Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, tôn giáo, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc và tôn giáo
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề dân tộc và tôn giáo. Trong hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc của Người, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng trọng tâm, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đoàn kết đồng bào các dân tộc, đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nguyên tắc, là cơ sở, là nguyên nhân của mọi thắng lợi.
Tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam ngày 03/12/1945, Bác khẳng định: “Nhờ sức đoàn kết trong đấu tranh của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa”.
Trong “Thư gửi các vị Linh mục và đồng bào Công giáo Việt Nam ngày 25/12/1945” Người viết: “Hiện nay toàn quốc đồng bào ta Công giáo và ngoại Công giáo đều đoàn kết chặt chẽ, nhất trí đồng tâm như con một nhà, ra sức đấu tranh để gìn giữ nền độc lập của Tổ quốc. Ngoài sa trường thì xương máu của các chiến sĩ Công giáo và ngoại Công giáo đã xây nên một bức thành kiên cố vĩ đại để ngăn cản kẻ thù chung là bọn thực dân Tây. Ở khắp nơi trong nước, đồng bào Công giáo và ngoại Công giáo đang cả lực lượng giúp vào cuộc kháng chiến và kiến quốc. Tinh thần hy sinh phấn đấu ấy tức noi theo tinh thần cao thượng của Đức Chúa Giêsu”.
Người quan niệm “Tổ quốc độc lập Tôn giáo mới tự do”. Người luôn kêu gọi “Toàn thể đồng bào ta, không chia Lương Giáo, đoàn kết chặt chẽ, quyết lòng kháng chiến, để giữ gìn non sông, Tổ quốc mà cũng để giữ gìn quyền Tôn giáo tự do”; “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”.
Trong Sắc lệnh số 234 ký ngày 14/6/1945, Người nêu rõ: “Chính phủ đã bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của Nhân dân không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào”. Bác khẳng định những khía cạnh cao đẹp về đạo đức và nhân văn của tôn giáo:“Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái/Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi/Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”. Và “Mục đích Chính phủ ta theo đuổi là chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho Nhân dân. Song, để đạt tới hạnh phúc đó cho mọi người thì cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu Đức Chúa Giêsu sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đương thời, chắc Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi theo con đường cứu khổ loài người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng và tôn giáo của Nhân dân, nhưng Người luôn phân biệt rõ tín ngưỡng, tôn giáo chân chính với những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân để mê hoặc Nhân dân, chống phá Đảng, Nhà nước.
2. Nghệ An vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giải quyết vấn đề về dân tộc và tôn giáo thời kỳ đổi mới
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng nhất nước với 16.493,7km2, trong đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có diện tích 13.745km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; có đường biên giới dài 468,281 km tiếp giáp với 03 tỉnh (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bô Ly Khăm Xay) của nước CHDCND Lào và 82 km bờ biển. Dân số toàn tỉnh trên 3,5 triệu người; dân số miền núi 1.197.628 người, chiếm 36%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 DTTS cùng sinh sống đan xen tập trung chủ yếu ở 12 huyện, thị xã với 05 DTTS có lịch sử sinh sống lâu đời trên địa bàn là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.
Toàn tỉnh có 02 tổ chức tôn giáo được công nhận là Công giáo và Phật giáo. Công giáo có khoảng hơn 300.000 tín đồ; 234 chức sắc gồm 02 Giám mục và 232 linh mục; có Tòa giám mục giáo phận Vinh, 345 nhà thờ xứ, họ đạo tại 16 huyện, thành phố, thị xã; 03 dòng tu hợp pháp. Phật giáo có khoảng 150.000 phật tử; 75 chùa và 01 niệm Phật đường; trong đó có 49 chùa đã có sư trụ trì ở 14 huyện, thành phố, thị xã; 109 tăng, ni, tu sĩ, trong đó có 40 sư trụ trì các chùa.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, tôn giáo, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo như: Đề án số 02-ĐA/TU về "Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo"; Chỉ thị số 17-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2026 và định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 21-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận ở vùng đặc thù của lực lượng vũ trang tỉnh giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo; Đề án số 07-ĐA/TU về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”, Nghị quyết số 04-NQ/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo"...
Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) ngày càng phát triển. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được quan tâm triển khai thực hiện, nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả. Đến nay, trên 11 huyện, thị xã miền núi ở Nghệ An có 236 sản phẩm, trong đó 226 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao và 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Dịch vụ thương mại phát triển khá, nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư, tạo điều kiện để giao thương hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng DTTS&MN. Kinh tế hợp tác xã có bước phát triển, vùng DTTS&MN có 298 HTX chiếm 42,1% toàn tỉnh, trong đó có 173 HTX hoạt động có hiệu quả. Đã xuất hiện nhiều cách làm mới, hiệu quả từ khâu đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hiện đại đến xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm. Phát triển làng nghề được quan tâm, tổng số làng nghề vùng DTTS&MN có 43 làng nghề/189 làng nghề của cả tỉnh (chiếm 22,8%). Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng DTTS&MN nói riêng có sự phục hồi tích cực, bước đầu đã hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn các giá trị lịch sử văn hóa của đồng bào DTTS góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Các chủ trương, chính sách về giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt luôn được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả. Triển khai lập 05 dự án để phê duyệt hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 60 dự án để phê duyệt hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Tổng vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển cho vùng DTTS&MN theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 8.859 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 3.003,337 tỷ đồng, số còn lại là ngân sách Trung ương và nguồn khác lồng ghép thực hiện.
Hệ thống chính trị vùng DTTS được quan tâm xây dựng, củng cố. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đa số tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên người DTTS ngày càng được nâng lên. Công tác phát triển đảng viên là người DTTS đã được quan tâm chỉ đạo thường xuyên qua việc giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới hằng năm cũng như thông qua việc chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Đề án số 01-ĐA/TU. Số đảng viên là người DTTS được kết nạp tăng dần theo các năm, 05 năm qua đã kết nạp được 3.285 đảng viên người DTTS, chiếm 17,1% trong tổng số đảng viên được kết nạp (25.359 đồng chí). Thực hiện chủ trương bố trí cán bộ, sỹ quan Bộ đội Biên phòng về sinh hoạt Đảng tại các chi bộ xóm, bản yếu kém, vùng xung yếu, tham gia bí thư, phó bí thư, Ban chấp hành Đảng bộ các xã vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Công an tỉnh đã bố trí lực lượng công an chính quy, thành lập chi bộ Công an xã, đồng chí trưởng Công an xã là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ xã, đại biểu HĐND, ủy viên UBND xã. Thông qua các chủ trương này, đã tạo được chuyển biến tích cực cả về tổ chức, nội dung, chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở, góp phần tích cực trong việc chấn chỉnh lề lối, tác phong, nền nếp công tác của các tổ chức và cán bộ trong hệ thống chính trị ở các xã; giúp dân phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng hoạt động các chi bộ. Đến nay, 100% xóm, bản vùng DTTS&MN có chi bộ đảng. Công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đạt được những thành tựu quan trọng. Giai đoạn 2019-2024, tỉnh Nghệ An đã bình chọn được 6.858 lượt người có uy tín; riêng năm 2024 bình chọn 926 người uy tín. Các chế độ chính sách cho người có uy tín được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập, điều kiện sống, văn hóa, giáo dục, y tế giữa các vùng trong tỉnh. Tập trung hướng mạnh về cơ sở với phương châm cầm tay chỉ việc, tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách tăng khá; thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tăng nhanh, một số cơ sở sản xuất quan trọng đi vào hoạt động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và nộp ngân sách của vùng. Công tác quy hoạch, quản lý cán bộ đi vào nền nếp, chặt chẽ, đúng quy định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị được quan tâm xây dựng, nhiều công trình trọng điểm đã và đang được thực hiện. Công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố và tăng cường; tình trạng di cư tự do dần được hạn chế đến mức thấp nhất. Tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy trên địa bàn được đấu tranh ngăn chặn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền ngày càng vững chắc. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, dành nguồn lực rất lớn cho vùng đồng bào DTTS, sau 04 năm triển khai đã có tác động rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nói riêng, ổn định kinh tế - xã hội và phát triển những lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nói chung.
Các tổ chức tôn giáo hoạt động cơ bản ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật, theo đúng hiến chương, điều lệ. Giáo hội các tôn giáo thực hiện cơ bản đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật trong giải quyết nhu cầu tôn giáo; tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo và các cuộc vận động, các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, thi đua yêu nước như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng đô thị văn minh”... góp phần xây dựng khối đại đoàn kết lương giáo và phát triển kinh tế - xã hội. Các nhu cầu về tổ chức lễ nghi tôn giáo, thành lập, chia tách, sáp nhập hợp nhất tổ chức tôn giáo, nhu cầu về đất đai, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, công trình tôn giáo… được giáo hội và chính quyền phối hợp triển khai thực hiện.
Hệ thống dân vận và các ngành đã phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của Nhân dân; làm cho Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa cấp ủy 02 cấp với đại diện nhân dân, đối thoại giữa chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND xã với Nhân dân. Các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp 6.154 công dân; tiếp nhận 9.857 đơn, trong đó số đơn đủ điều kiện xử lý là 8.341 đơn; với 386 vụ việc khiếu nại, tố cáo phải xử lý, đến nay đã giải quyết được 348/386 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,2%. Tham mưu củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở và giới thiệu bồi dưỡng kết nạp đảng viên là người theo tôn giáo. Tổ chức thực hiện hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công tác dân vận ở vùng có đông đồng bào theo tôn giáo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực triển khai, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện phong trào “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động ủng hộ quỹ vì người nghèo; Chương trình 1.838 hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào Thanh niên tình nguyện; Mái ấm Công đoàn...
Tổ chức vận động Nhân dân tham gia phong trào thi đua yêu nước gắn với các hoạt động nhân đạo, từ thiện; vận động đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tuyên truyền phòng, chống các hoạt động lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, giữ gìn và bảo vệ khối đại đoàn kết các dân tộc. Tổ chức hoạt động dã ngoại gắn với phong trào lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới, đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng tôn giáo giúp đỡ đồng bào sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đóng góp hàng chục ngàn ngày công, hỗ trợ vật chất đào đắp, sửa chữa đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, tu sửa nâng cấp trạm y tế xã, trường học; giúp dân xây dựng, sửa chữa, tặng nhà ở; tặng quà, xe đạp, đỡ đầu cho học sinh nghèo vượt khó...
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục được chú trọng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn;vận động Nhân dân trong giải phóng mặt bằng, hiến đất, góp ngày công... tạo thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh. Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Năm 2024, đồng bào theo tôn giáo toàn tỉnh đã hiến 7.352m2 đất, tháo dỡ 3.025m2 tường bao, giải tỏa lề đường giao thông 11.320m2, tham gia 16.125 ngày công, đóng góp trên 15,5 tỷ đồng, xây dựng 15,2km đường nhựa, 45,8km đường bê tông nông thôn, 5,5km mương thoát nước. Đến nay, toàn tỉnh có 327 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 127 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 739 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Hệ thống dân vận phối hợp lực lượng vũ trang xây dựng, nhân rộng các mô hình vận động Nhân dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn vùng giáo. Tuyên truyền, vận động Nhân dân giải quyết tốt các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân; phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của Nhân dân, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện và ngăn chặn kịp thời, làm thất bại mọi âm mưu và các thủ đoạn của các thế lực thù địch. Triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo” đạt nhiều kết quả tốt. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức kết nghĩa với huyện Quế Phong, chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự huyện, thành phố, thị xã và e764 tổ chức kết nghĩa với 01 địa phương cấp xã ở vùng đặc thù; thực hiện có hiệu quả các mô hình dân vận khéo như: “Đoàn kết quân dân, ấm tình xứ đạo”, “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng”, “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”, “Tết ấm miền Tây xứ nghệ”... Tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ, quan hệ chân thành, đúng mực với chức sắc, tín đồ tôn giáo để nắm tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hạn chế hoạt động vi phạm pháp luật. Nhân các dịp lễ trọng của tôn giáo và đất nước, lãnh đạo các cấp đã đến chúc mừng, tặng quà các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ; thăm hỏi, hỗ trợ chức sắc, chức việc, tín đồ và người thân khi ốm đau, khó khăn, hoạn nạn...
3. Một số bài học kinh nghiệm
Thứ nhất là, cấp ủy, chính quyền các cấp thống nhất nhận thức, xác định thực hiện công tác dân tộc, công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà cốt lõi là công tác vận động quần chúng. Tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc, tôn giáo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất là khi giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến dân tộc, tôn giáo.
Thứ hai là, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội gắn với phát huy dân chủ, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trên mọi mặt của đời sống; vai trò chủ thể của người dân trong các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đối với vùng DTTS&MN, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo.
Thứ ba là, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN cần phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS, kết hợp giữa xu hướng hiện đại với truyền thống bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc nhằm bảo tồn phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc.
Thứ tư là, thực hiện tốt công tác nắm, dự báo tình hình, đánh giá đúng diễn biến có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là âm mưu, ý đồ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch để chủ động ứng phó và xử lý kịp thời. Kịp thời nhận diện và kiên quyết đấu tranh với các luận điểm sai trái, thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS, vùng có đông đồng bào theo tôn giáo.
Thứ năm là, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đa dạng hóa hình thức tập hợp hội viên, đoàn viên. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường cán bộ chủ chốt cho những nơi trọng yếu, nơi có tình hình an ninh chính trị phức tạp.
Thứ sáu là, tăng cường quan hệ, gần gũi, cởi mở với các chức sắc, chức việc tôn giáo, xây dựng đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, đồng bào theo tôn giáo để làm nòng cốt đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước và trong hoạt động tuyên truyền, đấu tranh đối với các vụ việc vi phạm pháp luật liên quan dân tộc, tôn giáo.
Như vậy, sau gần 40 năm đổi mới, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giải quyết vấn đề về dân tộc và tôn giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An, khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, đồng bào các tôn giáo tiếp tục được củng cố và mở rộng. Hệ thống dân vận, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo. Đồng bào các dân tộc, tôn giáo tích cực chung tay, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp./.
Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy