Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Nghệ An - Hậu phương lớn nuôi dưỡng lực lượng cách mạng miền Nam: Từ nghĩa tình ruột thịt đến bản hùng ca thống nhất

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam là kết tinh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần độc lập, tự chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hành trình trường kỳ đó, có những đóng góp thầm lặng nhưng mang ý nghĩa chiến lược, góp phần quyết định đến thắng lợi cuối cùng.

 

Một trong những dấu ấn như vậy là vai trò đặc biệt của Nghệ An trong việc tiếp nhận, bố trí và ổn định cuộc sống cho hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, góp phần dưỡng nuôi lực lượng cách mạng, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Tuy nhiên, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra âm mưu phá hoại Hiệp định của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, từ đó xác định việc tập kết cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước từ miền Nam ra Bắc không chỉ là một giải pháp tình thế, mà là một quyết sách chiến lược có tính tầm nhìn xuyên thời đại.

Chủ trương tổ chức tiếp nhận, chăm lo và đào tạo lực lượng miền Nam tập kết ra Bắc thể hiện tư duy cách mạng liên tục, toàn diện và sáng tạo của Đảng ta. Đây không chỉ là sự chuẩn bị cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, mà còn là quá trình tích lũy nội lực, dưỡng nguồn cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Trong tiến trình đó, Nghệ An đã trở thành một trong những địa bàn trọng yếu, được Trung ương tin tưởng giao nhiệm vụ tiếp nhận lực lượng cách mạng từ miền Nam ra Bắc - một công việc vừa mang tầm vóc lịch sử, vừa đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao cả và lòng nhân ái sâu sắc.

Điểm tựa hậu phương vững chắc, nơi chở che những người con miền Nam tập kết, góp phần làm nên Chiến thắng 30/4

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã rời quê hương tập kết ra miền Bắc, chuẩn bị cho một cuộc trường kỳ kháng chiến nhằm thống nhất đất nước. Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh  được Trung ương Đảng tin tưởng giao trọng trách tiếp nhận, nuôi dưỡng, rèn luyện lực lượng cách mạng miền Nam. “Từ cuối tháng 12 năm 1954 đến đầu năm 1955, Nghệ An đã tiếp nhận hơn 26. 629 cán bộ, bộ đội, thương binh, công nhân và đồng bào miền Nam tập kết, trong số này, nhều người tiếp tục chuyển ra các tỉnh phía Bắc. Số còn lại với hơn 200 gia đình và hơn 386 nhân khẩu chuyển về thị xã Vinh và các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên. Tại các địa phương, đồng bào được chính quyền và nhân dân chia sẻ, đùm bọc , phân chia tư liệu sản xuất, bố trí nơi ăn, chốn ở và ổn định đời sống, sản xuất”[1]. Nhân dân Nghệ An đã đón nhận đồng bào miền Nam bằng cả nghĩa tình ruột thịt. Họ nhường nhà cửa, chia ruộng vườn, cùng làm việc, cùng sinh hoạt, cưu mang những người con từ phương Nam ra Bắc. Từ vùng quê Quỳnh Lưu, Diễn Châu đến đô thị Vinh, nơi đâu cũng in dấu hình ảnh bà con miền Nam hòa nhập, cùng dựng nhà, trồng lúa, chăn nuôi, khai hoang, mở đất.

Trong thành phần tập kết ra Bắc, bộ đội được phân về các đơn vị sẵn có hay lập thành các đơn vị riêng theo biên chế quân ngũ. Bộ phận là cán bộ hành chính và chuyên môn được bố trí phù hợp với nghề nghiệp hoặc theo nguyện vọng cá nhân.

Nhiều người đã gắn bó cả tuổi trẻ với mảnh đất Nghệ An, trở thành một phần máu thịt của cộng đồng, tham gia sản xuất ở các nông trường Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Anh Sơn, tham gia xây dựng hợp tác xã, công trường, bệnh viện, trường học. Đặc biệt, hàng nghìn thanh niên trẻ tập kết đã được bố trí lao động, sản xuất trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, nhất là hệ thống nông - lâm – ngư trường thuộc tỉnh quản lý và Trung ương đóng trên địa bàn. Tại các nông trường như Đông Hiếu, 19-5, Quỳnh Lưu, Cờ Đỏ, Tây Hiếu, Nông trường 1-5, Lâm trường Anh Sơn, Cẩm Sơn, Ngư trường Cửa Hội, Ngư trường Quỳnh Lưu, nhiều thanh niên miền Nam tập kết đã trở thành công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Các đơn vị này không chỉ là nơi tạo việc làm, mà còn là môi trường rèn luyện ý chí, bản lĩnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần và giáo dục chính trị cho lực lượng cách mạng miền Nam. Tại đây, nhiều cán bộ miền Nam đã trưởng thành, giữ vai trò hạt nhân trong các phong trào thi đua sản xuất, là lực lượng nòng cốt sau này trở lại miền Nam làm cách mạng hoặc tiếp tục cống hiến cho công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Không chỉ dừng lại ở việc bố trí công tác, tỉnh Nghệ An còn chú trọng đào tạo văn hóa, chuyên môn cho lực lượng miền Nam. Hệ thống trường học từ phổ thông đến trung cấp, dạy nghề đều có học sinh, sinh viên là con em miền Nam. 2024 học sinh tập kết được nuôi dưỡng, chăm sóc và xếp vào các trường học tập. Liên hiệu bộ  trường học sinh miền Nam gồm 5 trường từ lớp vỡ lòng đến cấp 3. Số thanh niên tập kết quá tuổi học phổ thông, nếu có nguyện vọng, được giới thiệu ra các trường bổ túc công nông ở Hà Nội và Hải Phòng.  Các trường “Liên khu học sinh miền Nam” đã đào tạo ra hàng ngàn học sinh ưu tú, sau này trở thành cán bộ, sĩ quan, trí thức, nhà giáo, kỹ sư… nhiều người đã trở về chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào Đại thắng mùa Xuân 1975. Những năm tháng sống, học tập và lao động tại Nghệ An đã hun đúc cho đồng bào miền Nam tập kết niềm tin sắt son vào lý tưởng thống nhất đất nước. Và chính từ hậu phương này, những hạt giống cách mạng đã trưởng thành, sẵn sàng dấn thân cho ngày đất nước sum họp.

Đồng bào miền Nam tập kết còn được tạo điều kiện học văn hóa, học nghề, được bố trí công tác phù hợp với năng lực và sở trường. Tại các trường học, bệnh viện, xí nghiệp, rất nhiều cán bộ, giáo viên, bác sĩ, kỹ thuật viên gốc miền Nam đã tỏa sáng, trở thành những hạt nhân tiên phong trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Hàng ngàn học sinh miền Nam đã được nuôi dưỡng lý tưởng, rèn luyện ý chí, học tập văn hóa và phẩm chất cách mạng. Sau này, nhiều người trong số đó đã trở về chiến trường miền Nam, trở thành cán bộ cốt cán, chiến sĩ dũng cảm, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang ngày 30/4/1975.

Từ nghĩa tình hậu phương đến đóng góp cho đại thắng mùa Xuân

Cuộc tập kết ra Bắc năm 1954 không chỉ là một cuộc chuyển quân thuần túy, mà là bước chuyển chiến lược trong toàn bộ tiến trình cách mạng. Những người miền Nam tập kết ra Bắc tiếp tục được đào tạo, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng trở về Nam khi Tổ quốc cần. Trong suốt hai thập kỷ sau đó, chính lực lượng này đã trở thành nòng cốt của phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam – là những cán bộ, chiến sĩ, trí thức góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Nghệ An - một trong những địa phương trực tiếp tiếp nhận và dưỡng nguồn lực lượng ấy, đã âm thầm thực hiện một cuộc cách mạng có ý nghĩa chiến lược. Bằng tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt và trách nhiệm cách mạng cao cả, Nghệ An trở thành “cái nôi” nuôi dưỡng ý chí thống nhất, là hậu phương vững chắc của tiền tuyến lớn. Không chỉ tiếp nhận, bố trí và ổn định cuộc sống cho đồng bào miền Nam tập kết, tỉnh còn tạo dựng môi trường chính trị - xã hội tích cực, lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc thông qua các phong trào như “Miền Nam ruột thịt”, “Nhường cơm sẻ áo”. Đó là biểu hiện sinh động của tinh thần “Cả nước vì miền Nam, miền Nam vì cả nước”, là minh chứng cụ thể cho tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ dày công xây dựng.

Việc Nghệ An tiếp nhận và nuôi dưỡng đồng bào miền Nam không chỉ là một phần của lịch sử kháng chiến, mà còn là biểu tượng sống động của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, về mối quan hệ máu thịt Bắc - Nam, về tinh thần tương thân tương ái và niềm tin tất thắng của cách mạng Việt Nam. Chủ trương “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của Bác không chỉ là khẩu hiệu mà đã được cụ thể hóa bằng chính sách và hành động thiết thực như thế.

Thắng lợi ngày 30/4/1975 không chỉ đến từ các chiến dịch quân sự thần tốc, mà còn là kết tinh của hàng triệu đóng góp bền bỉ, âm thầm trên khắp mọi miền đất nước. Trong dòng chảy lớn lao ấy, Nghệ An - vùng đất giàu truyền thống cách mạng - đã để lại dấu ấn đặc biệt với vai trò là hậu phương vững chắc, nơi tiếp nhận, tổ chức và nuôi dưỡng lực lượng cách mạng miền Nam. Bài học từ sự kiện này không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn gợi mở ý nghĩa thời sự sâu sắc: trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay, tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, ý chí vượt khó và đoàn kết toàn dân – những giá trị từng làm nên bản lĩnh của Nghệ An - vẫn là cội nguồn sức mạnh để Việt Nam tiếp tục vươn lên, hội nhập và phát triển.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để tôn vinh những đóng góp thầm lặng nhưng không kém phần vĩ đại, như câu chuyện Nghệ An tiếp nhận và nuôi dưỡng đồng bào miền Nam tập kết. Đó là minh chứng sống động cho một chân lý: không có sức mạnh nào lớn hơn tình yêu quê hương đất nước, lòng nhân ái và khát vọng thống nhất. Chính từ những điều tưởng như nhỏ bé ấy, dân tộc Việt Nam đã viết nên bản hùng ca bất tử vào Đại thắng mùa Xuân 1975 - ngày đất nước sạch bóng quân thù, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Kim Lưu, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy 

 


[1] Số liệu và sự kiện trích theo Biên bản Hội nghị kiểm điểm công tác lãnh đạo đón tiếp các gia đình miền Nam của tỉnh Nghệ An, Phòng Lưu trữ Tỉnh ủy, hồ sơ 98, mục lục số 1, tr.13.

Tin cùng chuyên mục

Nghệ An: Hội thảo khoa học về tăng cường sự lãnh đạo của đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay

Nghệ An: Hội thảo khoa học về tăng cường sự lãnh đạo của đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay


Tỉnh Nghệ An đạt giải Tập thể xuất sắc tại Cuộc thi trực tuyến “Tự hào Việt Nam”

Tỉnh Nghệ An đạt giải Tập thể xuất sắc tại Cuộc thi trực tuyến “Tự hào Việt Nam”


Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước

Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước


Hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 4

Hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 4


Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy


Hội thảo khoa học: “Văn học, Nghệ thuật Nghệ An 1975-2025: thành tựu và những vấn đề đặt ra”

Hội thảo khoa học: “Văn học, Nghệ thuật Nghệ An 1975-2025: thành tựu và những vấn đề đặt ra”


Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy phối hợp tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực xây dựng Hải quân hiện đại

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy phối hợp tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực xây dựng Hải quân hiện đại


Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An chính thức hoạt động từ ngày 1/5/2025

Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An chính thức hoạt động từ ngày 1/5/2025



Hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5

Hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5


Tập huấn chuyên đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tập huấn chuyên đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 3

Hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy tháng 3


Hội nghị giao ban báo chí định kỳ tháng 3

Hội nghị giao ban báo chí định kỳ tháng 3


Hội nghị trực tuyến quán triệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy

Hội nghị trực tuyến quán triệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy


Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ tổ chức Lễ công bố các quyết định về công tác cán bộ

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ tổ chức Lễ công bố các quyết định về công tác cán bộ