Banner Ban tuyên giáo sub-site-1

Ảnh hưởng của truyền thống gia đinh, quê hương đến việc hình thành nhân cách, lý tưởng cách mạng của Đồng chí Phùng Chí Kiên

Diễn Châu - mảnh đất sơn thủy hữu tình có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, nổi tiếng là vùng địa linh nhân kiệt, có truyền thống hiếu học, chuộng văn chương, có tỉ lệ người đỗ đạt cao dẫn đầu các khoa thi.

Vùng đất này còn có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, đã từng là phên dậu, là bãi chiến trường trong nhiều thế kỷ, người dân phải gồng mình chống chọi với thiên tai, địch họa khiến cho con người trở nên nghị lực, can trường và cũng rất cương trực, khảng khái. Nơi đây đã sản sinh ra bao anh hùng hào kiệt, bao thi nhân, thi sĩ và các nhà khoa bảng, anh hùng dân tộc, lãnh tụ nổi tiếng - trong đó có Phùng Chí Kiên - người chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản mẫu mực, nhà chính trị, quân sự song toàn. 

Đồng chí Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ (bí danh khác: Mạnh Văn Liễu, Nguyễn Hào, Như Bách, Phùng, Lý, Kan...), sinh ngày 18/5/1901 trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Diễn Yên có vị trí thuận lợi về giao thông, có đường quốc lộ 1A, có đường sắt và con đường tỉnh lộ chạy qua nên từ xưa đã trở thành trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế và quân sự. Bởi vậy, nhân dân Diễn Yên từ xưa đã được giao lưu, tiếp xúc nhiều nên rất nhạy bén với thời cuộc và sớm có tư tưởng tiến bộ, sớm tiếp thụ tinh thần yêu nước. Những năm đầu thế kỷ XX, thanh niên, học sinh Diễn Yên lập ra các nhóm đọc sách, xem báo, mang thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và các loại tân thư, tân văn truyền bá sâu rộng trong quần chúng nhân dân;  nhiều tổ chức yêu nước được thành lập và gây dựng các cơ sở cách mạng như Chi điếm Hưng nghiệp xã ở ga Si, chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên vùng Yên Lý, Mỹ Quan...

Nguyễn Vĩ là hậu duệ đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn - một dòng họ có truyền thống cách mạng và hiếu học, là dòng tộc phát đạt, con cháu đông đúc, thi đậu văn khoa, võ cử hơn người. Trong phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ XX, hàng trăm con em họ Nguyễn tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, 21 người con dòng họ Nguyễn đã hy sinh để giữ vững nền độc lập cho dân tộc. Tiếp nối truyền thống của dòng họ, cha của Nguyễn Vĩ là ông Nguyễn Văn Khoản cũng là người ham học hỏi, được học chữ Nho, từng dự kì thi Hương ở Vinh nhưng không đỗ nên ông trở về quê dạy học và làm thầy thuốc. Ông Khoản là một người chồng, người cha chăm chỉ, chịu khó làm ăn và rất quan tâm giáo dục con cái. Mẹ đồng chí là bà Trần Thị Cúc cũng ngày đêm tần tảo lo việc đồng áng phụ giúp chồng nuôi dạy các con nên người. Dẫu khó khăn, thiếu thốn nhưng cha mẹ vẫn quyết tâm cho Nguyễn Vĩ đi học chữ Hán, sau đó vào học Trường Tiểu học Pháp - Việt mở ở tổng Hoàng Trường vì đồng chí là đứa con sớm có tư chất thông minh, dáng mạo khôi ngô, khỏe mạnh nên từ nhỏ cha mẹ đã đặt nhiều kỳ vọng. Tuổi ấu thơ lớn lên trong nghèo khó, phải chứng kiến nhiều cảnh bất công của xã hội, ruộng đất chủ yếu nằm trong tay bọn địa chủ, cường hào, người nông dân chịu cảnh sưu cao thuế nặng, bị áp bức, bóc lột... đồng chí đã sớm nhận ra sự nhiễu nhương của thời cuộc, nỗi thống khổ, đè nén của người dân dưới ách nô dịch, đô hộ của bọn thực dân phong kiến. Bối cảnh ấy, xã hội ấy khiến tâm trí của chàng thanh niên trẻ mang nhiều trăn trở, nghĩ suy. Cùng với đó, truyền thống yêu nước của gia đình và dòng họ là mảnh đất màu mỡ đầu tiên hun đúc ý chí, khát vọng, hoài bão và dẫn dắt đồng chí đến với cách mạng.

Năm 14 tuổi, sau khi đỗ sơ học yếu lược, vì gia cảnh quá khó khăn nên Nguyễn Vĩ phải nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ làm ruộng. Song, việc thôi học là một bước ngoặt mang lại nhiều cơ hội cho người thanh niên có lòng yêu nước, mang trong mình bầu máu nóng nhiệt huyết thực hiện khát vọng của mình. Nguyễn Vĩ cùng với một số thanh niên có học vấn và thức thời ở vùng cầu Bùng, Yên Lý, Hoàng Trường lập nhóm đọc sách báo tiến bộ, luận bàn chuyện thời thế, chuyện về Phan Bội Châu, chuyện về Cường Để...và ngày đêm tích cực tuyên truyền, cổ động tinh thần yêu nước cho nhân dân. Cha mẹ thấy con trai mải miết lo chuyện thế sự, chẳng mấy khi ở nhà nên quyết định cưới vợ cho đồng chí khi mới 16 tuổi với mong muốn con trai yên bề gia thất, ổn định cuộc sống bên gia đình. Song chỉ sau ngày cưới 3 ngày, đồng chí lại ra đi theo chúng bạn, đeo đuổi chí hướng riêng.

Năm 1925, theo bạn bè đồng chí vào làm thuê tại nhà máy xe lửa Trường Thi (Tp.Vinh), sau đó về làm thuê trong cửa hàng của một thương nhân Hoa Kiều tại ga Yên Lý (Diễn Châu). Đây là quãng thời gian đồng chí được giác ngộ cách mạng, mở rộng tầm nhìn, giao lưu kết bạn với nhiều người cùng chí hướng tiến bộ như Nguyễn Năng Tựu (quê Nghi Lộc) và Nguyễn Hữu Lập (Hoàng Lùn, quê Thanh Hóa). Tại đây, đồng chí gặp gỡ, giao lưu với nhiều tầng lớp, được tiếp thụ nhiều luồng tư tưởng và từng bước tiếp cận ánh sáng của tân thư, tân văn, sách của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tử Đồng, đón nhận thông tin về thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga, về phong trào cộng sản quốc tế, về hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nhưng cuối cùng, đồng chí đã giác ngộ con đường cứu nước, cứu dân chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản. Đồng chí tích cực tuyên truyền, cổ động tinh thần yêu nước, quyên góp tiền bạc ủng hộ những người xuất dương và chờ cơ hội đi tìm con đường giải phóng quê hương, đất nước.

Tháng 10-1926, với tấm thẻ căn cước của người chú ruột là Nguyễn Hào, Phùng Chí Kiên tìm đường sang Quảng Châu, Trung Quốc. Chuyến đi đầy mạo hiểm này đã đưa chàng thanh niên trẻ tuổi tràn đầy nhiệt huyết đến với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và trở thành một trong những học trò xuất sắc, cộng sự gần gũi của Người. Đến Quảng Châu, đồng chí được mang tên mới là Phùng Chí Kiên và được cử tham dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc giảng dạy. Tại đây, đồng chí gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội; sau đó được cử sang học trường Quân sự Hoàng Phố.

Tháng 2/1931, Phùng Chí Kiên được cử sang Liên Xô học trường Đại học Phương Đông. Tháng Giêng năm 1932, đồng chí tham dự Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Quốc tế III. Đầu năm 1934, đồng chí tham gia “Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng cộng sản Đông Dương”.

Tháng 3/1935, tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng tại Ma Cao (Trung Quốc) đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác đảng ở ngoài nước. Tháng 8/1936, đồng chí được cử về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở đây.

Ngày 8/2/1941, Phùng Chí Kiên cùng Nguyễn Ái Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng). Tháng 5/1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Trong cuộc vây ráp của thực dân Pháp tại khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai (tháng 6/1941) đồng chí Phùng Chí Kiên đã lãnh đạo trung đội Cứu quốc quân bảo vệ an toàn các đồng chí uỷ viên Trung ương. Trong trận chiến đấu không cân sức với kẻ thù, Phùng Chí Kiên sa vào tay giặc sau khi bắn đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh vào ngày 21/ 8/1941.

Cuộc đời hoạt động của đồng chí Phùng Chí Kiên thực sự là tấm gương cao đẹp, sáng ngời phẩm chất, đạo đức, về sự phấn đấu, cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Khí phách, tâm hồn người chiến sĩ cộng sản ấy mãi thanh cao với một sức sống mãnh liệt truyền lại cho muôn đời sau. Tinh thần ấy, khí phách ấy chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa - lịch sử mảnh đất Lam Hồng ngàn năm văn vật, truyền thống văn hóa gia đình, quê hương, của bốn bể năm châu đã hồi quy, tích tụ trong con người giàu lòng yêu nước, thức thời, nhạy bén Phùng Chí Kiên. Tấm gương sáng của đồng chí mãi lung linh, ngời sáng trong lòng người dân cả nước và thế hệ con cháu chúng ta hôm nay noi theo và học tập.

Nguyễn Thị Kim Chi 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 

Tin cùng chuyên mục

Chuyển biến trong cải cách hành chính và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT

Chuyển biến trong cải cách hành chính và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT


Công tác tham mưu xây dựng Đảng về chính trị ở Nghệ An – Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp

Công tác tham mưu xây dựng Đảng về chính trị ở Nghệ An – Thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp


Phát triển đảng viên trong Đảng bộ khối Doanh nghiệp, một số kinh nghiệm

Phát triển đảng viên trong Đảng bộ khối Doanh nghiệp, một số kinh nghiệm


Vào Đảng chưa bao giờ muộn với người đàn ông dân tộc Thái có khát vọng ở tuổi 59

Vào Đảng chưa bao giờ muộn với người đàn ông dân tộc Thái có khát vọng ở tuổi 59


Ngành Du lịch Nghệ An kỳ vọng và đổi mới trong thu hút du khách năm 2024

Ngành Du lịch Nghệ An kỳ vọng và đổi mới trong thu hút du khách năm 2024


Tiếp tục nâng cao hiệu quả câu lạc bộ thời sự trên địa bàn thị xã Thái Hòa

Tiếp tục nâng cao hiệu quả câu lạc bộ thời sự trên địa bàn thị xã Thái Hòa


Phát huy truyền thống xây dựng Bộ đội Biên phòng ngang tầm nhiệm vụ mới

Phát huy truyền thống xây dựng Bộ đội Biên phòng ngang tầm nhiệm vụ mới


Đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn giá và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc dịp Tết Giáp Thìn năm 2024

Đảm bảo cung ứng hàng hóa, bình ổn giá và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc dịp Tết Giáp Thìn năm 2024


Thu ngân sách năm 2023 – Tín hiệu chuyển biến tích cực cho kế hoạch thu năm 2024

Thu ngân sách năm 2023 – Tín hiệu chuyển biến tích cực cho kế hoạch thu năm 2024


Hiệu quả từ đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

Hiệu quả từ đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn


Đảng bộ thị xã Hoàng Mai: Nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác phát triển đảng viên

Đảng bộ thị xã Hoàng Mai: Nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác phát triển đảng viên


Người được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao trọng trách lớn

Người được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao trọng trách lớn


Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy


Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện để phát triển giáo dục và đào tạo

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện để phát triển giáo dục và đào tạo


Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc

Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc