Banner Ban dân vận tỉnh ủy sub-site-1

Công tác Dân tộc tỉnh Nghệ An phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển

Sau 75 năm xây dựng và phát triển, vị trí, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác dân tộc ở Nghệ An ngày càng được nâng lên trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với 16.487 km2; trong đó có 13.745 km2 diện tích vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Dân số toàn tỉnh hiện có 3.327.791 người, trong đó, dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi  trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh). Đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh và chiếm 40,93% dân số trên địa bàn miền núi, có 47 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số có số đông chủ yếu là: Thái (338.559 người), Thổ (71.420 người), Khơ Mú (43.139 người), Mông (33.957 người), Ơ Đu (411 người)[1]. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An gồm 252 xã, 1.339 thôn, bản (trong đó có 106 xã thuộc khu vực III, 100 xã khu vực II và 46 xã khu vực I; 1.182 thôn bản ĐBKK).

Ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58/SL về việc thành lập Nha Dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện Sắc lệnh số 58/SL, ngày 03/11/1946, tại làng Yên Dũng Thượng, thành phố Vinh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ III khai mạc. Đại hội quyết định thành lập “TY QUỐC DÂN THIỂU SỐ” để giúp Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh chỉ đạo các huyện miền núi và lo việc “Tổ chức, giáo dục tư tưởng và mưu lợi ích cho đồng bào các dân tộc ít người”[2]. Như vậy, Nghệ An là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thành lập cơ quan chuyên trách về công tác dân tộc thiểu số dưới sự quản lý trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh. Trưởng ty Quốc dân thiểu số đầu tiên là đồng chí Lương Vĩnh Phúc, Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh.

 Giai đoạn 1946 - 1954, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn từ sau khi thành lập nhưng Ty quốc dân thiểu số đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng bộ tỉnh Nghệ An giao. Trong bối cảnh chống thù trong giặc ngoài (thực dân Pháp kéo quân vào chiếm đóng Mỹ Lý, Mường Lống (1948), uy hiếp mạnh vùng Tương Dương và Quỳ Châu; Một số bè lũ tay sai và tàn dư của chế độ cũ dưới sự lối kéo của thực dân Pháp đã quay lại chống phá chính quyền non trẻ sau Cách mạng Tháng Tám) Ty quốc dân thiểu số đã tham mưu cho Tỉnh ủy triển khai các phong trào phù hợp với từng thời điểm. Khi chính quyền lâm thời sau Cách mạng Tháng Tám chủ yếu do những người bộ máy chính trị cũ đảm nhiệm, chỉ thay đổi chức vụ. Trước là tri phủ, tri huyện, bang tá, nay là chủ tịch, phó chủ tịch huyện; trước là cai, phó tổng, lý trưởng nay là chủ tịch, phó chủ tịch xã, như: Sầm Văn Viên, Chủ tịch lâm thời huyện Quỳ Châu nguyên là Tri phủ; Sầm Văn Cương, Phó Chủ tịch huyện vốn là Thông phán Đại lý Phủ Quỳ của thực dân Pháp... với tình hình thực tế đó Đảng bộ tỉnh giao nhiệm vụ: “Ra sức thu phục các tù trưởng, thổ ty, lang đạo, nhằm củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại những luận điệu tuyên truyền chia rẽ của địch và tăng cường nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc”, “Tùy từng trường hợp ở mỗi nơi, có thể giữ chế độ tù trưởng nhưng phải có thái độ đối với từng loại, khoan dung đối với những người chịu hối cải, kiên quyết trừng trị bọn quấy rối trị an”[3]. Trong lúc bàn biện pháp xây dựng các huyện miền núi (ngày 25/11/1948), Tỉnh ủy chủ trương “trước hết phải nắm lấy quần chúng, tổ chức quần chúng, gây cơ sở chính trị, tăng cường cơ quan lãnh đạo”. Ty Quốc dân thiểu số được Tỉnh ủy giao cho trách nhiệm cùng các ngành, các đoàn thể tham gia vào công tác vận động đồng bào các dân tộc miền núi và coi đó là “công tác chung”…

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp đã lợi dụng sự mê tín và trình độ dân trí thấp, sự phát triển không đồng đều giữa các dân tộc, tính thật thà chất phác của đồng bào miền núi để thực hiện âm mưu chia rẽ Nhân dân, phá khối đại đoàn kết của Nhân dân ta. Chúng lừa dối dụ dỗ và lừa phỉnh đồng bào bằng nhiều cách như: Rải truyền đơn bằng chữ Thái do tay sai của chúng đưa vào nội địa ta để vận động ủng hộ Bảo Đại, nói xấu Chính phủ và Mặt trận Việt Minh; Chúng dựa vào dân tộc Thái có trình độ hiểu biết và giác ngộ chính trị tương đối cao để cai trị các dân tộc khác… Trước âm mưu chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp và tay sai phản động, Cán bộ Ty Quốc dân thiểu số đã xác định mục đích của việc tổ chức, giáo dục tư tưởng, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ cho đồng bào các dân tộc nhằm nâng cao lòng tin tưởng của Nhân dân vào Đảng và Chính phủ, vào cuộc kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi, tin tưởng vào lực lượng to lớn, quyết định thắng lợi của Nhân dân. Các ban thông tin được thành lập và có người phụ trách việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, thường xuyên đọc báo, đọc tin tức cho Nhân dân nghe. Ty Quốc dân thiểu số cũng đã thành lập các đội tuyên truyền lưu động, tổ chức đi diễn kịch, triển lãm tranh ảnh đến tận Nhân dân vùng sâu vùng xa; cử cán bộ thực hiện “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Sau thất bại ở chiến dịch Việt Bắc (1947), thực dân Pháp thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Ở miền núi Nghệ An, thực dân Pháp đã mua chuộc, dụ dỗ một số lang đạo, chủ đất có thế lực như anh em Sầm Văn Viên ở Quỳ Châu để thực hiện âm mưu của chúng. Lợi dụng chức vụ trong chính quyền cùng với sự chỉ đạo của thực dân Pháp,  Sầm Văn Viên bí mật lôi kéo, tập hợp các chủ đất, các thổ ty, lang đạo ở các huyện Quỳ Châu, Tương Dương (Nghệ An), Quan Hóa, Thường Xuân, Lang Chánh (Thanh Hóa) lập ra Đảng “Bào Ca tày hắc mương muột”. Âm mưu của thực dân Pháp là thông qua tổ chức phản động này mà lôi kéo Nhân dân các dân tộc thiểu số lập nên “Xứ Thái tự trị Thanh - Nghệ”, nhằm chia rẽ đồng bào người Kinh với đồng bào miền núi, lập chính quyền rồi đưa Pháp về thống trị. Trước âm mưu thành lập “Xứ Thái tự trị Thanh - Nghệ” Ty Quốc dân thiểu số được giao nhiệm vụ “Ra sức thu phục các tù trưởng, thổ ty, lang đạo nhằm củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại những luận điệu tuyên truyền chia rẽ của địch và tăng cường nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc”[4]. Với nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động được triển khai thực hiện ví dụ như: Các cuộc vận động “Thi đua ái quốc”, “công phiếu kháng chiến”, “Tuần lễ ủng hộ Bình Trị Thiên”, phong trào vận động “tự túc ăn mặc”, “mùa chiêm chiến thắng” phong trào giáo dục,... được tuyên truyền sôi nổi, đến tận mọi người dân. Tất cả những hoạt động của Ty Quốc dân thiểu số đã đập tan âm mưu của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, góp phần cho thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ngày 07/5/1954.

Giai đoạn 1954 - 1975: Tháng 5/1955, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về việc tổ chức cơ quan dân tộc ở cấp khu và cấp tỉnh. Chỉ thị yêu cầu: Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc, do đó, phải tổ chức các cơ quan trực tiếp giúp cho các cấp ủy trong việc chỉ đạo công tác ở các vùng dân tộc thiểu số. Ở các tỉnh, cần tổ chức Tiểu ban Dân tộc tỉnh (thay thế Ty Quốc dân thiểu số) trực tiếp giúp cho tỉnh ủy. Ngày 11/7/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Chỉ thị số 147-­CT/TW về việc tăng cường lãnh đạo công tác củng cố và mở mang miền Tây các tỉnh Liên khu 4 cũ. Thực hiện Chỉ thị 147 của Trung ương, tháng 8/1959, Tỉnh ủy Nghệ An đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo miền Tây thay thế cho Tiểu Ban Dân tộc tỉnh. Năm 1968, Ban Chỉ đạo miền Tây giải thể, Ban Dân tộc được tái lập. Cùng với đó, ngày 09/5/1968, Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An ra quyết định thành lập  Ban miền núi. Trải qua các giai đoạn lịch sử và nhằm phù hợp với chức năng nhiệm vụ theo từng thời kỳ cơ quan công tác Dân tộc tỉnh Nghệ An đã nhiều lần tiến hành đổi tên: Ban Miền núi (1976 - 1985); Ban Dân tộc (1985 - 1992); Ban Dân tộc và Miền núi (1992 - 2004); Ban Dân tộc (2004 - nay) với cơ cấu tổ chức gồm 5 phòng (Văn phòng, Thanh tra, Tuyên truyền và Địa bàn, Chính sách Dân tộc, Kế hoạch - Tổng hợp) và 01 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm hỗ trợ và phát triển vùng DTTS.   

Giai đoạn 2015-2020: Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và triển khai kế hoạch, chỉ đạo điều hành, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp thực hiện công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước để nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành, quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; nhiều chương trình phối hợp triển khai, thực hiện chính sách dân tộc được các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quan tâm ký kết và thực hiện hiệu quả.

Sau hơn 05 năm (2015-2020), thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng vùng miền Tây bằng các nguồn lực đầu tư từ Chương trình 135, Chương trình 30a, nông thôn mới... và các nguồn lực khác đã tạo ra chuyển biến quan trọng. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng; hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư; hệ thống lưới điện được tiếp tục đầu tư nâng cấp; các công trình y tế được cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang hơn... Bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng miền Tây giảm 3-4%/năm (riêng các huyện 30a, những năm gần đây giảm bình quân 6%/năm).

Công tác giáo dục và đào tạo vùng miền Tây có nhiều tiến bộ tích cực. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt tỷ lệ 61,8%. Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi được duy trì ở mức cao. Công tác giáo dục nghề nghiệp vùng miền Tây được quan tâm và có nhiều chuyển biến rõ nét, chất lượng giáo dục nghề nghiệp từng bước được nâng cao hơn, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp dần được quy hoạch, phát triển khá đồng bộ.

Công tác phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Đến nay, có 100% xã vùng DTTS có trạm y tế, trong đó 92,2% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế có bác sĩ. Công tác cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tương đối đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được sử dụng các dịch vụ y tế. 

Đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các DTTS cũng được nâng lên rõ rệt. Hiệu quả từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã đem lại những chuyển biến tích cực, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp, đồng thời đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, hướng tới nếp sống văn minh. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá đạt 78,7%; tỷ lệ làng, bản, khối, xóm đạt chuẩn văn hoá đạt 53,1%. Định kỳ 5 năm 02 lần tỉnh tổ chức Hội diễn văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được chú trọng phát triển.

Công tác thông tin, tuyên truyền được chú trọng hoàn thiện và nâng cao, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến đồng bào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách dân tộc đang thực hiện trên địa bàn, các chuyên mục hướng dẫn phát triển kinh tế. Hiện nay, 100% các xã vùng miền Tây thực hiện phát thanh và được phủ sóng truyền hình bằng tiếng dân tộc hoặc song ngữ tiếng dân tộc, tiếng Việt; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; 100% số xã có bưu điện văn hóa; duy trì tỷ lệ dân cư được xem truyền hình đạt 100%; mạng truyền dẫn phát triển rộng khắp, cáp quang đến 100% trung tâm huyện và khoảng 92% trung tâm các xã. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. Đến năm 2020, trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 121/252 xã đạt chuẩn nông thôn mới, và 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Như vậy, sau 75 năm xây dựng và phát triển, vị trí, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác dân tộc ở Nghệ An ngày càng được nâng lên trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Công tác dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng; hệ thống chính sách dân tộc được thực hiện đầy đủ, khá kịp thời, chuyển dần từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật từng bước được đầu tư xây dựng và nâng cấp; tỷ lệ hộ nghèo giảm.

                            Phan Thanh Đoài 

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ 

 


[1] Theo số liệu Điểu tra thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

[2]Lịch sử Đảng bộ huyện Quỳ Châu, Nxb Nghệ An, tr. 42

[3] Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An tháng 11/1946. Lưu tại Phòng Lưu trữ Tỉnh ủy.

[4] Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An, tháng 11/1946.

Tin cùng chuyên mục

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân

Tương Dương làm tốt công tác tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân


Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

Nghệ An, địa phương tuyên truyền, vân động nhân dân thực hiện Luật Cảnh sát biển với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả


Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch

Huyện miền núi Con Cuông gắn công tác dân vận với phát triển du lịch



Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954

Công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 - 1954


Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài học kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng


Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững


Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển

Mô hình kết nối ngư dân bảo vệ an ninh tuyến biển


Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp

Bảo hiểm xã hội Nghệ An đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp


“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận

“Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” thực hiện tốt công tác dân vận


Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay

Một số giải pháp phát huy tính Đảng của đảng viên trong giai đoạn hiện nay


Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp

Giải pháp tăng cường cán bộ có bản lĩnh, trình độ, năng lực cho địa bàn trọng điểm, lĩnh vực khó khăn, phức tạp


Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn

Gắn thực hiện công tác dân vận chính quyền với xây dựng sản phẩm OCOP ở Nam Đàn


Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương

Mô hình “Góp gạch xây dựng trường cho em” của Hội Nông dân huyện Đô Lương


Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An

Đổi mới phương thức hoạt động ở Hội Nông dân Nghệ An