Ngày 01/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về “Một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 696/KH-UBND thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU và công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU cho lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh và cấp huyện. Sau Hội nghị, các huyện, thành, thị ủy, các cơ quan, đơn vị triển khai quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án sát với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp ngày càng được khẳng định.
Công tác dân vận chính quyền gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực; kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp. Việc kiểm tra, thanh tra công vụ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được thực hiện nghiêm túc. Ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức không ngừng đổi mới và nâng cao. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án số 06/CP được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có chuyển biến tốt.Ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính đã góp phần công khai, minh bạch hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; giải quyết nhanh, gọn các công việc liên quan đến dân, doanh nghiệp, tổ chức. Khắc phục tình trạng tâm lý một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân; chủ động tham gia giải quyết nhiều vụ việc nảy sinh ở cơ sở. Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát bảo đảm đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013, Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư; Quy định số 54-QĐ/TU, ngày 07/8/2024 về trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền trong việc bảo đảm thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội và quy định tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Công tác phối hợp triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận; vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị ngày càng nhuần nhuyễn và có hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", “tết vì người nghèo”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện,… góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị gương mẫu trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp. Quan tâm sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở từng bước được hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từng bước nâng cao, đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước và chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước và chính quyền trong tình hình mới. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 781/KH-UBND ngày 16/12/2021 về thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ “Về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phối hợp về công tác dân vận giai đoạn 2021-2026 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy; các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận. Cấp uỷ các cấp chỉ đạo chi bộ sinh hoạt chuyên đề tháng 10 hàng năm với hình thức tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức học tập tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ trong các cơ quan, đơn vị nhân ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng. Các địa phương, cơ quan, đơn vị xác định công tác dân vận là nhiệm vụ thường xuyên, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Hàng tháng giao ban, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã gắn nội dung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên ý thức đạo đức công vụ và nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận trong cơ quan, đơn vị.
Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã đưa nội dung về công tác dân vận và thực hiện dân chủ cơ sở vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chính khóa; tổ chức các buổi hội thảo về công tác dân vận để nâng nhận thức và tuyên truyền sâu rộng vai trò công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp.
Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy, ban dân vận các huyện, thành, thị ủy tham mưu, phối hợp tổ chức tập huấn về công tác dân vận và dân vận chính quyền, Quy chế dân chủ cơ sở, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng công tác dân vận cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đoàn viên, hội viên; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang được phân công phụ trách công tác dân vận.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đoàn viên, hội viên; qua đó tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tập trung tuyên truyên, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, như: thông qua hệ thống truyền thanh, truyền hình; niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa khối, xóm, bản; cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước; họp xóm, bản, khối phố, người có uy tín, già làng, trưởng bản,... ý thức trách nhiệm công dân được nâng lên, vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước được củng cố và tăng cường, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh. Đã tổ chức 09 Hội nghị tập huấn pháp luật cho hơn 2.232 lượt người là cán bộ, công chức và Nhân dân.
HĐND, UBND các cấp đã cụ thể hoá các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận bằng các đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng, cụ thể hoá nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.
Quan tâm chỉ đạo tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống nhân dân, các đối tượng chính sách, gia đình người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, từ đó đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2024, có nhiều chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; toàn tỉnh hiện có 327/411 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 79,56%; 127/327 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 25/327 xã đạt NTM kiểu mẫu; số tiêu chí bình quân đạt 17,21 tiêu chí/xã. Có 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ chuẩn NTM. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai thực hiện có hiệu quả; có 739 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận.
Nhờ thực hiện tốt công tác dân vận kết hợp với thực hiện dân chủ ở cơ sở nên một số công trình, dự án lớn đã được đẩy nhanh tiến độ, đạt kết quả tốt và được Nhân dân đồng tình ủng hộ cao, như: Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh; Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP; Khu công nghiệp WHA; các đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển...
Công tác cải cách hành chính được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, đã rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục hành chính, xử lý kịp thời các kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp, người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông nhằm đảm bảo giải quyết các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp; có 460 xã, phường, thị trấn thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống. UBND cấp xã có 121 dịch vụ công một phần và 35 dịch vụ công toàn trình. Thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở có nhiều chuyển biến rõ nét, nâng cao ý thức tự giác trong thực thi công vụ. Hiện đã kết nối liên thông để gửi, nhận văn bản trên phần mềm VNPT-IOffice cho 23/23 đơn vị cấp sở, 21/21 UBND cấp huyện, 460/460 UBND cấp xã; kết nối liên thông từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành tại Trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã được kiểm soát chặt chẽ qua Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh đảm bảo minh bạch, rõ ràng, đa số đúng hẹn. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh tiếp tục được duy trì, vận hành; đã cung cấp 1.903 TTHC, gồm 868 dịch vụ công một phần; 1.035 dịch vụ công toàn trình (cấp tỉnh 1.466 TTHC, cấp huyện 276 TTHC, cấp xã 161 TTHC). Các TTHC đã được công bố, công khai, xây dựng, phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử và hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả được công khai, minh bạch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện nay, UBND tỉnh phê duyệt đề án vị trí việc làm của 22 sở, ban, ngành cấp tỉnh, 21 huyện, thành phố, thị xã, 13 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh. Giải quyết tinh giản biên chế cho 145 trường hợp (gồm 05 cán bộ, công chức, 90 viên chức, 48 cán bộ công chức cấp xã; 02 hợp đồng lao động).
Thanh tra tỉnh đã kiểm tra đột xuất và định kỳ tại 76 cơ quan, đơn vị, địa phương về CCHC; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động tích cực kiểm tra, tự kiểm tra được 805 cuộc về công tác CCHC tại các đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền. Tháng 5/2023, Thường trực Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp kết hợp với trực tuyến với gần 6.000 đồng chí trưởng phòng, phó trưởng phòng và chuyên viên các cơ quan cấp tỉnh; tháng 8/2023, Thường trực Tỉnh uỷ tổ chức gặp mặt, đối thoại với hơn 1.100 cán bộ là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, trao đổi, thảo luận những cơ hội, nhận diện thách thức, chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham mưu, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị; từ đó, tạo sự đồng thuận trong ý chí và hành động; khích lệ, động viên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài được các cấp, các ngành quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng. Tổ chức tốt việc tiếp công dân và xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo. Năm 2024, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp 5.258 lượt, với 6.154 công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận 9.857 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh (8.341 đơn đủ điều kiện xử lý); 386 vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong kỳ (các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được 348/386 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,2%).
Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả; đến nay toàn tỉnh có 2.650 tổ hòa giải với 18.388 hoà giải viên. Đã tiến hành hòa giải 1.455 vụ, trong đó 1.315 vụ hòa giải thành công, đạt tỷ lệ 90,37%, góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư.
Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động một cách thiết thực, hiệu quả, nhất là phong trào “Cả nước chung tay xây dựng Nông thôn mới”, phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, của cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trong 03 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 10.000 mô hình, điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, trong đó có 360 điểm sáng dân vận chính quyền và 325 điểm sáng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Năm 2023, Ban Dân vân Tỉnh ủy biên tập cuốn sách “Một số mô hình, điểm sáng về công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Nghệ An” để tuyên truyền và nhân rộng trên địa bàn.
Năm 2023 và 2024, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh đã tổ chức cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tỉnh Nghệ An, cuộc thi đã nhận được 388 tác phẩm dự thi của hàng trăm tác giả. Năm 2023, Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh phát động cuộc thi viết “Gương sáng quanh ta” nhằm mục đích phát hiện, tôn vinh và nhân rộng các tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, năng động sáng tạo, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm; có đóng góp tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, cải cách hành chính; là tấm gương về đạo đức, nhân cách, lối sống đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Thông qua các cuộc thi, góp phần tăng cường tuyên truyền về công tác dân vận của Đảng, công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về công tác dân vận.
UBND các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động giữa UBND với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện quyền giám sát và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW; Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư về giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân; chủ động tham gia giải quyết nhiều vụ việc nảy sinh ở cơ sở. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Từ năm 2021-2024, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ trì, phối hợp triển khai 13.747 cuộc giám sát (trong đó tham gia phối hợp giám sát 7.375 cuộc), tổ chức 6.529 cuộc phản biện xã hội; Ban thanh tra nhân dân giám sát 3.074 cuộc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 4.230 chương trình, dự án. Riêng năm 2024, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức 2.623 cuộc giám sát (cấp tỉnh 04 cuộc, cấp huyện 35 cuộc và cấp xã 2.585 cuộc); tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với 1.021 dự thảo văn bản (03 cấp tỉnh, 85 cấp huyện và 933 cấp xã). Phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tốt các hoạt động "Tết vì người nghèo". Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo"… góp phần cùng các địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ “Quỹ Vì người nghèo", xây nhà "Đại đoàn kết" và các hoạt động an sinh xã hội; từ 2021-2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 13.385 ngôi nhà cho người nghèo, vận động cứu trợ thiên tai, dịch bệnh và công tác an sinh xã hội với gần 5.625,5 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới được 6.457 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo; riêng thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 10/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tính đến ngày 20/11/2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 11.976 nhà (3.590 nhà lắp ghép; 6.279 nhà xây mới; 2.107 nhà sửa chữa), đạt 73% nhu cầu cả giai đoạn 2023-2025./.
Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy