Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Những chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nghệ An (tiếp theo)

Chặng đường thứ hai, Đảng bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh xây dựng, bảo vệ chính quyền nhân dân và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (9/1945 đến 7/1954)

Chính quyền nhân dân vừa được thành lập đã phải đối phó với những tình huống vô cùng gay go, phức tạp. Cùng một lúc phải chống 3 thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hậu quả của nạn đói năm 1945 còn rất nặng nề. Trên một nửa diện tích ruộng đất canh tác phải bỏ hoang vì thiếu sức lao động, thiếu giống và sức kéo. Thiên tai diễn ra dồn dập... Dịch bệnh hoành hành cướp đi nhiều sinh mạng. Các nhà máy, xí nghiệp nhỏ bị đình trệ. Đời sống của công nhân và nhân dân lao động bấp bênh. Ngân quỹ của tỉnh còn lại rất ít. Sau nhiều năm bị địch khủng bố, phá hoại, hệ thống tổ chưc đảng chưa được khôi phục, trong đảng viên có biểu hiện nghi kỵ hoặc không phục nhau...

Vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng khôi phục hoạt động của Đảng bộ. Ngày 2/10/1945, được sự giúp đỡ của Trung ương và Xứ ủy Trung kỳ, Hội nghị thành lập Đảng bộ được tổ chức tại Vinh. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Nguyễn Xuân Linh làm Bí thư.

Hội nghị đã thảo luận và đề ra 5 nhiệm vụ khẩn cấp, trước mắt: Khẩn trương xây dựng các chi bộ đảng để ba tháng sau sẽ mở hội nghị cử ra Ban Chấp hành chính thức của các cấp bộ đảng; Mỗi cấp bộ phải cử ra một bộ phận làm công tác đảng, sinh hoạt độc lập với Mặt trận Việt Minh và chính quyền; Tổ chức việc lập quỹ Đảng; Khôi phục lại hệ thống giao thông liên lạc; Đổi tên báo "Kháng địch" thành báo "Tiến lên" (Sau đổi thành báo "Truyền thanh" của tỉnh Nghệ An).

Ngày 3/11/1945, tại làng Yên Dũng Thượng (nay thuộc phường Hưng Dũng, thành phố Vinh), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ III khai mạc với 23 đại biểu, thay mặt cho gần 200 đảng viên của 10 phủ, huyện đồng bằng và trung du. Đại hôi đã quyết định nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền cách mạng, củng cố Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng các tổ chức quần chúng và những nhiệm vụ chống ba thứ giặc. Về công tác xây dựng Đảng, Đại hội đề ra các biện pháp cụ thể: Kịch liệt chống tư tưởng cô độc hẹp hòi, cầu toàn, gây xích mích trong nội bộ. Vạch trần mọi luận điệu của bọn Tờrôtkít và các loại phản động khác đang tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ Đảng Cộng sản và Chính phủ mới, kích động chia rẽ trong quần chúng. Để phòng tránh hành động “tả” khuynh và hữu khuynh, tất cả đảng viên cũ, mới đều phải được phân công rõ ràng và giao công tác cụ thể; Mỗi phủ huyện mỗi tháng phải phát triển cho được 10 đồng chí và sau hai tháng, các phủ, huyện phải có Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành (chính thức) của Đảng bộ gồm các ủy viên sau: Nguyễn Xuân Linh (Bí thư), Lê Viết Lượng phụ trách chính quyền, Trần Mạnh Chín, Nguyễn Xuân Thành, Hồ Viết Thắng

Trong giai đoạn này, song song với việc củng cố chính quyền, Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo nhân dân cả tỉnh tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh (6/1/1946 và 24/2/1946).

Ngày 03/11/1946, Đại hội lần thứ IV khai mạc tại làng Yên Dũng, huyện Hưng Nguyên (nay thuộc phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) với 45 đại biểu thay mặt cho 2.876 đảng viên của 160 chi bộ thuộc 268 xã của 13 huyện, thành trong Đảng bộ. Đại hội Đảng bộ bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 17 đồng chí. Đồng chí Hồ Viết Thắng được bầu làm Bí thư.

Đại hội ra nghị quyết về việc củng cố, phát triển các đoàn thể quần chúng; vạch chương trình kiến thiết làng kiểu mẫu, công tác phát triển đảng viên, đẩy mạnh chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Nhờ vậy, đến cuối năm 1946, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội đã có những bước tiến đáng kể. Đặc biệt là đối với giặc ngoại xâm, trên cơ sở các chủ trương của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, nhân dân trong tỉnh đã khéo léo đấu tranh làm thất bại âm mưu của chúng. Thành quả to lớn của hơn một năm xây dựng và bảo vệ chính quyền đã tạo cơ sở để Đảng bộ và nhân dân Nghệ An bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Trước những hành động khiêu khích ngày một trắng trợn của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: "...Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ".

Ngay sau khi lời kêu gọi được phát đi, cả nước đã chủ động nổ súng tấn công quân Pháp. Tại Nghệ An, ta đồng loạt tấn công địch. Ngày 20/12/1946 quân địch ở Vinh đầu hàng vô điều kiện. Thắng lợi đó làm nức lòng quân dân toàn tỉnh.

Nhận lệnh của ủy ban kháng chiến Khu IV lực lượng vũ trang Nghệ An cho một số đơn vị cùng Hà Tĩnh tham gia chiến đấu ở mặt trận Thuận Hóa (Huế) sau đó rút về tham gia tuyến phòng thủ sông Gianh - Đèo Ngang ngăn chặn địch ra phía bắc Quảng Bình.

Để chống địch đổ bộ, đóng quân, ngày 6/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến: “... Ta vì nước hy sinh, chịu khổ một lúc. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, ta sẽ cùng nhau kiến thiết, sửa sang lại, nào có khó gì...”[1]. Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai 3 công tác trọng tâm trước mắt: Tuyên truyền để công nhân thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Trung ương; nhanh chóng sơ tán, xây dựng cơ sở mới để phòng tránh; xây dựng Trại cày Lê Mao, di chuyển cơ sở sản xuất vũ khí Lê Viết Thuật. Đồng thời Tỉnh ủy chỉ đạo phá hủy công sở, đường sá, nhà cửa; thành lập công đoàn vận tải đường sông. Ty Quân giới thành lập các đơn vị lao động, đào nhiều hầm hào công sự, đóng cọc dưới sông cản địch; Ủy ban kháng chiến cấp khu, tỉnh, huyện, xã hợp nhất với Ủy ban Kháng chiến thành Ủy ban kháng chiến Hành chính; thành lập Ban chỉ đạo tác chiến và Ban kiểm soát bố phòng; tổ chức quán triệt học tập thư của Bác Hồ gửi cho "các đồng chí Trung Bộ"; thành lập Trường Đảng tỉnh Nghệ An để đào tạo bồi dưỡng cán bộ kịp thời phục vụ kháng chiến...

Ngày 06/1/1948, tại xóm Vĩnh Yên, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, Đại hội lần thứ V được khai mạc. Đại hội đã kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và mọi mặt công tác qua một năm kháng chiến và tập trung bàn 2 vấn đề trọng tâm: Tích cực chuẩn bị lực lượng để kháng chiến trường kỳ, sẵn sàng đập tan âm mưu xâm chiếm Nghệ An của thực dân Pháp; đẩy mạnh việc củng cố tổ chức Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết, nhất trí, tâp trung lãnh đạo kháng chiến thắng lợi.

Đại hội đã bầu Ban Chấp Đảng bộ gồm 25 ủy viên (3 ủy viên dự khuyết). Đồng chí Ngô Xuân Hàm được bầu làm Bí thư, đồng chí Dương Ngọc Võ được bầu làm Phó Bí thư.

Chuẩn bị lực lượng chiến đấu bảo vệ hậu phương, chi viện chiến trường (1948- giữa năm 1950)

Tháng 1/1948, Trung ương ra Nghị quyết khẳng định "Phát triển chiến tranh du kích khắp nơi, nhất là trong vùng địch kiểm soát, đồng thời tùy theo tình thế tập trung đánh vận động tiêu diệt địch... xúc tiến việc luyện quân lập công"[2].

Thực hiện chủ trương đó, Nghệ An đã triển khai khẩn trương việc thành lập Ban lãnh đạo kháng chiến các cấp; sắp xếp lại lực lượng công an cho phù hợp với tình hình; ở tuyên biên giới phía Tây giáp Thường Lào, Quân khu ủy IV phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An thành lập hai Ban Chỉ huy ở hai mặt trận: Đường số 7 và Quỳ Châu.

Quân dân Nghệ An còn tổ chức đánh chặn, đập tan các đợt tập kích của địch ở biên giới, ven biển và hoạt động nổi dậy của địch, bảo vệ vững chắc hậu phương, chi viện tỉnh bạn và Bình Trị Thiên khói lửa (chi viện tiểu đoàn 364 vào đánh các đồn phía Bắc Quảng Bình, tổ chức míttinh, quyên góp ủng hộ Bình Trị Thiên).

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về việc phát động phong trào thi đua ái quốc và Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (6/1948) nhằm thi đua: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm", ngày 18/6/1948, Hội nghị liên tịch giữa các cơ quan Đảng, mặt trận, chính quyền, đoàn thể ở trong tỉnh được tổ chức quán triệt và triển khai hoạt động. Phong trào được triển khai sôi nổi, sâu rộng và đạt kết quả tốt. Điển hình là phong trào thi đua luyện quân lập công; phong trào đỡ đầu dân quân, giúp đỡ bộ đội; phong trào thi đua sản xuất hàng tiêu dùng và phục vụ quốc phòng; phong trào tăng gia sản xuất; phong trào diệt giặc dốt, phong trào thi đua xây dựng đời sống mới... Qua phong trào thi đua ái quốc, các tổ chức đảng, mặt trận, đoàn thể cứu quốc và chính qyền các cấp tiếp tục được củng cố và phát triển.

Từ ngày 15 đến ngày 29/4/1949, tại xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, Đại hội lần thứ VI được tổ chức với 334 đại biểu đại diện cho 17.000 đảng viên của 291 chi bộ. Đại hội đã thảo luận và quyết nghị 3 vấn đề lơn: Tích cực xây dựng và bảo vệ hậu phương, bồi dưỡng sức dân và cung cấp sức người, sức của cho các chiến trường; Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân..., củng cố và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất...,tiếp tục củng cố các đoàn thể cứu quốc; Tiếp tục củng cố và phát triển Đảng bộ về mọi mặt, cải tiến lề lối làm việc, đẩy mạnh khâu xây dựng chi bộ “Tự động công tác”. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 20 ủy viên (có 6 ủy viên dự khuyết). Đồng chí Lê Nguyên Mân (tức Minh Châu) được bầu làm Bí thư, đồng chí Hoàng Ngọc Nhân được bầu làm Phó Bí thư.

Tình hình có nhiều diễn biến nhanh chóng. Quân ta liên tiếp mở các chiến dịch như: Sông Lô, Sông Thao, Hòa Bình, Biên giới, Phan Đình Phùng, Bình- Trị- Thiên, Trung du Bắc Bộ, Đường số 8, Hà Nam Ninh... và đã giành được thắng lợi to lớn.

Ở Nghệ An, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân đạt được những kết quả tốt trong củng cố hệ thống chính trị, xây dựng vùng miền núi, biên giới, vùng ven biển, vùng giáo dân, xây dựng chính sách đối với nhân sĩ, trí thức, chính sách giảm tô, xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ hậu phương, chống các cuộc đánh phá cũng như tập kích của địch vào các vùng biên giới và ven biển, tích cực chi viện chiến trường Bình - Trị - Thiên và Bắc Bộ, phong trào tòng quân trong thanh niên... Đặc biệt là sự kiện ngày 5/10/1949, Pháp đưa 1.000 lính (500 tên Pháp và Âu Phi, 500 tên ngụy) với nhiều tàu chiến, ca nô, được máy bay yểm trợ để đổ bộ lên Quỳnh Lưu. Trong 3 ngày chiến đấu quyết liệt, chúng ta đã đẩy lùi được kẻ thù, để lại những bài học quý về cảnh giác và xây dựng lực lượng bảo vệ hậu phương.

Nhờ có sự phấn đấu vượt lên mọi gian khổ hy sinh, sau mấy năm kháng chiến, Nghệ An đã trở thành hậu phương vững chắc, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của tiền tuyến. Do địa bàn giáp giới với nước bạn Lào, kể từ đây, Nghệ An không chỉ làm nhiệm vụ của hậu phương đối với tiền tuyến mà còn làm nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và nhân dân Lào anh em.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII họp vào tháng 5/1950 tại xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu với 300 đại biểu đại diện cho 48.750 đảng viên thuộc 254 chi bộ trong 12 huyện. Đại hội nêu bật nhiệm vụ chính trị trước mắt của toàn Đảng bộ là: “Ra sức xây dựng lực lượng, bảo vệ hậu phương, tổng động viên sức người, sức của, cung ứng cho tiền tuyến”. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 29 ủy viên; đồng chí Minh Châu được tái cử làm Bí thư, đồng chí Hoàng Ngọc Nhân tái cử làm Phó Bí thư.

Chi viện tiền tuyến phục vụ chiến dịch Thượng Lào, chiến cục Đông Xuân và chiến dịch Điện Biên Phủ (1951- 1954)

Năm 1951, tình hình có nhiều thuận lợi cho cách mạng. Hệ thống xã hội chủ nghĩa lớn mạnh nhanh chóng. Trong nước, sau chiến thắng Biên giới (11/1950) cục diện chiến trường Đông Dương thay đổi mau lẹ, có lợi cho ta. Pháp càng lâm vào thế bị động, lúng túng. Hậu phương và lực lượng cách mạng cách mạng ngày càng lớn mạnh. Lúc này, ở hậu phương Thanh - Nghệ  - Tĩnh địch không còn đủ sức thực hiện việc chiếm đóng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2/1951 quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam, ra hoạt động công khai và thực hiện quyết sách thúc đẩy kháng chiến thắng lợi.

Tháng 8/1951, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII họp tại xã Quang Thành, huyện Yên Thành với 289 đại biểu đại diện cho 50.459 đảng viên thuộc 290 chi bộ trong 12 huyện. Đại hội đã đề ra hai nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ là: Đoàn kết nông thôn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến; xây dựng Đảng theo Chính cương, Điều lệ mới, cải tiến tác phong lãnh đạo cho sát quần chúng. Đại hội nêu bật mục tiêu: “Xây dựng Nghệ An thực sự thành hậu phương vững chắc, thành kho dự trữ dồi dào về người và của, làm tròn nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến”[3]. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 25 ủy viên. Đồng chí Minh Châu tiếp tục được bầu làm Bí thư.

Để thống nhất sự lãnh đạo và tập hợp tốt lực lượng quần chúng nhân dân, tháng 3/ 1951, Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt đã hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt Nghệ An.

Tháng 4/1953, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân đội giải phóng Lào mở chiến dịch Thượng Lào, Nghệ An - Thanh Hóa được Trung ương giao trọng trách phục vụ chiến dịch này. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ Nghệ An đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào - một chiến thắng có ý nghĩa to lớn, mở ra cục diện mới trên chiến trường Đông Dương.

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Phương châm chiến lược của ta là tập trung lực lượng tiến công vào những nơi địch yếu, đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ vùng tự do. Hướng tiến công chính là Tây Bắc và Thượng Lào. Trong chiến cục này, Nghệ An được giao đảm nhiệm làm đường từ Nghệ An thông ra Thanh Hóa - Hòa Bình và đi lên Tây Bắc. Để thực hiện nhiệm vụ này, Nghệ An phải huy động một lực lượng dân công lớn. Ngoài ra, tỉnh còn phải đảm nhận công tác hậu cần cho những đơn vị chủ lực từ chiến trường Bình - Trị - Thiên, Lào về tập kết để củng cố, chuẩn bị tham gia chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954.

Tháng 12- 1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch trong cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, Nghệ An được giao nhiệm vụ mở đường vận chuyển chi viện cho tiền tuyến, cho mặt trận Điện Biên Phủ. Với tinh thần “Tất cả các cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953- 1954”, “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm, huy động mọi nguồn lực đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến.

Ngày 13/3/1954, chiến dịch bắt đầu. Sau 3 đợt tiến công với 56 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân và dân ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, quân Pháp ở Điện Biên Phủ đầu hàng, Chính phủ Pháp thừa nhận sự thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam, buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận nền hòa bình của các nước Đông Dương.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi Điện Biên Phủ, nhưng một nguyên nhân có ý nghĩa quyết định là sự chi viện to lớn của hậu phương, trong đó có phần đóng góp quan trọng của Đảng bộ và quân dân Nghệ An.

 

Chặng đường thứ ba, Đảng bộ lãnh đạo thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng (1954  - 1975)

Khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa (tháng 7/1954 - 1957)

Chiến tranh kết thúc, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đang lớn mạnh, nhưng mắc phải sai lầm về đường lối chính trị, bất đồng trong một số nước lớn (Liên Xô, Trung Quốc). Chủ nghĩa đế quốc chống phá quyết liệt hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội; coi Việt Nam là một trong những mục tiêu tấn công, đánh phá. Tình hình đó đặt Nghệ An trước những thuận lợi và khó khăn cơ bản. Nghệ An không phải là chiến trường trực tiếp nhưng bị địch đánh phá thiệt hại nghiêm trọng; việc thực hiện triệt để phá hoại để kháng chiến đã ảnh hưởng lớn đến các cơ sở kinh tế - văn hóa, xã hội; việc huy động “triệt để cho kháng chiến”, thiên tai, dịch bệnh, nạn đói nghiêm trọng diễn ra nhiều nơi trong tỉnh; các thế lực phản động bên trong câu kết với kẻ thù bên ngoài chống phá cách mạng; trình độ cán bộ, đảng viên chưa chuyển kịp với tình hình mới.

Tuy vậy, là vùng tự do trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp nên Nghệ An có điều kiện xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, đoàn thể và chính quyền một cách vững chắc. Đó là những thuận lợi cơ bản để Đảng bộ Nghệ An lãnh đạo quần chúng đấu tranh ổn định tình hình chính trị, khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa, hoàn thành cuộc cách mạng ruộng đất, phục hồi kinh tế và phát triển văn hóa.

 Hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, chấm dứt chế độ cũ của thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Nhưng với âm mưu xảo quyệt, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, bọn xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai đã lợi dụng tình hình phức tạp và những sai lầm của ta trong việc thực hiện một số chính sách kinh tế, xã hội, đặc biệt là chúng lợi dụng một số điểm sơ hở trong Điều 14 của Hiệp định Giơnevơ để mở chiến dịch cưỡng ép dụ dỗ đồng bào di cư vào Nam, gây xáo trộn tình hình, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trước những âm mưu, thủ đoạn của địch, chúng ta kiên trì, khéo léo, sâu sát trong tuyên truyền vận động giáo dân và kiên quyết trấn áp bọn đầu sỏ, tay sai, kết hợp với vận động tổ chức sản xuất, bảo vệ an ninh chính trị nên từng bước đẩy lùi được âm mưu thâm độc và hành động trắng trợn của chúng. Qua đó nâng cao tinh thần cảnh giác và nhận thức cho giáo dân cũng như rút ra được những kinh nghiệm nghiệm quý cho Đảng bộ.

Trong khi Đảng bộ đang gặp khó khăn nhiều mặt thì ở miền Tây Nghệ An địch tung thổ phỉ, biệt kích, gián điệp phá hoại biên giới của ta (tháng 8/1954 phỉ từ Noọng Hét đột nhập qua biên giới móc nối với bọn phản động nội địa cướp bóc tài sản nhân dân, phá hoại chính quyền ở các xã Mỹ Lý, Hữu Khuông, Tà Cạ, Mậu Thạch, Bảo Nam, Kim Sơn; ngày 24/9/1955, 19 tên phỉ cướp phá bản Phiêng Phạt, ngày 19/10/1955, từ Noọng Hét tên trùm phỉ Vàng Pao cùng 160 tên phỉ khác sang cướp phá vùng Keng Đu...). Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo cảu Đảng bộ tỉnh và sự hướng dẫn của Ban chỉ đạo miền núi Nghệ An, chúng ta đã tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang ở cơ sở để đối phó với kẻ thù, làm cho đồng bào yên tâm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất để cứu đói, tăng cường sự đoàn kết trong đồng bào các dân tộc thiểu số, tích cực phối hợp lực lượng vũ trang chống địch, bảo vệ sự bình yên cho bản làng.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, mặc dù công việc bộn bề, khó khăn phức tạp nhiều mặt, nhưng Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã có nhiều cố gắng, sẵn sàng nhận và giúp đỡ đồng bào đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc một cách khẩn trương chu đáo, đầy tình nghĩa. Tính đến tháng 12/1954, tại cảng Cửa Hội, tỉnh Nghệ An đã đón 28.629 cấn bộ, bộ đội, thương binh, công nhân và đồng bào tập kết, trong đó có 2.024 học sinh, làm tốt việc bố trí, lưu chuyển ra Bắc tạo điều kiện nơi ăn, ở, công việc cho đồng bào, chiến sĩ tập kết một cách chu đáo.

Hòa bình lập lại,miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, việc tiến hành cải cách, xóa bỏ hoàn toàn chế độ chiếm hữu ruộng đất cảu giai cấp phong kiến, địa chủ là một yêu cầu thực tế khách quan. Ở Nghệ An bắt đầu thực hiện cải cách ruộng đất vào đợt III, kể từ tháng 3/1955 đến tháng 6/1956 căn bản hoàn thành. Trong toàn tỉnh đã đem 105.287 mẫu ruộng, 10.112 con trâu bò, 8.719 ngôi nhà, 16.430 nông cụ, gàn 8.500 tấn lương thực chi cho 143.590 hộ nông dân. Riêng miền núi tới khi cải cách dân chủ kết thúc thì vấn đề ruộng đất đối với nông dân mới được giải quyết căn bản.

Công cuộc cải cách ruộng đất ở Nghệ An hoàn thành đã xóa bỏ ách áp bức bóc lột của giai cấp địa chủ, đem lại ruộng đất cho dân nghèo; củng cố tăng cường khối liên minh công, nông và chính quyền cách mạng; người nông dân được hưởng quyền tự do dân chủ phấn khởi xây dựng chế độ mới.

Tuy nhiên, công cuộc cải cách ruộng đất ở Nghệ An mắc phải những sai lầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng. Thực hiện Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (9/1956) và Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ nhân dân tỉnh nhà về việc sửa sai trong cải cách ruộng đất, Đảng bộ đã triển khai thực hiện thành ba bước và hoàn thành cơ bản vào cuối tháng 9/1957. Tháng 10/1957, Đảng bộ đã tổng kết công tác sửa sai. Kết quả công tác sửa sai gắn với việc chấn chỉnh kiện toàn tổ chức đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể đã củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Chiến tranh vừa kết thúc, hậu quả để lại rất nặng nề. Thiên tai diễn biến phức tạp: Lụt lớn tháng 9/1954, bão lụt tháng 9/1956 trên toàn tỉnh nên đói kém, dịch bệnh, tệ nạn xã hội diễn ra nghiêm trọng.

Trước tình hình đó, Đảng bộ chủ trương lãnh đạo đẩy mạnh các phong trào làm thủy lợi, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn; xây dựng tổ đổi công, phục hồi phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, thương nghiệp. Phát triển kinh tế trung du miền núi gắn liền với cuộc vận động "đoàn kết sản xuất"; các hoạt động văn nghệ, y tế, giáo dục...

Trong khi toàn tỉnh đang dồn sức phấn đấu thu được những kết quả đáng kể thì ngày 14/6/1957, Bác Hồ về làm việc và thăm quê sau 50 năm xa cách. Những lời dạy bảo của Bác là nguồn động viên lớn, tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An thi đua hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục thiên tai, phục hồi kinh tế, phát triển văn hóa.

Đảng bộ lãnh đạo thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế - văn hóa (1958 - 1960)

Trong thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, thu được những thành tích đáng kể: Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, sản lượng lương thực và năng suất vượt xa trước chiến tranh. Về công nghiệp đã tập trung xây dựng  mới nhiều cơ sở sản xuất và tu bổ những cơ sở cũ, có những bước cải tiến công tác quản lý, làm cho công nghiệp quốc doanh chiếm ưu thế trong nền kinh tế địa phương. Các lĩnh vực kinh tế khác cũng giữ được thế ổn định và đi lên. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế phát triển nhanh. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, vai trò lãnh đạo được nâng cao; bộ máy chính quyền và các tổ chức quần chúng được kiện toàn, củng cố. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tạo niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ mới.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX được tổ chức từ ngày 15 đến 23/3/1959 tại thị xã Vinh với 254 đại biểu (180 đại biểu chính thức và 74 dự thính). Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chung cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà trong 2 năm 1959 - 1960 là: "Phát huy truyền thống đoàn kết đấu tranh gian khổ, nâng cao dũng khí cộng sản chủ nghĩa, động viên toàn Đảng, toàn dân hăng hái vượt tới trước, quyết tâm hoàn thành kế hoạch 3 năm trước thời hạn, góp phần đẩy mạnh công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm cơ sở vững chắc cho đấu tranh thống nhất nước nhà"[4]. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 33 ủy viên chính thức và 8 ủy viên dự khuyết; đồng chí Võ Thúc Đồng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Sỹ quế được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Thành tựu nổi bật trong thời kỳ 1958 - 1960 là Đảng bộ đã gắn chặt việc cải tạo với phát triển, phát triển đi đôi với củng cố nên hầu như ở ngành kinh tế nào cũng đều có các phong trào thi đua sôi nổi, nhất là những ngành kinh tế quan trọng như nông nghiệp, công nghiệp nhằm xây dựng, củng cố các hợp tác xã, các xí nghiệp các công, nông, lâm nghiệp nên hạn chế được sai lầm, khắc phục dần những yếu kém trong công tác quản lý, tạo đà phát triển mới. Công tác xây dựng Đảng, củng cố, kiện toàn các tổ chức quần chúng và bộ máy chính quyền các cấp luôn được quan tâm đúng mức. Do đó, vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng cao, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp được tăng cường, vai trò làm chủ của nhân dân được phát huy.

Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, chúng ta đã tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp quá nhanh, chưa tạo được bước đi và mô hình phù hợp. Trong hợp tác hóa nông nghiệp còn thiên về bề rộng của phong trào, chưa nghiên cứu đầy đủ đến năng lực quản lý của cán bộ, trình độ giác ngộ và hiểu biết của xã viên nên kết quả hoạt động của hợp tác xã rất hạn chế. Trong công nghiệp và thủ công nghiệp đề cao quá mức lĩnh vực quốc doanh, tập thể, không tính toán kỹ đến tính chất ngành nghề truyền thống của địa phương và hiệu quả kinh tế của việc tập trung hợp tác nên làm hạn chế nhiều đến tính phong phú, đa dạng của ngành, nghề truyền thống trong tỉnh, tính sáng tạo của người lao động, hiệu quả kinh tế thấp.

 Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội (1961 - 1965).

Sau khi hoàn thành cơ bản nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ Nghệ An tập trung lãnh đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất. Trong thời gian này, Đảng bộ đã tiến hành hai kỳ đại hội: Đại hội lần thứ X tập trung cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nghệ An; Đại hội lần thứ XI, đẩy mạnh các phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch 5 năm và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ.

Đại hội lần thứ X được tổ chức 2 vòng. Vòng 1 họp từ ngày 24/6 đến 01/7/1960 tại thị xã Vinh với 260 đại biểu. Đại hội đã thảo luận và góp ý xây dựng đề cương báo cáo chính trị và bổ sung dự thảo điều lệ (sửa đổi) của Trung ương Đảng. Ra nghị quyết phát động chiến dịch “Tiếng trống Xô Viết” chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Đại hội đã bầu 33 đại biểu (3 dự khuyết) đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III. Vòng 2 họp từ ngày 20 đến 30/3/1961 tại thị xã Vinh với 238 đại biểu chính thức và 87 dự thính. Đại hội vạch ra phương hướng phấn đấu cho 2 năm 1961-1962, tập trung bàn biện pháp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc để góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 39 ủy viên (8 dự khuyết); đồng chí Võ Thúc Đồng tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Chu Mạnh, Nguyễn Sỹ Quế và Nguyễn Trương Khoát được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã mở ra thời kỳ mới, thời kỳ bước đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, tiếp tục xây dựng, củng cố quan hệ sản xuất mới ở Nghệ An.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI họp từ ngày 12 đến 21/8/1963 tại thị xã Vinh với 254 đại biểu chính thức và 32 đại biểu dự thính đại diện cho 53.416 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội tập trung bàn 2 vấn đề mấu chốt: Phát triển kinh tế và tăng cường quản lý kinh tế; xây dựng Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ; đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú ý miền núi, bảo vệ an ninh quốc phòng và phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 33 ủy viên (4 dự khuyết); đồng chí Võ Thúc Đồng tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Chu Mạnh, Nguyễn Sỹ Quế được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Để hoàn thành được nhiệm vụ chính trị của mình, Đảng bộ đã phát động và lãnh đạo thực hiện hàng loạt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và cách mạng như "Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong", "Cờ Ba Nhất", "Thanh niên 5 nhất” và “Phụ nữ 5 tốt", phong trào "4 biến", "3 xây, 3 chống"... Qua các phong trào thi đua, nhân dân trong tỉnh đã xây dựng được một số cơ sở vật chất kỹ thuật đáng kể; các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng cũng như quan hệ sản xuất có bước phát triển.

Quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đang có nhiều hứa hẹn thì đế quốc Mỹ và bọn tay sai liên tục quấy phá, đặc biệt là ở vùng miền Tây Nghệ An, gây cho ta nhiều khó khăn, phức tạp. Đến tháng 8/1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ở Nghệ An, ngay trận đầu tiên quân, dân thành phố Vinh đã bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ. Đây là chiếc máy bay bị bắn rơi đầu tiên trên miền Bắc. Với chiến công xuất sắc ấy, ngày 7/8/1964, Bác Hồ đã biểu dương, khen ngợi quân dân tỉnh nhà.

Cũng từ đây kế hoạch 5 năm lần thứ nhất triển khai thực hiện gặp muôn vàn khó khăn, mọi hoạt động bị xáo trộn. Đảng bộ lãnh đạo chuyển hướng các hoạt động sang thời kỳ mới -  thời kỳ cùng cả nước quyết tâm đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam.

 Lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho miền Nam (1965-1975)

Trước tình hình đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đảng ta kịp thời quyết định các chủ trương lớn: Chuyển hướng xây dựng kinh tế phù hợp với thời chiến; tăng cường lực lượng quốc phòng, tổ chức phòng tránh... quyết tâm đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ; chi viện cao nhất sức người, sức của để miền Nam giành thắng lợi quyết định.

Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các phong trào thi đua yêu nước và cách mạng trên các mặt trận sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng ra trận được phát động sôi nổi, rộng khắp. Trong quân đội có khẩu hiệu "Nhằm thẳng quân thù mà bắn"; trong công nhân có phong trào "Tay búa tay súng"; thanh niên có phong trào "ba sẵn sàng"; phụ nữ có phong trào "ba đảm đang"; trong thủy lợi có chiến dịch "Lam Trà nổi sóng"; "Mộ Đức quật khởi"; trong giao thông vận tải có khẩu hiệu "Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm" hoặc "xe chưa qua nhà không tiếc".... Toàn tỉnh quyết tâm phấn đấu với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc".

Từ ngày 15 đến 25/4/1972, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII họp tại xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương với 372 đại biểu (350 đại biểu chính thức) đại diện cho 89.383 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đại hội này đã "mở đầu cho một sự chuyển biến cách mạng trong lĩnh vực xây dựng kinh tế, phấn đấu đưa nền kinh tế tỉnh nhà từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết lần thứ 19 và 20 của Trung ương Đảng". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 37 ủy viên, trong đó có 4 dự khuyết; đồng chí Nguyễn Sỹ Quế được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Dương Văn Dật và Trương Văn Kiện được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Trải qua 10 năm (1965- 1975), vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa chống chiến tranh phá hoại, vừa chi viện cho chiến trường Miền Nam, Nghệ An đã phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng: Sản xuất nông nghiệp được giữ vững và có bước phát triển, đảm bảo lương thực, ổn định đời sống, chi viện chiến trường miền Nam. Phong trào hợp tác hóa tuy còn nhiều hạn chế về hiệu quả kinh tế, nhưng duy trì được tổ chức sản xuất trong điều kiện chiến tranh ác liệt là một thành tựu lớn. Chính hợp tác xã nông nghiệp đã có vai trò góp phần đáp ứng sức người, sức của cho cuộc kháng chiến (năm 1972 Nghệ An có 6 huyện đạt năng suất 5 tấn/ha trên diện tích 2 vụ lúa ổn định, gây được tiếng vang lớn). Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu cho Nghệ An tuy chưa vững chắc nhưng tạo được chuyển biến cơ bản góp phần quan trọng vào việc đảm bảo nhu cầu dân sinh và chi viện cho chiến trường, phục vụ chiến đấu trong những năm tháng gay go, ác liệt. Sự nghiệp văn hóa giáo dục và y tế đã góp phần nâng cao đời sống toàn diện cho nhân dân.  Đó là những cơ sở quan trọng làm tăng thêm sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trong chiến đấu, sản xuất và huy động nhân tài vật lực cho chiến trường, góp phần đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, làm tròn nghĩa vụ đối với cách mạng Miền Nam và nước bạn Lào, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

                                                                               (Còn nữa) 

Nguyễn Thị Hồng Vui 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.25.

[2] Văn kiện Đảng (1945- 1954), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1979, t.2, q.1, tr.171.

[3] Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, tập I (1930- 1954, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.247).

[4] Trích Báo cáo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX.

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội


Chuẩn bị đón Đoàn cấp cao tỉnh U-li-a-nốp đến thăm và làm việc tại Nghệ An và kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I.Lê-nin

Chuẩn bị đón Đoàn cấp cao tỉnh U-li-a-nốp đến thăm và làm việc tại Nghệ An và kỷ niệm 154 năm ngày sinh V.I.Lê-nin


Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về khoa học và công nghệ

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về khoa học và công nghệ


Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới

Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tình hình mới


Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em


Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)

Tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)


Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An


Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới

Nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới


Trọn niềm tin với Đảng

Trọn niềm tin với Đảng


Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam

Sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam


Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo tổ chức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo tổ chức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024


Giới thiệu “Tài liệu Hỏi - đáp Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”

Giới thiệu “Tài liệu Hỏi - đáp Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị”


Chào năm mới 2024, Nghệ An vững tin vào giai đoạn phát triển mới!

Chào năm mới 2024, Nghệ An vững tin vào giai đoạn phát triển mới!


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng


Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ở Đảng bộ Nghệ An qua gần 40 năm đổi mới đất nước

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức ở Đảng bộ Nghệ An qua gần 40 năm đổi mới đất nước