đạt 4 sao.

Nối tiếp những kết quả đạt được, năm 2023 huyện Yên Thành tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển vùng sản xuất nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các vùng chuyên canh sản xuất ứng dụng Công nghệ cao; trong đó tập trug vào các nội dung:
Hai là, thực hiện có hiệu quả các Quy hoạch đã ban hành (Quy hoạch phát triển Nông nghiệp huyện Yên Thành gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững), Xây dựng Kế hoạch thực hiện 2 Đề án tỉnh ban hành (Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện Yên Thành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030”) phù hợp tình hình thực tế của địa phương.
Ba là, lựa chọn, khuyến khích các đơn vị thực hiện xây dựng các chương trình, kế hoạch để xây dựng, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương (Sản phẩm OCOP) trên cơ sở khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của địa phương, lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại kết hợp công nghệ truyền thống phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình. Từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung trọng điểm, theo chuỗi liên hoàn. Tạo thêm nhiều bước đột phá trong sản xuất ngành Nông nghiệp của huyện.
Với quan điểm tất cả vì lợi ích của người nông dân, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương lựa chọn các sản phẩm tùy theo đặc điểm của từng vùng hướng tới mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền./.
Nguyễn Mạnh Khôi
Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy