Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Những nhân tố ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng yêu nước, cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống văn hoá, truyền thống cách mạng đã sớm hình thành trong Nguyễn Thị Minh Khai khí phách anh hùng của người nữ đảng viên cộng sản không cam chịu cảnh áp bức, bất công, đứng dậy đấu tranh chống lại kẻ thù.

Chính quê hương, gia đình là cái nôi bồi đắp, nuôi dưỡng, chở che, rèn luyện ý chí và nghị lực nâng cánh ước mơ để đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đi tìm con đường đấu tranh giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, thuở nhỏ tên là Nguyễn Thị Vĩnh, sinh ngày 30/9/1910. Là con một gia đình viên chức nhỏ ở số nhà 132 Maréchal Foch (nay là phố Quang Trung), thành phố Vinh, Nghệ An. Cha là ông Nguyễn Huy Bình (thường gọi là Hàn Bình), người làng Mọc, Nhân Chính (nay thuộc quận Thanh Xuân), Hà Nội làm công chức hỏa xa ở Vinh. Mẹ là Đậu Thị Thư, quê ở xã Đức Tùng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; một vùng quê ven sông Lam nổi tiếng với con gái đẹp người đẹp nết. Mẹ làm nghề buôn bán nhỏ phụ giúp cha  nuôi 8 người con (ba gái, năm trai).

Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, cái nôi của nhiều cuộc cách mạng trong tiến trình dựng nước và giữ nước, đã sinh dưỡng biết bao anh hùng, hào kiệt, danh nhân văn hoá của cả nước.

Từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Nam Hán vào mùa Xuân năm 40, đến cuộc hành quân "thần tốc" của nghĩa quân Tây Sơn (Mậu Thân năm 1788) tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, Nghệ An luôn là địa bàn chiến lược có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Bất cứ triều đại phong kiến nào cũng chọn Nghệ An làm chỗ dựa, nơi cung cấp lực lượng hậu bị. Vì thế, xứ Nghệ thường là nơi khởi đầu của nhiều phong trào yêu nước và cách mạng. Tiêu biểu như chí hướng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, nơi bùng nổ phong trào Duy Tân, Đông Du, đặc biệt là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931, mở đầu cho cao trào cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là mảnh đất hai lần được chọn làm kinh đô nước Việt: Thành Vạn An (Sa Nam- Nam Đàn) khi Mai Thúc Loan đánh tan quân nhà Đường, xưng ngôi hoàng đế; "Phượng Hoàng - Trung Đô" dưới chân núi Quyết và núi Kỳ Lân (thành phố Vinh) được xây dựng sau khi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh tại Ngọc Hồi, Đống Đa, Hà Nội. Nằm trong mạch ngầm của truyền thống cách mạng và đấu tranh kiên dũng, mảnh đất này đã sản sinh biết bao người con ưu tú: Phan Bội Châu, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai... Đặc biệt mảnh đất này đã kết tinh những gì tinh tuý nhất để sinh thành và nuôi dưỡng người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành trong những tháng năm ấu thơ mà sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Người còn là biểu tượng cho truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hoá của quê hương Nghệ An, làm rạng danh non sông, đất nước Việt Nam.

Bên cạnh truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, Nghệ An còn là mảnh đất có truyền thống hiếu học. Từ ngàn đời nay, việc học đã trở thành "đạo đời". Qua các kỳ thi Hội, thi Đình, Nghệ An luôn là địa phương có số người đậu tiến sĩ cao của cả nước. Nhiều "làng học", "làng văn hoá" tiêu biểu đã xuất hiện như: làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), Thịnh Mỹ (Diễn Châu), Võ Liệt (Thanh Chương)... với nhiều nhà khoa bảng và hiền tài của đất nước như: Trạng nguyên Bạch Liêu, Trạng Nguyên Hồ Tông Thốc, nhà thơ Hồ Xuân Hương, nhà sử học Phan Sĩ Dương, nhà cách tân Nguyễn trường Tộ, chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, ...và nhiều nhà giáo vang danh cả nước như Thám hoa Nguyễn Đức đạt, Nguyễn Thúc Tự... cùng đông đảo tầng lớp trí thức bình dân đi khắp các vùng miền trong cả nước để dạy học.

Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà người xưa có câu: "Nghệ An núi cao, sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả Nam Châu. Người thì thuần hoá mà chăm học, sản vật thì nhiều thức quý của lạ... được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền... thực là nơi hiểm yếu như thành đồng, ao nóng của nước và là then khoá của các triều đại"1.

Trong tiến trình lịch sử, con người thành phố Vinh mang đầy đủ tính cách chung của dân tộc Việt Nam, của xứ Nghệ, song cũng có những nét riêng do điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh kinh tế- xã hội của địa phương tạo nên. Tính cách nổi trội của con người thành phố Vinh là: bộc trực, táo bạo, khảng khái, giàu đức hy sinh, dốc lòng trung nghĩa vì đất nước, quê hương; ý chí mạnh mẽ, quyết tâm cao; rất mực cần kiệm, giản dị nhưng cũng hào phóng, giàu lòng nhân ái, hảo tâm, rất hiếu học và có tính hài hước, ham thích văn nghệ, thể thao.

Kể từ những năm thực dân Pháp mới đánh chiếm vùng Vinh, các bậc văn thân, sĩ phu yêu nước cùng các tầng lớp nhân dân địa phương đã hăng hái tham gia các phong trào Văn thân, Cần Vương thể hiện quyết tâm "chống cả Triều lẫn Tây". Nghĩa quân của Trần Chuẩn, Nguyễn Hạnh cùng với nghĩa quân của Lê Ninh, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã, Vương Thúc Mậu đã phối hợp chiến đấu nhiều trận quyết liệt với quân Pháp và tay sai ở những vùng gần Vinh - Bến Thủy.

Sau khi phong trào Cần Vương bị dập tắt (1896), những năm đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước ở Việt Nam chuyển sang khuynh hướng dân chủ tư sản. Nhà chí sĩ ái quốc Phan Bội Châu đã cùng các ông Đặng Thái Thân, Tiểu la Nguyễn Thành lập ra Hội Duy Tân. Hội này chủ trương đưa thanh niên sang Nhật Bản học tập để mưu đồ khôi phục nước Việt Nam. Phong trào Đông Du bắt đầu. Phái "Ám xã" của Hội Duy Tân như Ngô Quảng, Lê Quyên tập hợp nghĩa quân ở đồn Bố Lư (huyện Thanh Chương), quyên góp tiền bạc, mua sắm vũ khí, liên lạc với nghĩa quân Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, làm cơ sở cho hoạt động vũ trang. Một số vị khác như Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Nguyễn Đình Kiên lập "Triêu Dương thương quán" ở Vinh để cổ động duy tân theo lối Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội.

Năm 1908, phong trào chống thuế ở Trung Kỳ lan rộng từ Quảng Nam ra Hà Tĩnh, tác động mạnh đến Nghệ An nhất là Vinh- Bến Thủy. Từ năm 1910 đến năm 1920, phong trào xuất dương phát triển mạnh ở Nghệ An. Con đường Đông Du sang Nhật bị thất bại, các nhà yêu nước liền chuyển sang Xiêm và từ đó qua Trung Hoa để tìm con đường cứu nước.

Trong số thanh niên xuất dương sang Xiêm rồi sang Trung Hoa có hai người tiêu biểu là Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu. Đầu năm 1923, hai ông đã cùng các đồng chí khác lập ra Tâm tâm xã. Đầu năm 1924, Tâm tâm xã kết nạp thêm Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong (hai người đều quê ở huyện Hưng Nguyên và đã từng là công nhân Vinh- Bến Thủy). Ngày 19-6- 1924, Tâm tâm xã đã gây được tiếng vang với sự kiện Phạm Hồng Thái đánh bom mưu giết toàn quyền Đông Dương Meclanh tại Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc). Sự kiện này gây chấn động dư luận quốc tế, có sức cổ vũ lớn lao đối với phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam nói chung và ở Vinh- Bến Thủy nói riêng.

Sau tiếng bom Phạm Hồng Thái, ngày 14-7-1925 tại Vinh, Hội Phục Việt được thành lập tại núi Con Mèo (vùng núi Quyết- Bến Thủy) do các nhà trí thức thành lập Hội: Lê Văn Huân, Tôn Quang Phiệt, Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn...

Một tháng trước khi Hội Phục Việt ra đời, tại Quảng Châu, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (gọi tắt là Hội Thanh niên) được thành lập. Người sáng lập Hội là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, tại núi Quyết, Kỳ bộ Hội Thanh niên Trung kỳ được thành lập; đồng thời, Tỉnh bộ Hội Thanh niên Nghệ An cũng được thành lập. Thành phố Vinh là nơi đặt trụ sở của Hội Hưng Nam (Tân Việt), của kỳ bộ Hội Thanh niên ở Trung kỳ và của Tỉnh bộ Hội Thanh niên Nghệ An.

Từ giữa năm 1928 trở đi, Hội Thanh niên và Hội Hưng Nam (Tân Việt) đã có cơ sở đều khắp, xen kẽ nhau tại các nhà máy, xí nghiệp, trường học, công sở trên địa bàn Vinh- Bến Thủy và một số nơi trong hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Vinh- Bến Thủy trở thành trung tâm chỉ đạo của kỳ bộ Hội Thanh niên ở Trung kỳ và Hội Hưng Nam. Hai hội đã có sự phân công hành động.

          Lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, triều đình Huế và chế độ phong kiến nhà Nguyễn đã lỗi thời, đang trong giai đoạn suy vong, Nguyễn Thị Minh Khai đã tận mắt chứng kiến bao nỗi đau thương thống khổ, cơ hàn của người dân mất nước. Được nuôi dưỡng, giáo dục của gia đình, được tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng yêu nước, tiến bộ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai- một trong những thanh niên tiêu biểu của Nghệ An và đất nước sớm hình thành một tình cảm yêu nước mới mẻ, nuôi dưỡng ý chí quyết tâm cao để tiến hành một cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc trong điều kiện mới.

Học hết lớp Nhì ở Trường nữ sinh, Minh Khai được chuyển sang học lớp Nhất ở trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Được các thầy giáo hướng dẫn, Nguyễn Thị Minh Khai tham gia các phong trào yêu nước với tất cả nhiệt tình của tuổi thanh niên. Nhân kỷ niệm một năm ngày mất của cụ Phan Châu Trinh (15-3-1927), chị đã vận động nữ sinh góp tiền mua hoa và vải may băng tang đi dự lễ truy điệu cụ tại chùa Diệc và ký tên vào bản yêu sách gửi lên Toàn quyền Đông Dương đòi thực dân Pháp trả tự do cho nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Tốt nghiệp Tiểu học, Minh Khai ở nhà giúp việc cho mẹ, vừa đảm đang việc nhà, vừa tham gia các hoạt động yêu nước ở thành phố Vinh.

Năm 1927, chị tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ở Vinh, gia nhập tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng và được bầu vào Ban Chấp hành đại tổ, phụ trách công tác vận động phụ nữ. Minh Khai hoạt động trong điều kiện bí mật vô cùng khó khăn. Chị vừa phải ngụy trang để che mắt địch, vừa phải giữ gìn để tránh sự hiểu lầm của gia đình, bạn bè. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Thị Minh Khai được kết nạp vào Đảng, được tổ chức phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Vinh, Bến Thủy. Sau đó, đồng chí được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc) công tác tại Văn phòng Đông Phương Bộ của Quốc tế Cộng sản. Năm 1931, đồng chí bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam tại đây. Năm 1933, nhờ sự vận động của Quốc tế Cứu tế đỏ, Nguyễn Thị Minh Khai được trả tự do. Sau khi ra tù, Nguyễn Thị Minh Khai đã bắt liên lạc với tổ chức Đảng và công tác trong Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng. Giữa năm 1934, đồng chí được Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva cùng với đồng chí Lê Hồng Phong và Hoàng Văn Nọn. Cuối năm 1934, đoàn lên đường sang Liên Xô. Tháng 7-1935, diễn ra Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu trẻ tuổi nhất tham dự Đại hội. Trong phiên họp thứ 40, chiều 16-8-1935, với tư cách là đại biểu phụ nữ trong đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương, Minh Khai lúc đó lấy tên là Phan Lan, trước hơn 500 đại biểu thay mặt cho 65 Đảng Cộng sản có mặt hôm ấy đã nói lên niềm tự hào và khẳng định ý chí quyết tâm của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước phương Đông, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa: "Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng ở nước chúng tôi, lần đầu tiên từ ngày có Đảng Cộng sản của chúng tôi, một phụ nữ như tôi, nữ đảng viên cộng sản Đông Dương, được hân hạnh chẳng những tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản, mà còn từ diễn đàn Đại hội được báo cáo đến các đồng chí Tây Âu, đến công nhân nam nữ toàn thế giới rằng, chúng tôi là những nữ công nhân, nông dân các nước Phương Đông, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, những người khổ cực gấp bội hơn các đồng chí Tây Âu đã bước vào con đường đấu tranh cách mạng...". Tham luận của Phan Lan được Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh, thu hút sự chú ý và tình cảm của nhiều người. Chính những hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai trong những ngày tham dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản, học tập tại Trường Đại học Phương Đông, Quốc tế Cộng sản hiểu rõ hơn về cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam, công nhận Đảng ta là một phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản.

 Trong những năm tháng tham dự Đại hội VII, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã có những đóng góp quan trọng cho thành công chung của Đại hội. Sau đó, theo yêu cầu của cách mạng, hai người đã về nước và trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc, có công lao to lớn và đóng góp quan trọng đối với việc gây dựng tổ chức, vực dậy phong trào đấu tranh cách mạng ở vào những giai đoạn vô cùng khó khăn, thử thách.

Nguyễn Thị Minh Khai - người con ưu tú của quê hương Nghệ An, người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã sánh bước cùng chồng mình- đồng chí Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư thứ hai của Đảng ta, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản trên từng chặng đường cách mạng cam go nhất. Tên tuổi đồng chí gắn liền với một giai đoạn đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Cuộc đời hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi nhưng đầy kiên trung và nhiệt huyết của đồng chí là tấm gương sáng để các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ noi theo.

                                                                    Nguyễn Thị Hồng Vui 

                                                          Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 


1 Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí- Nhà xuất bản khoa học xã hội, hà Nội, 1992, tập 1, trang 63.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng


Thành phố Vinh tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Thành phố Vinh tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương


Thường trực Tỉnh ủy giao ban với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội

Thường trực Tỉnh ủy giao ban với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội


Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ dự Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Chỉ thị về đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ dự Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Chỉ thị về đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng


Khánh thành Tượng đài V.I.Lê-nin ở Thành phố Vinh

Khánh thành Tượng đài V.I.Lê-nin ở Thành phố Vinh


Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh làm việc với Bí thư, Chủ tịch các huyện, thành, thị

Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh làm việc với Bí thư, Chủ tịch các huyện, thành, thị


Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án truyền tải điện tại Nghệ An

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án truyền tải điện tại Nghệ An


Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù mới cho Nghệ An tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù mới cho Nghệ An tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội


Các đơn vị thuộc Vụ địa bàn III UBKT Trung ương giao ban công tác kiểm tra, giám sát quý I

Các đơn vị thuộc Vụ địa bàn III UBKT Trung ương giao ban công tác kiểm tra, giám sát quý I


Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Trao quyết định Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh

Trao quyết định Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh


Nghệ An: Điều động, bổ nhiệm 4 Phó Giám đốc các Sở

Nghệ An: Điều động, bổ nhiệm 4 Phó Giám đốc các Sở


Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17


Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An


Chủ tịch Quốc hội đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc

Chủ tịch Quốc hội đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc