Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh và đặt nền móng cho báo chí Cách mạng Việt Nam

Không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí ấy. 99 năm qua, đến nay những lời dạy của Người về báo chí vẫn là tài sản quý đối nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội (tháng 5/1968). Ảnh: TTXVN.

Hồ Chí Minh là một nhà báo vĩ đại

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra vai trò và tác động to lớn của báo chí trong đấu tranh xã hội. Trong quá trình tìm đường giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, tiếp cận tác phẩm của Lênin, Người tâm đắc câu nói vị lãnh tụ lỗi lạc phát biểu từ đầu thế kỷ XX: “cái mà chúng ta nhất thiết phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị... Không có tờ báo thì không thể tiến hành hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động có nguyên tắc và toàn diện...”.

Chính vì vậy, cuối năm 1917, tuy vốn ngôn ngữ chưa đủ để viết báo nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Bác đã tự học tiếng và học làm báo. Từ những mẩu tin, bài, tư liệu tản mạn có chủ đề nhỏ, Bác viết thành các bài có chủ đề lớn, tập trung.

Ngày 28/6/1919, hội nghị các nước thắng trận trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất khai mạc tại Versailles. Thay mặt những Việt kiều, Bác viết và gửi đến hội nghị bản yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho nhân dân Việt Nam. Đây cũng là bài viết nổi tiếng đầu tiên của Bác được cơ quan ngôn luận Đảng Xã hội Pháp đăng dưới nhan đề Quyền các dân tộc. Trong bài này, Người đã đưa ra 8 yêu sách thiết thực, đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền độc lập tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, trong đó có cả quyền tự do tư tưởng và tự do báo chí...

Năm 1921, Bác cùng một số nhà hoạt động cách mạng người Maroc, Algeria, Tunisia... thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và lập ra cơ quan ngôn luận của Hội - tờ Le Paria (Người cùng khổ), số đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1922. Bác trở thành trụ cột của tờ báo.

Ngoài tờ “Người cùng khổ”, Bác còn viết cho nhiều tờ báo bằng tiếng Pháp nữa. Theo thống kê chưa đầy đủ, Bác đã trực tiếp sáng lập và tham gia sáng lập hàng chục tờ báo. Ngoài “Người Cùng Khổ” (1922); Việt Nam Hồn (1923), “Quốc tế Nông dân” (1924); còn có nhiều tờ báo như: báo Thanh niên (21/6/1925), báo Công Nông (12/1926), báo Lính Kách Mệnh (2/1927).tạp chí Đỏ (5/8/1930), Việt Nam Độc Lập (1941), báo Cứu Quốc (1942).

Bác chỉ thị thành lập Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 07/9/1945; thành lập Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 15/9/1945.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân. Kể từ ngày báo Nhân dân ra số đầu tiên (11/3/1951), Bác đã có 28 năm gắn bó với tờ báo này. Người đã viết hàng trăm bài báo cho báo Nhân Dân để chỉ đạo, tuyên truyền đường lối cách mạng.

Như vậy, tính từ bài báo đầu tiên “nhỏ như bao diêm” đăng trên tờ báo Đời sống thợ thuyền năm 1917 ở Pháp đến bài báo sau cùng mà Bác viết là bài “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M.Nich-xơn” (Báo Nhân dân, ngày 25/8/1969) (có tài liệu ghi là bài "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng", ký tên T.L, đăng trên báo Nhân dân ngày 1/6/1969), Bác đã có một sự nghiệp làm báo kéo dài 52 năm.

Bác đã để lại một di sản báo chí lớn với hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký…thể hiện qua hơn 170 bút danh, viết bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Hán…nhiều thể loại khác nhau (chính luận, tiểu phẩm, truyện, ký và thơ...) đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một nhà báo cách mạng vĩ đại.

Hồ Chí Minh sáng lập báo Thanh niên, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam

Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau khi thành lập Hội, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ báo Thanh Niên tại ngôi nhà số 13 (nay là số 248 - 250) đường Văn Minh, (Quảng Châu, Trung Quốc), để giữ vai trò tổ chức và hướng dẫn phong trào cách mạng trong nước. Đây là tờ báo bí mật đầu tiên của người cách mạng Việt Nam bằng chữ quốc ngữ.

Người trực tiếp phụ trách và cũng là người viết nhiều bài nhất cho báo Thanh Niên chính là Bác Hồ. Vì là tờ báo bí mật từ việc ra báo đến phát hành, báo không đề tên cơ quan ngôn luận trên măng-sét. Bác không những lãnh đạo mọi mặt đối với việc ra báo, mà còn trực tiếp viết bài, biên tập, theo sát in ấn, phát hành... Số báo Thanh Niên đầu tiên ra mắt ngày 21/6/1925. 

Báo Thanh Niên thời gian đầu ra một tuần một kỳ trên 100 bản. Về sau, do gặp nhiều khó khăn nên số sau cách số trước từ 3 đến 5 tuần. Phần lớn mỗi số báo có hai trang cỡ trung bình 13 cm x 19 cm, một số ít ra 4 trang. Báo Thanh Niên được bí mật chuyển về Việt Nam bằng đường tàu thuỷ, lưu hành trong các chi bộ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, trong các cơ sở cách mạng của Việt kiều tại Pháp, Thái Lan, Trung Quốc. Mỗi khi báo về đến cơ sở thì các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chép lại thành nhiều bản để phân phát cho nhiều người đọc.

Bám sát vào tôn chỉ, mục đích, báo Thanh Niên đã thể hiện được nhiều nội dung phong phú, sâu sắc với nhiều thể loại như xã luận, bình luận, lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới và nhiều tin tức thời sự quan trọng. Thông qua đó để phát động lòng yêu nước, căm thù giặc, giáo dục, bồi dưỡng ý chí quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập tự do cho đất nước. Với lối viết giản dị, sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, chứa đựng tính chiến đấu, tính thuyết phục cao nên báo Thanh Niên đã phát huy tác dụng kêu gọi, cổ vũ quần chúng, nhân dân và tuổi trẻ mạnh mẽ, sâu sắc. Ví dụ như: “Cái cực khổ của người An Nam đã hết mức rồi! Không có dân nước nào mà khổ sở như vậy. Đồng bào ơi! Quyền tự do là trời cho mình. Người mà không được tự do thà rằng chết. Tỉnh dậy, đập vỡ cái lồng Tây nó nhốt người mình đó. Đồng bào ơi!”[1].

Nêu lên chân lý muốn giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp thì phải làm cách mạng. “Cách mệnh là sự biến đổi xấu thành tốt, đó là căn nguyên của mọi hoạt động, nhờ đó mà một dân tộc bị áp bức được giải phóng, trở nên giàu mạnh. Lịch sử các nước đã dạy chúng ta rằng chỉ bằng con đường cách mệnh thì mới có thể tiến tới hình thành được một chính thể có nền giáo dục, công nghiệp, tổ chức phục vụ xã hội tốt đẹp hơn”[2]

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó “Không phải một vài người làm nổi được mà cũng không phải mấy ngày mấy tháng làm ngay được”[3]. Điều quan trọng đáng chú ý nhất là: “Chỉ có Đảng Cộng sản mới đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam”[4].

Như vậy, báo Thanh Niên đã chính thức công khai đưa việc cần phải tổ chức ra Đảng Cộng sản ở Việt Nam để lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, giành lại chính quyền về tay nhân dân. Vì vậy, báo Thanh Niên đã làm cho bọn thực dân Pháp ở Việt Nam phải hoang mang, lo sợ.

Về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, nhất là Cách mạng Tháng Mười Nga, báo Thanh Niên đã có hàng loạt bài nhằm giúp cho thanh niên và nhân dân ta những hiểu biết cần thiết về sự thành công của nhân dân Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga, về chủ nghĩa Mác-Lênin. “Cách mạng Tháng Mười Nga chẳng những có quan hệ với dân Nam mà còn có quan hệ với tất cả các dân tộc bị đè nén, áp bức, bóc lột trên thế giới. Nay từ cách mạng Nga đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để làm gương cho chúng ta bắt chước. Cách mạng Nga như đã đắp đường cho chúng ta có đường mà đi”[5].

Như vậy là lần đầu tiên một tờ báo cách mạng theo xu hướng cộng sản chủ nghĩa, viết bằng tiếng Việt được đăng tải, truyền bá rộng rãi trong quần chúng vừa có tác dụng cổ vũ tinh thần yêu nước lại vừa khẳng định hướng đi cho cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên là một trong những phương tiện giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho các tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ, thu hút một lực lượng đông đảo thanh niên đến với cách mạng, đào tạo họ thành lớp thanh niên cách mạng thật sự, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiêu biểu cho lớp thanh niên đầu tiên đó là Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Nọn…

Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch phản bội cách mạng Trung Quốc, đàn áp những người làm cách mạng và các đảng viên cộng sản. Cơ quan lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động trên đất Trung Quốc phải rút vào bí mật. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc phải rời Quảng Châu sang Liên Xô. Báo Thanh Niên ngừng hoạt động từ tháng 4/1927, xuất bản được 88 số. Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chuyển đến Hồng Kông, tiếp tục cho xuất bản báo Thanh Niên cho tới đầu năm 1930.

Sự ra đời của báo Thanh Niên đã gây được tiếng vang lớn, góp phần chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Thanh Niên ra đời đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và ngày 21/6/1925 trở thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh- Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam

Không chỉ là người sáng lập báo chí cách mạng Việt Nam, là tác giả của một khối lượng không nhỏ các bài báo, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác còn có những lời chỉ dạy sâu sắc về người làm báo.

Các bài viết của Người bao giờ cũng có giá trị lý luận và thực tiễn cao; vừa nhuần nhị, đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, vừa có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc… Đó chính là phong cách báo chí Hồ Chí Minh.

Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của người làm báo: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”.

Người nêu rõ, phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng. Người dạy phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng, chớ ham dùng chữ, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có, thì phải dùng tiếng ta, bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Viết phải thiết thực, kịp thời, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào? .

Vì vậy, đối với người làm báo, đạo đức và năng lực là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước. Yêu cầu đầu tiên đối với người làm báo là phải vững vàng về phẩm chất chính trị. Bác căn dặn, “tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.

Bác đã cụ thể hóa phẩm chất chính trị của một nhà báo phải được thể hiện từ việc xác định đối tượng phục vụ và nhiệm vụ của báo chí là: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Bác cũng yêu cầu cán bộ báo chí phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén nó giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ”.

Đất nước đang bước vào thời kỳ phát triển với thế và lực mới, cơ hội đi cùng khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của báo chí rất nặng nề. Mỗi người làm báo cần luôn giữ cho mình “Tâm sáng, lòng trong, ngòi bút sắc”, không ngừng tự học và rèn luyện nhằm nâng cao chất lượng công tác báo chí trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./. 

Hồng Vui, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 

[1] Báo Thanh Niên số 63 ra ngày 3/10/1926.

[2] Báo Thanh Niên số 2 ra ngày 28/6/1925.

[3] Báo Thanh Niên số 66 ra ngày 21/10/1926.

[4] Báo Thanh Niên số 61 ra ngày 19.7.1926.

[5] Báo Thanh Niên số 68 ra ngày 7/11/1926.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo trên toàn cầu

Thủ tướng đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa đói nghèo trên toàn cầu


Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu chúc mừng ngành Giáo dục và Hội Cựu giáo chức Nghệ An nhân dịp 20/11

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu chúc mừng ngành Giáo dục và Hội Cựu giáo chức Nghệ An nhân dịp 20/11


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII


Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam


Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Nghệ An về công tác thu hút đầu tư

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Nghệ An về công tác thu hút đầu tư


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chúc mừng Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chúc mừng Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam


Bài phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31

Bài phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31


Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết với nhân dân bản Cao Vều 1

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết với nhân dân bản Cao Vều 1


Công bố quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

Công bố quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An


Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội Đại đoàn kết tại Nam Đàn

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội Đại đoàn kết tại Nam Đàn


Nghệ An công bố các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác cán bộ

Nghệ An công bố các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác cán bộ


Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì phiên họp chuyên đề tháng 11

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì phiên họp chuyên đề tháng 11


Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump


Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị bầu Bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020 – 2025

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị bầu Bí thư Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020 – 2025


Thủ tướng chủ trì phiên họp về xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước

Thủ tướng chủ trì phiên họp về xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước