Khu vực biên giới (KVBG) nước ta gồm 1.084 xã, phường, thị trấn/233 huyện, quận, thị xã, thành phố/44 tỉnh, thành phố; dân số khoảng 2,4 triệu hộ/9,8 triệu khẩu, với 51 thành phần dân tộc, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14,6%.

Những năm qua, Trung ương và các địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở KVBG, đời sống đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, KVBG còn những vấn đề bất cập, khó khăn, yếu kém, như: Hệ thống chính trị cơ sở ở một số địa phương còn hạn chế; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân còn thiếu thốn; tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ, học sinh bỏ học, không có điều kiện đến trường ở một số địa bàn còn cao; nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại, một số hoạt động văn hóa truyền thống đang bị lợi dụng, mai một, biến dạng; các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các tuyến biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp...
Trước thực trạng đó, từ năm 2016 đến nay, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã triển khai Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng", nhằm hỗ trợ nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Sau 05 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đưa lại nhiều hiệu quả thiết thực rõ nét. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sỹ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tự nguyện đóng góp kinh phí và tham gia thực hiện; cán bộ, chiến sỹ được phân công trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ các cháu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng chăm sóc các cháu cả trong sinh hoạt và học tập. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố đã báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo sự quan tâm, đồng thuận trong tổ chức thực hiện Chương trình; tuyên truyền vận động các sở, ban, ngành, lực lượng, các nhà hảo tâm và Nhân dân hưởng ứng, ủng hộ Chương trình. Báo, Điện ảnh - Truyền hình Biên phòng và các đơn vị chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương, Quân đội, địa phương đưa tin, bài phản ánh về ý nghĩa, kết quả thực hiện; tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân chung tay, góp sức ủng hộ Chương trình.
Triển khai thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường", Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo các đơn vị trực tiếp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường ở KVBG tiến hành khảo sát, lựa chọn các cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn , con gia đình chính sách, người có uy tín, dân tộc thiểu số rất ít người... để nhận đỡ đầu, hỗ trợ các cháu học tập, rèn luyện. Đồng thời, qua công tác đối ngoại Biên phòng, đối ngoại nhân dân, các đồn Biên phòng đã phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào và Campuchia khảo sát, hỗ trợ các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở KVBG nước Bạn. Từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) với cấp ủy, chính quyền và các nhà trường, các đồn Biên phòng đã trực tiếp nhận hỗ trợ, đỡ đầu 13.018 lượt cháu học sinh (trong đó có 399 cháu người Lào, 495 cháu người Campuchia), với mức 500.000đ/cháu/tháng (đến khi học hết lớp 12). Để đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ, nuôi dưỡng các cháu, các cơ quan, đơn vị trong BĐBP đã vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ, chiến sỹ, người lao động trong lực lượng trên tinh thần trách nhiệm, tình cảm, sự chia sẻ với đồng bào nơi biên giới tự nguyện ủng hộ kinh phí thực hiện Chương trình; đến nay, đã ủng hộ được gần 95 tỷ đồng. Các đồn Biên phòng còn cử cán bộ thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ về vật chất, động viên tinh thần vượt khó, trao đổi, hướng dẫn các cháu học tập, rèn luyện và hoạt động thể chất; giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường nơi các cháu theo học để trao đổi thông tin, nắm tình hình học tập, rèn luyện, ý thức, trách nhiệm của các cháu đối với tập thể lớp, nhà trường, gia đình và cộng đồng nhằm kịp thời động viên, khuyến khích những việc làm tích cực, kết quả, thành tích tiêu biểu; phát hiện, uốn nắn những việc làm chưa đúng, biểu hiện sai trái, lệch lạc, giúp các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp các cháu có điều kiện học tập tốt hơn, như: Tặng xe đạp, đồ dùng học tập, quần áo, hỗ trợ lương thực, thực phẩm... Thông qua đó, tạo mối quan hệ gần gũi, thân mật giữa đồn Biên phòng với gia đình, giữa cán bộ, chiến sỹ BĐBP với các cháu, nhiều đồng chí như những "người cha, người mẹ, người anh" của các cháu. Ngoài ra, thông qua các hoạt động Giao lưu hữu nghị Quốc phòng, Giao lưu hữu nghị biên giới, BĐBP đã tặng quà cho các cháu học sinh nghèo KVBG trị giá 1,1 tỷ đồng.
Năm năm qua, các cháu được BĐBP đỡ đầu đã thường xuyên tới trường, bám lớp, tiến bộ về học tập, rèn luyện về thể chất; nhiều cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số từ chỗ còn tự ti về hoàn cảnh gia đình nay đã mạnh dạn, hòa nhập và tự tin hơn. Kết quả, thành tích học tập, rèn luyện của các cháu được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh khá, giỏi năm sau đều cao hơn năm trước, nhiều cháu đạt giải kỳ thi học sinh Giỏi các cấp (03 cháu đạt giải các kỳ thi quốc gia, 24 cháu đạt giải các kỳ thi cấp tỉnh, 32 cháu đạt giải các kỳ thi cấp huyện, gần 3.000 cháu đạt giải cấp trường, 297 cháu tốt nghiệp THPT, 132 cháu đỗ các trường đại học, cao đẳng); được các thầy cô, nhà trường khen ngợi, biểu dương. Kết quả này đã khẳng định tính hiệu quả của Chương trình, là điều kiện thuận lợi để các cháu tiếp tục phát huy, vươn lên trong học tập; góp phần cổ vũ, động viên phong trào học tập, tạo nguồn nhân lực, trí thức tương lai cho các địa phương; từng bước cùng các cấp, ngành nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa KVBG, hải đảo. Mặt khác, thông qua việc đỡ đầu các cháu, sự phối hợp giữa các đồn Biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình các cháu càng thêm gắn bó chặt chẽ; tạo cơ sở tăng cường tình đoàn kết máu thịt Quân - Dân; tăng cường mối quan hệ giữa BĐBP với lực lượng bảo vệ biên giới và tình cảm hữu nghị giữa chính quyền, Nhân dân khu vực biên giới nước ta với nước bạn Lào, Campuchia. Tiêu biểu thực hiện Chương trình này là Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang...
Sau hơn 02 năm thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường", các đơn vị BĐBP đã hỗ trợ phần lớn các cháu có hoàn cảnh khó khăn và đưa một số cháu về đồn chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện theo học, có nguy cơ bỏ học, thất học... Cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhiều gia đình mong muốn các đơn vị BĐBP tiếp tục quan tâm, chăm lo, giúp đỡ các cháu nhiều hơn. Từ thực tiễn đó, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Mô hình "Con nuôi đồn Biên phòng", để tiếp tục nhận nuôi các em là người dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt; các em mồ côi, không nơi nương tựa; các em là con liệt sỹ, thương binh, gia đình chính sách... Với mục tiêu mỗi đồn Biên phòng nhận nuôi từ 02 đến 03 cháu, bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt của các cháu phù hợp, chu đáo, có góc học tập riêng, có các đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết; lập hồ sơ từng cháu, phân công cán bộ trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn, giáo dục và chăm sóc các cháu tiến bộ, trưởng thành, trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội. Để triển khai Mô hình, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà trường tổ chức khảo sát, nắm chắc hoàn cảnh của từng cháu. Trên cơ sở kết quả khảo sát, các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường trao đổi với gia đình (hoặc người đại diện) để nhận các cháu về đồn Biên phòng nuôi dưỡng; tiến hành đầy đủ, đảm bảo các thủ tục về pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc. Đến nay, Mô hình đã đem lại kết quả thiết thực, các đồn Biên phòng đang nhận nuôi 356 cháu, trong đó có 271 cháu nhận nuôi tại đồn, 85 cháu nhận nuôi tại gia đình (41 cháu mồ côi cả cha và mẹ, 180 cháu mồ côi cha hoặc mẹ, 05 cháu con liệt sỹ, 03 cháu bị tật nguyền, 250 cháu người dân tộc thiểu số). Nhằm chăm lo chu đáo cho các cháu, cùng với đảm bảo toàn bộ chi phí nuôi dưỡng, hàng tháng căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng cháu, các đơn vị hỗ trợ mỗi cháu 200.000 đồng phục vụ chi phí sinh hoạt, học tập. Đối với các cháu chưa có đồng phục đi học, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo Cục Hậu cần nghiên cứu thiết kế mẫu và tổ chức đo may đồng phục cho các cháu (đã may được 118 bộ, trị giá 32 triệu đồng). Hằng năm, trong các dịp lễ, tết và hiếu hỷ của gia đình các cháu, Bộ Tư lệnh và các đồn Biên phòng hỗ trợ các cháu quà, lễ; cử cán bộ đưa, đón các cháu về thăm gia đình (dịp Tết Nguyên đán năm 2021, Bộ Tư lệnh tặng 356 cháu, mỗi cháu 01 triệu đồng về mua sắm Tết, các đồn Biên phòng tặng mỗi cháu 01 suất quà Tết về thăm gia đình). Quá trình sinh hoạt tại đồn Biên phòng, các cháu được bố trí nơi ăn, ở, góc học tập riêng, cán bộ, chiến sỹ "coi các cháu như con", chỉ bảo trong sinh hoạt, kèm cặp, củng cố kiến thức; hướng dẫn luyện tập nâng cao thể lực; làm quen với hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, tăng gia để hình thành ý thức tự lập. Căn cứ nội dung hoạt động cụ thể và tình hình đơn vị, các đồn Biên phòng bố trí cho các cháu được tham gia các hoạt động tập thể, bồi dưỡng kỹ năng. Qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của các cháu để động viên, chia sẻ, tăng thêm sự gắn bó, yêu thương giữa cán bộ, chiến sỹ với các cháu; phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, sở trường giúp các cháu phát triển toàn diện, khôn lớn, trưởng thành. Với tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đó, các cháu đã cảm nhận được và luôn coi "ở đồn như ở nhà", "các chú bộ đội như bố, mẹ, người thân trong gia đình". Điển hình của Mô hình này là các đơn vị: Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị...
Có thể khẳng định, triển khai thực hiện Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng" là chủ trương đúng đắn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP; thể hiện tính nhân văn sâu sắc, là tình cảm, sự tri ân, việc làm có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, chiến sỹ BĐBP hướng về đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo; tiếp tục góp phần thực hiện tốt phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt". Hình ảnh những "Bố nuôi quân hàm xanh" hàng ngày đưa đón "Con nuôi" đến trường đã trở thành hình ảnh đẹp, gần gũi và hết sức ấm áp trong lòng đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo. Các cháu có tình cảm, yêu mến cán bộ, chiến sỹ BĐBP, hiểu nhiều hơn nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc; hình thành và phát triển tình yêu quê hương, đất nước; nhiều cháu có nguyện vọng sau này trở thành chiến sỹ BĐBP, đây chính là sự "ươm mầm - lực lượng biên giới toàn dân rộng khắp" cho tương lai./.
Phan Thanh Đoài
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy