Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Công tác vận động quần chúng trong phong trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh

Xô viết Nghệ Tĩnh là tên gọi chỉ phong trào đấu tranh của lực lượng công nhân, nông dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh trong những năm 1930-1931 chống lại đế quốc Pháp tại Việt Nam. Tên gọi Xô viết Nghệ Tĩnh xuất phát từ sự hình thành các "Xã Bộ Nông" mà cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ gọi là "Xô viết".

Nghệ An và Hà Tĩnh là vùng đất giàu lòng yêu nước, giàu truyền thống cách mạng, người dân cần cù, chịu khó, trong lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước Nghệ An và Hà Tĩnh là địa phương luôn đi đầu trong đóng góp sức người và sức của. Vào những năm đầu thế kỷ XX, dưới chế độ áp bức của thực dân, phong kiến, người dân sống trong cảnh nước mất, nhà tan, cảnh lầm than nô lệ. Tại Nghệ An đã dấy lên cuộc vận động yêu nước, phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Vốn sẵn có tinh thần yêu nước và căm thù giặc, nghe theo lời của cụ Phan, khắp nơi trên đất Nghệ An, từ già, trẻ, trai, gái, tôn giáo, đảng phái đều hăng hái hưởng ứng cuộc vận động, ra sức quyên góp của cải, chờ đợi đến ngày tiễn đưa những thanh niên của quê hương lên đường xuất dương, trong đó phải kể đến: Đặng Thái Thân, Ngô Quảng, Hồ Bá Kiện, Trần Thị Trâm, Hoàng Trần Siêu, Hoàng Trần Đài, Võ Trọng Cẩn (cụ Tú Lang)... Tuy nhiên, Phong trào Đông Du mới dừng lại ở tinh thần yêu nước, căm thù giặc, Phong trào thiếu đi một đường lối đúng đắn, đáp ứng lòng mong mỏi của quần chúng nhân dân và xu thế của lịch sử lúc bấy giờ, nên Phong trào Đông Du đã thất bại.

Năm 1925, những thanh niên yêu nước Nghệ An trong phong trào Đông Dụ thật may mắn được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người đã chọn ngôi nhà 13 Đường Văn Minh, Quảng Châu - Trung Quốc để mở lớp đào tạo và trực tiếp giảng dạy. Sau các khóa huấn luyện chính trị đặc biệt, những thanh niên yêu nước Việt Nam thấm nhuần tư tưởng và phương pháp vận động cách mạng, họ trở về Nghệ An hoạt động. Từ đó, cuộc vận động cách mạng ở Nghệ An đã chuyển hướng, theo đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin. Dưới sự lãnh đạo của hai tổ chức cách mạng là Hội Thanh niên và Đảng Tân Việt, các phong trào đấu tranh phát triển, chuyển dần từ đấu tranh tự phát sang tự giác.    

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), ngày 18/02/1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Đảng viết lời kêu gọi công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, thợ thuyền, dân cày, hãy đứng lên đi theo Đảng, ủng hộ Đảng và gia nhập Đảng Cộng sản, vận động quần chúng tham gia đấu tranh do Đảng lãnh đạo; ngày 18-3-1930, Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ phát truyền đơn kêu gọi Nhân dân đấu tranh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy Trung Kỳ, Nhân dân Nghệ An - Hà Tĩnh đã đứng lên đấu tranh để đòi các yêu sách:

“Dân cày đòi giảm thuế ruộng đất, bỏ thuế thân, thuế thổ trạch, thuế ngoại phụ, thuế đò, bỏ lệ bắt phu, tạp dịch, không được phạt tiền, bỏ tù những người mua bán rượu, muối, thuốc lào; Phản đối lễ tết quan và nhà giàu; phản đối làm mà không có tiền công... Không được đánh đập, chửi mắng cu ly, cho cu ly tự do lập hội, tự do biểu tình bãi công...”1

