Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Sáng 31/10, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024; cho ý kiến vào các nội dung thuộc thẩm quyền.
Khách mời dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Cùng dự phiên họp có các đồng chí: Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 10/2024. Ảnh: Phạm Bằng
Thu ngân sách 10 tháng ước đạt gần 19.000 tỷ đồng
Tại phiên họp, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 2 tháng cuối năm 2024.
Phát biểu tại phiên họp, nhấn mạnh các dự án trọng điểm ngành Nông nghiệp tiến độ đang chậm, giải ngân vốn thấp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị các ngành, chủ đầu tư đôn đốc, thúc đẩy nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng
Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc chi trả tiền hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, chi phí hỗ trợ sản xuất vụ Thu - Đông, thực hiện tốt nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU; chi trả kinh phí giảm phát khí thải nhà kính.
Tập trung rà soát chủ trương đầu tư, cấp phép, khai thác khoáng sản, đặc biệt là công tác đánh giá tác động môi trường; sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai Luật Đất đai năm 2024.
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng
Đánh giá tiến độ triển khai nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia còn chậm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đề nghị 3 đơn vị chủ trì, gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc và các ngành tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, trong tháng 10, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội có những yếu tố tích cực.
Tình hình sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt; chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt khá. Thu ngân sách tiếp tục duy trì kết quả tích cực, đạt gần 19.000 tỷ đồng; thu hút đầu tư đến thời điểm hiện tại đạt trên 36.318 tỷ đồng, đang có dấu hiệu tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công về tổng thể đạt kết quả khá.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận nội dung kinh tế - xã hội. Ảnh: Phạm Bằng
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã hoàn thành một số nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh. Tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương có số đơn vị hành chính sắp xếp rất lớn và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao.
Tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Thiên tai, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trên địa bàn.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi và lãnh đạo các sở, ngành tham dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng
Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn còn nhiều nhiệm vụ chậm, khả năng không hoàn thành. Việc tham mưu ban hành các quy định, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và các văn bản thi hành các luật khác chậm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở chính quyền cấp cơ sở còn những hạn chế.
Từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các sở, ngành phải cùng nhau quyết tâm, nỗ lực mức cao nhất để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, ít nhất là đạt các chỉ tiêu HĐND tỉnh giao.
“
Quan điểm, tinh thần chung là tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung
Đặc biệt, quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: Bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Lãnh đạo các sở, ngành tham dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng
Mặt khác, chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ; đồng thời chủ động phòng ngừa ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ với phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng". Tiếp tục thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, hỗ trợ hoạt động tiêu thụ hàng hoá trên địa bàn, các hoạt động thương mại dịch vụ, đảm bảo nguồn cung hàng hoá.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng yêu cầu các sở, ngành giải quyết tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11. Sở Nội vụ phối hợp các ngành, địa phương chủ động chuẩn bị điều kiện tốt nhất để triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh thực sự hiệu quả, chất lượng, không gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống nhân dân, tạo điều kiện triển khai Đại hội đại biểu Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2030.
Các sở, ngành tập trung triển khai sớm nhất các quy định, hướng dẫn về Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và các văn bản luật khác, những nội dung chưa hoàn thành thì cần có mốc thời gian cụ thể. Tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng các nội dung báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trình kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm.
Lãnh đạo các sở, ngành tham dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các sở, ngành theo nhiệm vụ triển khai nhanh Kế hoạch 737 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 137 của Quốc hội; triển khai các báo cáo tổng kết đánh giá của các ngành, lĩnh vực để chuẩn bị cho Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia và đẩy nhanh các dự án trọng điểm, đồng chí Nguyễn Đức Trung yêu cầu bám sát kế hoạch, chỉ đạo để thực hiện giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao, nhất là 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Cùng đó, các ngành tiếp tục tập trung vào các dự án trọng điểm như: dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu, dự án LNG Quỳnh Lập, dự án Cảng nước sâu Cửa Lò, dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) và theo dõi triển khai dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh và công tác giải phóng mặt bằng dự án Quốc lộ 7A.
100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua các nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 21 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quochoi.vn
Các ngành quan tâm giải ngân kinh phí 200 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục thiên tai, sạt lở năm 2023; kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1A; kinh phí 282 tỷ đồng giảm phát khí thải nhà kính.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng yêu cầu các ngành chủ động xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2025 đảm bảo chất lượng, tiến độ. Bên cạnh đó, ngành Tài chính thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách năm 2024 ở mức tối đa, không đẩy quá cơ cấu thu ngân sách từ tiền sử dụng đất.
Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, các sở, ngành tiếp tục thực hiện các nội dung theo nhiệm vụ được giao, đặc biệt là kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam; kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, xóa nhà tạm, nhà dột nát; kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; các hoạt động văn hoá - thể thao ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nhiều người dân đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện các dịch vụ công theo Đề án 06 của Chính phủ. Ảnh: Thanh Lê
Người đứng đầu UBND tỉnh đề nghị người đứng đầu các ngành bám sát các nhiệm vụ Đề án 06 đã giao để triển khai thực hiện, báo cáo giải pháp đảm bảo tiến độ thực hiện cho UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, quan tâm nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của tỉnh; tập trung nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo khu vực Bắc Trung Bộ; cải thiện chỉ số PCI; quan tâm quản lý nhà nước về hoạt động báo chí và mạng xã hội.
Cùng đó, triển khai các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là an toàn giao thông. Tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người, tạo điều kiện ổn định cho sự phát triển của tỉnh.
Nguồn: BNA