Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào sáng 16/9, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.
Xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu:
"Hôm nay, tôi và lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các địa phương trong khu vực tham dự Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo nhằm quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 39-NQ/TW, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm đối với các cơ quan Trung ương, các địa phương trong khu vực, đặc biệt là Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
Nghệ An có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cũng như cả nước; là địa phương có lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, nhiều tiềm năng, lợi thế về con người, biển, rừng, hệ thống giao thông đa dạng, kết nối thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, quê hương của làn điệu Dân ca ví, giặm nổi tiếng trong và ngoài nước.
Nói đến Nghệ An là nói vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bậc tiền bối cách mạng xuất sắc, như: đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hồ Tùng Mậu, đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Phùng Chí Kiên và nhiều nhà cách mạng tiêu biểu khác. Đây là nơi khởi nguồn cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, phong trào cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng những năm 1930- 1931, biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quật khởi, bất khuất.
Lúc sinh thời, trong lá thư cuối cùng gửi Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Nghệ An vào ngày 21/7/1969, Bác Hồ đã để lại lời dặn dò tâm huyết: Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào, đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất của miền Bắc.
Thực hiện lời dạy của Bác, từ đó đến nay, Nghệ An đã có nhiều nỗ lực, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, để phát huy vị trí chiến lược, tiềm năng, thế mạnh của Nghệ An, năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 20 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 đưa Nghệ An thoát khỏi tình trạng nghèo và kém phát triển. Năm 2013, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26 với mục tiêu phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Sau 10 năm triển khai, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Tỉnh ủy Nghệ An tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 26 và ban hành Nghị quyết số 39, tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đối với sự phát triển của tỉnh Nghệ An.
Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã gửi tới hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã quán triệt những nội dung chính của Nghị quyết; Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã trình bày dự thảo Chương trình hành động; đại diện một số bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Thành ủy Vinh đã tham gia ý kiến.
Các bài phát biểu đã nhấn mạnh việc cụ thể hóa, đảm bảo tính khả thi để có thể thực hiện thành công Nghị quyết số 39. Chính phủ đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; Quốc hội tập trung 2 Nghị quyết: Nghị quyết điều chỉnh địa giới thành phố Vinh và Nghị quyết sử dụng Nghị quyết số 36 về cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An; Nghệ An đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, qua đó, thấy rõ quyết tâm cao cụ thể hóa Nghị quyết số 39.
Tôi xin nhấn mạnh thêm 2 vấn đề: Thứ nhất, là ý nghĩa của việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, khá toàn diện, nổi bật về tốc độ tăng trưởng, quy mô nền kinh tế, thu hút FDI, thu ngân sách, đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm, quốc phòng - an ninh cơ bản đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo của Nghệ An đã giảm nhanh, từ 22,89% vào năm 2011 đến năm 2022 còn 6,41%. Nghệ An đã phấn đấu để có được 75% xã, 9 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều điểm nghẽn trong phát triển đã được nhận diện và khơi thông; tiềm năng, lợi thế từng bước được phát huy.
Tuy nhiên, Nghệ An vẫn còn những khó khăn, thách thức, hạn chế về chất lượng tăng trưởng, về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, về thu nhập đầu người còn thấp, chưa cân đối được ngân sách. Mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015 và tỉnh công nghiệp vào năm 2020 chưa trở thành hiện thực.
Nghị quyết số 39 đặt ra mục tiêu, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ, quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; Tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước được tăng cường.
Để Nghệ An phát triển được như kỳ vọng, Nghị quyết số 39 có điểm rất quan trọng là quyết tâm chính trị rất cao của Trung ương, của Nghệ An, là cơ sở chính trị để Nghệ An có được sự chuyển biến tích cực, có được bước đột phá, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển trong Đảng bộ, trong Nhân dân, tạo được sức mạnh tập thể để Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt, xây dựng và phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ.
Thứ hai, Nghị quyết số 39-NQ/TW cần chú trọng thêm 3 vấn đề. Thứ nhất, việc triển khai Nghị quyết số 39 phải được đặt trong tổng thể phát triển vùng và cả nước, phải gắn chặt với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, tập trung vào 5 trụ cột như đã đề cập trong báo cáo; tạo được động lực, tạo được sự kết nối, cộng hưởng mạnh mẽ hơn, nhất là với 2 tỉnh liền kề: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, các địa phương của nước bạn Lào có chung đường biên giới và các địa phương trong cả nước.
Hiện Nghệ An đã được phê duyệt Quy hoạch tỉnh, giai đoạn từ nay đến năm 2030 cần tiếp tục tổ chức, sắp xếp không gian phát triển để đảm bảo sự liên kết tập thể của ngành, lĩnh vực, địa bàn; phát huy tiềm năng, lợi thế; chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, phát triển các hành lang kinh tế, phát triển vùng phía Đông để thúc đẩy vùng phía Tây phát triển.
Thứ hai, việc ban hành các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa Nghị quyết số 39 sẽ tạo được khuôn khổ pháp lý quan trọng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù gắn với điều kiện thực tế của Nghệ An, sao cho cơ chế, chính sách phải thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển được ngành, lĩnh vực có giá trị tăng cao.
Phải tiếp tục tạo được bước đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghệ An nhất định phải nâng cao được chỉ số: PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS để tăng cường niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược, tạo nên không gian phát triển mới, tích cực cho tỉnh Nghệ An.
Thứ ba, quá trình phát triển phải hết sức chú trọng để đảm bảo đồng bộ giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, với quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng, biển, đảo; tiếp tục cải thiện, nâng cao mức sống của Nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người gặp khó khăn trong cuộc sống, gia đình chính sách. Phải phát huy được giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển.
Đảng bộ Nghệ An là Đảng bộ lớn, với 1.429 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 196.000 đảng viên, chiếm 3,65% tổng số đảng viên trong cả nước. Để Nghị quyết số 39 đi vào cuộc sống, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, chủ động có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả của các cấp ủy tổ chức Đảng, hệ thống chính trị của Nghệ An. Yêu cầu cao đối với đội ngũ cán bộ về tinh thần, trách nhiệm, về năng lực, về bản lĩnh, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, gương mẫu, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý; sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận, niềm tin của Nhân dân; phải xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, quyết tâm cao, đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, yếu tố quyết định để Nghị quyết số 39 thành công.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Nghệ An mới chỉ là bước mở đầu rất quan trọng, vấn đề quyết định là tổ chức thực hiện cho hiệu quả; phải biến Nghị quyết thành của cải vật chất, thành hiện thực sinh động, những điều chúng ta mong muốn là Nghệ An phải giàu có hơn, mạnh hơn. Theo đó, tinh thần là địa phương cũng phải cố gắng quyết liệt hơn, là chủ lực, là nội lực, là người phải thực hành, không được ỷ lại; nhưng trách nhiệm của các cơ quan Trung ương cũng rất quan trọng, không khoán trắng cho địa phương. Tất cả cần vào cuộc đồng bộ với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” để tạo được chuyển biến cụ thể, rõ rệt.
Tôi mong rằng, chúng ta phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc nội dung của Nghị quyết số 39, tạo được sự thống nhất, quyết tâm cao từ Trung ương đến địa phương, từ cán bộ, đảng viên, người dân đến cộng đồng doanh nghiệp. Ngay sau Hội nghị này, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở Trung ương cần khẩn trương ban hành Chương trình hành động, tạo thuận lợi cho Nghệ An trong thực hiện Nghị quyết. Tỉnh Nghệ An cũng phải khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết sát với thực tiễn, đây là cơ hội để Nghệ An đạt được các chỉ tiêu tương đối cao so với mức hiện nay.
Ví dụ như GRDP tăng từ 10%/năm; năng suất lao động đạt từ 10-11%/năm, thu nhập đầu người đạt được 7.500-8.000 USD/người; nông nghiệp tăng 13-14%; nông thôn mới đạt 90%. Như vậy, tạo được nền tảng vững chắc để Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh, hiện đại vào năm 2045. Làm được như vậy mới xứng đáng với kỳ vọng của các thế hệ đi trước, của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư và của Nhân dân cả nước, đặc biệt là Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An.
Ban Kinh tế Trung ương phải làm tốt vai trò đầu mối, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư; kịp thời phản ánh, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết.
Là vùng đất "địa linh nhân kiệt", con người Nghệ An có tinh thần cần cù, hiếu học, tự lực, không ngại gian khổ, hy sinh, coi trọng nghĩa tình, đoàn kết, gắn bó, thủy chung. Đảng bộ Nghệ An là một trong những Đảng bộ đầu tiên ra đời ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, với bề dày 90 năm lịch sử đã lãnh đạo Nhân dân có những đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tôi tin tưởng rằng, Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, khí phách anh hùng, tinh thần sáng tạo, quả cảm và phẩm chất cao quý, tốt đẹp của con người xứ Nghệ; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, mang lại sự phát triển bền vững, đời sống tốt đẹp cho Nhân dân Nghệ An, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với công lao to lớn của các bậc tiền nhân, các thế hệ đi trước như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An"".