Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Phát huy “Văn hóa xứ Nghệ” trong cuộc chiến chống lại COVID-19 ở Nghệ An

Nghệ An là mảnh đất cổ với những nét nổi bật trong văn hóa, trong đời sống tinh thần của nhân dân. Điều kiện tự nhiên đa dạng và khắc nghiệt, nhiều ưu ái song cũng lắm gian nan buộc con người nơi đây phải đối mặt bằng những “cách riêng” sáng tạo. Mảnh đất này đi cùng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc để rồi từ đó tạo dựng nét riêng trong đời sống văn hóa cộng đồng và tính cách con người Nghệ.

Tất cả tổng hòa, làm “giàu” thêm bản sắc “xứ Nghệ”. Những ngày gần đây, cả thế giới đang gồng mình chống lại kẻ thù vô hình-đại dịch Covid-19, bản sắc xứ Nghệ đó càng được phát huy mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh giúp Đảng bộ, nhân dân Nghệ An dần vượt qua khó khăn.

Có thể thấy, trong lịch sử, Nghệ An là vùng đất triền miên bị giặc giã, con người xứ Nghệ luôn “đi đầu dậy trước” trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm: “Nghệ An... là nơi hiểm yếu, như thành đồng ao nóng của cả nước và là then khóa của các triều đại”(1). Từ đó, ở mảnh đất này, tinh thần yêu nước trở thành chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Điều kiện tự nhiên và xã hội đặc biệt như vậy, nên từ xưa người Nghệ đã biết “nương tựa” vào nhau, đoàn kết để cùng nhau vươn lên. Chính vì thế, truyền thống nhân đạo, nhân văn nơi đây vô cùng đậm nét. Và từ trong “khắc khổ”, con người Nghệ giàu lý tưởng, ý chí và nghị lực vươn lên, nhất là trong học tập. Vì vậy, nơi đây còn được biết đến là mảnh đất có truyền thống hiếu học, ham học, khổ học với hình ảnh lưu danh của các “ông đồ Nghệ” và câu chuyện lưu truyền “con cá gỗ”. Cũng từ trong cái “cằn cỗi, khắc nghiệt” của tự nhiên đã hình thành đức tính trung dũng, nghị lực, chí khẳng khái, tính cần mẫn cho thực hiện lý tưởng, hoài bão, lòng tự tin, ý chí tiến thủ trong công việc. Họ dám nhìn thẳng vào hiểm nguy, không chịu khuất phục trước mọi uy vũ, quyền lực. Người Nghệ hôm nay đang sống trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tri thức đa chiều, đa phương, toàn cầu hóa nên có nhiều cởi mở, mềm dẻo, uyển chuyển để vượt qua “cái nghèo”, phấn đấu đưa tỉnh nhà “mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”(2) như di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong những ngày vừa qua, thế giới đang đối diện với “kẻ thù vô hình” có sức mạnh ghê gớm, gieo rắc những cái chết kinh hoàng cho nhân loại, đó là đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 23/4/2020, toàn cầu đã có 2.631.338 người nhiễm, trong đó 183.788 trường hợp tử vong vì Covid-19. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, đang tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của toàn cầu, có thể kéo dài, khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc. Việt Nam có nhiều tín hiệu vui khi 1 tuần qua không có ca nhiễm mới, đã có 223 bệnh nhân khỏi bệnh, còn 45 bệnh nhân đang điều trị. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định đây chỉ kết quả bước đầu để tự tin, lạc quan nhưng tránh tình trạng chủ quan, lơ là. Đối với Nghệ An, cho đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm trên địa bàn. Có được những kết quả đó là nhờ những quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, quyết định kịp thời của lãnh đạo tỉnh nhà, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và quyết tâm cao của Nhân dân các dân tộc. Trong cơn hoạn nạn đó, ở Nghệ An, Văn hóa xứ Nghệ một lần nữa “trỗi dậy sáng lòa”.

Trước tiên là ý chí, nghị lực, thông minh, sắc sảo của cán bộ, Nhân dân xứ Nghệ

Ngay từ những ngày đầu năm 2020, khi bệnh covid-19 mới chỉ đang bùng phát ở Vũ Hán-Trung Quốc, khi Công văn 79-CV/TW ngày 29/1/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã có Công văn số 5427-CV/TU về chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corona chủng mới gây ra. Điều này thể hiện sự nhạy bén kịp thời, và quyết định hoàn toàn sáng suốt, hợp lý. Tư duy mạch lạc, phong cách rõ ràng của người xứ Nghệ được thể hiện rõ trong từng câu chữ của Công văn “Tiếp tục chủ trì, tập trung cao, không lơ là, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; Thực hiện chủ trương 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ, đặc biệt là các huyện, thành, thị”. Với tư duy rộng mở, sự “đi tắt đón đầu” thông minh, nhanh nhạy, UBND tỉnh đã xây dựng các tình huống rất rõ ràng, từ công tác chuẩn bị đến công tác hậu cần. Trong đó, đặc biệt quan tâm các tình huống: bệnh chưa đến; bệnh xâm nhập; bệnh xâm nhập do lây lan trên 5 trường hợp mắc bệnh trong tỉnh hoặc từ 2 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh có dịch lây lan; dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 30 trường hợp mắc bệnh hoặc có trên 5 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh có dịch lây lan. Đồng thời, trong thực hiện kế hoạch đã gắn trách nhiệm và phân công công việc rõ ràng.

Đến nay, khi cả nước chung tay thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Công văn số 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị 16, thì ngay lập tức Nghệ An đã có những văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Và mặc dù đến ngày 15/4/2020, tuy Nghệ An được Chính phủ xếp vào diện nhóm có nguy cơ, nhưng UBND tỉnh đã có Công văn số 2294/UBND-VX ngày 16/4/2020 yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách theo tinh thần Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/4/2020. Điều này thể hiện thái độ dứt khoát, quyết tâm, sự sắc sảo, thông minh, nhạy bén trong đội ngũ lãnh đạo của tỉnh nhà.

 Tiếp theo là sự quyết tâm, chịu khó, đoàn kết, đồng lòng, nhân ái, nhân hậu, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn

Ngay khi thực hiện Chỉ thị 15 và sau đó là Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đội ngũ cán bộ, cả hệ thống chính trị ở Nghệ An đều “bắt tay” vào cuộc khẩn trương, đầy trách nhiệm. Cán bộ ở cơ sở thường xuyên cung cấp thông tin, chỉ đạo tuyên truyền kịp thời bằng nhiều hình thức như: hệ thống loa truyền thanh cơ sở, báo chí, mạng xã hội, đội tuyên truyền lưu động tại các chợ, tụ điểm đông người... nhắc nhở ý thức phòng chống, dịch bệnh và chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ trong toàn dân; quan tâm vệ sinh phòng dịch tại gia đình, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị… Ở một số khu dân cư cũng đã sáng tạo thành lập các nhóm facebook, zalo nhỏ trong tổ liên gia, khu dân cư để tuyên truyền, nhắc nhở nhau cùng phòng chống dịch bệnh. Các bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, xóm, khối và các đảng viên tại các khu dân cư trên toàn tỉnh tích cực thực hiện nhiệm vụ, không quản ngày hay đêm, không màng khó khăn, vất vả để tuyên truyền, vận động Nhân dân nêu cao ý thức phòng dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ mọi người. Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhiều người là lao động chính trong gia đình nên khi tham gia Tổ công tác kiểm soát dịch bệnh ở thôn, tổ dân phố là phải dừng việc kiếm sống, mất nguồn thu nhập, song không vì thế mà họ từ chối tham gia nhiệm vụ. Các tổ tự quản không quản ngày đêm vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch, tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh; thường xuyên thông tin tình hình dịch bệnh đến Nhân dân, giám sát việc người dân trong tổ mình đi về từ nước ngoài về qua sân bay không phải cách ly phải tự giác cách ly ở nhà, đồng thời báo cáo cho chính quyền địa phương để theo dõi tình hình sức khỏe đối với từng trường hợp cụ thể. Nhiều địa phương, chính quyền xã, phường, thị trấn, ban cán sự các thôn, xóm, khối yêu cầu các gia đình tạm hoãn, điều chỉnh thời gian hoặc có hình thức phù hợp trong tổ chức tiệc cưới, liên hoan đông người.

Hiện Nghệ An có 32 điểm cách ly, đã sử dụng 28 điểm, có gần 7.000 người cách ly tập trung, huy động gần 3.000 người phục vụ. Mỗi bữa ăn hàng ngày trên toàn tỉnh chuẩn bị gần 10.000 suất phục vụ các điểm cách ly. Có đến các cơ sở bệnh viện, các cơ sở cách ly mới thấy được “tình người”, sự yêu thương và tinh thần trách nhiệm của người Nghệ. Nhiều người đang công tác trong ngành y đã thức đêm, hàng tháng không về gia đình để tập trung sức lăn xả vào việc phòng, chống dịch bệnh. Nhiều chiến sỹ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cùng các lực lượng liên quan đã ăn ít hơn, uống ít lại, nhường nhà, nhường giường, ngủ rừng, chịu đựng sương gió, giá rét... để đảm bảo trang thiết bị, nhu yếu phẩm và điều kiện sinh hoạt cần thiết cho những người phải cách ly, điều trị bệnh. Nhiều người làm công tác báo chí, truyền thông đã lăn lộn, bám sự kiện thông tin, tuyên truyền nhanh nhạy, chính xác về tình hình dịch bệnh; hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; trang bị, hướng dẫn những kiến thức cần thiết; biểu dương những tập thể, cá nhân tích cực; đấu tranh với những hành vi sai trái, đặc biệt là những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng công tác phòng, chống dịch Covid-19 để chống phá Việt Nam... qua đó giúp định hướng dư luận, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Tinh thần nhân ái được thể hiện rõ nét nhất là khi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã ra lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” và hướng dẫn Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh thành lập Ban vận động, tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ tỉnh, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã liên tục nhận được sự chung tay đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay góp sức, góp của cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh. Nghĩa đồng bào, tình quân dân, tinh thần yêu nước, nhân ái và trách nhiệm cộng đồng được lan tỏa sâu rộng từ em bé đến các cụ già đã dành tiền tiết kiệm của mình để ủng hộ; các chị phụ nữ làm tình nguyện viên hay nấu cháo phục vụ cán bộ, chiến sỹ ở các điểm cách ly; có những cụ già hái rau vườn nhà đưa vào điểm cách ly tập trung ủng hộ... Trong thời điểm sản xuất, kinh doanh khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp đã “chia lửa” cùng tỉnh trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch bệnh. Tính đến chiều 16/4/2020, toàn tỉnh quyên góp ủng hộ phòng chống dịch Covod-19 số tiền đăng ký là trên 65,5 tỷ đồng đứng thứ 3 toàn quốc sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trong ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Nghệ An có nhiều huyện miền núi kinh tế đang còn vô cùng khó khăn nhưng bà con sẵn sàng quyên góp ủng hộ trong cuộc chiến này. Đơn cử như huyện Quế Phong có trên 83 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp xung phong ủng hộ; toàn huyện đã quyên góp được 310 triệu đồng, trong đó tiền mặt 171 triệu đồng, ủng hộ qua tin nhắn 24 triệu đồng. Hội phụ nữ huyện Con Cuông ủng hộ 380 triệu đồng. Tân Kỳ ủng hộ trị giá 1.690.999.000 đồng, trong đó có 1.422.200.000 đồng...

Như vậy, càng những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất lại là dịp để mỗi người dân xứ Nghệ thể hiện bản sắc của tính nhân hậu, nhân đạo, sự đoàn kết đồng lòng, tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người ở một miền quê đầy nắng gió.

Mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng con người xứ Nghệ tiếp tục khẳng định tài năng, năng lực và tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ

Ở các huyện, thành phố, thị xã mọi công việc vẫn được đều đặn thực hiện khi cán bộ, lãnh đạo địa phương chỉ đạo, đôn đốc nhiệm vụ qua kết nối trực tuyến hoặc qua văn bản, qua điện thoại trực tiếp. Cấp ủy các cấp cũng phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức và cán bộ, chuyên viên được giao phụ trách ngành, lĩnh vực trong việc tăng cường tiếp cận cơ sở theo hình thức đơn lẻ nhằm nắm bắt kịp thời tình hình; trên cơ sở đó báo cáo, tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo chung cho các địa phương trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng cũng như công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp.

Đơn cử như ở Yên Thành, UBND huyện đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các địa phương, các cơ quan liên quan để chỉ đạo trên cơ sở nhiệm vụ của từng cơ quan và địa phương, kể cả các vấn đề cần phối hợp. Đối với Phòng Nông nghiệp cũng thành lập các nhóm zalo, facebook, thông qua gmail, hệ thống M-office để tiếp nhận thông tin ở cơ sở báo lên và chỉ đạo, xử lý kịp thời mọi vấn đề trong ngày. Liên quan đến việc giải quyết các nhu cầu của người dân như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết đơn thư, huyện cũng tuyên truyền, khuyến khích người dân gửi hồ sơ, thủ tục bằng đường bưu điện; đồng thời đề cao trách nhiệm giải quyết của đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở trong công tác này. Nhờ đó, mặc dù thời gian diễn ra dịch Covid-19 nhưng trong quý I/2020, tỷ lệ giải quyết đơn thư trên địa bàn đạt 90%, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Việc thực hiện các nhiệm vụ như thu ngân sách, thi công các công trình, dự án và giải ngân cũng được huyện đốc thúc thường xuyên thông qua các cuộc kiểm tra trực tiếp của lãnh đạo huyện và cán bộ phụ trách lĩnh vực và qua zalo, điện thoại… Kết quả thu ngân sách quý I/2020 đạt gần 60% dự toán cả năm, trong đó riêng tiền cấp quyền sử dụng đất vượt dự toán cả năm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2020 đạt 62,5% (cùng kỳ năm trước đạt 33%).

Đối với ngành Giao thông Vận tải, trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19 cũng là thời điểm gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhiều công trình giao thông, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai các công trình giao thông mới. Để đảm bảo tiến độ công việc, lãnh đạo Sở và các phòng, ban chuyên môn tăng cường kiểm tra hiện trường để xử lý trực tiếp; gắn với đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng các phần mềm; bố trí mạng wifi tại các công trình, các đơn vị quản lý, các hạt quản lý đường bộ, đường thủy để đủ điều kiện tổ chức họp trực tuyến nhằm xử lý công việc kịp thời. Với sự quyết tâm và sáng tạo trong chỉ đạo, nhiều dự án giao thông đang được đẩy nhanh tiến độ như tuyến đường Vinh-Cửa Lò; tuyến Mường Xén-Ta Đo-Khe Kiền; dự án nâng cấp, mở rộng QL15A đoạn Km320+700-Km324+500... Mặt khác, ngành cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ GPMB để sớm triển khai dự án đường ven biển Nghi Sơn-Cửa Lò; GPMB tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đoạn qua Nghệ An với khối lượng thực hiện 66,58/87,8 km; mở rộng Cảng hàng không Vinh... Và rất nhiều ban, ngành, đoàn thể, đơn vị hằng ngày hằng giờ hoàn thành mọi công việc chuyên môn mà vẫn đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

Những kết quả trong công việc đó như dựng lại không khí hào hùng ngày xưa của một thời chống Mỹ khi mà giáo viên “tay bút, tay súng”, công nhân “tay búa, tay súng”, nông dân “tay cày, tay súng”... Nó càng cao đẹp hơn khi được tô thắm bởi nét tính cách, nghị lực phi thường của con người xứ Nghệ. Thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến đấu chống đại dịch đã thể hiện ý chí, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, hài lòng với những kết quả đã làm được, cần phải tiếp tục thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn và dập tắt dịch bệnh.

Cuộc sống hôm nay luôn có “hình hài” của cái xưa và chứa đựng trong đó cả những khát vọng tương lai. Trong cuộc chiến chống Covid-19, một lần nữa chúng ta thấy nét đẹp trong văn hóa xứ Nghệ được phát huy hiệu quả cao độ. Những phẩm chất tốt đẹp của người dân xứ Nghệ thêm một lần nữa hứa hẹn ngày thắng lợi trong cuộc chiến chống lại đại dịch này. Nghệ An cùng cả nước đang chờ một ngày đất nước hoàn toàn sạch bóng dịch bệnh như cái ngày Nam Bắc nối liền một dải-30/4/1975./.

Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

 Nguyễn Thị Hồng Giang, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh

(1) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí.

(2) Bức thư Bác Hồ gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An ngày 21/7/1969.

Tin cùng chuyên mục

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân


Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả


Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch

Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch



Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954

Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954


Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững


Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển

Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển


Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp


“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận

“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận


Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay


Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp

Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp


Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn

Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn


Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương

Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương


Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An

Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An