Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn giá và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc dịp Tết Giáp Thìn năm 2024

Để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân toàn tỉnh trong dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024, hiện nay, các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn giá, đồng thời phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.

 

Kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm 2023 của cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài như khủng hoảng năng lượng, thiếu hụt nguyên liệu, cộng hưởng tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraina, Hamas Israel đã kích hoạt lạm phát, sự bùng nổ giá cả các loại hàng hóa trên thị trường toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.

Nhận định được tình hình, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Nghệ An đã triển khai quyết liệt các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy và chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương tập trung triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp góp phần kích thích các ngành sản xuất phát triển… Nhờ đó kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển tích cực, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo.

Vào dịp cuối năm, thị trường hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tỉnh bắt đầu có chiều hướng tăng, cụ thể: Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11 năm 2023 ước đạt 8.459,1 tỷ đồng, chiếm 75,14% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, tăng 1,78% so với tháng trước và tăng 16,74% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2023 tăng 0,12% so với tháng trước. Có 2/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước đó là: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,42%; Hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,29%. Có 2/11 nhóm hàng hoá không tăng, không giảm so với tháng trước là: Bưu chính viễn thông và Giáo dục. Có 7/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước là: Nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 0,42%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,25%; Giao thông giảm 0,18%; May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,1%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,05%; Thiết bị và đồ dùng gia đình và Văn hóa, giải trí và du lịch đều giảm 0,04%.  

Tuy nhiên, cũng tồn tại nhiều khó khăn tác động đến thị trường hàng hóa dịp cao điểm cuối năm như: Sự bất ổn tình hình thế giới có thể khiến giá nguyên vật liệu đầu vào biến động tăng, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản phẩm, tạo áp lực cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khiến giá hàng hóa tiêu dùng có thể tăng lên. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao gây áp lực lên sản xuất. Thu nhập của người dân bị ảnh hưởng sau thời gian dài nền kinh tế bị tác động bởi dịch Covid-19, khiến người dân thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng, đa số người dân thắt chặt chi tiêu. Các mặt hàng sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh nên dễ ảnh hưởng đến nguồn cung dịp cuối năm.

Trước tình hình đó, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

Chủ động đảm bảo nguồn hàng

Hiện trên địa bàn tỉnh có 27 trung tâm thương mại, 81 hệ thống siêu thị, 371 chợ, 17 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hơn 600 cửa hàng tiện lợi và hơn 3000 cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã. Tất cả các hạ tầng thương mại đều được cải thiện đáng kể, hàng hóa phong phú, giá cả ổn định. Dự kiến cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần.

Năm nay, Tết Nguyên đán cách Tết Dương lịch 40 ngày, các đơn vị sản xuất hàng hóa phục vụ Tết có nhiều thời gian để chuẩn bị, sẽ được đảm bảo về số lượng và chất lượng sản phẩm.

Để triển khai công tác phục vụ Tết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm và dịp Tết, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2024 của Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường, đồng thời nghiêm túc thực hiện các công việc được giao.

UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 10154/UBND-KT ngày 28/11/2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đánh giá tình hình, diễn biến thị trường, cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao, hoặc có biến động giá, để có sự chỉ đạo, điều phối phù hợp.

Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu và hàng hóa có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết Nguyên đán, phục vụ tiêu dùng của người dân; thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường; đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, chương trình kích cầu tiêu dùng, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa... UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tĩnh cũng bắt đầu triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện các giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 của địa phương.

Mặc dù chỉ còn hơn 01 tháng nữa là Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 nhưng thị trường tiêu dùng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu dịp cuối năm vẫn không có biến động nhiều, tương đối ổn định. Theo dự kiến, nhu cầu tiêu dùng các tháng trước trong và sau Tết Nguyên đán tăng khoảng 20% - 30% so với các tháng khác. Các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu triển khai đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024, chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa hợp lý và kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường trong các dịp cao điểm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết và đảm bảo công tác phòng chống dịch. Nhìn chung, hàng hóa phục vụ Tết năm nay vẫn được chuẩn bị dồi dào, mẫu mã phong phú, đa dạng, giá cả hầu hết các mặt hàng tương đối ổn định. Một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao vào những ngày giáp Tết như trái cây, hoa tươi, thực phẩm tươi sống... dự kiến có giá bán tăng so với ngày thường nhưng mức tăng vẫn trong tầm kiểm soát và chỉ tăng trong thời gian ngắn.

Dự kiến các ngày sát tết, người dân tại các địa phương, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Vinh mới bắt đầu mua sắm Tết cho gia đình khiến các chợ, các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn sôi động hơn ngày thường. Hầu hết các cửa hàng quần áo, giày dép, thực phẩm, đồ gia dụng…đều chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ phục vụ nhu cầu của người dân, cung cầu hàng hóa tăng so với những ngày trước Tết nhưng mức tăng phù hợp với quy luật của thị trường, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, khan hiếm hàng hóa, sốt giá trên thị trường.

Đẩy mạnh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc

Vào các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dự báo tình hình buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, hiện đại hơn trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, nhất là tuyến biên giới đất liền, vùng biển, cảng hàng không quốc tế và địa bàn nội địa trọng điểm trong cả nước.

Theo báo cáo Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ban chỉ đạo 389 tỉnh, tình hình tội phạm và vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kìm giữ và ở mức trung bình của cả nước. Tình trạng vận chuyển và buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tập trung vào các địa bàn trọng điểm như thành phố Vinh, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương... Chủ yếu là các hoạt động vận chuyển, buôn bán các mặt hàng không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, các mặt hàng tiêu dùng như: bánh kẹo, quần áo may mặc sẵn, mỹ phẩm, đồ điện gia dụng, thuốc lá, lâm sản, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, pháo nổ, phân bón, vật tư y tế... Đáng chú ý, các đối tượng chuyển sang hình thức kinh doanh thương mại điện tử, hoạt động buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử đang có xu hướng gia tăng.

Cũng theo báo cáo, kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 3.282 vụ kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính, khởi tố hình sự 130 vụ/189 đối tượng với tổng giá trị thu phạt lên tới 94 tỷ 281 triệu đồng, trong đó, tiền bán hàng tịch thu đạt 165 triệu đồng.

Để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, nhiệm vụ chung của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách. Đối với công tác phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok...) mua, bán trực tuyến...; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Để thị trường hàng hóa những tháng cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 lành mạnh và an toàn, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thì người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Người tiêu dùng khi mua hàng hóa cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc hàng hóa và phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, việc người tiêu dùng từ chối dùng hàng giả và cung cấp thông tin về hàng gian, hàng giả phát hiện được cho cơ quan chức năng và báo chí sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong việc chống hàng gian, hàng giả./.

                                                             Công Mạnh - Nguyễn Yên 

Tin cùng chuyên mục

Sáng nay khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Sáng nay khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV


Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Bộ Chính trị, Ban Bí thư họp triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị


Nghệ An khuyến khích các địa phương xem xét điều chỉnh tên gọi các xã sau sắp xếp

Nghệ An khuyến khích các địa phương xem xét điều chỉnh tên gọi các xã sau sắp xếp


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 30/4

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 30/4


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh


Nghệ An - Hậu phương lớn nuôi dưỡng lực lượng cách mạng miền Nam: Từ nghĩa tình ruột thịt đến bản hùng ca thống nhất

Nghệ An - Hậu phương lớn nuôi dưỡng lực lượng cách mạng miền Nam: Từ nghĩa tình ruột thịt đến bản hùng ca thống nhất


Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một


Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9 tại huyện Nghi Lộc

Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9 tại huyện Nghi Lộc


50 năm thống nhất đất nước: Ngày 26/4/1975 - mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh

50 năm thống nhất đất nước: Ngày 26/4/1975 - mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh


"Miền Nam trong trái tim Người": Bản hùng ca tri ân và khát vọng thống nhất

"Miền Nam trong trái tim Người": Bản hùng ca tri ân và khát vọng thống nhất


Gần 96% nhân dân toàn tỉnh đồng tình với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Gần 96% nhân dân toàn tỉnh đồng tình với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã


Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An làm việc với Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng

Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An làm việc với Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng


Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh phối hợp, đồng hành vì sự phát triển của Nghệ An

Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh phối hợp, đồng hành vì sự phát triển của Nghệ An


Nghệ An: Năm mươi năm thống nhất đất nước - Hậu phương kiên cường, động lực tăng trưởng

Nghệ An: Năm mươi năm thống nhất đất nước - Hậu phương kiên cường, động lực tăng trưởng


Nghệ An gặp mặt các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tiêu biểu

Nghệ An gặp mặt các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tiêu biểu