Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ở Đảng bộ Nghệ An qua gần 40 năm đổi mới đất nước

Xây dựng Đảng về tư tưởng là một trong những nhiệm vụ cơ bản có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với Đảng ta và chế độ xã hội chủ nghĩa; tạo sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong Đảng và toàn xã hội, góp phần quan trọng đảm bảo thắng lợi của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng. Chính vì vậy, Đảng bộ Nghệ An luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức.

 

Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tình hình quốc tế và trong nước diễn ra nhiều biến động phức tạp, mỗi giai đoạn đều có các biến cố tác động sâu sắc đến tình hình địa phương và công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.

Trong giai đoạn 1986 - 1991, trước những biến động của quốc tế và trong nước như: CNXH sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu; ở biên giới phía Bắc và quần đảo Trường Sa thường xuyên căng thẳng, có thời điểm nổ ra xung đột vũ trang, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm; chủ nghĩa đế quốc tiếp tục âm mưu và hành động phá hoại điên cuồng đối với cách mạng nước ta, vừa cấm vận kinh tế, vừa chống phá trên mặt trận tư tưởng. Trong tỉnh, thiên tai xảy ra liên tiếp, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của tỉnh; tình trạng đói giáp hạt diễn ra trên diện rộng và gay gắt. Bối cảnh đó khiến nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng trong tỉnh mất phương hướng, hoang mang, dao động làm ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên CNXH. 

Nhằm giữ vững đường lối chính trị, ổn định tư tưởng và đạo đức của đảng viên không bị xuống cấp, Đảng ta ban hành nhiều chủ trương, quy định để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức.

Ngày 12/9/1987, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 16/11/1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 12-NQ/TU về triển khai Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TW. Đây là cuộc vận động có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu 3 chương trình kinh tế của tỉnh theo tinh thần đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XII. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở đợt sinh hoạt chính trị với mục đích, yêu cầu là: Quán triệt các quan điểm và nguyên tắc của Đảng trong công cuộc đổi mới; biểu dương những đảng viên tốt và phê phán đảng viên xấu; kiện toàn một bước tổ chức đảng cơ sở, xác định rõ nội dung lãnh đạo trong điều kiện mới với các loại hình tổ chức cơ sở đảng, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa đảng với quần chúng, nâng cao một bước trình độ và kiến thức lãnh đạo kinh tế. Đợt sinh hoạt chính trị “tự phê bình và phê bình” trong toàn Đảng bộ đã góp phần hạn chế được những mặt tiêu cực trong các cấp ủy đảng, củng cố và tăng cường tổ chức cơ sở đảng, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu cho cán bộ, đảng viên.

Ngày 20/6/1988, Hội nghị Trung ương 5 (Khóa VI) ban hành Nghị quyết số 05- NQ/HNTW về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng với những nhiệm vụ, giải pháp: đổi mới và tăng cường công tác tư tưởng của Đảng; tăng cường công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới; nâng cao chất lượng đảng viên và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Trên tinh thần đó, ngày 15/6/1990, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về việc Tổ chức đợt tự phê bình và phê bình, củng cố và tăng cường một bước tổ chức đảng ở cơ sở, chuẩn bị cho đại hội các cấp.

Để giữ vững ổn định chính trị, ngày 24/8/1989, Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết số 07- NQ/TW về Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay. Nghị quyết Trung ương đưa ra nhận định đánh giá những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khó khăn ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa để rút kinh nghiệm và phòng tránh sai lầm trong lãnh đạo về công tác tư tưởng. Ngày 27/3/1990, trước tình hình khủng hoảng rất nghiêm trọng ở các nước xã hội chủ nghĩa, Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành Nghị quyết số 08A-NQ/TW về Tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta. Hội nghị cũng đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 8B-NQ/TW về tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Giáo dục - Chính trị tỉnh cùng với các đảng ủy trực thuộc, các huyện, thành, thị ủy mở các lớp bồi dưỡng báo cáo viên, cung cấp thông tin quán triệt các quan điểm của Nghị quyết Trung ương 7, Trung ương 8 (khóa VI).

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Nghệ An giai đoạn này được triển khai đồng bộ trên các mặt. Bên cạnh công tác tư tưởng, chính trị, cấp ủy các cấp đã thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, kỷ luật, sàng lọc đảng viên nhằm ngăn chặn tham nhũng và tiêu cực, củng cố sức mạnh của tổ chức đảng, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991) và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIII, tình hình thế giới có sự biến động sâu sắc với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu, các thế lực thù địch đẩy mạnh những hoạt động phá hoại, mưu toan gây rối làm mất ổn định chính trị để tạo thời cơ tiến hành bạo loạn lật đổ. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 01-CT/TW nhằm phân tích tình hình, phương hướng công tác tư tưởng và đối sách của ta trong tình hình mới. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Chỉ thị số 01-CT/TW đến cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn Đảng bộ. Tăng cường tuyên truyền, định hướng về tư tưởng, dư luận xã hội. Qua đó, từng bước lấy lại sự thăng bằng, ổn định, giữ vững sự thống nhất tư tưởng, hành động trong Đảng và nhân dân. Tinh thần cảnh giác cách mạng được nâng cao, ý chí phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội được tăng cường.

Ngày 26/6/1992, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ra Nghị quyết số 03-NQ/HNTW về Một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Mục tiêu đổi mới và chỉnh đốn Đảng là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phù hợp với yêu cầu khách quan của cách mạng nước ta trong tình hình mới, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo đảm thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị; trong đó, trọng tâm là phát triển kinh tế làm cho dân giàu, nước mạnh, giữ vững ổn định chính trị.

Ngày 12/2/1995, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết về củng cố tổ chức cơ sở đảng, xóa cơ sở yếu kém. Các cấp ủy đảng xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh, bảo đảm sự vững mạnh của toàn Đảng bộ.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tư tưởng, từ năm 1992 đến năm 1995, BCH Trung ương Đảng đã ban hành một số nghị quyết, chỉ thị quan trọng liên quan đến công tác tư tưởng như: Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 31/3/1992 về việc Tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác báo chí và xuất bản; Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14/1/1993 của Trung ương 4 (khóa VII) về Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ  những năm trước mắt. Đặc biệt là Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28/3/1992 của Bộ Chính trị (khóa VII) về Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay (3/1992); Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị về Một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay. Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của các nghị quyết, chỉ thị trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo hệ thống tuyên giáo toàn tỉnh tập trung nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện những chủ trương, quan điểm về công tác tư tưởng của Trung ương, của tỉnh để góp phần ổn định tình hình tư tưởng và phục vụ thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28/3/1992 của Bộ Chính trị (khóa VII) về Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay, ngày 5/4/1993, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ra Quyết định số 334-QĐ/TU về việc Thành lập Trường Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ tỉnh Nghệ An, nâng tầm công tác giáo dục lý luận chính trị trong tình hình mới.

Những  năm 1997 - 1998, tình hình an ninh chính trị thế giới (Mỹ và NATO can thiệp quân sự vào Serbia) và cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu, nhất là khu vực châu Á, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trước sự dao động tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhất là sau sự kiện ngày 11/9/2001 ở Mỹ, hoạt động “khủng bố” và “chống khủng bố” trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng toàn cầu, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi. Đảng bộ và nhân dân Nghệ An cũng như cả nước phải đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và sự suy thoái về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo đang trở thành thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của tỉnh.

Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, tháng 11/1999, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) đã bàn và tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình. Nội dung Hội nghị tập trung bàn và quyết định những nhiệm vụ cơ bản, cấp bách trên một số vấn đề trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An mở hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc chuẩn bị tiến hành tự phê bình, phê bình và triển khai xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết do Tỉnh ủy đề ra. Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) và Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo để bám sát, đôn đốc việc kiểm điểm tại các tổ chức đảng trong toàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Sau kiểm điểm, tinh thần, tư tưởng của toàn Đảng bộ được củng cố, những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cơ bản được khắc phục.

Tháng 3/2002, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch tổ chức và triển khai thực hiện. Tiếp đó, tháng 5/2005, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp và ra Nghị quyết số 19-NQ/TU Về công tác tư tưởng trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ “làm cho chủ nghĩa Mác- Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sự lãnh đạo của Đảng, làm nền tảng cho đoàn kết toàn dân. Đổi mới nội dung và phương pháp công tác tư tưởng, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội...”.

Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa X (2007) ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X), Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 21/12/2007 về Chương  trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW về Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, trong đó xác định công tác tư tưởng, lý luận và báo chí là một bộ phận quan trọng trong hoạt động của Đảng để xây dựng, củng cố nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, tuyên truyền tập hợp nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng của đất nước, của tỉnh. Từ đó, các mặt công tác tư tưởng, lý luận, báo chí của Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã được cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay với chủ trương tổ chức đợt chỉnh đốn sâu rộng trong toàn Đảng. Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 39-KH/TU ngày 9/4/2012 triển khai thực hiện Nghị quyết. Theo đó, Tỉnh ủy Nghệ An đã tổ chức đợt kiểm điểm trong toàn Đảng bộ. Sau kiểm điểm, Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 30/11/2012 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những việc cần làm ngay sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, yêu cầu các cấp, các ngành khắc phục kịp thời những vấn đề được chỉ ra sau kiểm điểm, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng yêu cầu cấp cấp ủy, tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, tạo chuyển biến rõ rệt trong thực tế, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW Về tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ với việc chỉ ra 27 biểu hiện của suy thoái. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng bộ. Việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW được tổ chức thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ, hằng năm, từng đảng viên thực hiện tự kiểm điểm về 27 biểu hiện được nêu trong Nghị quyết. Để phục vụ công tác kiểm điểm, Ban Thường vụ chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn "Cẩm nang nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên".

Từ năm 2015 đến nay, đất nước mở cửa hội nhập sâu rộng với thế giới, đón nhận nhiều cơ hội để phát triển nhưng đồng thời cũng dễ bị tác động bởi mọi diễn biến của khu vực và toàn cầu với xu hướng diễn biến ngày càng căng thẳng, phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước phục hồi chậm, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu bất thường, ô nhiễm môi trường, đại dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Nghệ An có nhiều nỗ lực trong phát triển nhưng vẫn là tỉnh nghèo, thu ngân sách chưa đủ chi thường xuyên. Trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh biên giới, an ninh nội địa. Các thế lực thù địch, phản động và đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng các vấn đề tiêu cực, phức tạp để chống phá, kích động về mặt tư tưởng, dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến hoạt động lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có những thời điểm gây phân tâm đến tư tưởng cán bộ, đảng viên.

Thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị lần thứ tư, BCH Trung ương Khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 77-KH/TU với 80 nhiệm vụ được phân công cho các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh triển khai thực hiện.

Cùng với các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), Trung ương ban hành các chỉ thị, kết luận về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tăng cường giáo dục, rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Đây là bước chuyển quan trọng để đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức. Thực hiện các chỉ thị của Trung ương, đặc biệt là Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều giải pháp để triển khai rất kịp thời. Việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện việc nêu gương được triển khai đồng bộ, luôn gắn việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về nêu gương, đặc biệt là gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các quy định về nêu gương khác[1]... Cấp ủy các cấp đã chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện tiêu chí, chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị và gắn với chuyên đề hằng năm của học tập và làm theo Bác. Hầu hết, các ban, ngành, địa phương đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung, xây dựng chuẩn mực đạo đức. Nhiều cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. 100% cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện đều xây dựng bản cam kết nêu gương của bản thân hàng năm. Hằng năm, cấp ủy các cấp đều thực hiện việc biểu dương, khen thưởng các đảng bộ, chi bộ, cán bộ, đảng viên có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh[2].

Nhờ vậy, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị và các lĩnh vực đời sống xã hội. Các chủ trương lớn, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh được các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả, đúng định hướng của Đảng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Một số cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc trong việc học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, nhất là việc thực hiện quy định nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao. Công tác nắm bắt, xử lý tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp nảy sinh có lúc chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Tính chiến đấu, thuyết phục trong công tác tuyên truyền miệng ở một số đảng bộ cơ sở chưa cao. Công tác quản lý giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên. Hiệu quả công tác vận động quần chúng có mặt còn hạn chế. Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ. Công tác kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa thường xuyên, quyết liệt. Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác dự báo tình hình còn lúng túng. Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu cán bộ giỏi, chuyên gia đầu ngành. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị, một bộ phận cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học trong tham mưu chưa đầy đủ, sâu sắc, còn nhiều hạn chế. Sự quan tâm tạo điều kiện, môi trường cho đội ngũ làm công tác tham mưu nghiên cứu khoa học nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.  

Nhằm phát huy hiệu quả những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới Đảng bộ Nghệ An tiếp tục đổi mới hình thức học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện nghiêm túc về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quán lý các cấp. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh.

Thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch... Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, những sai sót trong quản lý xã hội chống phá Đảng, chống phá chế độ. tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội, kịp thời định hướng thông tin, nhất là các thông tin về các vụ việc nhạy cảm, phức tạp.

Quan tâm đúng mức công tác văn hóa - văn nghệ, quản lý chặt chẽ môi trường truyền thông chính thống và mạng xã hội để lĩnh vực này hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội theo đúng định hướng của Đảng. Đấu tranh hiệu quả với những văn nghệ sỹ có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng trong sáng tác và đời sống. Xử lý nghiêm những cơ quan báo chí và phóng viên đăng tin sai sự thật, kích động dư luận chống đối, những nhà cung cấp và các tài khoản mạng xã hội đưa thông tin giả, xấu độc, thông tin thiếu lành mạnh trên không gian mạng. Thực hiện hiệu quả Quy định 85 -QĐ/TW của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội. Có chế tài xử lý những sai phạm trong hoạt động biểu diễn, giải trí, không để hoạt động này gây phản cảm, hủy hoại thuần phong mĩ tục, đi ngược với nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW với các yêu cầu mới được xác định trong Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) và các quy định nêu gương của Đảng. Kịp thời xây dựng bộ chuẩn mực đạo đức, ứng xử của cán bộ, đảng viên để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, sàng lọc và đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tiêu chuẩn về tư tưởng, chính trị, đạo đức, năng lực. Công khai việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, để vừa làm gương cho quần chúng, vừa để quần chúng giám sát việc nêu gương của cán bộ, đảng viên./.

Hồng Vui 

       Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 


[1] Quy định 101-QĐ/TW, Quy định 55-QĐ/TW, Quy định 08-QĐ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã kịp thời ban hành Quy định số 2993-QĐ/TU, ngày 8/7/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của tỉnh Nghệ An, Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 03/12/2013 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 29/6/2017 về tăng cường vai trò nêu gương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên... của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 30/5/2014 về nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên...

[2] Toàn tỉnh đã có hơn 3.000 tập thể, hơn 6.000 cá nhân được biểu dương, khen thưởng ở cấp huyện; 64 tập thể và 83 cá nhân được biểu dương, khen thưởng ở cấp tỉnh; 7 tập thể và 13 cá nhân điển hình được Trung ương biểu dương, khen thưởng.

Tin cùng chuyên mục

Mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”

Mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”


Tăng cường tuyên truyền phòng, chống ngộ độc do cá nóc

Tăng cường tuyên truyền phòng, chống ngộ độc do cá nóc



Đưa thông tin chính thống về lĩnh vực bảo hiểm xã hội đến với nhân dân

Đưa thông tin chính thống về lĩnh vực bảo hiểm xã hội đến với nhân dân


Phát huy Xô viết Nghệ Tĩnh đưa Hưng Nguyên phát triển nhanh, bền vững

Phát huy Xô viết Nghệ Tĩnh đưa Hưng Nguyên phát triển nhanh, bền vững


Dấu ấn Xô viết Nghệ Tĩnh trên hành trình đấu tranh vì độc lâp, tự do

Dấu ấn Xô viết Nghệ Tĩnh trên hành trình đấu tranh vì độc lâp, tự do


Quan tâm chỉ đạo triển khai chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Quan tâm chỉ đạo triển khai chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế


Một số nội dung cần tập trung chỉ đạo tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Một số nội dung cần tập trung chỉ đạo tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường


Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo


Tầm vóc của Cách mạng tháng 8 năm 1945 và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay

Tầm vóc của Cách mạng tháng 8 năm 1945 và công cuộc đổi mới đất nước hiện nay


Tỉnh uỷ Nghệ An ban hành Đề án tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Tỉnh uỷ Nghệ An ban hành Đề án tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước


Công tác tuyên giáo linh hoạt phương thức trong từng nhiệm vụ cách mạng và chủ động, đổi mới đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay

Công tác tuyên giáo linh hoạt phương thức trong từng nhiệm vụ cách mạng và chủ động, đổi mới đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay


Cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lê Hồng Sơn - tức Lê Văn Phan (1899 - 1933)

Cuộc đời, sự nghiệp và những hoạt động, cống hiến của đồng chí Lê Hồng Sơn - tức Lê Văn Phan (1899 - 1933)


Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045


Nghệ An - Biên soạn, xuất bản Chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội

Nghệ An - Biên soạn, xuất bản Chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội