Chiều 25/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì.
Quang cảnh phiên làm việc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội chiều 25/6. Ảnh: Nam An
TRÌNH QUỐC HỘI CHO PHÉP TĂNG LƯƠNG CƠ SỞ LÊN 2,34 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG, TĂNG LƯƠNG HƯU 15%
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm 2 nội dung: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật Lao động (tăng 6% từ ngày 1/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Ảnh: Nam An
Đối với khu vực công, Chính phủ đề nghị thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW đã rõ, đủ điều kiện thực hiện, gồm: Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1/7/2024 (bằng 10% quỹ lương cơ bản); quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.
Đối với 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công, gồm: Các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới; do phát sinh nhiều bất cập nên cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng; đồng thời, phải xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ nhiều quy định hiện hành liên quan đến mức lương cơ sở.
Theo đó, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024 với 3 nội dung: Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); cho nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý; thực hiện bảo lưu tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các vị ĐBQH tại phiên làm việc chiều 25/6. Ảnh: Nam An
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép thực hiện điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH; đồng thời, đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày báo cáo thẩm tra các nội dung trên, trong đó đánh giá: Việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng là mức tăng đáng ghi nhận, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Ảnh: Nam An
Tuy nhiên, cùng với việc tăng lương cơ sở, đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2026 mà Quốc hội giao; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công; cần có cơ chế cấp bù ngân sách khi giá dịch vụ công thiết yếu chưa kịp điều chỉnh so với mức lương mới, để các đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên cân đối được thu - chi và có tích lũy; bảo đảm quyền tự chủ thực chất khi thực hiện tự chủ tài chính.
THỰC HIỆN THẬN TRỌNG, CÓ LỘ TRÌNH, ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG, HỢP LÝ
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ. Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn và Quảng Ngãi. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì, điều hành thảo luận.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức
Phát biểu thảo luận, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, ĐBQH đoàn Nghệ An nhận định: Việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) trong bối cảnh hiện nay là hợp lý, hợp tình, khi chưa hoàn thiện được các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An chủ trì, điều hành thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức
Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng phân tích và nêu lên một số đề xuất cụ thể trong việc xây dựng hệ thống bảng lương mới. Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở làm khung để thực hiện. Đồng thời, giao các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tiếp tục rà soát, sắp xếp các chức danh, chức vụ theo phân cấp quản lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục do Bộ Chính trị ban hành. Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ có 234 chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở gắn với phụ cấp (công vụ, chức vụ, kiêm nhiệm, thu hút, đặc thù, thâm niên nghề).
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, ĐBQH đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh chỉ rõ các thách thức hiện nay là bên cạnh số lượng chức danh, chức vụ như trên; thì việc vận dụng tất cả các chức danh, chức vụ “tương đương” vào chức vụ cụ thể để tính lương theo bảng lương mới là điều hết sức khó khăn. Mặt khác, hiện tại việc ban hành danh mục vị trí việc làm hầu như đã có theo bộ, ngành, ngành dọc, song từ vị trí việc làm để mô tả cụ thể công việc, biên chế tương ứng và nhiều nội dung khác chưa được ban hành. Cùng với đó, hệ thống lương hiện hành có nhiều bậc, nhiều ngạch lương, chưa kể các trường hợp được bảo lưu nếu lương mới bị giảm so với lương cũ.
Trên cơ sở phân tích các khó khăn đó, đại biểu cho rằng trong thời gian tới, khi tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các bảng lương mới và chế độ phụ cấp cần phải xem xét thận trọng, trên cơ sở tổng quan giữa các đối tượng, thành phần được hưởng lương, có lộ trình hợp lý; đảm bảo công bằng, tránh tâm tư sau khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, khóa XII.
Nguồn: BNA