Ngày 20/4/1930, Tỉnh ủy Lâm thời Vinh - Bến Thủy được thành lập tại nhà đồng chí Nguyễn Phúc (nay thuộc phường Bến Thủy, Thành phố Vinh). Học tập phương pháp tuyên truyền, vận động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, cán bộ của Đảng đã không quản gian khổ, nguy hiểm, miệt mài với công tác vận động quần chúng. Tinh thần yêu nước, thương dân, căm thù lũ cướp nước và bọn bán nước của cán bộ làm công tác vận động cách mạng, được thể hiện ở thái độ miệng nói, tay làm. Họ luôn đi sát dân, lắng nghe dân nói, cùng đồng cam cộng khổ và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ dân. Những phẩm chất cao đẹp của cán bộ làm công tác vận động cách mạng đã gây được cảm tình, lòng tin cậy của quần chúng nhân dân. Công tác vận động quần chúng theo phương châm “Mưa dầm thấm lâu”. Sự hy sinh, tận tụy của cán bộ được bù đắp bằng tình yêu thương, đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng và bảo vệ của Nhân dân. Biết tin dân, dựa vào dân, vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng, Nhân dân sẽ là tai mắt của Đảng. Từ một người rồi đến anh em trong gia đình lan ra họ hàng như vết dầu loang, lan khắp cả xóm làng. Thực hiện tốt công tác vận động, gắn bó mật thiết với quần chúng, tin tưởng, biết dựa vào lực lượng và sức mạnh to lớn của Nhân dân nên trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đã có hàng trăm gia đình tình nguyện lấy nhà mình làm nơi liên lạc và làm việc của Đảng, đó là gia đình mẹ Nhâm, mẹ Vân, mẹ Độ, mẹ Trâm, gia đình đồng chí Hoàng Trọng Trì, Lê Mao, Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Phúc, Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Thị Xân. Đặc biệt là gia đình mẹ Võ Thị Túc (tức Lộc, nay thuộc địa phận Phường Vinh Tân, thành phố Vinh), chồng tham gia cách mạng bị địch giết, một mình tần tảo nuôi và dạy 2 con trai biết giúp đỡ mẹ, canh gác, bảo vệ và làm liên lạc cho tổ chức Đảng, nhà mẹ Túc là nơi làm việc của Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An, các đồng chí Nguyễn Phong sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tiềm, Hoàng Văn Tâm, Chu Văn Biên thường ở đây. Khi bị địch bắt, chúng đem ba mẹ con lên giam tại Nhà laỏ Vinh tra tấn cực hình, mẹ Túc đã tìm cách đỡ đòn và an ủi, khuyên nhủ các con cố chịu đau, không được khai báo...

Sau 3 tháng tuyên truyền, vận động cách mạng, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, Tỉnh ủy Lâm thời Nghệ An quyết định phát động Nhân dân đấu tranh nhằm biểu dương lực lượng. Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/5/1930 dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Đảng bộ Nghệ An đã phát động một cuộc đấu tranh với quy mô lớn, từ thành thị đến nông thôn. Tại thành phố Vinh, nơi trung tâm sào huyệt thống trị của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đã diễn ra một cuộc biểu tình công khai ban ngày của 1.200 công nhân, nông dân Vinh - Bến Thủy và nông dân các làng xã vùng phụ cận như Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Đoàn biểu tình do đồng chí Hoàng Trọng Trì (quê ở làng Lộc Đa, Hưng Lộc) lãnh đạo. Đoàn biểu tình đã tập trung tại Đình làng Trung, thuộc làng Yên Dũng Thượng để mít tinh, nghe diễn thuyết, hô vang các khẩu hiệu. Sau đó, đoàn người kéo đi biểu tình, đến Quán Lau thì gặp binh lính ra cản đường. Bất chấp lưỡi lê, súng đạn, đoàn biểu tình vẫn xiết chặt đội ngũ, vừa đi vừa hô khẩu hiệu và hát vang bài Quốc tế ca.

Hòa chung với phong trào đấu tranh của Công - Nông Vinh, Bến Thủy, cũng trong ngày 01/5/1930, tại huyện Thanh Chương đã diễn ra 2 cuộc đấu tranh của 3.000 nông dân Hạnh Lâm và cuộc đấu tranh của 100 học sinh trường Tiểu học Pháp - Việt tại Chợ Rộ. Các cuộc đấu tranh sôi nổi diễn ra ở khắp nơi làm cho kẻ thù không kịp trở tay. Cuộc vân động cách mạng ở Nghệ An, với những thắng lợi to lớn của quần chúng trong các cuộc đấu tranh nổ ra từ thành thị đến nông thôn trong ngày 01/5/1930 đã được đồng chí Nguyễn Phong sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ phản ánh trên trang Báo “Người lao Khổ”, ra ngày 02-5-1930:

“... Cuộc đấu tranh ở An Nam đã đến ngày phải kịch liệt. Nhưng mỗi một người trong anh em, chị em phải chết thì lại có hàng ngàn, vạn anh chị, em khác kế tiếp. Dù đế quốc chủ nghĩa Pháp dở thói hung ác đến đâu cũng không thể ngăn trở phong trào cách mạng được...”2 Trung ương Đảng đã ghi nhận và cổ vũ Đảng bộ Nghệ An thực hiện cuộc vận động cách mạng giỏi, lôi kéo được hàng vạn quần chúng xuống đường đấu tranh “Thật là một sự thắng lợi lớn lao cho công-nông Nghệ An mà cũng là cho Công - Nông khắp trong nước nữa....”3.

Trên đà thắng lợi của các cuộc đấu tranh từ ngày 01-5 trở đi, khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân Nghệ An - Hà Tĩnh lên cao như diều gặp gió. Tỉnh ủy Lâm thời Nghệ An quyết định mở cuộc vận động cách mạng sâu rộng khắp các huyện. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các huyện Đảng bộ, phong trào vận động cách mạng được dấy lên khắp nơi. Hàng loạt cuộc đấu tranh với quy mô lớn đã diễn ra liên tiếp ở các địa phương. Trong đó có một số cuộc tiêu biểu như: Cuộc đấu tranh của hàng ngàn nông dân huyện Nghi Lộc tháng 6/1930. Ngày 20/6/1930, diễn ra cuộc đấu tranh của 3.000 dân làm muối huyện Quỳnh Lưu. Ngày 30/8/1930, dưới sự lãnh đạo của huyện Đảng bộ Nam Đàn, 3.000 nông dân ở các làng xã, rầm rộ gươm giáo, phất cờ dóng trống tiến vào bao vây huyện lỵ Nam Đàn, đoàn biểu tình đã phá hàng rào, phá đại lý rượu của Pháp, phá nhà giam để giải thoát cho tù nhân. Ngày 01/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghệ An và Huyện ủy Thanh chương, một cuộc đấu tranh rầm rộ với quy mô chưa từng có của 20.000 người tham gia. Ngày 07 và 08/9/1930, tại Phủ Anh Sơn đã diễn ra cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân kéo về bao vây Phủ lỵ Đô Lương. Ngày 12/9/1930, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghệ An và Phủ ủy Hưng Nguyên, cuộc đấu tranh của 8.000 nông dân Hưng Nguyên phối hợp với nông dân tổng Nam Kim, huyện Nam Đàn.

Cuộc vận động cách mạng ở Nghệ An đã đưa đến một phong trào đấu tranh mạnh mẽ, rộng khắp, liên tục, dâng lên như nước vỡ bờ, làm cho chính quyền địch ở nhiều nơi tan rã, các xã Bộ nông lên điều hành mọi hoạt động của xã hội, (gọi là Chính quyền Xô viết) được ra đời. Để động viên và khích lệ quần chúng hăng hái liên tục tham gia cuộc vận động cách mạng, trong cuộc họp rút kinh nghiệm để phát huy công tác vận động quần chúng ở giai đoạn mới, đồng chí Nguyễn Phong sắc, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ đã phát biểu nhấn mạnh:

 “...Đã nhen được lửa cháy to rồi thì cứ nổi gió cho lửa bùng lên càng dữ dội, càng mau thiêu đốt quân thù...”4.

Từ cuối tháng 8/1930 trở đi, phong trào cách mạng ở Nghệ An nổ ra mạnh mẽ và liên tiếp, chính quyền Xô viết ra đời, đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội. Nhân dân được tự do hội họp, được học chữ Quốc ngữ, tập luyện quân sự để bảo vệ thành quả Xô viết mới ra đời. Cuộc vận động trong thời kỳ Chính quyền Xô-viết lên nắm quyền lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động trong xã hội, thật đa dạng và phong phú, làm đổi đời cho giai cấp cần lao. Ban ngày Nhân dân tự do đi sản xuất, đắp đập, đắp đường, đào giếng, ban đêm, ngọn đèn dầu lạc, họ cùng nhau học chữ và đọc Nhật ký chìm tàu của Nguyễn Ái Quốc. Lần đầu tiên, người dân Nghệ An được sống những ngày vui như hội. Trên đà phấn khởi của Nhân dân, Đảng mở rộng cuộc vận động quần chúng, tiếp tục đấu tranh để bảo vệ những quyền lợi đã giành được, bảo vệ chính quyền Xô viết.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng (diễn ra từ ngày 14-31/10/1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc), hệ thống các ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng, gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế ở Nghệ An lần lượt được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng... Từ đó, đánh dấu sự ra đời công tác dân vận của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nghệ An, tạo ra một bước ngoặt mới quan trọng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, lật đổ ách cai trị của đế quốc, phong kiến.

Vào cuối tháng 10/1930, để lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong thời kỳ chính quyền Xô viết mới ra đời, Xứ ủy Trung Kỳ đã cho chủ trương tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ nhất. Đại hội được tổ chức tại nhà ông Nguyễn Đình Kình, làng Đồng Xuân, tổng Xuân Liễu (nay là xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương). Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 7 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Tiềm, một cán bộ trí thức có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng, hoạt động xuất sắc trong phong trào học sinh, trí thức, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Đảng đã giao nhiệm vụ cho tất cả các đồng chí cán bộ, đảng viên đều phải làm công tác vận động quần chúng và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng nhân dân...

Vào đầu năm 1931, khi cơ sở Đảng ở thành phố Vinh, Bến Thủy và miền xuôi bị khủng bố trắng, Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo việc rút những đồng chí cán bộ chủ chốt đã bị lộ, lên miền núi xây dựng cơ sở cách mạng. Hai đồng chí Lê Xuân Đào và Lê Mạnh Duyệt được Tỉnh ủy Nghệ An cử lên tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc ở Vều (Anh Sơn) và Môn Sơn, Lục Dạ (Con Cuông). Đồng bào các dân tộc miền núi đã từ lâu bị thực dân Pháp câu kết với bọn tay sai địa phương ra sức đàn áp, bóc lột vơ vét của cải, lâm thổ sản của nhân dân bản xứ, nay được cán bộ Đảng về tận bản giải thích, vận động, bày cách cho họ đấu tranh để giành lại quyền lợi, quyền làm người, nên họ rất sướng cái bụng. Đặc biệt là lớp thanh niên các dân tộc nghe theo lời của cán bộ cách mạng tuyên truyền, vận động đã hăng hái tham gia các hoạt động chính trị. Phong trào cách mạng phát triển mạnh ở đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều thanh niên hăng hái theo Đảng, đi vận động bà con ở các bản làng đấu tranh để bảo vệ cuộc sống của dân bản. Tháng 4/1931, nhờ vận động giỏi, phong trào cách mạng Môn Sơn đã phát triển mạnh, Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo việc thành lập Chi bộ đảng Môn Sơn. Đồng chí Vi Văn Khang5 được bầu làm Bí thư chi bộ. Vừa ra đời, Chi bộ Môn Sơn đã vận động quần chúng đấu tranh để đòi quyền lợi: không cho địa chủ Ba Uôn gian ác cướp trâu bò, nương rẫy, thóc và sản vật quý sau khi bà con kiếm được trong rừng mang về; chống bắt phu, bắt lính.v.v... Tháng 8/1931, Chi bộ Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh phá kho thóc địa chủ chia cho dân bản. Chi bộ Môn Sơn là Chi bộ Đảng của đồng bào dân tộc thiểu số được thành lập đầu tiên ở Việt Nam.

Để chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng và dân, kẻ địch đã không từ bỏ một thủ đoạn xảo quyệt nào, chúng vừa đàn áp khủng bố, vừa lừa gạt, dụ dỗ, mua chuộc, chúng đã bày trò “rước cờ vàng” và “phát thẻ quy thuận,” xúi giục và đe dọa Nhân dân không được theo Cộng sản. Biết rõ âm mưu và thủ đoạn xấu xa của kẻ thù, Tỉnh uỷ Nghệ An đã phân công cán bộ xuống tận cơ sở vận động Nhân dân tìm cách đấu tranh chống lại. Hai cuộc đấu tranh thắng lợi lớn lúc bấy giờ đã có tiếng vang trong và ngoài nước, đó là cuộc mít tinh lớn của Nhân dân ở thành phố Vinh và cuộc đấu tranh chống rước cờ vàng và phát thẻ quy thuận của Nhân dân Tràng Kè, huyện Yên Thành, với sự tham gia của hàng ngàn người. Cuộc đấu tranh ở thời kỳ địch khủng bố trắng thắng lợi, chứng tỏ tầm quan trọng của đường lối, phương pháp vận động quần chúng của Đảng ta là sáng suốt.

Để động viên và ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của đồng bào hai tỉnh Nghệ - Tĩnh, đồng thời yêu cầu Quốc tế Cộng sản và Quốc tế nông dân cần có biện pháp giúp đỡ kịp thời Nhân dân Nghệ Tĩnh đang tranh đấu, ngày 19/02/1931, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết thư gửi Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, trong đó có đoạn viết: “Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh, tuyên truyền của Chính phủ, báo chí... đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh... Nghệ Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ”6. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã báo cáo cụ thể những hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương để Quốc tế Cộng sản nắm được và chỉ đạo. “Tính đến ngày 20/4/1931, Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã có 959 đảng viên, 119 chi bộ; Thanh niên có 754, Công hội có 312, Nông hội có 31.678, Phụ nữ 816... ”7.

Công tác vận động quần chúng của Đảng trong thời kỳ 1930-1931 đã tạo được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân. Sau khi được cán bộ tuyên truyền, vận động, Nhân dân được giác ngộ, vốn sẵn có tinh thần yêu nước, họ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cán bộ của Đảng. Sự đóng góp và đức hy sinh to lớn của Nhân dân trong những năm 1930 -1931 đã soi sáng quan điểm của Bác Hồ về sức mạnh vĩ đại của quần chúng. Tình cảm gắn bó giữa Dân với Đảng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh không gì lay chuyển nổi. Chính kẻ thù cũng phải ngạc nhiên và thừa nhận: “Cộng sản đã truất bỏ hết mọi quyền hành của bọn hương hào và đặt vào đó những người mà họ tin cẩn”8.

Ngay từ ngày mới ra đời, nhờ công tác vận động giỏi, Đảng bộ Nghệ An đã được Nhân dân tin yêu, làm theo và ủng hộ. Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dù có phải hy sinh tài sản, tính mạng, Nhân dân vẫn không sờn lòng, nản chí. Một người ngã xuống, trăm người khác lại tiếp tục xông lên. Sau những cuộc đàn áp khủng bố đẫm máu, vẫn không dập tắt được phong trào, kẻ thù của cách mạng cũng phải thú nhận một sự thực: “...Sức hợp quần chúng đấu tranh đã không bị dập tắt mà phong trào vẫn nối tiếp phong trào... Chúng ta đã diệt được một tổ chức cách mạng thì hai tổ chức lại xuất hiện tại chỗ, chúng ta tiêu diệt được 10 người thì lại có 20 người xuất hiện tại chỗ... ”9.

Thời kỳ 1930 - 1931, công tác vận động được Đảng rất chú trọng nên đạt hiệu quả cao. Các đồng chí Nguyễn Phong sắc, Phan Thái Ất, Nguyễn Tiềm, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Lê Xuân Đào, Nguyễn Thị Phúc, Hoàng Trọng Trì, Hoàng Văn Tâm, Đặng Chánh Kỷ, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Xân, Tôn Thị Quế, Nguyễn Đức Dương, Nguyễn Lợi... là những gương sáng làm công tác vận động giỏi. Nhờ chú trọng công tác vận động, trong 2 năm (1930-1931), Đảng đã tập hợp được hàng vạn quần chúng tham gia đấu tranh, với 835 cuộc mít tinh, biểu tình, có cuộc vận động tới 2 vạn người tham gia. Đó là những sự kiện chứng minh cho thành quả trong công tác vận động quần chúng của Đảng bộ Nghệ An từ những ngày đầu cách mạng là rất nhạy bén và khôn khéo. Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ nhất đã vận dụng và phát huy tinh thần vận động quần chúng, theo đường lối cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã rất thành công trên đất Nghệ An. Những kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng của thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đã được Đảng ta tổng kết và rút ra những bài học quý giá cho các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Thấm nhuần sâu sắc những bài học kinh nghiệm đó, Đảng bộ Nghệ An luôn xem công tác dân vận của Đảng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị, tập trung thực hiện thường xuyên, liên tục công tác xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Công tác dân vận có những chuyển biến tích cực, hướng về cơ sở, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội, yên dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận như: Nghị quyết số 25-NQ/W (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 10/10/2016 về "Tăng cường công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo"... Tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm giàu chính đáng, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, toàn tỉnh có 265 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 61,48%. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư, Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các chỉ thị, nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong 5 năm (2015-2020) đã xây dựng được 309 điểm sáng về công tác dân vận chính quyền và 412 điểm sáng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “dân vận khéo”; xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến cụ thể, thiết thực, đã xây dựng được 9.162 mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể,… Thực hiện tốt công tác dân vận vùng dân tộc thiểu số; tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là trong vùng giáo...; giải quyết các vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân để kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy ở Nghệ An định kỳ tổ chức giao ban với các ngành trong khối nội chính; với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; với các ban xây dựng Đảng và Văn phòng cấp ủy; với các đảng ủy trực thuộc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị gặp mặt 1.034 cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở; gặp mặt hơn 800 trưởng, phó phòng các sở, ban, ngành cấp tỉnh để thảo luận, trao đổi thông tin... Đây là những hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm, hướng về cơ sở của Tỉnh ủy. Định kỳ (ngày 05 hàng tháng), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp tiếp xúc, đối thoại với dân; chỉ đạo nhiều vụ việc phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý các kiến nghị, đề xuất, tâm tư nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Các cấp ủy thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về “trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được các cấp ủy ở Nghệ An lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả thiết thực. Đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên gương mẫu, nêu cao ý thức phục vụ, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Những bài học vô giá trong công tác vận động quần chúng của thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) sẽ mãi còn nguyên giá trị đối với nhiều thế hệ cách mạng, để Đảng bộ Nghệ An không ngừng rèn luyện, phấn đấu, thực hiện hiệu quả công tác dân vận đảm bảo mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

                      Phan Thanh Đoài 

       Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy 

--------------------------------------------------------

1. Truyền đơn Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi đấu tranh đang trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

2. Báo Lao khổ của Xứ ủy Trung Kỳ đang trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

3. Văn kiện Đảng 1930-1945: Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, NXB Hà Nội 1997, T1, Tr 51.

4. Ngọn cờ Bến Thủy - NXB Thanh niên, 1979, Tr 173.

5. Nhà đồng chí Vi Văn Khang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cách mạng Quốc gia.

6. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia 1995, T2, Tr 74.

7. Hồ Chí Minh Tuyển tập-ST, NXB Hà Nội 1980, T1, Tr 310.

8. Hồ sơ Mật thám Pháp lưu trữ tại Bộ Nội vụ, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.

9. Tập san Xô viết Nghệ Tĩnh-ST, NXB Hà Nội 1972, Tr 72.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng


Thành phố Vinh tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Thành phố Vinh tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương


Thường trực Tỉnh ủy giao ban với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội

Thường trực Tỉnh ủy giao ban với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội


Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ dự Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Chỉ thị về đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ dự Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Chỉ thị về đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng


Khánh thành Tượng đài V.I.Lê-nin ở Thành phố Vinh

Khánh thành Tượng đài V.I.Lê-nin ở Thành phố Vinh


Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh làm việc với Bí thư, Chủ tịch các huyện, thành, thị

Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh làm việc với Bí thư, Chủ tịch các huyện, thành, thị


Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án truyền tải điện tại Nghệ An

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án truyền tải điện tại Nghệ An


Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù mới cho Nghệ An tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù mới cho Nghệ An tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội


Các đơn vị thuộc Vụ địa bàn III UBKT Trung ương giao ban công tác kiểm tra, giám sát quý I

Các đơn vị thuộc Vụ địa bàn III UBKT Trung ương giao ban công tác kiểm tra, giám sát quý I


Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Trao quyết định Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh

Trao quyết định Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh


Nghệ An: Điều động, bổ nhiệm 4 Phó Giám đốc các Sở

Nghệ An: Điều động, bổ nhiệm 4 Phó Giám đốc các Sở


Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17


Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An


Chủ tịch Quốc hội đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc

Chủ tịch Quốc hội đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc