Banner Tỉnh ủy Nghệ An (Home-latest-1)

Kết quả bước đầu trong xây dựng mô hình “DÂN VẬN KHÉO” trên lĩnh vực văn hóa-xã hội ở huyện Diễn Châu

Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”, đây được xem như “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng ta, tiếp nối truyền thống của cha ông về vai trò của Nhân dân “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, thể hiện sự coi trọng sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Kết thúc bài báo đó, Người căn dặn “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Hơn Bảy mươi năm qua, những lời Bác dạy trong bài báo “Dân vận” đã trở thành ý thức chính trị và là phương châm hành động cách mạng để Đảng ta yêu cầu cán bộ, đảng viên, hệ thống chính trị các cấp phải “tôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin[1]. Và đặc biệt, đã hình thành một phong trào cách mạng sôi nổi trong toàn Đảng và toàn dân đó chính là “Dân vận khéo”. Huyện Diễn Châu là một trong những địa phương thực hiện tốt nội dung trên, đặc biệt trong xây dựng mô hình dân vận khéo để phát triển văn hóa - xã hội.

Huyện Diễn Châu có 39 đơn vị hành chính cấp xã (38 xã, 01 thị trấn) trong đó có 22 xã vùng giáo; 01 xã miền núi, 04 xã vùng bán sơn địa, 09 xã vùng biển, còn lại là các xã vùng lúa và vùng màu; dân số trên 30 vạn người. Đảng bộ huyện có 83 đảng bộ, chi bộ cơ sở với trên 14.800 đảng viên[2]. Những năm qua, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động thực hiện "Âm mưu diễn biến hòa bình", kích động, lợi dụng khoét sâu các mâu thuẫn xã hội, các vấn đề "dân tộc", "tôn giáo", "dân chủ" "nhân quyền" để chia rẽ Đảng, Chính quyền với Nhân dân, gây sức ép chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc... Yêu cầu đặt ra là phải không ngừng tăng cường công tác dân vận để góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch và để khắc phục mọi khó khăn, hạn chế. Trong giai đoạn 2015 - 2019, Diễn Châu tập trung dồn sức huy động mọi nguồn lực để thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư phát triển, thực hiện thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trọng điểm... Những nhiệm vụ chính trị đó liên quan trực tiếp tới đời sống, quyền lợi của bà con nhân dân, đòi hỏi năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị, do vậy càng cần nhiều các mô hình dân vận khéo (DVK) được xây dựng, tổ chức thực hiện và nhân ra diện rộng.

Thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về xây dựng các mô hình, điển hình, đẩy mạnh phong trào thi đua DVK, Ban Thường vụ Huyện ủy Diễn Châu đã ban hành Đề án số 04-ĐA/HU về xây dựng các mô hình, điển hình, đẩy mạnh phong trào thi đua DVK trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020. Đồng thời ban hành Quyết định số 90-QĐ/HU để thành lập Ban Chỉ đạo phong trào thi đua DVK của huyện gồm 21 thành viên và thực hiện kiện toàn khi có thay đổi thành viên chủ chốt; thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đều ban hành kế hoạch chỉ đạo và nhân rộng mô hình DVK. Định kỳ 6 tháng, năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá kết quả thực hiện phong trào DVK trên địa bàn. Sự quan tâm lãnh đạo của Huyện ủy chính là cơ sở quyết định những thành công nhất định trong thực hiện DVK ở Diễn Châu.

Trong phong trào đó, lực lượng “chủ công” là Ban Dân vận Huyện ủy. Trong 5 năm, Ban Dân vận Huyện ủy đã ban hành 26 văn bản (quyết định: 01, kế hoạch: 08, thông báo: 2, công văn: 10, báo cáo: 10) để chỉ đạo thực hiện DVK. Hằng năm, để công tác DVK được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, Ban đã tham mưu kế hoạch để chỉ đạo xây dựng và nhân rộng mô hình, xây dựng chương trình công tác chỉ đạo phong trào, đề ra kế hoạch kiểm tra kết quả phong trào thi đua, công văn về việc đẩy mạnh phong trào thi đua, báo cáo về nội dung phong trào thi đua xây dựng mô hình, phân công các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên của Ban trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và thành lập các đoàn kiểm tra, thẩm định mô hình DVK tại cơ sở. Từ đó, UBND huyện, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp huyện hàng năm đều đưa nội dung xây dựng mô hình DVK vào chương trình công tác năm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, các ngành từ huyện đến cơ sở tiến hành đăng ký, xây dựng mô hình DVK, phân công người theo dõi chỉ đạo triển khai thực hiện; phát động, tổ chức các cơ sở, đoàn viên, hội viên xây dựng mô hình DVK với các nội dung, hình thức thiết thực phù hợp với đặc điểm cụ thể của các địa phương, đơn vị; định kỳ, báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy kết quả phong trào thi đua DVK trên địa bàn. Từ đó, cả hệ thống chính trị cấp huyện và cơ sở ở Diễn Châu đều tích cực vào cuộc để xây dựng các mô hình DVK.

Nổi bật lên trong phong trào đó là xây dựng mô hình DVK để phát triển văn hóa - xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là ở khối xóm triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả, số lượng các mô hình ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng được nâng lên. Giai đoạn 2015 - 2019, toàn huyện đã xây dựng được 416 mô hình về lĩnh vực văn hóa - xã hội. Các đảng bộ, chi bộ cơ sở đã biết lựa chọn mô hình thiết thực, biết “chọn điểm, chọn nội dung, chọn việc, chọn khâu, chọn phương pháp”, biết “dựa vào dân, phát huy dân chủ, huy động sức dân” để chỉ đạo xây dựng mô hình đạt hiệu quả cao, được đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực. Các mô hình tiêu biểu như vận động Nhân dân hiến đất nâng cấp các cơ sở văn hóa, khu thể thao ở các thôn xóm, phong trào xây dựng nếp sống văn hóa; từ thiện nhân đạo; tuyên truyền vệ sinh môi trường... đã có hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong thời kỳ mới, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.

Sôi nổi nhất là phong trào xây dựng các danh hiệu văn hóa, nếp sống văn hóa ở các xã, thị trấn dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tập trung vận động Nhân dân tập trung mô hình DVK xây dựng xóm, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu theo tiêu chí mới mà Thủ tướng Chính phủ quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018. Qua kiểm tra đánh giá, hầu hết các nhà văn hóa đều hoạt động hiệu quả, có phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT sôi nổi; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các xã, thị trấn đã lựa chọn mô hình xây dựng tổ dân phố, xóm đạt văn hóa cấp huyện; hàng năm tích cực vận động 100% hộ gia đình tham gia đăng ký gia đình văn hóa, cuối năm có tổ chức bình xét số hộ đạt chuẩn. Các mô hình DVK xây dựng và duy trì đội văn nghệ quần chúng, trong đó trọng tâm là xây dựng các đội văn nghệ nòng cốt phục vụ tốt cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của huyện. Các mô hình DVK về thành lập các câu lạc bộ thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, kéo co... được duy trì thường xuyên góp phần cổ vũ Nhân dân nâng cao tinh thần rèn luyện và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân. Việc xây dựng các mô hình DVK trong lĩnh vực văn hóa góp phần cùng các xã, thị trấn quản lý có hiệu quả các nhà văn hóa, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, công tác an ninh trật tự được thực hiện tốt, các tệ nạn xã hội giảm.

Bên cạnh các xã, thị trấn, việc xây dựng mô hình DVK trong lĩnh vực văn hóa cũng được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt. Trung tâm Dân số, KHHGĐ huyện đã chỉ đạo các hội trong việc gắn thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới với xây dựng các mô hình như “Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân”, mô hình “Nam giới với công tác dân số KHHGĐ”, mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”… góp phần nâng cao chất lượng dân số, nâng cao ý thức về sức khỏe, giới tính trong Nhân dân. Trung tâm y tế với mô hình DVK “Tăng cường giám sát dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân” được triển khai rộng khắp tại 39/39 xã, thị trấn và mang lại hiệu quả thiết thực. Đảng bộ Bệnh viện với các mô hình DVK được xây dựng và có hiệu quả rõ nét như: “Giao tiếp ứng xử”; “Hiến máu nhân đạo”; “Nấu cháo tình thương”; “Tủ áo ấm tình thương”’ “Hòm từ thiện”… Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Hội người Cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên các cấp đã vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên xây dựng các mô hình DVK sát với tình hình thực tế, hoạt động của hội mình như: Hội Phụ nữ với mô hình dân vận khéo “Vườn xanh - nhà sạch - đường nở hoa”, “Phụ nữ Diễn Châu tự tin, tự trọng sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”... Đoàn Thanh niên với mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp”; “Mỗi ngày một việc tốt”...; Hội Nông dân với mô hình “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi”; mô hình “Lúa phân bón hữu cơ”...; Hội Cựu Chiến binh cùng Đoàn Thanh niên xây dựng mô hình “Bí thư Chi đoàn danh dự”... Với sự vào cuộc của tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, phong trào DVK phát triển văn hóa - xã hội đã thực sự lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân tham gia.

Và đặc biệt, sự lan tỏa của phong trào đã làm nên các mô hình mang tính cộng đồng, khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của đông đảo bà con nhân dân cho công tác xã hội. Một số mô hình, cách làm hay như: mô hình “3 sạch”, “sử dụng làn và các túi thân thiện với môi trường, nói không với túi nilon”, “sử dụng thùng rác có nắp đậy hợp vệ sinh môi trường”, “cổng trường an toàn giao thông”… thực sự đã tạo những chuyển biến rõ nét trong đời sống của Nhân dân huyện Diễn Châu.

Với sự quyết liệt của các cơ quan hữu quan, sự quyết tâm của Nhân dân đã giúp cho phong trào này thấm sâu vào từng lĩnh vực, len lỏi trong mọi mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội... Các cấp, các ngành đã khéo léo kết hợp phát triển kinh tế đi đôi bảo tồn giá trị văn hóa thông qua việc phát huy các làng nghề truyền thống. Hiện nay, ở Diễn Châu có 16 làng nghề và 8 làng có nghề. Một số làng nghề tiêu biểu như: làng nghề đan lát truyền thống, sản xuất bánh đa, bánh kẹo, nghề bún bánh, kết chổi đót, mộc dân dụng, làm trống, tơ tằm, chế biến hải sản, chế biến lương thực, nghề sản xuất bánh lá, nghề đóng thuyền... đóng vai trò quan trọng trong nâng cao đời sống Nhân dân đồng thời giữ gìn bản sắc quê hương. Ngoài ra là các mô hình DVK vừa mang đậm ý nghĩa xã hội, vừa có ý nghĩa chính trị sâu sắc, gắn với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh, của huyện đã nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân như: mô hình “Làm theo lời Bác” của Đoàn Thanh niên, mô hình “Đội văn nghệ chào mừng 1390 năm danh xưng Diễn Châu”,  mô hình “Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXI”... Có thể nói ở từng cấp, trên từng lĩnh vực, trong từng bộ phận dân cư, DVK để phát triển văn hóa luôn đồng hành, có mặt và góp phần “nâng đỡ giá trị” tạo nên những nét riêng biệt cho huyện Diễn Châu.

Đánh giá cao những cố gắng của phong trào xây dựng mô hình DVK trong phát triển văn hóa - xã hội, chính quyền Diễn Châu đã tôn vinh một số mô hình nổi bật, những điển hình tiêu biểu như: Mô hình trong vận động nhân dân xây dựng nhà văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa: Tổ Dân vận xóm 22 (xã Diễn Phú), Tổ Dân vận xóm Đông Tác (xã Diễn Phong), Tổ Dân vận xóm 6 (xã Diễn Hạnh), Tổ Dân vận làng Tân Cao (xã Diễn Nguyên)... Mô hình vận động từ thiện nhân đạo: Khối Dân vận xã Diễn Hoa, Đoàn xã Diễn Hồng, Hội liên hiệp Phụ nữ xã Diễn Bích, Tổ Dân vận xóm 7 xã Diễn Tháp, đồng chí Nguyễn Thị Toàn, Chi hội trưởng Phụ nữ xóm 6 xã Diễn Hạnh... Mô hình vận động tài trợ xây dựng trường học: đồng chí Hồ Thị Tiết, Hiệu trưởng trường Tiểu học Diễn Thắng, Trường THCS Vạn Phong xã Diễn Vạn... Mô hình trồng các tuyến đường hoa, vệ sinh môi trường: Hội liên hiệp Phụ nữ xã Diễn Quảng, Hội Cựu Chiến binh xã Diễn Thọ, đồng chí Lê Hữu Nghiệm, Bí thư Chi bộ xóm 7 xã Diễn Yên, đồng chí Trương Thị Bốn, Chi hội trưởng xóm 3 xã Diễn Liên; đồng chí Hồ Sỹ Năm, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Diễn An... Từ đó góp phần tạo động lực để cả hệ thống chính trị và Nhân dân Diễn Châu hăng hái thực hiện các mô hình DVK, nhất là trong lĩnh vực phát triển văn hóa, xã hội.

Như vậy, trải qua 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, Đề án số 04 - ĐA/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về mô hình DVK, ở Diễn Châu đã đạt được những thành tựu nhất định. Thông qua đó, nền kinh tế của huyện đã có bước phát triển khá, văn hóa có nhiều tiến bộ, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống Nhân dân được nâng cao, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị có nhiều tiến bộ; mối quan hệ giữa Đảng với Dân được củng cố bền chặt. Những thành tựu đó cũng mới chỉ là bước đầu, tuy nhiên đã thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hòa mình của các tầng lớp nhân dân, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá...

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong phong trào DVK nói chung, DVK để phát triển văn hóa - xã hội nói riêng, vẫn còn có một số hạn chế nhất định. Nhận thức, trách nhiệm của một số ít cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước còn chưa tốt; thiếu quan tâm đôn đốc chỉ đạo thực hiện Đề án. Phong trào DVK chưa mạnh, chưa đồng đều giữa các địa phương, đơn vị. Việc chỉ đạo thực hiện một số đơn vị còn lúng túng, quy trình xây dựng mô hình chưa chặt chẽ, việc chọn các mô hình chưa sát, chưa thật sinh động, thiết thực, sức lan tỏa chưa mạnh. Một số nơi chưa quan tâm lựa chọn các việc cần, việc khó đặt ra tại địa phương, cơ sở để chỉ đạo xây dựng mô hình. Một số cơ sở chưa quan tâm đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức thẩm định đánh giá mô hình, tham quan, học tập rút kinh nghiệm, chưa thực hiện sơ kết, tổng kết đảm bảo quy định, nên chưa động viên, khích lệ, phát triển và nhân ra diện rộng. Cá biệt có 4 đơn vị không lựa chọn, suy tôn được điển hình, gồm xã Diễn Lợi, Diễn Lộc, Diễn Minh và Thị trấn... Việc khắc phục các hạn chế, khuyết điểm nêu trên chính là giải pháp cấp bách và yêu cầu đầu tiên để thực hiện DVK trên địa bàn huyện Diễn Châu trong thời gian tới. Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau:

Thứ nhất là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong việc thực hiện hiệu quả phong trào thi đua DVK tại địa phương, cơ sở đảm bảo sâu sát, thiết thực, hiệu quả, bám vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các điều kiện cụ thể, các vấn đề đặt ra tại địa phương, đơn vị để triển khai xây dựng mô hình, điển hình. Kết hợp hiệu quả phong trào thi đua DVK với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chỉ đạo thực hiện hiệu quả 10 nội dung khéo, 5 phương châm, 5 phương pháp khéo với tiêu chí "Gần dân, trọng dân, lắng nghe, học hỏi nhân dân"; thực hiện "Hiểu sâu, biết rõ, nói đúng, làm hay, vận động khéo" trong vận động Nhân dân. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng điển hình.

Thứ hai là, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống Dân vận, Mặt trận, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai cụ thể để xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình DVK thiết thực, hiệu quả, có tính bền vững, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.

Thứ ba là, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào DVK các cấp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Thường xuyên kiện toàn tổ chức và tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở về công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thứ tư là, kiên trì thực hiện 10 nội dung chủ yếu trong xây dựng các mô hình DVK đặc biệt các nội dung liên quan phát triển văn hóa - xã hội như: khéo trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng khu dân cư tiên tiến; khéo trong huy động các nguồn lực để xây dựng trường đạt chuẩn, vận động xã hội hoá giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng “gia đình hiếu học”, xây dựng xã hội học tập; khéo trong việc đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, chăm sóc gia đình chính sách, người nghèo, người neo đơn, cơ nhỡ, người cao tuổi, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam... khéo trong vận động các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo, các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong tôn giáo thực hiện “Sống tốt Đời, đẹp Đạo; kính Chúa, yêu Nước”; trong vận động giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, đảm bảo an ninh trật tự, đoàn kết lương-giáo ở vùng giáo; khéo trong vận động tổ chức lực lượng tham gia các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông...

Có thể thấy, văn hóa là lĩnh vực có ảnh hưởng lớn và luôn thẩm thấu vào tất cả các lĩnh vực khác của xã hội, góp phần trực tiếp tạo nên giá trị và chất lượng phát triển từ kinh tế, chính trị đến pháp luật, đạo đức... Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cùng với Nhân dân Diễn Châu đã tạo ra một phong trào DVK sôi nổi trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, góp phần quan trọng để toàn huyện Diễn Châu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm giai đoạn 2015 - 2019. Đó là động lực quan trọng để thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị ở Diễn Châu hăng hái hơn nữa trong thực hiện DVK đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa - xã hội góp phần xây dựng huyện Diễn Châu ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy 

Nguyễn Thị Hồng Giang, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh 

 


[1] Nghị quyết 25-NQ/TW khóa XII về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”

[2] Báo cáo số 477-BC/HU ngày 22/10/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy Diễn Châu về kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015- 2019, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2020- 2024

Tin cùng chuyên mục

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân


Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả


Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch

Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch



Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954

Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954


Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững


Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển

Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển


Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp


“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận

“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận


Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay


Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp

Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp


Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn

Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn


Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương

Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương


Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An

Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An