Trong những năm gần đây, công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ trong hệ thống các cơ quan Nhà nước. Đối với hệ thống Tòa án nói chung và Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng, công tác cải cách hành chính - tư pháp, chuyển đổi số được triển khai có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có công việc tại Tòa án.
Xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới; đây cũng là việc thực hiện cam kết của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử). Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra các định hướng chiến lược xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời đại số; đồng thời trang bị cho toàn thể cán bộ, công chức Tòa án kiến thức về Tòa án điện tử để chủ động tham gia vào công cuộc xây dựng Tòa án điện tử. Đó là việc công khai bản án, quyết định, án lệ trên cổng thông tin điện tử để người dân tiếp cận; trợ lý ảo để các bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử Tòa án, xây dựng và khai thác phần mềm Trợ lý ảo Tòa án nhân dân để phục vụ cho đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, cũng như người dân có thể hỏi về các vấn đề pháp lý liên quan; tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ bằng dữ liệu điện tử; cấp các bản án quyết định cho công dân bằng hình thức trực tuyến; hiện nay hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Tòa án nhân dân đã được kết nối liên thông Cổng dịch vụ công quốc gia, trong thời gian tới, một số hoạt động như nộp tạm ứng án phí…. sẽ được thực hiện trực tuyến; và gần đây nhất là việc tổ chức việc xét xử làm việc trực tuyến. Tất các các ứng dụng chuyển đổi số sẽ đem lại lợi ích cho hoạt động tòa án vì mục tiêu phục vụ nhân dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Tòa án được quán triệt quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và là mục tiêu; lấy hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lợi ích của người dân, doanh nghiệp và xã hội làm thước đo để đánh giá kết quả; xác định đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức Tòa án là yếu tố quan trọng, quyết định đến sự thành công trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần cải cách tư pháp.
Đối với Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An, trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, yếu về con người, thiếu về nền tảng công nghệ, nhất là đối với TAND cấp huyện, tuy nhiên trong những năm qua, TAND hai cấp cũng đã triển khai mạnh mẽ để bắt kịp các chủ trương chung của Tòa án nhân dân tối cao.
Hiện nay, các phần mềm ứng dụng của Tòa án nhân dân tối cao triển khai đều được ứng dụng hiệu quả tại Tòa án hai cấp, tiết kiệm được nguồn nhân lực, thời gian của đội ngũ làm công tác báo cáo, thống kê, theo dõi, quản lý vụ việc. Tòa án nhân dân hai cấp đã công khai được 26.860 bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử; tổ chức hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối TAND; trong công tác tống đạt, TAND tỉnh đã chủ trương triển khai đẩy mạnh việc tống đạt cho các đương sự thông qua các nền tảng mạng xã hội (nếu được sự đồng ý của đương sự), việc này đã giúp tiết kiệm được 60.000 đồng 1 lượt tống đạt trong địa bàn thành phố/1 trường hợp và 130.000 đồng 1 lượt tống đạt ngoài thành phố/1 trường hợp so với tống đạt qua Thừa phát lại (các đơn vị TAND cấp huyện cũng tương tự); thực hiện việc cấp sao bản án, quyết định cho đương sự trên hệ thống trực tuyến dịch vụ công Tòa án nhân dân; cung cấp các bản án, quyết định cho phần mềm Trợ lý ảo Tòa án nhân dân; đối với việc xét xử trực tuyến, hiện nay đã có TAND tỉnh và 17/21 đơn vị TAND cấp huyện lắp đặt hệ thống trực tuyến; đã tổ chức xét xử trực tuyến được 80 phiên tòa hình sự trực tuyến và 04 phiên làm việc vụ án hành chính trực tuyến, làm một đơn vị đi đầu trong hệ thống Tòa án về việc tổ chức xét xử trực tuyến tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù là tỉnh có số đơn vị TA cấp huyện tương đối lớn. TAND tỉnh cũng đang chủ trương đẩy mạnh triển khai Phần mềm quản lý nghiệp vụ, lãnh đạo Tòa án tỉnh có thể xem xét số liệu thụ lý, giải quyết các vụ việc, tiến độ giải quyết các vụ việc theo thời gian từng ngày, phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc trực tuyến trên nguyên tắc “ngẫu nhiên, khách quan”. Những kết quả về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đầu số ban đầu của TAND hai cấp đã đánh dấu một bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hỗ trợ hoạt động của các Tòa án, được cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị xác định là một trong những khâu đột phá để nâng cao chất lượng công tác.
Để đạt được kết quả đó, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Tòa án nhân dân tỉnh đã quán triệt và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số là giải pháp then chốt để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác Tòa án, từ đó hỗ trợ các Thẩm phán hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian tới, Tòa án nhân dân tỉnh tiếp tục thực hiện tốt một số việc sau đây:
Một là, tăng cường việc xét xử trực tuyến, trong điều kiện có sở vật chất còn hạn chế, chỉ đạo các đơn vị vận dụng các trang thiết bị sẵn có, đề xuất chính quyền địa phương hỗ trợ thêm để đầu tư đầy đủ các trang thiết bị đáp ứng việc xét xử trực tuyến.
Hai là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nắm bắt công nghệ thông tin để ứng dụng trong công việc, Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị cử cán bộ để thực hiện nhiệm vụ này, tổ chức tập huấn việc sử dụng các phần mềm cũng như vận hành hệ thống.
Ba là, đẩy mạnh công tác phối hợp, Tòa án nhân dân tỉnh chủ động phối hợp với Viện kiểm sát tỉnh, Công an tỉnh, về việc thực hiện các hoạt động tố tụng trực tuyến, hiện tại Trại tạm giam đã được lắp đặt 01 phòng xử trực tuyến. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục bổ sung, đảm bảo 100% vụ án đủ điều kiện sẽ được xét xử bằng hình thức trực tuyến. Đồng thời khi hệ thống trực tuyến của Tòa án ổn định sẽ đề xuất kết nối với hệ thống trực tuyến của UBND các cấp để thực hiện hoạt động tố tụng các vụ án dân sự, hành chính.
Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, khi Tòa án tiến hành các hoạt động trực tuyến, có rất nhiều ý kiến băn khoăn khi từ trước các hoạt động đều thực hiện trực tiếp, nhất là hoạt động xét xử. Tòa án nhân dân tỉnh chủ động thực hiện công tác tuyên truyền tại các diễn đàn để mọi người nắm bắt, vừa qua đã xây dựng phóng sự truyền hình về phiên tòa, phiên làm việc trực tuyến. Đồng thời, cũng như phiên tòa trực tiếp, các hoạt động tố tụng, quyền của người tham gia tố tụng vẫn được đảm bảo. Không có khiếu nại gì liên quan đến việc xét xử trực tuyến. Vì vậy, ngoài các vụ án hình sự, TAND tỉnh đang chỉ đạo các Thẩm phán xét xử trực tuyến các vụ án dân sự, khi thực hiện việc này thì sẽ rất có nhiều lợi ích cho người dân khi tham gia tố tụng, đồng thời có tác động mạnh mẽ đến người dân trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của Tòa án và cung cấp tài liệu chứng cứ bằng phương tiện điện tử.
Năm là, trong hoạt động Tòa án, việc xét xử các vụ án hình sự thì phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; trong công tác xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Trọng trách của Tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng, giao phó.
Sáu là, tiếp tục thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp trong hoạt động Tòa án bằng những giải pháp đổi mới, sáng tạo; tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân. Tăng cường công khai, minh bạch và bảo đảm sự giám sát của nhân dân, cử tri đối với hoạt động của các Tòa án trên địa bàn tỉnh Nghệ An./.
Nguyễn Mạnh Khôi
Phó trưởng ban TT Ban Dân vận Tỉnh ủy